Giáo phận Bùi Chu là một mảnh đất màu mỡ, được hân hạnh đón tiếp nhiều vị truyền giáo nhiệt thành, và có thể nói rằng các thầy Dòng Đa Minh đã đến gieo mầm mống đức tin trước hết.
Theo Khân Định Việt Sử thì năm 1533, đời vua Lê Trang Tôn, có một nhà truyền giáo tên là Inikhu đến giảng đạo tại Ninh Cường, Quần Anh và Trà Lũ… khoảng 100 năm sau mốc lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, có các thầy Dòng Đa Minh thuộc hai tỉnh dòng có trụ sở tại Maria-cao và Maria-ni-la đã lần lượt đặt chân đến đất Bùi Chu và các địa điểm khác trên dải đất Lạc hồng để rao giảng Tin Mừng. Đến khi Miền Bắc có Giáo phận và có các Giám mục coi sóc, thì năm 1679, Đức Cha Cao (Lê-dô-ni) thuộc Dòng Đa Minh đã là Giám mục đầu tiên tại Việt Nam và đến năm 1745 thì tòa thánh trao giáo phận này lúc đó bao gồm cả Giáo phận Bùi Chu. Ban đầu, hầu hết các linh mục bản quốc trong giáo phận đều khấn Dòng Đa Minh.
Mảnh vườn đức tin muốn được xanh tốt thì phải tưới bằng máu tử đạo. Các cha Dòng Đa Minh đã không ngại lấy chính máu mình để vun tưới cho mảnh đất Bùi Chu thêm quý yêu, và đã mở đầu cho hoa hồng tử đạo nở ra tự đây đó trên khắp đất Việt. Giáo phận Bùi Chu được gọi là giáo phận châu báu, có lẽ vì giáo phận đã thấm máu 26 thánh tử đạo quê hương, 18 thánh tử đạo là những Giám mục, linh mục phục vụ và được phúc tử đạo tại Bùi Chu, cùng hàng ngàn anh hùng tử đạo kiên cường minh chứng cho Đức tin. Ngày nay trong nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu còn có sáu tượng thánh Giám mục tử đạo, là bằng chứng rõ ràng cho những điều nói trên.
Được gieo mầm đức tin do các thầy Dòng Giảng thuyết và được tưới đẫm máu tử đạo của con cái thánh Đa Minh, những bông hoa đạo đức mọc lên trong vườn Bùi Chu vẫn còn đượm màu sắc của mầm mống cội nguồn ấy. Khắp các xứ họ trong Giáo phận đều có họ Mân Côi; và tràng hạt Mân Côi cùng với lòng sùng kính Đức Mẹ đều là di sản của con cái thánh Đa Minh để lại cho Giáo phận. Hội Dòng Ba Đa Minh (nay gọi là huynh đoàn giáo dân Đaminh) được nhiều người đạo đức gia nhập ngay từ đầu, và các thành viên này đã là những nhà hoạt động truyền giáo đắc lực trong thời cấm cách cũng như trong thời bình yên. Những cách tôn sùng khác trong Giáo phận, như việc dâng hoa tháng năm với những ca vãn du dương sốt sắng; việc tháo đanh và táng xác Chúa ngày thứ sáu tuần thánh với những bài suy ngẫm sầu đạm đã làm chảy bao giọt lệ thống hối, cũng là do lòng đạo đức của các cha Dòng Đa Minh.
Tóm lại, có thể nói chính thánh Đa Minh đã sai con cái người đến với dân tộc Việt Nam, đã gieo trồng và vun đắp cho cây đức tin Giáo phận Bùi Chu, đã dìu dắt, nâng đỡ Giáo phận qua những giờ phút ác liệt nhất của cơn bách hại.
Con cái Bùi Chu đã tôn nhận thánh Đa Minh là quan thầy của mỗi người và của toàn Giáo phận, và hằng năm mừng lễ người hết sức long trọng, gọi là lễ Đầu Dòng. Lễ này là một lễ đáng ghi nhớ, một ngày hội lớn của Giáo phận. Năm nào giáo hữu xa gần cũng hẹn nhau họp mặt để mừng lễ.
Sống trên mảnh đất thấm đẫm máu tử đạo, người giáo hữu Bùi Chu không thể không nhớ tới những trang sử vẻ vang mà cha ông đã dệt nên một cách hào hùng. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, người Bùi Chu sẽ mãi mãi ghi ơn Cha thánh Đa Minh và con cái người, sẽ mãi mãi vươn cao lên trong hàng ngũ những người Công Giáo, để luôn luôn xứng đáng là con cháu của các vị anh hùng đức tin, xứng đáng là những người kế tiếp sự nghiệp rạng rỡ của tiền nhân, và xứng đáng là con cái thánh Đa Minh muôn đời vinh quang.
Lời cầu nguyện: Lạy thánh Đa Minh, ngài là đuốc sáng chiếu giãi ánh sáng Tin Mừng, xin cho chúng con được biết duy trì và phát triển hạt giống đức tin mà con cái Người đã gieo trong lòng chúng con. Amen.