Tin mừng: Lc 10, 25-37
Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”
Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”
Suy niệm
Mở rộng trái tim
Khát vọng được yêu, được thương, được sống an nhiên và hạnh phúc luôn mãi – đó là ước mơ của biết bao người. Hôm nay, một nhà thông luật cũng bày tỏ khát vọng đó khi ông hỏi Chúa: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”
Để trả lời ông, Chúa Giê-su đã kể câu chuyện rất đời thường, vẫn hằng xảy ra hàng ngày. Một người đi đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị cướp trấn lột, đánh nhừ tử, dở sống dở chết nằm rên rỉ bên vệ đường. Thầy tư tế đi ngang thấy thế tránh qua bên kia đường mà đi. Thầy Lêvi cũng thế. Nhưng một người xứ Samaria – một người ngoại đạo – khi đi ngang qua đã chạnh lòng thương, dừng lại băng bó cho nạn nhân. Chưa hết, ông còn đưa nạn nhân đến quán trọ, chăm sóc, rồi gửi tiền để nhờ chủ quán tiếp tục chăm sóc nạn nhân cho đến khi bình phục.
Qua câu chuyện người xứ Samaria nhân hậu, Chúa Giê-su chỉ cho ta con đường dẫn đến sự sống đời đời. Đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô cũng là hình ảnh tượng trưng cho con đường về Nước Trời. Đó là con đường gập ghềnh khó đi. Đó là con đường nguy hiểm, vì có biết bao trộm cướp rình rập. Đó là con đường của thử thách. Và để vượt qua thử thách ấy, vũ khí duy nhất hữu ích chính là trái tim. Một trái tim chiến thắng có những phẩm chất như sau:
Đó là một trái tim biết yêu, biết thương…
Hình ảnh người xứ Samaria thật đẹp biết bao. Ông nhìn thấy nạn nhân và đã động lòng thương cúi xuống, băng bó vết thương, xức dầu, đỡ nạn nhân lên lừa, đưa về quán trọ săn sóc. Một cử chỉ, một hành động thật đẹp, không phải ai cũng làm được. Lòng nhân hậu hệ tại từ bên trong, từ một trái tim chất chứa tình yêu rộng mở, không so đo tính toán, không sợ hãi, không khép kín trong sự an toàn bản thân. Người Samari đã nghe thấu tiếng rên rỉ từ tận bên trong cõi lòng mình. Tiếng rên siết càng nhỏ, trái tim cần càng phải rộng lớn mới có thể lắng nghe. Người Samari đã không chỉ nhìn thấy bằng mắt thường nhưng bằng cả một tấm lòng bao dung, tấm lòng của Đấng đã hiến mình vì yêu.
Còn thầy Tư tế và thầy Lêvi thì sao? Họ có thái độ hoàn toàn trái ngược với người Samari – ngoảnh mặt làm ngơ, bỏ đi, khép kín lòng mình lại. Cánh cửa của trái tim đã bị đóng băng, không đủ rộng mở để lan toả tình yêu thương đến với người kém may mắn.
Đó là một trái tim biết quan tâm, thấu cảm…
Có thể nói, trái tim luôn được xem như biểu tượng của tình yêu. Người có trái tim biết quan tâm là người sẵn sàng giúp đỡ người khác, ân cần trong mọi việc, biết lắng nghe và thấu cảm – không chỉ trong công việc mà còn trong cả những tâm tư của họ. Người Samari đã rung cảm trước nỗi đau của người gặp nạn. Ông đã đặt mình vào vị trí của người gặp nạn để hiểu được cảm xúc và nỗi khổ của anh ta, hiểu được ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm của anh, và chính sự thấu cảm ấy đã thôi thúc ông hành động. Người Samari không phải là thầy thuốc, nhưng dường như có một sự an bài thiêng liêng nào đó, mà ông đã hành nghề thành thạo, với tất cả tấm lòng, với lòng mến và với sự mách bảo của con tim. Còn đối với các thầy Tư Tế và Lê vi, họ không có một trái tim biết quan tâm. Khi thấy người bị nạn, họ đã tránh sang bên kia đường mà đi. Hình ảnh về người thầy Giê-su nhân hậu không có trong họ nên tình yêu và lòng mến không được lan toả từ trái tim. Để có thay đổi trái tim khô cằn thành trái tim biết yêu thương, mỗi người chúng ta hãy ghi nhớ Lời Chúa trong sách Edekien: “Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt, để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta, tuân giữ cùng thi hành các quyết định của Ta (Ed 11, 17 -20).
Lạy Chúa, xin ban cho con trái tim của Chúa, xin đừng để con khép kín trong chính mình, nhưng xin cho con trái tim như Chúa, luôn biết quảng đại và vươn cao lên, để mặc lấy tâm tình yêu thương.
Vi Ân Thanh