“Các con không những phải nhớ và kể lại một lịch sử huy hoàng mà còn phải kiến tạo một lịch sử vĩ đại nữa. Hãy hướng về tương lai, tới chỗ mà Thánh Thần sai các con đi, để cùng với các con
làm những việc trọng đại”
(trích TH. ĐSTH, số 110 của Đức Thánh GH Gioan Phaolo II)
Phòng truyền thống của Hội dòng được khánh thành vào ngày 07/11/2014 (trùng với ngày Khánh thành ngôi Nguyện đường của Tu viện Trung ương).
Đây là nơi khắc ghi những dấu ấn hồng ân và tình thương của Chúa trên Hội dòng, cũng là nơi lưu giữ và trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật về quá trình hình thành và phát triển của Hội dòng. Mỗi hiện vật, mỗi tấm ảnh trưng bày là một câu chuyện kể đầy sinh động về những đóng góp của các bậc tiền nhân trong việc gầy dựng và gìn giữ Hội dòng giữa bao những thăng trầm lịch sử.
Phòng Truyền thống được chia làm 3 khu vực:
Khu vực I: Trung tâm phòng truyền thống
– Bước vào gian phòng tuy nhỏ nhắn nhưng rất khang trang và ấm áp, ấn tượng đầu tiên chính là hình ảnh cha thánh Đa Minh được trang hoàng ngay ngắn trang trọng với tôn chỉ “Nói với Chúa và nói về Chúa”. Phía trước là sa bàn hình chữ S, là dáng hình của đất nước Việt Nam. Chính từ dải đất thân thương này mà Hội dòng được khai sinh và có các cộng đoàn hiện diện, đang hoạt động cách tích cực tại hai miền Nam – Bắc, với 5 Tu viện, 26 Tu xá và 20 Tu sở. Bên cạnh đó là mô hình của Dòng từ trước cho tới ngày hôm nay.
– Phía trước, bên trái bức hình cha thánh Đa Minh là Sắc lập Dòng của Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi ban ngày 21/3/1951.
– Hiện vật phía trước, bên phải hình Cha thánh Đa Minh là hành trang không thể thiếu trong đời sống của một người tu sĩ: Hiến pháp và Nội quy.
– Bên phải bức hình Cha thánh Đa Minh là hình ảnh Hội đồng Hội dòng qua các nhiệm kỳ.
– Bên trái bức hình Cha thánh Đa Minh là các giai đoạn hình thành và phát triển của Dòng, cùng với đó là các tiến trình đào tạo: Thỉnh viện, Tập viện, Học viện và giai đoạn Thường huấn.
– Tiếp đó, là một số máy móc dùng cho việc ấn loát thời kỳ đầu khai sinh Hội dòng.
Khu vực II: Sinh hoạt thuở ban đầu
– Mô hình sinh hoạt của các Nhà Mụ thuở ban đầu.
– Một số vật dụng, gia dụng hằng ngày của chị em Nhà Mụ.
– Tiếp đó tượng Đức Cha Maria Phạm Ngọc Chi – Đấng ban Sắc lập Dòng và là Tổ phụ của Dòng.
– Tượng Mẹ Bề trên tiên khởi.
– Hình ảnh các Cộng đoàn.
– Hình ảnh chị em trong Hội dòng.
Khu vực III: Cộng đoàn Vượt qua và một số tặng vật
– Hình ảnh các chị em trong Dòng đã qua đời
– Hình ảnh các Cha Bề trên, các cha Linh hướng
– Một số tặng vật của khách được lưu giữ lại.
Khi bước vào phòng Truyền thống, mỗi chị em luôn hiểu rõ, nơi đây ngoài việc lưu giữ, bảo tồn những truyền thống vẻ vang của Hội dòng, chị em còn cảm nghiệm nơi đây như là ngọn nguồn tạo nên những phẩm chất, sức mạnh kỳ diệu nhất cho mỗi người trong từng ngày sống hiện tại. Và cũng từ nơi đây, chị em tự ý thức mình cần phải sống ra sao để chính mình sẽ là một “di sản quý giá” của Hội dòng cho các thế hệ mai sau.
Bình luận