Chương I
Nhận Định Chung Về Đời Sống Đa Minh
William A. Hinnebusch, O.P., D.Ph. (Oxon.)
Việc đọc long trọng kinh thần vụ đặc biệt thúc đẩy người tu sĩ đi đến việc chiêm niệm. Nó hướng đời sống của họ xung quanh việc phụng vụ và nuôi dưỡng đời sống tinh thần của họ. Trước kia, trong Dòng có hai thời điểm “cầu nguyện riêng”: một sau giờ Kinh Sáng, một sau giờ Kinh Tối, nó kéo dài hiệu quả của các giờ kinh theo luật định. Ngày nay, giờ suy gẫm thay thế việc thực hành xưa kia.
Trong lúc cầu nguyện riêng, người tu sĩ được tự do nhiều để noi theo gương thánh Đa Minh. Một số anh em thích cầu nguyện, cầu nguyện bằng thánh vịnh và kinh Mân Côi, một số khác đi viếng các bàn thờ, làm nhiều cử điệu như quỳ gối, phủ phục. Chính thánh Đa Minh cũng đã luôn cầu nguyện như thế. Một tiểu phẩm: “Chín phương thức cầu nguyện của thánh Đa Minh” cho thấy cha thánh đã sử dụng nhiều phương thức và cử điệu bề ngoài. Ở đây muốn đề cập đến mức độ say mê của cha trong suốt thời gian cha cầu nguyện riêng: Cha thánh Đa Minh còn có một cách cầu nguyện khác nữa, thật đẹp, thật sốt sắng và thật hấp dẫn. Cha cầu nguyện bằng cách này sau những giờ kinh Phụng Vụ và khi đã tạ ơn chung sau bữa ăn. Người là người cha tốt lành, đáng khâm phục vì đức tính tiết độ và lòng tràn đầy sốt sắng, đã kín múc được tinh thần ấy trong những Lời Chúa được hát lên trong cung nguyện hay trong phòng ăn. Cha mau lẹ đi đến chỗ thanh vắng, vào phòng hay ở một chỗ nào khác để đọc sách và cầu nguyện, suy gẫm và chiêm ngắm Thiên Chúa. Sau khi làm dấu thánh giá, cha ngồi cách bình thản, mở cuốn sách để trước mặt và đọc. Lúc đó, tâm hồn cha cảm thấy ngọt ngào, dường như được nghe chính Chúa nói với mình…
Thánh Đa Minh dạy anh em suy niệm cả ngay lúc đi đường. Cha thường nói với anh em: “Chúng ta hãy nghĩ về Đấng Cứu Thế”. Chính cha cũng thường hát bài “Veni Creator” hoặc bài “Ave Maria Stella” khi đi bộ. Cha hoàn toàn chăm chú suy gẫm dẫn đến chiêm niệm. Cha thường nói với anh em lúc đi đường : “Có lời chép trong sách ngôn sứ Hô-sê: “Ta sẽ dẫn vị hôn thê của Ta vào nơi thanh vắng và Ta sẽ tâm sự với nàng”. Cha thường đi tách ra khỏi anh em đồng hành, hoặc đi trước nhưng thường theo sau một khoảng cách. Lúc tách ra như vậy, cha vừa đi vừa cầu nguyện. Trong lúc suy gẫm, lòng mến cháy lên trong cha và ngọn lửa đức ái được đốt lên. Cha thánh thường nhắc nhở anh em: “chỉ nói với Chúa hoặc về Chúa” và cha đã đưa lời khuyên nhủ này vào trong hiến pháp. Đã hơn 700 năm, lời khuyên nhủ của cha luôn được viết ngay hàng đầu của Hiến Pháp. Liên quan đến mục đích đặc biệt của Dòng là rao giảng vì phần rỗi các linh hồn. Hiến Pháp nhấn mạnh: “Mục đích chúng ta phải theo đuổi là giảng dạy từ sự phong phú và sung mãn của chiêm niệm trong việc noi gương cha thánh Đa Minh của chúng ta, cha chỉ nói với Chúa hoặc nói về Chúa vì lợi ích của các linh hồn”. Hiến pháp cũng nhắc nhở vị giám tập hướng dẫn các tập sinh về mục đích chiêm niệm của Dòng:
“Dòng Anh Em Thuyết Giáo do thánh Đa Minh sáng lập, như ai cũng biết: ngay từ thời sơ khai đã được lập ra để chuyên việc giảng thuyết và cứu rỗi các linh hồn. Bởi đó, trung thành với lời dậy của đấng sáng lập, “anh em chúng ta, như những người ước ao lo liệu phần rỗi của mình và của tha nhân, phải ở đạo hạnh khắp mọi nơi, và như những con người Tin mừng, theo chân Đấng Cứu Thế, chỉ nói với Chúa hay nói về Chúa cho mình hoặc tha nhân” (Hiến pháp nền tảng số II).
Sám hối cũng nằm trong linh đạo Đa Minh. Đặc tính này đặc biệt được thấy trong lời khấn, trong việc tuân giữ kỷ luật tu trì của đan viện và trong đời sống cộng đoàn. Trong đời sống Dòng, những yếu tố này được hướng tới những mục đích cao hơn việc sám hối. Và chúng ta sẽ đề cập đến những điều này trong những chương sau. Tuy nhiên, chúng ta sẽ lầm lẫn nếu bỏ qua nhiều cơ hội để hãm mình và hy sinh mà cuộc sống trong tu viện dành cho ta. Chúng ta có thể dễ dàng đánh giá bản chất của việc sám hối trong chay tịnh và kiêng khem, hãm mình ép xác, thinh lặng, thú lỗi và việc mặc tu phục. Nhưng đừng quên rằng việc cử hành chung kinh thần vụ, nhằm phục vụ mục tiêu cao cả của đời tu và thăng tiến lợi ích tinh thần cao nhất của anh em cũng mang chiều kích sám hối. Tu sĩ Humbert Romans đề cập đến nét đặc trưng của việc nguyện kinh thần vụ như sau: “Phần quan trọng nhất trong việc sám hối của chúng ta là việc đọc kinh thần vụ”.
Đặc tính của kỷ luật tu trì trong Dòng sẽ được nhận định rõ hơn khi chúng ta nghiên cứu nguồn gốc của nó. Về cơ bản, chúng được lấy từ dòng khổ tu Xi-tô. Đấng sáng lập đã làm nổi bật những kỷ luật truyền thống này bằng cách thêm vào trong hiến pháp một chương về sự thinh lặng và việc chấp nhận sự khó nghèo khất thực – sự nghèo khó không có những thu nhập chắc chắn và lợi tức cố định, không chỉ đối với các cá nhân, mà còn đối với cả Dòng. Việc từ bỏ trong khó nghèo tuyệt đối đòi hỏi một lòng tin sâu xa vào Thiên Chúa quan phòng. Khi hoàn cảnh sống ở châu Âu thay đổi, Đức thánh cha Sixtus IV đã giảm nhẹ chế độ khắc khổ này. Năm 1475, ngài cho phép tất cả các dòng khất thực, ngoại trừ dòng Phan-xi-cô, được quyền sở hữu tài sản chung…Tuy nhiên, Dòng vẫn coi sự nghèo khó như một phương thế cơ bản của đời tu khổ chế dành cho các phần tử của Dòng và như công cụ hữu hiệu cho hoạt động tông đồ của Dòng. Đặc tính khó nghèo trong đời tu Đa Minh và sự đơn giản của những tu xá và tu viện là chứng tá cho tính siêu việt của sứ điệp Ki-tô giáo.
Thánh Đa Minh đánh giá cao vai trò của lối sống đan viện trong đời sống của Dòng, và cha đã hết sức đưa nó vào hoạt động tông đồ: “Khi ở ngoài tu viện, hễ nghe tiếng chuông báo giờ nguyện kinh vang lên từ các tu viện, cha luôn luôn thức dậy và đánh thức anh em. Cha sốt sắng cử hành các giờ kinh phụng vụ, ngày cũng như đêm vào những giờ đã định, và cha không bỏ qua một điều nào. Sau giờ Kinh Tối, trong khi đi bộ, cha giữ thinh lặng và buộc anh em cũng giữ thinh lặng như khi ở tu viện (lời chứng của tu sĩ Ventura Verona).
“Mỗi sáng, trong lúc đi đường, cha luôn nhắc anh em giữ im lặng cho đến giờ Kinh Ba. Khi dừng chân ở tu viện nào, cha thánh đều hòa mình trong việc ăn uống và giữ đầy đủ kỷ luật, cố gắng làm gương cho anh em tuân giữ”.
Ngoài khía cạnh sám hối, đời sống cộng đoàn và kỷ luật tu trì Đa Minh còn nhằm tới một mục đích khác nữa: huấn luyện và chuẩn bị cho anh em hướng tới chiêm niệm. Việc trung thành với kỷ luật đòi buộc anh em phải hoàn toàn tự chủ trong đời tu, đòi hỏi phải tự kiểm lương tâm thường xuyên và hết lòng tuân giữ kỷ luật, tôn trọng quyền bính. Thể chế này giúp chúng ta luyện tập các nhân đức hoàn hảo hơn. Quả vậy, nó hạn chế tính hiếu động tự nhiên của các giác quan, tạo lập bình an trong tâm hồn và nuôi dưỡng đức ái huynh đệ, một điều kiện tiên quyết cho việc chiêm niệm và hoạt động tông đồ.
Tính tư tế trong đời tu Đa Minh.
Ngay từ khi thành lập, với bản văn châu phê của Đức thánh cha và tuân giữ tu luật thánh Âu-tinh, dòng Anh Em Thuyết Giáo là một dòng Kinh sĩ, linh đạo của Dòng mang tính tư giáo, qui thần và Ki-tô luận. Việc phụng tự long trọng trong Giáo Hội là yếu tố căn bản của đời sống kinh sĩ. Ngay từ đầu, các kinh sĩ đã được Giáo Hội chính thức chỉ định tiếp tục không ngừng đời sống cầu nguyện long trọng, thực thi các việc phụng tự trong các nhà thờ chính tòa và những nhà thờ thuộc cộng đoàn kinh sĩ trên khắp thế giới – cử hành thánh lễ, đọc kinh thần vụ long trọng. Khi soạn thảo hiến pháp đầu tiên của Dòng, thánh Đa Minh đã khởi sự bằng một qui luật chi tiết về việc cử hành thánh lễ tu viện, đọc kinh nguyện ban đêm và trong những giờ theo giáo luật. Hiến pháp hiện hành qui định việc đọc kinh nhật tụng tại cung nguyện như một phương thế để đạt được mục đích của tinh thần và hoạt động tông đồ Đa Minh.
Khi thánh Đa Minh còn sống, Dòng đã cố gắng thiết lập một nghi lễ đồng nhất để con cái Dòng khắp nơi ca ngợi Chúa bằng một nghi thức phụng vụ duy nhất. Nỗ lực này kéo dài đến năm 1256 thì một nghi lễ mang tính sám hối của dòng Đa Minh được phát triển, được nhiều địa phận và dòng tu khác đánh giá cao về sự ưu việt của nó và đã áp dụng.
Linh đạo của dòng Anh Em Thuyết Giáo mang tính tư giáo, nó luôn nhấn mạnh đến việc trung thành với Giáo Hội, với Đức Thánh Cha và với chân lý đức tin Ki-tô Những sự trung thành đó là điểm trọng yếu của Dòng trong việc truyền giảng và cứu rỗi các linh hồn. Trước hết, Dòng kiếm những hoạt động tông đồ truyền bá đức tin, bảo vệ đức tin, thực hiện lời trăn trối cuối cùng của Đức Ki-tô: “Hãy đi và thâu nhận môn đồ khắp muôn dân…dạy họ tuân theo những điều Thày đã truyền dạy cho anh em” (Mt 28,19-20).
Lòng mộ mến chân lý Công Giáo hướng tu sĩ Đa Minh vào chính Thiên Chúa, là khởi đầu và cùng đích của công việc sáng tạo; đồng thời hướng anh em về Chúa Giê su Ki-tô: Đấng “là Đường, là Sự thật và là Sự sống”, Người là đường dẫn đưa nhân loại trở về với Thiên Chúa. Lòng mộ mến đó cũng hướng anh em đến thánh lễ, các bí tích (đặc biệt là bí tích Thánh Thể) và hướng đến Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa.
Lòng tôn sùng Chúa Ki-tô
Dòng Đa Minh có lòng mộ mến thiết tha đối với Ngôi Hai, việc này khởi dậy từ gương mẫu của thánh Đa Minh, từ việc anh em mưu tìm việc thánh hóa bản thân và cũng từ sứ vụ của Dòng là truyền giảng Chúa Ki-tô chịu đóng đinh. Mặc dù được phát sinh từ những nguồn như vậy, nhưng Dòng vẫn hòa mình vào những linh đạo và đời sống chung thời Trung Cổ…Anh em được họa nên giống đồng loại theo nhân tính của Đức Ki-tô. Anh em đã biểu lộ và giúp người khác thăng tiến lòng sùng kính đó, sùng kính nỗi nhục hình, Máu Thánh, năm Dấu Thánh, Trái tim bị đâm thâu và Thánh Thể.
Vì bị cuốn hút vào việc chiêm niệm sự đau khổ của Đức Ki-tô, thánh Đa Minh thường ở lại trước bàn thờ hoặc trong nhà nguyện, mắt nhìn chăm chú vào tượng chịu nạn và ngước nhìn lên Người. Cha thánh thường quỳ gối nhiều lần. Sau giờ Kinh Tối, cha thường tiếp tục cầu nguyện đến nửa đêm, lúc đứng, lúc quỳ…và vì vậy, điều đó đã hình thành trong thánh Đa Minh một niềm tin vô biên nơi tình thương của Thiên Chúa.
Trong lúc sốt sắng chiêm ngắm tượng chịu nạn, thánh Tô-ma đã được nâng lên với Đấng Thánh chịu đóng đinh và từ trên thập giá, Chúa Giê-su đã nói với thánh nhân: “Hỡi Tô-ma, con đã viết về Cha hay lắm, con muốn được phần thưởng gì cho công việc của con?”. Thánh Tô-ma trả lời : “Lạy Chúa, đó là chính Ngài”.
Trong lúc đi tìm kiếm sự kết hiệp với Thiên Chúa, chân phước Henry Suso đã phàn nàn với Đấng Khôn Ngoan Đáng Kính của mình rằng: “Con đi tìm thiên tính của Cha khắp nơi; nhưng Cha chỉ cho con biết nhân tính của Ngài; con khao khát sự ngọt ngào của Cha, mà Cha lại cho con cay đắng. Con muốn được Cha nâng niu, chăm sóc, nhưng Cha lại dạy con chiến đấu”. Đấng Khôn Ngoan trả lời: “Không ai có thể đạt đến độ cao của thiên tính hoặc nếm được sự ngọt ngào thần bí mà không phải nếm sự cay đắng nơi nhân tính của Ta. Bất cứ ai leo cao mà không qua nhân tính của Ta đều bị té xuống sâu hơn. Bất cứ ai mong muốn đạt được điều con đang tìm kiếm, đều phải bước theo con đường nhân tính của Ta và phải đi theo con đường đau khổ. Vì thế, hãy loại bỏ tính nhút nhát của con và đi theo Ta trên đấu trường với sự dũng cảm của một hiệp sĩ”.
Chân phước Henry đã đi đầu trong việc mở ra con đường Thập Giá. Ngài có thói quen suy gẫm hàng trăm lần về sự thương khó của Chúa Ki-tô. Khởi đầu từ bữa tiệc ly dẫn đến đồi Can-vê. Ngài bắt đầu suy gẫm từ phòng hội của tu viện, và từng chặng, từng chặng đi qua hành lang (chôn người chết) rồi vào cung nguyện, nơi đây, ngài kết thúc việc suy niệm của mình ngay dưới chân thập giá nơi có màn ngăn cách giữa cung thánh và cung nguyện. Trên chặng đường thương khó này, ngài đã suy diễn lại chi tiết về cuộc khổ nạn đến độ mọi nỗi đau khổ của Chúa Giêsu từ đầu đến kết thúc, đều được nhớ lại mọi chi tiết. Tuy nhiên, chân phước muốn giữ kín việc suy niệm này cho riêng mình nhưng còn muốn chia sẻ với những linh hồn đã từng gặp khó khăn và khô khan khi suy gẫm về sự thương khó của Chúa, nguồn duy nhất cho phần rỗi chúng ta. Vì vậy, ngài đã viết ra những bài suy gẫm.
Vào năm 1402, sau khi đi thăm đất Thánh, lúc trở về, chân phước An-va-rê Co-dô-va (Alvarez of Cordova) đã nghĩ ra việc dùng hoạt cảnh để diễn lại cuộc hành hương của mình. Năm 1423, ngài đã lập ra những ngôi vườn mang tên “Thang Trời” (scala coeli) và dựng lên nhiều nhà nguyện, trong đó treo những bức tranh họa lại những vùng đất Thánh ở Pa-lét-tin.
Suốt 12 năm (1542 – 1554), hằng tuần, thánh Ca-ta-ri-na Ri-xi (Catherine de Ricci) đều trải qua chiêm niệm xuất thần về sự thương khó và đã phổ biến lòng sùng kính này trong một quyển sách nhan đề: “Những vần thơ về sự thương khó”. Những câu thơ được tuyển chọn trong Kinh Thánh và được sắp xếp thành một bản tóm lược những đau khổ của Chúa Ki-tô. Việc suy gẫm vắn tắt trong mỗi câu thơ đã ghi vào tâm hồn một ấn tượng đậm nét về cuộc khổ nạn và mang lại hoa trái của ơn cứu chuộc. Hiện nay, lòng sùng kính này vẫn được thực hiện nơi một số tu viện của Dòng. Tại tu viện Santa Sabina, trụ sở chính của Dòng ở Rô-ma, các tu sĩ hát bài ca này trong thời gian tâm nguyện vào những ngày thứ sáu mùa chay. Phụng vụ trưởng quì trước bàn thờ, xướng lên các câu thơ và mọi người đáp lại, đôi khi vị này hát một mình. Giữa mỗi câu, vị này nghỉ giây lát để anh em suy gẫm. Khi hát xong một đoạn đủ nghĩa, vị này ban phép lành cho cộng đoàn bằng một thánh tích của gỗ thánh giá thật khi xưa Chúa bị đóng đinh. Thánh tích này được đặt trên bàn thờ giữa những ngọn nến sáng rực.
Lòng sùng kính sự thương khó của Đức Ki-tô hướng anh em thời sơ khai đến năm dấu đinh, hướng đến Trái Tim bị đâm thâu của Đức Kitô. Thánh An-bê trọng kính Thánh Thể như món quà tình yêu của Thánh Tâm. Tôn sư Éc-kha (Eckhart) còn đi xa hơn nữa. Cha nói về Thánh Thể như sau: “Chúng ta thấy sức nóng lôi kéo mọi người đến với Trái Tim Chúa mãnh liệt dường bao! Sức nóng đó phát ra từ ngọn lửa Chúa Giêsu đã đốt trên Thập Giá. Trái tim Người nung nấu như một lò lửa mà từ đó những ngọn lửa lan tỏa ra khắp phía. Vì thế, ngọn lửa của tình yêu nhân loại đã thiêu đốt Chúa trên thập giá và Chúa đã lôi kéo mọi người đến với mình bằng sức nóng của tình yêu”.
Thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na và thánh Ca-ta-ri-na Ri-xi đã từng cảm nghiệm được sự trao đổi trái tim với Chúa Ki-tô. Trong lúc ngây ngất, thánh Rô-xa Li-ma đã thấy nghe Chúa Ki-tô nói: “Hỡi Rô-xa của lòng Ta, con hãy là bạn trăm năm của Ta”. Thánh Ma-tin Po-rét (Martin of Porres) đã được diễm phúc uống từ cạnh sườn của Chúa.
Thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na luôn suy niệm về vết thương nơi cạnh sườn của Chúa Ki-tô, Máu Thánh và Trái Tim bị đâm thâu. Thánh nữ đã tóm lược trong một đoạn thư tuyệt hay về ý nghĩa thâm sâu của niềm khao khát này như sau:
“Hãy đặt môi bạn vào cạnh sườn của con Thiên Chúa, vì từ đó có một nguồn mạch rộng mở phát ra những ngọn lửa yêu thương, và cũng từ đó chảy ra dòng máu rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi. Linh hồn nào biết an nghỉ nơi đó, và biết lấy con mắt đức tin chiêm ngắm trái tim rộng mở đã héo mòn vì yêu, sẽ được hòa hợp với trái tim đó. Vì khi nhìn nhận chính mình được yêu nhiều như vậy, linh hồn đó sẽ không ngần ngại đáp trả. Nó trở nên hoàn hảo, vì sự gì nó yêu mến là vì Chúa và ngoài Chúa ra, nó không yêu gì khác nữa. Nó ước mong trở nên một bản thể khác như Chúa và cũng không ước mong gì khác ngoài niềm khát vọng Thiên Chúa”.
Thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, thánh Ca-ta-ri-na Ri-xi, chân phước Lu-i Na-ron (Luy of Naron) và khoảng 83 tu sĩ Đa Minh khác đã được diễm phúc in 5 dấu Thánh.
Lòng sùng kính của Dòng đối với Thánh Danh phát sinh từ sứ vụ giảng thuyết của mình. Do ơn gọi, Dòng được trao nhiệm vụ đem hiểu biết về Thánh Danh tới mọi chi tộc và quốc gia trên trái đất. Tu sĩ Henry (of Cologne), được cha bề trên Reginald (of Orleans) nhận vào Dòng năm 1220, là tu sĩ Đa Minh đầu tiên có được lòng sùng kính nầy. Chân phước Jordan of Saxony yêu mến Henry như anh em và đã dùng những lời sau để kết thúc bài tóm lược về đời sống của bạn mình : “Người đã quen cầu khẩn Danh Thánh Chúa Giê-su với trọn niềm kính yêu tôn thờ. Tôi muốn nói rằng Danh Thánh này vượt trên mọi danh hiệu, đến nỗi ngày nay, nếu trong nhà thờ hay trong bài giảng có nhắc đến Danh này thì lòng yêu mến của nhiều tâm hồn được thôi thúc tỏ lộ”.
Có lẽ Đức thánh cha Grê-gô-ri-ô X vì đã biết việc anh em Đa Minh truyền bá việc sùng kính nên ngài đã lưu ý bề trên Tổng quyền của Dòng, chân phước John (of Vercelli), về việc thực hiện quyết nghị trong tổng hội thứ 2 ở Lyon : phải dạy các tín hữu cúi đầu khi nghe Thánh Danh để đền tội vì những lời lộng ngôn và bất kính của các Ki-tô hữu. Để thi hành mệnh lệnh của Đức Thánh Cha, Gio-an (John of Vercelli) đã tổ chức một chiến dịch giảng thuyết cho toàn dòng. Trong thế kỷ 14, các chị Đa Minh ở Rhineland tiếp tục thực hành việc sùng kính Thánh Danh với sự cổ động của chân phước Henry Suso, người đã giảng về “tình yêu bao la của Thánh Danh Giê-su dịu ngọt”, và với nhiệt tâm cố gắng tìm kiếm để nhóm lên trong những tâm hồn băng giá Thánh Danh Giê-su.
Vào thế kỷ 15, các tu sĩ Đa Minh đã thành lập Hội Kính Danh ở nhiều nơi. Những trang sử huy hoàng của Dòng do Cha Charles Hyacinth Mc Kenna, vị tông đồ của hội Kính Danh và kinh Mân Côi, viết tại Mỹ. Vào năm 1896, sau khi được đặc ân của Đức Thánh Cha, Cha Mc Ken-na đã thành lập Hội này trong các nhà thờ và ảnh hưởng của nó lan rộng khắp nước. Hội này đã nuôi dưỡng đức tin người Công giáo và giúp họ thường xuyên lãnh nhận các bí tích. Những cuộc diễu hành và các Hội nghị về Thánh Danh Cực Trọng đã có ảnh hưởng lớn trong việc biểu lộ đức tin Công giáo tại Mỹ. Điểm nổi bật trong đời sống tâm linh của các thánh Đa Minh, Tô-ma A-qui-nô, Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, Vinh-sơn Phê-rê (Vincent Ferrer), và nhiều tu sĩ Đa Minh khác, đó là lòng sùng kính đối với thánh lễ và Thánh Thể. Thánh Tô-ma đã bày tỏ niềm tin của mình vào Thánh Thể mạnh mẽ hơn nữa trong lời tuyên xưng long trọng khi ngài rước lễ như của ăn đàng :
“Ôi ! giá cứu chuộc linh hồn con, con đang rước Chúa. Tất cả mọi việc học hành, những đêm canh thức và những việc làm của con đều vì lòng yêu Chúa. Con đã dạy nhiều và viết nhiều về Thánh Thể Chúa Ki-tô, con đã dạy và viết trong niềm tin vào Đức Ki-tô Giê-su và Hội Thánh Rô-ma. Con xin dâng hiến và quy phục mọi sự theo phán quyết của Giáo Hội”.
Thánh Tô-ma xứng đáng với danh hiệu “Tiến sĩ Thánh Thể” vì đã trổi vượt về lòng yêu mến Thánh Thể và vì những tác phẩm viết về phép Thánh Thể.
Lòng sùng kính Đức Maria
Anh em Đa Minh đặc biệt sùng kính Đức Mẹ Đồng Trinh, Mẹ Thiên Chúa. Lòng sùng kính này bắt nguồn từ lòng tôn kính Đức Ki-tô. Anh em được nhắc nhở rằng Dòng đã thành lập dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ. Anh em ghi tên Mẹ trong công thức tuyên khấn: “Hứa vâng lời Thiên Chúa, Mẹ Maria, thánh Đa Minh và Bề Trên Tổng quyền”. Dòng đã buộc con cái đọc kinh “Tiểu Nhật Tụng kính Đức Mẹ” hằng ngày, trừ các ngày đại lễ. Các ngày thứ bảy nguyện Kinh Nhật Tụng Kính Đức Mẹ. Cử hành nhiều lễ kính nhớ Mẹ và kết thúc giờ Kinh Tối bằng việc hát trọng thể bài “Kính chào Nữ Vương” (Salve Regina). Ngoài ra, anh em còn làm nhiều việc kính Đức Mẹ như : viếng bàn thờ Đức Mẹ, chào ảnh tượng Mẹ và đọc kinh Kính Mừng hằng 100 lần mỗi ngày. Qua “Hội Mân Côi”, anh em đã đem lại trong Giáo Hội lòng sùng kính tuyệt vời nhất đối với Đức Mẹ. Về một phương diện nào đó, việc chú tâm vào những mầu nhiệm chính của cuộc đời Chúa. Và theo một nghĩa nào đó, chuỗi Mân Côi là tóm lược linh đạo Đa Minh. Nó tóm tắt những chu kỳ phụng vụ, kết hợp lòng mến Đức Ki-tô và Mẹ Ngài với nền thần học vững chắc, và dẫn tới chiêm niệm.
Kinh Mân Côi là hình thức tuyên xưng những chân lý đức tin được diễn tả qua những lời cầu nguyện đó.
Linh đạo Tông Đồ của Dòng Đa Minh
Thánh Đa Minh đã kết hợp chặt chẽ việc thực hành đời sống thiêng liêng của Dòng với việc hoạt động tông đồ. Đi xa hơn đời sống đan viện cổ truyền, cha đã đưa hoạt động tông đồ vào trong linh đạo của Dòng. Lòng khát khao phần rỗi các linh hồn là động lực thúc đẩy cũng như định hướng cho việc cầu nguyện và hãm mình của cha thánh hứng khởi và hướng tới phần rỗi các linh hồn. Các chứng nhân trong hồ sơ phong thánh đều làm chứng như nhau về lòng trắc ẩn, việc cầu nguyện và hy sinh hãm mình của cha thánh vì các tội nhân.
Một sự kiện xảy ra trong khi thánh Đa Minh đang giảng cho phái An-bi đã chứng thực lòng nhiệt thành của cha đối với giá trị tông đồ của việc hãm mình. Lần kia, trên đường đến trqnh luận với những người theo lạc giáo, thánh Đa Minh và các bạn đồng hành, có cả Đức Giám mục địa phận, đều đi chân không theo đề nghị của cha. Rủi thay, họ bị lạc đường và phải nhờ một người địa phương dẫn đường, người này lại thuộc phái An-bi. Anh ta đã cố ý dẫn đoàn người băng qua vùng cây gai mọc rậm rạp làm chân họ bị xé rách. Nhưng thánh Đa Minh vẫn khuyến khích anh em đồng hành: “Chúng ta hãy hy vọng vào Thiên Chúa, vì chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta, tội chúng ta đã được rửa sạch trong máu rồi”. Khi đi du thuyết, cha thánh thường cởi dép ra để chịu đựng đau đớn trên những con đường sỏi đá. Cha luôn ý thức đón nhận những hy sinh đến bất ngờ nhằm sinh ích lợi về đàng thiêng liêng. Khi vấp phải đá, hay khi được phái An-bi tiếp đón lạnh nhạt tại quán ăn, bị chế diễu hoặc bị đối xử tệ bạc, cha chỉ trả lời: “Đó là một hãm mình”.
Tinh thần tông đồ của thánh Đa Minh lên cao chỉ vài năm sau khi cha qua đời, lúc đó bạn của cha là Đức giáo hoàng Grê-gô-ri IX chuẩn bị phong thánh cho cha. Khi anh em đến xin đặc ân của Đức giáo hoàng, ngài trách họ đã chậm trễ đề xuất hồ sơ xin phong thánh cho tổ phụ. Đức giáo hoàng nói: “Tôi đã gặp nơi cha một con người sống trọn luật của các tông đồ”. Trong hồ sơ phong thánh, tu sĩ Gio-an người Tây Ban Nha đã khẳng định:
“Cha Đa Minh đã ấp ủ trong lòng niềm cảm thông với tha nhân và khao khát mãnh liệt cho phần rỗi của họ. Chính cha đã không ngừng giảng thuyết và bằng mọi cách, cha thuyết phục anh em đi giảng. Cha đã sai anh em đi giảng thuyết và khuyên họ lo lắng đến phần rỗi các linh hồn. Chân phước Jordan Saxony đã viết về thánh Đa Minh như sau :
“Thiên Chúa đã ban cho cha đặc ân: biết xót thương các tội nhân, những người bất hạnh và đau khổ. Cha đã mang nơi mình tấm lòng trắc ẩn thương cảm nỗi khốn cùng của họ và tuôn đổ tình yêu nồng cháy trong những dòng nước mắt. Cha đã quen cầu nguyện thâu đêm cùng Chúa Cha trong thầm lặng. Lời cầu đặc biệt và thường xuyên của cha với Thiên Chúa là xin được lòng mến chân thành để có thể làm việc vì phần rỗi nhân loại. Cha cho rằng mình chỉ là một chi thể đích thực của Đức Ki-tô khi hiến thân trọn vẹn hầu cứu vớt các linh hồn, như Đức Giê-su, Đấng Cứu Thế, Đấng đã hiến thân mình cứu độ chúng ta”.
Ngày nay, Dòng Đa Minh vẫn duy trì những lời khuyên này của thánh Đa Minh. Tổng hội năm 1962 đã tái khẳng định mối liên hệ mật thiết giữa cầu nguyện, hãm mình và hoạt động tông đồ :
“Chúng tôi tha thiết kêu mời và khuyên nhủ anh em, những người đã được mời gọi tham dự vào sứ vụ thánh, rằng anh em nên chú tâm đến những hình thức hãm mình phù hợp với đoàn sủng của Dòng, và cũng biểu hiện trong hoạt động tông đồ của mình, đặc biệt qua cách sống, cách giao tiếp, việc sử dụng phương tiện đi lại,…, để nhờ đó, việc giảng thuyết của anh em trở nên hữu hiệu hơn qua những chứng tá trong đời sống của anh em”.
Việc giảng thuyết và chiêm niệm của người tu sĩ Đa Minh phải hướng tới sự trọn lành Phúc âm. Tinh thần của họ phải là tinh thần của các tông đồ. Họ phải noi gương Chúa Giê-su, vị giảng thuyết khó nghèo trong Tin Mừng, Đấng đã lập ra tông đồ đoàn và sai họ, từng đôi một, đi loan báo Tin Mừng. Thánh Đa Minh đã thiết lập linh đạo tông đồ như một tiêu chuẩn cho con cái mình. Họ phải noi gương đời sống của các tông đồ và theo cách thức truyền giảng của Tin Mừng. Đây là kim chỉ nam cho các người giảng thuyết. Thánh Đa Minh đã ghi vào hiến pháp :
“Bề trên sẽ chỉ định những bạn đồng hành cho những ai được sai đi giảng thuyết tùy theo tính tình và khả năng. Sau khi lãnh phép lành, họ sẽ ra đi như những người khao khát phần rỗi của mình và của tha nhân. Họ ra đi với tư cách tu sĩ, như những con người của Tin Mừng, theo chân Đấng Cứu Thế: nói với Chúa và nói về Chúa cho chính mình và tha nhân, đồng thời cẩn thận tránh những giao tiếp quá thân mật với người khác phái. Hơn nữa, những người ra đi để thực thi sứ vụ giảng thuyết hoặc đi du thuyết vì bất cứ lý do nào khác sẽ không nhận hay mang theo vàng, bạc, tiền nong hay quà cáp; mà chỉ mang theo thực phẩm, quần áo, sách vở và những vật dụng cần thiết…”
Anh Em Thuyết Giáo phải nỗ lực trở nên những tông đồ, nói với Chúa hoặc theo lời thánh Tô-ma: “Chiêm niệm và trao ban người khác hoa trái của việc chiêm niệm đó”. Luật lệ, hiến pháp và đời tu mà họ đã theo đuổi được hướng tới mục đích cao cả là thánh hóa bản thân vị thuyết giảng và làm cho người ấy trở nên một tông đồ. Mối liên hệ trong đời sống tu viện được phác họa nhằm khơi dậy tình huynh đệ và hướng tới chiêm niệm. Những đức tính này được nuôi dưỡng trong chân lý mạc khải, được nâng đỡ bởi các đức tính, được phát sinh và được củng cố nhờ kỷ luật của đời sống chung. Qua những yếu tố trên đây của đời sống chung, người tu sĩ cầu nguyện cho các linh hồn, sửa lỗi của mình và ra đi hoạt động tông đồ. Người giảng thuyết làm chứng bằng “việc làm và gương mẫu” thì đời sống tinh thần của họ mang lại nhiều ân huệ cho hoạt động tông đồ.
Nghiên cứu thần học (học hỏi giáo lý).
Người tu sĩ Đa Minh không thể theo đuổi mục đích chiêm niệm và hoạt động tông đồ nếu không thường xuyên học hỏi. Họ sẽ gây nguy hại cho ơn gọi của mình nếu sao nhãng việc học. Việc học cũng phải được thực hiện trong tinh thần chiêm niệm. Hiến pháp coi việc chuyên chăm học hỏi chân lý thánh như một phương thế cơ bản để đạt được mục đích của Dòng. Thánh Đa Minh muốn anh em tìm kiếm chân lý thánh đặc biệt trong Thánh Kinh. Cha thường xuyên động viên và khuyên nhủ anh em dòng Thuyết Giáo hãy chuyên chăm nghiên cứu Thánh Kinh Tân Ước và Cựu Ước. Hiến pháp ngăn cấm việc lập tu viện mà không có một giáo sư cũng như một bề trên. Hiến pháp thiết lập một quy chế học viện cho các sinh viên, cho phép anh em đọc, viết sách, cầu nguyện, nghỉ ngơi và có thể thức khuya để học nếu cần. Hiến pháp cũng khuyên các giám sư tập sinh dạy cho tập sinh biết rằng họ phải miệt mài ngày đêm nghiên cứu như thế nào. Lúc ở nhà hay đang khi đi đường, họ phải đọc hay suy gẫm một điều gì đó.
Học hỏi chân lý thánh là việc chuẩn bị quan trọng cho việc giảng thuyết của người tu sĩ Đa Minh; nhưng nếu vì vâng lời mà họ phải làm những việc khác ngoài việc giảng thuyết, lúc đó họ được phép nghiên cứu mọi lãnh vực của chân lý giúp cho công việc đạt đến thành công và vì lợi ích của các linh hồn. Ngày nay, hoạt động tông đồ rộng rãi đòi buộc anh em phải nghiên cứu, quán triệt mọi lãnh vực thuộc công việc anh em đảm nhận. Anh em phải nghiên cứu tài liệu, nắm vững kỹ thuật và học những phương pháp thuộc lãnh vực đó. Người tu sĩ Đa Minh không chỉ là các vị mục tử, thầy dạy, nhà văn, nhà truyền giáo, người hướng dẫn tĩnh tâm hoặc là các điều dưỡng viên (nay vẫn còn hợp thời) thấu hiểu sự tiến bộ trong những lãnh vực đặc biệt; nhưng họ còn không bao giờ được để cho sự hiểu biết của mình về đạo lý thánh trở nên lỗi thời.
Một linh mục mải mê làm việc sẽ có lúc dừng lại trong nỗi kinh ngạc khi để ý đến bổn phận này, nhưng thời gian còn lại là vấn đề của kiên nhẫn hơn là vấn đề học hỏi thêm và thâm thúy. Nhiều nữ tu và linh mục không có thời gian dành cho việc nghiên cứu thường xuyên; nhưng họ vẫn có một kiến thức căn bản mới mẻ và đầy ý nghĩa bằng việc khôn ngoan chọn lựa sách đọc để bồi dưỡng tinh thần hàng ngày. Hoặc nếu họ đi giảng dạy hay làm những công việc đặc biệt khác, thì cũng có thể trau dồi kiến thức bằng việc chú ý những thư mục mới và những bài báo thuộc lãnh vực chuyên môn của mình. Thậm chí đối với những tu sĩ Đa Minh bận rộn nhất vẫn có thể đọc một số đáng kể những tác phẩm thần học hoặc sách thiêng liêng trong một năm, tối thiểu là 2 hay 3 giờ mỗi tuần. Việc đọc sách ở nhà cơm, một hình thức cổ truyền trong đời sống đan viện cũng cung cấp đáng kể cho việc bồi dưỡng cơ bản về tinh thần. Việc đọc sách thường xuyên không những củng cố sức mạnh đời sống nội tâm của người tu sĩ; nhưng còn làm cho kiến thức của họ nên mới mẻ và giúp họ có thêm những tư liệu mới phục vụ việc giảng thuyết và giải tội, mục vụ.
Học hành và chiêm niệm.
Những phần tử thánh thiện tiêu biểu nhất của Dòng ngay cả các chuyên viên thần học đều đã từng kết hợp học hành và chiêm niệm. Thánh An-bê Cả đã phác thảo ra phương pháp chiêm niệm theo thần học trong bài bình luận về cuốn “Thần học thần bí” của Di-ô-ni-si-ô: “Phương pháp dành cho người giảng dạy những điều về Thiên Chúa là họ phải đạt tới chân lý của học thuyết thánh nhờ ân sủng và phải trao lại cho người khác. Vì trong mọi điều thuộc lãnh vực thần học, người ta phải bắt đầu bằng cầu nguyện.
Tu sĩ William Tocco, người đầu tiên viết tiểu sử của thánh Tô-ma viết: “Thánh Tô-ma đã dâng trọn cuộc đời cho việc cầu nguyện và chiêm niệm, bằng việc viết sách, đọc cho thư ký viết, dạy đại học, giảng thuyết hoặc tranh luận”.
Cha Marie Joseph Lagrange, một học giả Kinh Thánh nổi tiếng của Dòng, đã dẫn chứng chắc chắn trong đời của ngài rằng: “Mối tương quan thâm sâu giữa sự thánh thiện và học hành, điểm nổi bật nơi hai thánh An-bê và Tô-ma, ngày nay vẫn còn thấy trong Dòng. Những lời nhận xét của một nhà phê bình về cuốn sách của cha Braun với tựa đề : “Tác phẩm của cha Lagrange đều hợp lý”. }n tượng mạnh mẽ nhất luôn gợi lại cho độc giả về cuốn sách này là cha Braun cố ý miêu tả nét độc đáo của học giả Lagrange và tóm kết lại bằng chân dung của một vị thánh”. Chúng ta sẽ hết ngạc nhiên khi đọc bản di chúc của vị linh mục khiêm tốn này, được tìm thấy trong số những bài viết của cha sau khi cha qua đời.
“Tôi tuyên bố trước Thiên Chúa rằng tôi muốn được chết trong Hội Thánh Công giáo. Tôi luôn thuộc về Hội Thánh này trọn vẹn ngay từ khi tôi được lãnh phép Rửa tội, và tôi muốn chết trong Hội Thánh cách trung thành với lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục trong dòng Đa Minh. Cho đến trọn đời, tôi dâng mình cho Đức Giê-su Cứu Thế tốt lành và nguyện cầu với Mẹ Rất Thánh của Chúa vì Mẹ luôn nhân từ với tôi. Tôi cũng mạnh dạn tuyên bố phục tùng những phán quyết của Tòa Thánh về tất cả những gì tôi đã viết. Tôi tin tưởng và có thể nói thêm rằng tôi luôn chủ tâm trong mọi việc nghiên cứu để góp phần làm điều thiện, và vì vậy, tôi muốn nói đến triều đại của Đức Giê-su, danh dự của Hội Thánh và hạnh phúc của các linh hồn”.
Chỉ qua việc nghiên cứu trong chiêm niệm, được gợi hứng do tình yêu đối với Thiên Chúa và các linh hồn, vị linh mục mới có thể nắm bắt được các chân lý sâu thẳm về đức tin siêu nhiên, chân lý mà cha cần truyền thụ lại cách rõ ràng và đầy thiện chí. Đây là xác tín của thánh Tô-ma và các anh em thời sơ khai. Tu sĩ Humbert Romans, bề trên Tổng quyền của Dòng, đã lý giải phương pháp này qua bài chú giải về tu luật thánh Âu-tinh:
“Bậc tu trì là bậc chiêm niệm, nhưng những điều được loan truyền phải gắn liền với chiêm niệm. Theo lời chân phước Grê-gô-ri: “Người ta kín múc trong chiêm niệm những điều sau đó họ sẽ ra đi truyền giảng”. Vì thế, bậc tu trì dường như muốn đạt được những điều người tu sĩ sẽ giảng thuyết hơn bậc sống thế tục, vì bậc tu trì chiêm niệm nhiều hơn. Quả vậy, giảng thuyết làm cho chiêm niệm đạt hiệu quả hơn vì sự phong phú của những lời giảng không chỉ do học hành mà còn do chiêm niệm nữa.
Nét quân bình trong đời sống Đa Minh.
Linh đạo của Dòng là một phức hợp được cấu thành từ nhiều yếu tố, nhưng chúng được kết hợp trong cùng một mục đích cao quý. Mọi yếu tố cấu thành nên linh đạo Dòng đều hướng tới chiêm niệm, điều mà phải sinh hoa trái trong hoạt động tông đồ. Sứ vụ loan báo Tin Mừng làm cho các phần khác của đời sống Đa Minh được sinh động, làm thăng tiến chúng đến mức độ cao nhất theo gương Chúa Ki-tô và các tông đồ. Trong cuộc đời mình, thánh Đa Minh đã mô tả sự thống nhất trong sự đa dạng, đặc trưng cho linh đạo mà cha đã chọn cho Dòng. Cha Petitot đã mô tả về tính quân bình của cuộc đời thánh Đa Minh như sau:
“Đặc điểm nơi thánh Đa Minh là sự hòa hợp, một tổng hợp hài hòa các đức tính dường như hoàn toàn trái ngược: dịu dàng với kiên quyết, say mê học hỏi với yêu thích hoạt động, thiên tư chiêm niệm với tinh thần tổ chức. Do đó, chúng ta có một hình ảnh về người tông đồ hết sức quân bình đến nỗi chúng ta có thể so sánh cha với thánh Bê-na-đô và thánh Phao-lô. Từ lúc chào đời đến khi tắt thở, thánh Đa Minh đã theo một con đường, một đường thẳng tắp không chút sai lệch…Cha không phải là một thi sĩ như thánh Grê-gô-ri Na-di-an hay thánh Phan-xi-cô €t-si-di, cũng không là một văn sĩ như thánh Âu-tinh; nhưng cha là một thần học gia, một vị giảng thuyết, một người tông đồ, một tu sĩ khổ hạnh và là một vị thánh”.
Đời sống tâm linh của các tu sĩ dòng Anh Em Thuyết Giáo quân bình cách tinh tế. Và đối với những ai không có sự thánh thiện như nơi các thánh nhân thì khó mà sống được. Nếu loại bỏ điểm chính yếu, thì những yếu tố hợp thành nên đời sống tâm linh sẽ tự hủy diệt, đời linh mục trở thành một “cha sở”, luôn hướng tới những lợi ích “địa phương” (cục bộ), đời đan tu trở thành “ẩn tu”, coi hoạt động tông đồ là một giải trí, học hành trở nên “mọt sách”, ít quan tâm đến lợi ích các linh hồn; yếu tố hoạt động trở nên “hiếu động”, dùng nó như một hoạt động “cuồng nhiệt”. Để tránh những thái cực này, người tu sĩ Đa Minh phải nuôi dưỡng nhiệt tâm khao khát mãnh liệt vì Chúa Ki-tô, phải coi chiêm niệm là điều tiên quyết trong đời mình. Việc chiêm niệm của người tu sĩ Đa Minh phải hướng về Chúa Ki-tô chịu đóng đinh để từ đó dẫn đến hoạt động tông đồ. Cha Regamy đã diễn tả chân lý này một cách cô đọng như sau: “Việc tông đồ không được hình thành trong cung thánh,cung nguyện và tu viện thì không thể hoàn hảo được”.
Linh đạo Đa Minh đã được thành hình từ một quá khứ xa xưa nhưng nay vẫn hợp thời. Hiến pháp hiện hành được dựa trên việc sửa đổi vào năm 1932. Khi đó, luật dòng Đa Minh được sửa đổi cho phù hợp với Giáo Luật. Các chỉ thị, phong tục, tập quán và những thực hành lỗi thời đều được loại bỏ. Những luật lệ thứ yếu được bổ túc để thích nghi với đời sống hiện tại. Những yếu tố chính yếu của đời sống và tinh thần Đa Minh vẫn được giữ nguyên vẹn, vì nếu thay đổi sẽ làm tan rã Dòng. Việc cập nhật hóa này vẫn được tiếp tục không ngừng nhằm làm cho Dòng luôn hợp thời. Các đại biểu đi dự Tổng hội (ba năm họp một lần) mang đến cho ủy ban lập pháp tối cao của Dòng những kinh nghiệm của các linh mục từ khắp nơi trên thế giới.Tổng hội tiếp tục công việc của Tổng hội trước đó để làm sao cho đời sống và hoạt động tông đồ của Dòng đạt được hiệu quả hơn.
Tính chất tư giáo và tông đồ trong linh đạo của Dòng Nhất không làm cho nó khác biệt với những phần tử thuộc Dòng Nhì và các ngành khác của Dòng Ba. Các nữ đan sĩ, các nữ tu hoạt động và các huynh đoàn giáo dân Đa Minh được khắc ghi ấn dấu của phép Rửa và phép Thêm Sức, tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô. Họ có quyền dự phần vào phụng tự của Ki-tô giáo và có khả năng triển khai hiệu quả của việc thờ phượng đến mọi người khác. Mỗi phần tử của dòng Anh Em Thuyết Giáo đều phải trở nên một vị tư tế, một người tông đồ luôn khát khao đem ơn cứu độ cho các linh hồn.
Nguồn: http//: daminhvn.net/
Bình luận