WHĐ (11/02/2025) – Trong kỷ nguyên mà trí tuệ nhân tạo (AI) đang biến đổi mọi khía cạnh của cuộc sống con người – từ chăm sóc sức khỏe đến quản trị, từ giải trí đến việc làm – Vatican đã đưa ra một khuôn khổ đạo đức vững chắc dựa trên giáo huấn Công giáo. Được Ủy ban Giáo hoàng của Thành Vatican ban hành, Hướng dẫn về Trí tuệ nhân tạo (Linee Guida in Materia di Intelligenza Artificiale) đặt ra thách đố cho cả các tổ chức thế tục lẫn tôn giáo với câu hỏi: Làm thế nào để đảm bảo AI phục vụ con người mà không làm tổn hại đến những giá trị cốt lõi nhất của chúng ta?
Những hướng dẫn này, hiện đang có hiệu lực, đưa ra một tầm nhìn táo bạo: công nghệ là một hành động đồng sáng tạo với Thiên Chúa, trong đó bảo vệ phẩm giá con người, công ích và chăm sóc thụ tạo. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng, dù AI có thể nâng cao năng lực của con người, nhưng nó không bao giờ có thể thay thế được sự sáng tạo, quyền tự chủ hoặc trách nhiệm đạo đức của con người.
Bản Hướng dẫn của Vatican bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng công nghệ-một sản phẩm của khả năng sáng tạo của con người- là một món quà từ Thiên Chúa. Những cải tiến như AI đã giúp giảm bớt vô số đau khổ của con người, từ chẩn đoán y khoa đến ứng phó thảm họa. Tuy nhiên, tiềm năng này cũng đi kèm với những rủi ro tương ứng. Nếu không được kiểm soát, AI có thể duy trì sự phân biệt đối xử, thao túng những nhóm người dễ bị tổn thương, và thậm chí làm xói mòn quyền tự chủ, vốn làm nên bản chất con người.
Phản ứng của Giáo hội trước những thách thức này được đặt nền tảng trên truyền thống lâu đời về việc bảo vệ phẩm giá con người. Lấy cảm hứng từ Thông điệp Laudato Si’ và Fratelli Tutti, Vatican không chỉ xem đạo đức AI như một vấn đề kỹ thuật mà còn là một đòi hỏi mang tính tâm linh và luân lý[1]. Trọng tâm của bản hướng dẫn này là các nguyên tắc nền tảng nhằm đảm bảo sự phát triển AI luôn lấy con người làm trung tâm và phù hợp với công ích.
1) Phẩm giá con người: AI phải phục vụ nhân loại, tôn trọng phẩm giá độc nhất và không thể thay thế của mỗi cá nhân. Nguyên tắc này nghiêm cấm việc sử dụng AI để khai thác, thao túng hoặc loại trừ con người, chẳng hạn như những hệ thống duy trì định kiến hoặc làm suy giảm quyền tự chủ của con người.
2) Minh bạch và trách nhiệm giải trình:Vatican yêu cầu các hệ thống AI phải vận hành một cách minh bạch và chịu sự giám sát về mặt đạo đức. Ví dụ, tất cả nội dung do AI tạo ra phải được gắn nhãn rõ ràng, đảm bảo người dùng có thể phân biệt giữa đóng góp của con người và máy móc.
3. Bảo vệ công trình Sáng tạo: Dựa trên Thông điệpLaudato Si’, bản hướng dẫn nhấn mạnh vai trò của AI trong việcbảo vệ môi trường. Các hệ thống AI không chỉ cần tránh gây hại mà còn phải góp phần tích cực vào việc chăm sóc thiên nhiên, ưu tiên sức khỏe sinh thái lâu dài hơn lợi nhuận ngắn hạn.
4) Công ích: AI phải mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, nhất là những người bị gạt ra bên lề, thay vì chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm đặc quyền. Bản hướng dẫn kêu gọi quyền tiếp cận bình đẳng với các ứng dụng AI nhằm đảm bảo rằng công nghệ không khoét sâu thêm sự bất bình đẳng xã hội.
Tài liệu định nghĩa AI là “một món quà từ sự sáng tạo của con người, mà bản thân sự sáng tạo này là một món quà từ Thiên Chúa”. Tuy nhiên, Vatican cũng cảnh báo rằng sự tiến triển công nghệ không được kiểm soát có thể dẫn đến các rủi ro, chẳng hạn như thao túng tiềm thức, phân biệt đối xử, và gây tổn hại cho những nhóm người dễ bị tổn thương. Cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm này đối lập với Hướng dẫn Đạo đức về AI đáng tin cậy của Liên minh châu Âu, vôn tập trung vào việc bảo vệ quyền dân chủ và quyền tự chủ cá nhân. Trong khi các hướng dẫn của Vatican không chỉ giới hạn các hoạt động cần hướng tới mà còn vạch ra ranh giới đạo đức rõ ràng, ngăn cấm các hoạt động vi phạm giáo huấn Công giáo và các nguyên tắc công lý phổ quát. Vatican nghiêm cấm các ứng dụng AI sau:
– Phân biệt đối xử hoặc duy trì bất bình đẳng
– Gây hại về mặt thể chất hoặc tâm lý cho con người qua sự thao túng
– Loại trừ người khuyết tật hoặc xâm phạm phẩm giá con người.
Trong khi Liên minh Châu Âu (EU) cũng nghiêm cấm AI mang tính phân biệt đối xử, cách tiếp cận của Vatican lại gắn chặt những lệnh cấm này với các nguyên tắc thần học – tạo ra một nền tảng đạo đức vững chắc – nhấn mạnh rằng mọi việc sử dụng AI đều phải phù hợp với sứ mạng của Giáo hội và bảo vệ tính toàn vẹn của nó.
Giám sát về mặt đạo đức và trách nhiệm
Nhưng làm thế nào để hiện thực hóa những nguyên tắc này? Bản hướng dẫn đặt giám sát về mặt đạo đức vào trung tâm của quản trị AI bằng việc thiết lập một ủy ban AI có trách nhiệm giám sát việc tuân thủ, đánh giá rủi ro, và duy trì tính minh bạch. Mặc dù điều này phản ánh sự nhấn mạnh của EU vào trách nhiệm giải trình, cách tiếp cận của Vatican vượt ra ngoài các khía cạnh pháp lý hoặc xã hội, nhấn mạnh rằng giám sát AI là một nghĩa vụ đạo đức và tâm linh. Điều này phản ánh sứ mạng của Giáo hội trong việc bảo vệ phẩm giá con người và công ích thông qua công nghệ.
Ví dụ, trong các ứng dụng chăm sóc sức khỏe của Vatican, bản hướng dẫn yêu cầu bệnh nhân phải được thông báo rõ ràng về vai trò của AI trong quá trình điều trị, nhằm đảm bảo tính minh bạch và duy trì quyền tự chủ của bệnh nhân. Điều này tương đồng với nguyên tắc về quyền tự quyết và giám sát của con người trong chính sách AI của EU, nhưng được Vatican đào sâu hơn bằng quan điểm thần học, xem nhân vị là một thực thể thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Tương tự, Vatican cấm các hệ thống AI đảm nhiệm các chức năng tư pháp; chỉ có thẩm phán con người mới có thẩm quyền diễn giải luật pháp. Điều này phản ánh niềm tin rằng công lý – dựa trên lý trí và lương tâm – vốn là một thiên chức của con người, do đó bảo vệ không chỉ văn bản pháp luật mà còn cả tinh thần của luật pháp. Những biện pháp này không chỉ nhằm duy trì các tiêu chuẩn đạo đức, mà còn bảo vệ các chiều kích tâm linh và đạo đức trong quá trình ra quyết định, thay vì phó mặc một cách tùy tiện cho các thuật toán.
Ngoài những bước quan trọng ban đầu này, Vatican còn gắn chặt đạo đức AI với Thông điệp Laudato Si’, kêu gọi cải tiến công nghệ để hỗ trợ tính bền vững và bảo vệ môi trường. Điều này tương đồng với cam kết của EU đối với phúc lợi xã hội và sinh thái, nhưng được làm phong phú thêm bởi quan điểm thần học xem công trình sáng tạo là một món quà từ Thiên Chúa, được giao phó cho nhân loại để chăm sóc và bảo vệ. Quan điểm thần học sâu sắc này khuyến khích việc xem AI như một công cụ quản lý, nhấn mạnh tiềm năng của AI trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng sinh thái trong khi vẫn tôn trọng mối liên kết giữa tất cả các thụ tạo
Ở một cấp độ rộng hơn, bản hướng dẫn của Vatican đưa ra một đóng góp độc đáo cho các cuộc thảo luận toàn cầu về đạo đức AI bằng cách tích hợp đức tin, lý trí và cơ chế giám sát thực tiễn. Khác với các khuôn khổ thuần tuý thế tục, Vatican nhấn mạnh sự cần thiết phải chống lại các tư tưởng công nghệ áp đặt, chẳng hạn như thuyết quyết định luận công nghệ (technological determinism) – xem công nghệ như một thực thể tự trị định hình xã hội, hoặc thuyết công cụ (instrumentalism) – xem công nghệ chỉ đơn thuần là một công cụ trung lập tách biệt khỏi các giá trị đạo đức.
Thay vào đó, Giáo hội kêu gọi tín hữu Công giáo tiếp cận công nghệ một cách có phê phán và mang tính xây dựng, nhận thức được rằng công nghệ có thể vừa mang lại lợi ích vừa tiềm ẩn rủi ro. Cách tiếp cận này thúc đẩy đối thoại giữa công nghệ và đạo đức, định vị Giáo hội như một tiếng nói quan trọng và một nhân tố có tầm ảnh hưởng trong việc định hình một tương lai AI lấy con người làm trung tâm và tuân thủ các giá trị đạo đức.
Bất kể những lợi ích và tính mới mẻ của các hướng dẫn này, việc triển khai chúng vẫn đặt ra những thách đố cả về thực tiễn lẫn triết học, đặc biệt đối với các tổ chức Công giáo đang cố gắng điều chỉnh cải tiến công nghệ theo tầm nhìn đạo đức của Giáo hội. Hạn chế về nguồn lực nổi bật như một thách đố chính. Nhiều tổ chức Công giáo, đặc biệt là ở các khu vực đang phát triển hoặc các giáo phận nhỏ, có thể thiếu khả năng tài chính hoặc kỹ thuật để triển khai các hệ thống AI tiên tiến theo đúng hướng dẫn của Vatican. Ví dụ, việc đảm bảo tính minh bạch và gắn nhãn nội dung do AI tạo ra, như hướng dẫn đã quy định, đòi hỏi chuyên môn công nghệ và cơ sở hạ tầng, có thể nằm ngoài tầm với của các tổ chức nhỏ hơn.
Một thách đố khác là điều hướng căng thẳng giữa khuôn khổ đạo đức của Vatican và xu hướng công nghệ toàn cầu. Quan điểm mang tính thần học và lấy con người làm trung tâm của Vatican về AI, vốn ưu tiên phẩm giá con người và trách nhiệm đạo đức, thường tương phản với cách tiếp cận vị lợi và hướng đến lợi nhuận của nhiều công ty công nghệ. Sự khác biệt này có thể dẫn đến xung đột trong hợp tác hoặc tích hợp, nhất là trong các lĩnh vực như y tế, nơi các công cụ AI ngày càng được thương mại hóa và tối ưu hóa cho hiệu quả thay vì ưu tiên khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người. Tương tự, lệnh cấm rõ ràng của Vatican đối với các thực hành như thao túng tiềm thức và suy luận mang tính phân biệt đối xử có thể mâu thuẫn với các chuẩn mực của các ngành công nghiệp dữ liệu, vốn thường dựa vào việc theo dõi hành vi và lập hồ sơ thuật toán.
Bất kể những những thách đố này, Vatican vẫn có nhiều cơ hội lớn để khẳng định vai trò lãnh đạo về mặt đạo đức trong lĩnh vực AI toàn cầu. Lời kêu gọi của Roma về Đạo đức AI (Rome Call for AI Ethics), một sáng kiến ra đời năm 2020 với sự hợp tác của các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft và IBM, đã minh chứng khả năng của Giáo hội trong việc kết nối các bên liên quan từ nhiều lĩnh vực khác nhau để thảo luận về tác động đạo đức của công nghệ mới nổi. Tiền lệ này cho thấy tiềm năng của Vatican trong việc tác động đến các cuộc tranh luận đạo đức rộng lớn hơn, đặc biệt trong những lĩnh vực mà các khuôn khổ thế tục, chẳng hạn như Hướng dẫn Đạo đức về AI đáng tin cậy của EU, phù hợp với các nguyên tắc của Giáo hội, bao gồm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, và công bằng.
Khi AI ngày càng trở nên phổ biến, tín hữu Công giáo có cơ hội đặc biệt để đưa ra tiếng nói đậm chất đức tin vào cuộc thảo luận này. Bản hướng dẫn của Vatican cung cấp một nền tảng vững chắc, nhưng sức mạnh thực sự của chúng nằm ở cách cộng đồng Công giáo đưa những nguyên tắc này vào thế giới rộng lớn hơn – bảo vệ phẩm giá con người, thúc đẩy lợi ích chung, và quản lý sáng tạo một cách có trách nhiệm.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: wordonfire.org (06/02/2025)
[1] Để biết các cách từng bước triển khai những nguyên tắc này, có thể tham khảo Technology Ethics: Responsible Innovation and Design Strategies (John Wiley & Sons, 2024), cũng như loạt bài viết được xuất bản trên Evangelization & Culture Online, đặc biệt là “Beyond Computation: The Human Spirit in the Age of AI“, “Recovering the Common Good for Ethical AI Design” và “Navigating AI with Lonergan’s Transcendental Precepts“.