Nếu bạn hỏi tôi tại sao tôi yêu Chúa? Tại sao tôi theo Ngài? Tại sao tôi phải chịu thiệt thòi để được bước đi với Ngài? Có lẽ tôi sẽ chẳng có đủ lý do và lý lẽ để trả lời cho bạn, bởi chuyện tôi đi theo Ngài là chuyện của con tim. Tuy vậy, tôi có thể nói với bạn rằng, tôi đi theo Ngài vì mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên giống Ngài. Nhưng, hơn bao giờ hết, trên hành trình theo Ngài cần có một đức tin vững mạnh, bởi ta không thể đi theo ai đó nếu ta không tin vào những điều người ấy nói, hay sâu đậm hơn là tin vào chính người ấy.
Thiên Chúa là Đấng tự mặc khải cho con người, và điều Thiên Chúa mặc khải được lưu truyền trong Thánh Kinh và Thánh Truyền. Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng vô hình. Ngài không phải là một Người như bao người khác mà tôi có thể trực tiếp đối diện, gặp gỡ, đối thoại. Thiên Chúa cũng không hiện ra an ủi khi tôi thất bại, không chúc mừng lúc tôi thành công và chẳng hứa hẹn cho tôi một tương lai tươi sáng, tốt đẹp. Mọi lý chứng và lý lẽ không đủ thuyết phục con người buộc phải tin Thiên Chúa hiện hữu. Và như thế, có thể nói: “Tin là đặt cuộc toàn bộ cuộc đời mình cho Thiên Chúa”.
Thực ra, cuộc sống của chúng ta luôn cần có niềm tin vào ai đó, hoặc điều gì đó. Nếu thiếu niềm tin chúng ta không thể tương giao với người khác được. Cũng vậy, về phương diện tôn giáo, nhờ tin vào Thiên Chúa, tôi có thể đứng vững trước mọi sóng gió cuộc đời. Chính Thiên Chúa đã tự mặc khải bản thân người cho nhân loại như một người bạn nói với một người bạn, đối thoại với con người để mời họ hiệp thông với Người. Đức tin của con người là một hành vi đáp lại lời mời gọi đó và “khi tin là họ cảm thấy xúc động vì chạm đến một mầu nhiệm. Rồi lần theo các dấu vết đưa dẫn họ tới sự hiện hữu của Thiên Chúa và dần dần thấy mình tin tưởng để nói với Ngài, rồi cuối cùng tự nguyện bước vào mối tương quan với Ngài […]. Tin có nghĩa là đồng thuận với Chúa Giêsu và đặt cuộc toàn bộ đời mình cho Người” (Youcat, số 22).
Bạn đã bao giờ để ý từ bên trong sâu thẳm lòng mình luôn có một thao thức, một khát vọng mà không có ai hay bất cứ thứ gì có thể khỏa lấp được? Ắt hẳn là có, vậy bạn hãy tìm kiếm đi, Chúa hứa rằng “ai tìm thì sẽ thấy” (Mt 7,7), và một khi đã “thấy” được sự hiện diện của Chúa, bạn sẽ hoàn toàn tin tưởng để có thể thưa chuyện với Ngài, tự nguyện bước vào mối tương quan với Ngài. Đức Kitô, Đấng mong chờ chúng ta phó thác bản thân cho Ngài, Ngài đã dạy chúng ta thái độ hoàn toàn tín thác qua mẫu gương đời sống của Ngài. Ngài đến với chúng ta bằng cách tự hạ, tự tước bỏ mọi vinh quang để trở nên một trẻ thơ không thể tự bảo vệ chính mình mà phải cậy dựa vào người lớn. Theo cách này, Ngài trở nên nghèo khó trong hang đá Bêlem để bày tỏ tình yêu của mình và muốn chúng ta theo chân Ngài, biết từ bỏ mọi sự an toàn theo cách nhìn của con người. Như vậy là để cho chúng ta dễ dàng gắn bó và phó bản thân cho Ngài.
Lật mở lại những trang đầu của sách Sáng Thế ký, chúng ta bắt gặp nơi hình ảnh vị tổ phụ Abraham, người được mệnh danh là Cha của kẻ tin bởi vì ông đã dám đánh cược cuộc đời mình cho Thiên Chúa với một niềm tin và sự phó thác tuyệt đối bằng việc rời bỏ nơi an toàn để đi đến miền đất mà Thiên Chúa sẽ chỉ cho (x. St 12,1-4). Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, Abraham đã lên đường để cắm rễ sâu trong Ngài. Ông đã trở nên một người hành hương vô định, bước đi mà không biết mình đi đâu. Rời bỏ quê hương xứ sở của mình, ông trở nên một người lẻ loi, không có gì ngoại trừ Thiên Chúa. Ông cũng để cho Thiên Chúa đặt tên mới, nghĩa là ông chấp nhận để Thiên Chúa làm chủ cuộc đời và vận mệnh của mình.
Chúng ta còn thấy niềm tin đó nơi người phụ nữ chân yếu tay mềm đó là Đức Maria. Tôi thích chiêm ngắm hình ảnh của Đức Mẹ trong hành trình đức tin. Nhìn lên tấm gương của Mẹ và nhìn lại đức tin của mình, tôi hiểu phần nào cuộc sống đức tin của mình là một hành trình đầy gian nan, thậm chí cả nước mắt khi Thiên Chúa đòi hỏi nơi tôi sự từ bỏ triệt để. Tôi tin nghĩa là tôi phải hoàn toàn phó thác, dẫu rằng phía trước của tôi đầy bão tố chông gai. Tôi tin, nghĩa là tôi phải thể hiện từ trong suy nghĩ đến lời nói và hành động, như là một sự hiện diện của ngài trong cuộc đời tôi. Đức Maria không hiểu hết về mọi việc khi Thiên sứ báo tin, nhưng Mẹ tin rằng Thiên Chúa có thể làm được mọi sự. Mẹ đã thưa xin vâng cho đến khi đứng dưới chân thập giá với con của mình, trong niềm đau thương khôn tả, đức tin của Mẹ đã không lay chuyển. Mẹ đã đánh cuộc cả đời mình cho Thiên Chúa. Chính sự tin tưởng tuyệt đối đó đã làm cho Mẹ trở thành người có phúc như lời của bà Ê-li-sa-beth chúc khen: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).
Trong Tin mừng, Chúa Giêsu cũng đã mời gọi các tông đồ đi theo Người, như một sự đánh cược, một dấn thân với niềm xác tín tuyệt đối. Khi Phêrô hỏi: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10, 28-30). Thật vậy, môn đệ chân chính là người “liều lĩnh” dám đem cuộc đời mình để đánh một ván cờ để nhận lại kết quả không chỉ là 50/50, nhưng là ăn chắc 100%. Khi còn đang vá lưới tại bờ biển hồ Galilêa, Phêrô và những môn đệ đầu tiên đã dứt khoát bỏ mọi sự mà đi theo Đức Giêsu. Tiếng gọi “hãy theo Ta” rất đơn sơ nhưng cũng rất huyền nhiệm. Tiếng gọi ấy có sức thu hút mạnh mẽ đối với các ông. Họ chấp nhận đánh đổi tất cả những người thân cùng với mọi tài sản mình có, để đi theo Đức Giêsu. Sau này, tuy có những lúc dao động và yếu đuối, các ông vẫn một niềm thành tín với Thầy và sẵn sàng làm chứng về Thầy mình cho đến hơi thở cuối cùng. Tin là một sự chấp nhận vượt khả năng lý trí, nhưng hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa. Nếu thật sự Thiên Chúa hiện hữu, thì phúc lộc của con người là vô hạn. Thánh Phaolô cũng đem cả cuộc đời mình ra để cá cược về điều này: “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,8).
Hiệu quả có thể thấy ngay ở đời này, khi sống theo những lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta được lãnh nhận sự bình an và niềm vui trong mọi hoàn cảnh. Để tin và đánh cuộc đời mình cho Thiên Chúa tôi cần liều và dám mạo hiểm. Dù chưa thấu hiểu hết con đường mình đã chọn nhưng phần còn lại tôi chỉ có thể khám phá khi đã mạnh dạn bước tới như thánh Anselmô Cantorbery từng nói: “Tôi không tìm cách hiểu để tin, nhưng tôi tin để hiểu”. Khi chấp nhận tin và đi theo Ngài rồi thì mọi sự sẽ trở nên tươi sáng hơn, bình an và hạnh phúc hơn.
Đức tin đôi khi đòi chúng ta phải quyết định dứt khoát như khi thực hiện một cú nhảy. Khi chúng ta mạnh dạn nhảy qua cái hố buồn tẻ của sự lưỡng lự, hoài nghi để đến với vòng tay vô biên của Thiên Chúa, khi thực hiện được cú nhảy đó chúng ta sẽ thấy tâm hồn tràn ngập hạnh phúc và bình an. Cú nảy ấy giống như câu chuyện về một em bé đang nằm ngủ trên tầng lầu, bỗng phát hiện căn nhà đang bốc cháy, cậu chạy ra cửa sổ và gọi: “Ba ơi! cứu con” và một giọng nói từ dưới vọng lên: “con nhảy xuống đi, có ba đây”. Nhìn xuống chỉ thấy khói lửa mịt mù, cậu bé nói: “Nhưng con không thấy Ba”. Người cha giục: “không thấy nhưng có ba ở đây, con cứ nhảy xuống đi!” Và cậu bé nhảy xuống với tất cả niềm tin. Cậu đã rơi vào vòng tay an toàn của người Cha. Thiên Chúa cũng vậy, Ngài chỉ cần chúng ta tin và dám đánh cược đời mình cho Ngài, còn mọi sự khác chính Ngài sẽ lo cho chúng ta. Chọn Thiên Chúa và đặt cược đời mình vào Ngài là thái độ khôn ngoan. Bởi vì, chắc chắn một điều Thiên Chúa hiện hữu và người đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa sẽ thấy những hiệu quả của ân sủng giống như hoa trái của Thần khí mà theo Thánh Phaolô đó là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22).
Đối với tôi khi quyết định đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, đó là một sự liều lĩnh, vì thực sự tôi không biết trước con đường phía trước như thế nào. Nhưng tôi tin Ngài, vì tôi cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời tôi, Ngài luôn che chở và giữ gìn tôi qua những biến cố vui buồn xảy đến. Khi đặt cả cuộc đời mình vào tay Ngài, tôi thấy tâm hồn ấm áp và hết cô đơn, bởi lẽ trong cuộc sống, dù không còn ai lắng nghe tâm sự của tôi, không còn nơi cho tôi nương tựa vững chắc thì vẫn còn có Chúa như tác giả thánh vịnh đã quả quyết: “Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27,10). Chính Thiên Chúa cũng đã đoan chắc với chúng ta:“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Dù cuộc đời còn nhiều sóng gió, nhưng tôi biết những ai tin vào Chúa sẽ có sức mạnh để vượt lên những thử thách gian nan. Thiên Chúa là nơi náu ẩn cho những ai trông cậy Ngài, dù đó là những tội nhân, vì lòng thương xót của Ngài thật bao la. Đức Giêsu – Con Thiên Chúa, đã đến trần gian này để chung chia phận người với chúng ta. Người không khước từ hoặc hủy bỏ thập giá, nhưng Người đã mang thập giá trên vai và đã chấp nhận chết treo trên thập giá. Thiên Chúa không hủy bỏ những thử thách cám dỗ trong cuộc đời con người, nhưng đã sai Con của Ngài đến trần gian để cùng vác với họ, để rồi những ai kiên nhẫn vác thập giá trên đường đời với tâm tình yêu mến và phó thác của Đức Giêsu, sẽ được Người nâng đỡ.
Là một người tu sĩ, niềm tin càng đòi hỏi ở mức độ mãnh liệt, cứng cáp và trưởng thành hơn. Trên con đường dâng hiến, tôi được mời gọi xác tín vào bàn tay Thiên Chúa để Người dẫn đưa. Có như thế tôi mới dám liều và lao mình về phía trước để hiến thân phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Khi sống theo đoàn sủng của dòng, “người tận hiến trở thành dấu chỉ của Chúa Thánh Thần, hướng về một tương lai mới được soi sáng bởi đức tin và niềm hi vọng kitô giáo” (Vita consecrata, 27). Tôi đã cảm nhận được hạt mầm đức tin ngay khi lời mời gọi “hãy theo Thầy” vang lên trong tâm hồn và thôi thúc tôi đáp lại mời gọi đó. Dù lời mời gọi đó không thể nhìn được bằng mắt, không nghe được bằng tai, cũng chẳng có máy móc nào kiểm chứng được nhưng qua từng ngày sống với Chúa và ở lại với Ngài, niềm tin ấy cứ vươn cao mạnh mẽ, để tôi có thể hân hoan cất lên lời tuyên khấn thuộc trọn về Chúa. Càng xác tín vào tiếng gọi mời của Thầy Giêsu, tôi càng đủ sức để dâng trọn vẹn cả cuộc đời mình cho kế hoạch cứu độ của Chúa. Hành trình dâng hiến của tôi đi kèm với lòng cậy trông và tình yếu mến, tôi phó thác cho Ngài; hành trình dâng hiến ấy tuy lắm gian nan, nhưng tôi luôn hy vọng vào Chúa. Như lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đức tin của người tu sĩ không phải là một đức tin của phòng thí nghiệm, nhưng là đức tin đang trong hành trình”. Do đó, tôi cần trau dồi và vun xới cho đức tin đã lãnh nhận bằng tâm tình cầu nguyện để xin Chúa gia tăng đức tin trong tôi mỗi ngày, để giúp tôi tưởng vào sự quan phòng, quyền năng và tình yêu của Người hơn.
Là một nữ tu, tôi không muốn dừng lại cuộc hành trình đức tin của mình chỉ với ba lời khấn, hay chỉ là một “ma sơ” ngoan ngoãn trong đời sống thường ngày, v.v. Nhưng tôi muốn được nên giống Chúa mỗi ngày, phản chiếu hình ảnh của Chúa trong tôi, dù cuộc sống có nhiều khó khăn và cả đau khổ…. Tôi mong trở thành một nữ tu có “chất lượng” chứ không phải là chỉ gắn mác của tu sĩ. Tôi mong là dấu chỉ của tình yêu và lòng thương xót của Chúa, vì tôi đã đánh cuộc đời mình cho Thiên Chúa.
Bùi Thanh