“Nước mắt”, cụm từ vẫn thường được nhắc đến như hình ảnh biểu trưng cho đau khổ, thất vọng, cô đơn, mất mát, chán chường… Vậy nên mỗi khi “gọi tên” nước mắt thì người ta thường hay liên tưởng đến nỗi buồn. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, đôi khi nước mắt lại được “khoác” lên mình dáng vẻ khác với những ý niệm đã mặc định, đó là giọt nước mắt vỡ òa trong hạnh phúc. Nếu khi buồn sầu, nước mắt như “công cụ” hữu hiệu để giải tỏa những vụn vỡ thì ở nơi nào đó, nước mắt lại là khí giới để phóng chiếu niềm vui.
Sáng Chúa nhật vừa qua, chị em tôi đi thăm quý Dì cao niên của Hội dòng. Những cuộc trò chuyện thân tình cùng những lời hỏi thăm kinh nghiệm sống đời dâng hiến mà chị em tôi dành cho quý Dì đã vô tình gợi mở về trang kí ức được viết nên bởi những giòng nước mắt: có đau thương, có tủi nhục, có thất vọng nhưng trên hết thì đó lại là những giọt nước mắt “minh chứng cho Tình yêu”
Được nghe kể lại từ những chứng nhân sống động, những con người đã tự nguyện dùng chính cuộc đời để làm nên những nét bút đậm màu mực của trang sử Hội dòng thật hào hùng, để những lớp hậu sinh như chúng tôi nhìn vào đó với ý thức vươn mình cố gắng. Cùng theo dòng suy tưởng, kết hợp với lời kể thật chi tiết và những ngôn ngữ mô tả rõ nét, tôi xuôi dòng về miền kí ức để “tìm lại” biến cố trục xuất dòng tu năm 1970. Có thể nói, mốc thời gian ấy được gọi nhớ như cơn bão kinh hoàng bất chợt ập đến gây ra những đau khổ nhất, thương tâm nhất đối với quý Dì bị trục xuất thời gian đó. Đang khi mang đầy những khát vọng, đang lúc lửa nhiệt huyết sôi sục và đang khi ấp ôm những thao thức về một đời theo sát dấu chân Chúa cách trọn vẹn thì quý Dì “lãnh án” trục xuất như một tia chớp chói lòa xé ngang khung trời đêm êm ả.
“Lòng đau như thắt, nước mắt chan hòa”, những người nữ vốn chân yêu tay mềm, những con người mà xưa nay vẫn được mệnh danh là “liễu yếu đào tơ” nay hiên ngang “đứng lên” thật quật cường. Chín tháng đấu tranh trong nước mắt nhưng chưa một lần những người nữ ấy thôi cố gắng. Quý Dì đã cầu nguyện liên lỉ, đã hi sinh, đã vươn mình chiến đấu, ngõ hầu có thể được ở lại nơi mà quý Dì khát khao thuộc về. Tôi im lặng gieo mình theo lời kể và mường tượng ra ít nhiều khung cảnh đau thương ấy với tâm tình thán phục và cả một sự đồng cảm. Tôi thán phục những người nữ hiên ngang, bất khuất trước những lời đe dọa bất công; tôi đồng cảm với nỗi đau của quý Dì khi buộc lòng phải rời xa nơi mình gắn bó, phải từ giã nơi mình thề ước sống – chết không thay lòng; tôi cũng đượm buồn khi hình dung ra không khí u sầu ngày quý Dì gặp gỡ vị Cha chung Giáo phận trước khi “hồi hương”. Cảnh tượng Cha – Con từ giã nhau trong nước mắt đủ để chuyển hóa mình nên như lời minh chứng cho mối tình dành cho Thiên Chúa thật nồng nàn, cùng với đó là một khát vọng hiến dâng thật trọn vẹn của quý Dì thuở ấy. Tôi còn được nghe Dì thuật lại một chi tiết rằng Mẹ Bề trên đã can đảm tới gặp những nhà lãnh đạo bấy giờ và dõng dạc nói: “xin các ngành cho mỗi em một viên đạn để các em được chết trong nhà Chúa còn hơn là bắt các em trở về nhà”. Câu nói ấy như đã thâu tóm tất cả nỗi niềm của quý Dì, tất cả chỉ gói trọn trong khát vọng hiến dâng. Ước mong đã bày tỏ nhưng bị khước từ, những dòng nước mắt lặng rơi khi ước mơ được cùng Giêsu viết nên trang tình sử mang tên “ Đời dâng hiến” nay bị ngắt quãng. Quý Dì buộc lòng trở về gia đình, cùng mang theo lời nhắn dụ của Đức cha như hành trang mà rằng: “Chúng con ra đi trong u sầu nhưng không thất vọng vì ở đâu chúng con cũng có Chúa ở với chúng con, vả nữa, Dòng mình là Dòng Thuyết giáo, mà vì hoàn cảnh chúng con chưa hoạt động tông đồ được, có lẽ Chúa dùng dịp này mà đưa chúng con ra cánh đồng truyền giáo của Giáo phận, để chúng con ra đi trong đau thương rồi về trong vui mừng, như cơn bão làm rung cây cho rụng xuống những hạt già để rồi mọc lên những câu non xanh tốt”1. Nghe xong những lời nhủ bảo ấy, quý Dì lặng yên trong nước mắt mà chẳng ai nói được điều gì. Những giọt nước mắt như thay lời cho nỗi niềm khát mong được chết đi cho chính ơn gọi của mình. Quý Dì khát khao được tử đạo, được sắt son trong ơn nghĩa Chúa suốt đời. Nhưng quả thực, tất cả đều không nằm ngoài, không sai chệch đường lối Chúa. Biến cố đau thương ấy đã đưa những con người quả cảm, hiên ngang tiến bước vào giữa lòng thế giới, mang trong mình một tình yêu mãnh liệt với Đấng Tạo Thành, quý Dì đã trở nên tấm gương sáng cho đời sống thánh hiến và việc tuân hành các lời khuyên Phúc âm. Biến cố đó có lẽ khi nhắm mắt lìa đời, quý Dì cũng không thể quên vì bởi lẽ, nó đã trở thành cột mốc lịch sử đáng ghi nhớ để hôm nay khi nhìn lại, quý Dì thấy mình được hun đúc, được thúc bách, được làm mới lại tình yêu hiến dâng. Bao làn sóng dâng cao, bao trận cuồng phong phủ lấp, bao gian khổ ngập tràn, tất cả đã không đủ khả năng cuốn trôi hay dập tắt đi bất kỳ đốm lửa Tình yêu nào của người thánh hiến.
Cảm tạ Hồng ân Thiên Chúa đã không ngừng tuôn đổ trào tràn trên cuộc đời những người thánh hiến kiên trung. Qua từng biến cố, qua từng giọt nước mắt, qua từng bước chân âm thầm, đã thêm một lần tái khẳng định về “lời minh chứng Tình yêu” thật rõ nét. Quả thực “tất cả là hồng ân” (St Têrêsa).
Thầm Lặng
1 Hội dòng nữ Đa Minh Bùi Chu, 60 năm nhìn lại (1951 – 1911), Lưu hành nội bộ, 2011, tr. 135.