Làm sao chúng ta tôn vinh sự thật rằng, là tín hữu kitô, chúng ta phải nghĩ về người nghèo trước hết? Làm sao chúng ta đối diện với Chúa Giêsu trong ngày phán xét khi Ngài hỏi vì sao chúng ta không tiếp đón Ngài lúc Ngài ở trong hình hài người tị nạn?
Ngày nay, ở biên giới các nước trên biên giới có rất nhiều người tị nạn, có nơi có cả hàng triệu người. Họ dễ dàng bị cho là quỷ hóa, là tai ương, là mối đe họa, là kẻ xâm lấn, là tội phạm trốn tránh công lý ở quê nhà. Nhưng hầu hết họ là những người tử tế và lương thiện đang chạy trốn nghèo đói và bạo lực. Và những lý do làm cho họ phải rời quê nhà cho biết họ không phải là tội phạm.
Bất chấp sự thật hầu hết họ là người tốt, gần như ở khắp mọi nơi, họ vẫn bị cho là những người tạo vấn đề. Chúng ta không được cho họ vào! Họ là mối đe dọa! Và các chính trị gia thường dùng từ “xâm lấn” để nói đến sự hiện diện của họ ở biên giới.
Còn chúng ta nói được gì về điều này? Chúng ta cứ để ai vào cũng được sao? Chúng ta sáng suốt chọn lọc, cho một số vào, một số khác chặn lại? Chúng ta xây tường và dây thép gai để chặn đường? Chúng ta phải phản ứng như thế nào?
Những câu hỏi này cần được xem xét từ hai khía cạnh: thực tế và Kinh Thánh.
Thực tế, đây là một vấn đề rất lớn. Chúng ta không thể đơn giản mở hết biên giới và để hàng triệu người tràn vào. Làm vậy là phi thực tế. Nhưng mặt khác, chúng ta không thể biện hộ cho sự chần chừ đón nhận người tị nạn bằng cách viện dẫn Kinh Thánh, Chúa Giêsu, hay lý luận ngây thơ cho rằng nước “chúng ta” là của chúng ta và chúng ta có quyền ở đây còn người khác thì không, trừ phi chúng ta cho phép họ vào. Tại sao không?
Với người tín hữu kitô, có vô số nguyên tắc Kinh Thánh miễn tranh luận.
Trước hết, Thiên Chúa tạo nên thế giới cho tất cả mọi người. Chúng ta là quản gia chứ không phải là chủ. Chúng ta không sở hữu gì, tất cả là của Thiên Chúa và Thiên Chúa đã tạo nên thế giới cho tất cả mọi người. Đây là nguyên tắc chúng ta dễ làm ngơ khi nói đến vấn đề ngăn người khác vào nước “của mình”. Nhưng chúng ta chỉ là người quản gia ở đây, ở một đất nước thuộc về toàn thể thế giới mà thôi.
Thứ hai, trong Kinh Thánh, cả Cựu Ước và Tân Ước có vô số điểm nói rõ ràng và mạnh mẽ về thách thức đón nhận người lạ và người nhập cư. Điều này ở khắp nơi trong thánh thư Do Thái và là hình ảnh rất mạnh trong tâm điểm thông điệp của Chúa Giêsu. Quả thật, Chúa Giêsu mở đầu con đường mục vụ của Ngài bằng việc thông báo Ngài đến để mang Tin Mừng cho người nghèo. Vì vậy, bất kỳ việc giảng dạy, rao giảng, mục vụ, chính sách chính trị hay hành động nào không phải là Tin Mừng cho người nghèo, thì không phải là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, dù chúng ta có thiết thực về mặt chính trị hay về mặt Giáo hội gì đi chăng nữa. Và nếu đó không phải là Tin Mừng cho người nghèo, thì các chính sách này đừng khoác lên mình lớp áo Phúc âm hay Chúa Giêsu. Do đó, bất kỳ quyết định nào chúng ta đưa ra với người tị nạn và người nhập cư, không được đối nghịch với sự thật rằng Phúc âm đã đem Tin Mừng đến cho người nghèo.
Hơn nữa, Chúa Giêsu quá rõ ràng khi đồng nhất người nghèo với chính Ngài (Ai trong các con làm việc này cho người nhỏ bé nhất, là đang làm cho Ta) và cho chúng ta biết, đến cuối cùng, chúng ta sẽ bị phán xét bằng cách chúng ta đối xử với người nhập cư và tị nạn (Hãy đi khuất mắt Ta, vì khi Ta là người lạ, ngươi đã không đón tiếp.) Trong kinh thánh có một vài đoạn văn thẳng thừng và đầy thách thức như vậy (Mt 25: 35-40).
Cuối cùng, chúng ta còn bị thách thức trong Cựu Ước. Thiên Chúa thách chúng ta đón nhận người nước ngoài (người nhập cư), chia sẻ tình yêu, đồ ăn, áo mặc với họ, vì chính chúng ta đã một thời là người nhập cư (Đệ nhị luật 10: 18-19). Đây không chỉ là câu châm ngôn Kinh Thánh mơ hồ, nhất là với những người sống ở Bắc Mỹ. Trừ các quốc gia Da Đỏ bản địa (mà chúng ta đã dùng vũ lực đuổi đi), thì hết thảy chúng ta đều là người nhập cư và đức tin thách thức chúng ta đừng bao giờ quên điều này, ít nhất là khi đối xử với người đói đang chờ bên đường biên giới. Dĩ nhiên, những ai đã ở đây hàng thế hệ, có thể lập luận chúng tôi ở đây đã lâu và bây giờ chúng tôi không là người nhập cư nữa. Nhưng có lẽ còn có một lập luận thuyết phục hơn, đó là việc đóng cửa biên giới sau khi bản thân mình được vào là một hành động ích kỷ.
Đây là những thách thức của Kinh Thánh. Tuy nhiên, sau khi đã công nhận những thách thức này, chúng ta vẫn còn một câu hỏi thực tế: xét một cách thực tế, chúng ta (và nhiều nước trên khắp thế giới) nên làm gì với hàng triệu người, đàn ông, phụ nữ trẻ con đang tìm đến biên giới của chúng ta? Làm sao chúng ta tôn vinh sự thật rằng mảnh đất chúng ta sống thuộc về tất cả mọi người? Làm sao chúng ta tôn vinh sự thật rằng, là tín hữu kitô, chúng ta phải nghĩ về người nghèo trước hết? Làm sao chúng ta đối diện với Chúa Giêsu trong ngày phán xét khi Ngài hỏi vì sao chúng ta không tiếp đón Ngài lúc Ngài ở trong hình hài người tị nạn? Và làm sao chúng ta tôn vinh sự thật rằng hầu hết chúng ta đều là người nhập cư, sống ở một đất nước mà chúng ta đã dùng vũ lực đoạt lấy của người khác?
Không có câu trả lời dễ dàng nào cho những câu hỏi này, cho dù đến tận cùng, chúng ta vẫn cần đưa ra một vài quyết định chính trị thực tế. Tuy nhiên, khi áp dụng chủ nghĩa thực dụng để xử lý chuyện này, chúng ta đừng bao giờ lẫn lộn về chuyện Chúa Giêsu và Kinh Thánh đứng về phía ai.
Ronald Rolheiser
J.B. Thái Hòa dịch
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/tin-tuc/nguoi-ti-nan-nhap-cu-va-chua-giesu.html