Tin mừng: Mc 1, 29-39
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài. Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
Biết bao người nổi tiếng đã dần dần bị lãng quên theo thời gian, chỉ duy có một Đức Kitô hằng sống vẫn luôn rõ nét theo vòng luân chuyển của vũ trụ tuần hoàn. Con người của hơn hai ngàn năm qua vẫn nhắc đến và tôn nhận Người là vị thủ lãnh Hòa Bình và sứ giả của Niềm Hy Vọng.
Trong trình thuật Tin mừng hôm nay, thánh sử Marco đã khéo léo tóm tắt ngày sống của Chúa Giêsu chỉ vọn vẹn trong một trang giấy (một ngày thấm nhuần đời sống cầu nguyện, hoạt động bác ái, cùng truyền giảng Tin mừng). Cũng trong bản văn Tin mừng này, thánh Macco đã liệt kê ngắn gọn những phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm trong ngày sống của Người như “chữa lành nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh” và “trừ nhiều quỷ”.
Con số những người được đón nhận ân sủng không được thánh sử nhắc tới cụ thể nhưng có một nhân vật điển hình và được đề cập đích danh là bà mẹ vợ ông Simon, người đã được Chúa chữa khỏi cơn sốt. Theo quan niệm của Do Thái, bệnh tật là dấu chứng biểu thị có sự quấy phá của ma quỷ. Chúa Giêsu đến với gia đình ông Simon như một vị cứu tinh xuất hiện kịp thời để xua tan đi những “sương mù” đang phủ lấp cuộc đời bà mẹ vợ ông và nhờ có sự hiện diện của Chúa mà cuộc đời bà được “sống lại” những giây phút an vui. Với năng quyền của mình, hẳn Chúa Giêsu có thể chỉ cần phán một lời là bà mẹ vợ ông Simon sẽ được lành, nhưng Người đã không làm như vậy. Người ân cần “lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy”. Cái cầm tay như gọn tóm tất cả thông điệp mà Người muốn truyền tải: Người không muốn là một Thiên Chúa chỉ đứng ở trên cao để quan sát nhưng Người muốn bước xuống ngang hàng, và đích thân cất đi những nỗi khổ cực ấy khỏi lòng nhân loại. Quả thực, đôi bàn tay Chúa đã chạm thấu tới nỗi khổ của thế giới loài người và cũng chính đôi bàn tay Chúa đã tự nguyện đón lấy những nỗi khổ ấy mà mang nơi thân mình.
Ở đây, thánh Marco cho chúng ta được thấy nét phác họa trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa và việc tỏ lộ tình thương của Thiên Chúa dành cho con người. Vì ấp ủ trong tâm khảm một niềm tin vững mạnh, cùng niềm hy vọng chân thành nên con người đã bày tỏ cùng Thiên Chúa: “Lập tức, họ nói cho Người về tình trạng của bà”. Niềm tin đã thôi thúc con người đến với Thiên Chúa, niềm hy vọng dẫn lối con người đến cất lời mời Chúa can thiệp vào đời sống mình. Thiên Chúa luôn luôn nhìn thấu nhu cầu của nhân loại, nhưng chắc hẳn Người tôn trọng sự tự do của con người nên để chúng ta học trưởng thành hơn trong tương quan với Thiên Chúa khi chúng ta biết nhận ra chúng ta cần tới Chúa.
Nếu sánh ví trang Tin mừng hôm nay là một bức tranh thì quả thực bức tranh ấy thật giá trị với những gam màu đa sắc, ở đó có bóng hình của niềm tin, có sự hiện diện của đời sống cầu nguyện, có sự góp mặt của tình yêu, có tâm hồn ngập tràn hạnh phúc vì được Chúa ghé thương chữa lành, có cái cầm tay thật thắm tình của một Thiên Chúa mang trong mình trái tim luôn xót thương và cũng còn đó những nét khác mời gọi mỗi chúng ta tự khám phá và cảm nhận bằng chính nhãn giới của mình.
Trong dòng suy tư ấy, chúng ta được bắt gặp hình ảnh một Thiên Chúa sống giữa đời mà không thuộc về đời. Giữa những ánh hào quang thế tục, Chúa Giêsu không để mình bị lôi kéo trở nên người tục hóa nhưng ngược lại, Người từ khước tất cả với một thái độ dứt khoát, để có thể sống và thực thi trọn vẹn thánh ý Chúa Cha. “Mọi người đang tìm Thầy”. Loài người chúng ta đang tìm gì nơi Đức Kitô? Tìm bình an? Tìm Lời cứu độ? Tìm ánh sáng chân lý? Hay chỉ tìm đến Người để được đáp ứng nhu cầu của bản thân? Ở đây, Chúa Giêsu đã sống và đi bước trước trong một lối sống thanh thoát với một cuộc đời bình an, không vướng bận danh lợi trần gian, cũng chẳng vướng lòng vì hào quang nhân thế. Bởi lẽ đó, mà Người luôn kiên tâm, vững bước đi trong thánh ý Chúa Cha đã hoạch định cho Người.
Suy gẫm đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta được cảm nghiệm sâu sắc hơn về tầm quan trọng của Chúa trong cuộc đời mình. Dù sau hơn hai ngàn năm, sự hiện ấy không còn là hữu hình nhưng với ánh sáng đức tin soi dẫn, chúng ta an lòng vì có một Đấng vô hình vẫn ngày đêm ấp ủ, thương yêu. Dù là hai ngàn năm trước, hay hai ngàn năm sau, dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai, dù là sống trong an vui hay phải vươn mình trong lao nhọc, thì cuộc đời mỗi chúng ta luôn cần có Chúa hiện diện, hằng cần Chúa ở cùng.
Lạy Chúa Giêsu! Từng phút giây của kiếp lữ hành dương thế, chúng con thực sự cần Người ở kề bên, chúng con hằng khát mong có Người dẫn lối. Lạy Chúa, xin Người thương đưa tay vực chúng con dậy sau mỗi lần chúng con vấp ngã vì yếu đuối, bất toàn, của kiếp nhân sinh. Lạy Chúa, chúng con ý thức rằng: chúng con chỉ thực sự đang “sống” khi cuộc đời chúng con có Chúa, chúng con chỉ thực sự hiện hữu khi được kết hợp mật thiết với Người. Lạy Chúa, xin Người thương dắt dìu chúng con trên nẻo đường đời. Xin Người thương dẫn lối chúng con trong từng bước đường đi để dù ngày mai là ngày tươi sáng hay tương lai có bão giông phủ đầy, chúng con vẫn an lòng vững bước vì chúng con “Có Chúa trong đời”.
B&T