Nếu chúng ta sống trong cay đắng giận dữ, trong ghen tương và không sẵn lòng chấp nhận người khác, nếu cuộc sống chúng ta gieo hỗn loạn và bất ổn, thì đó là những gì chúng ta sẽ để lại, và sẽ luôn là một phần di sản của chúng ta.
Vài năm trước, vào thời điểm báo chí nước Mỹ quá tập trung vào một vụ quấy rối tình dục lớn, tôi hỏi ba nữ đồng nghiệp: “Điều gì gây ra quấy rối tình dục? Ranh giới nào không được vượt qua? Cái gì là hành vi vô tội và cái gì là quấy rối?” Họ trả lời: “Đây không phải là vấn đề về ranh giới rõ ràng, một bình luận hoặc một hành vi quá trớn nào đó. Đúng hơn, chúng ta biết điều gì là vô tội và điều gì là không. Chúng ta thấy sinh lực ẩn dưới hành vi đó. Chúng ta biết khi nào là quấy rối và khi nào là không.”
Tôi chắc chắn điều này đúng trong hầu hết trường hợp. Tất cả chúng ta đều có rađa nội tâm rất nhạy bén. Chúng ta cảm nhận một cách tự nhiên và nắm bắt được sinh lực đang tồn tại – dù căng thẳng, an tâm, ghen tị, chấp thuận, ngây thơ, hay hung hăng. Chúng ta thấy được điều này ở những em bé còn nhỏ, cả những em bé mới lên hai, chúng có thể cảm nhận được sự căng thẳng đang có trong người.
Thánh Gioan Thánh Giá thần nghiệm đã viết về khái niệm này trong phân định linh hướng. Ngài nêu lên, làm sao để phân định mình đang ở trong đêm tối tâm hồn thật sự (một điều lành mạnh) hay đang buồn nản vì trầm cảm hoặc vì có hành vi vô đạo đức. Ngài đưa ra một vài tiêu chuẩn để phân định, nhưng cuối cùng, tất cả đều quy về cách chúng ta nắm bắt được sinh lực người đó đang tỏa ra. Họ đem lại oxy cho căn phòng hay họ đang hút oxy? Khi nghe họ, bạn có thấy mình bị nản lòng không? Nếu có, thì lời nói của họ không mang tính thiêng liêng, không lành mạnh. Những người thật sự ở trong đêm tối tâm hồn, thì dù có đấu tranh nội tâm, họ vẫn đem lại sinh lực tích cực và làm cho bạn thêm hứng khởi thay vì nản lòng.
Mục đích của tôi khi chia sẻ vấn đề này không phải để chúng ta phê phán hay phán xét người khác nhưng để biết nắm bắt sinh lực họ tỏa ra (dù trong vô thức, chúng ta đã làm rồi). Điều tôi muốn nêu bật: đây là thách thức mỗi chúng ta phải chủ tâm kiểm điểm xem mình mang lại sinh lực gì và để lại gì.
Mỗi người chúng ta cần can đảm tự hỏi: Tôi đem lại sinh lực gì? Tôi đem lại sinh lực nào cho bữa ăn gia đình? Cho buổi họp cộng đoàn? Cho những người bàn chuyện chính trị và tôn giáo với tôi? Cho các đồng nghiệp và cộng sự của tôi? Cho nhóm xã hội tôi tham gia? Và sâu sắc hơn, là cha mẹ, là người lớn tuổi trong cộng đồng, tôi đem lại sinh lực gì cho con cái, cho người trẻ? Là người đi dạy hoặc làm mục vụ, tôi mang sinh lực gì khi hướng dẫn người khác?
Đây là câu hỏi quan trọng. Tôi thường đem lại sinh lực gì và để lại gì? Chán nản? Giận dữ? Hỗn loạn? Ghen tương? Hoang tưởng? Cay đắng? Trầm cảm? Bất ổn? Hay tôi đem lại và để lại một chút ổn định, bình tĩnh, vui vẻ, một sinh lực đem lại phúc lành thay vì nguyền rủa người khác? Rốt cùng tôi để lại gì?
Trong Phúc âm Thánh Gioan, khi Chúa Giêsu nói lời từ biệt, Ngài đi thì tốt hơn cho các môn đệ, vì nếu không họ sẽ không nhận được Thần khí của Ngài, và Thần khí của Ngài, ơn cuối cùng Ngài ban, đó là bình an. Chúng ta cần lưu ý hai điểm: thứ nhất, các môn đệ không thể nhận hoàn toàn những gì Chúa Giêsu ban cho đến ngày Ngài thật sự ra đi, thứ hai, ơn thật sự, di sản thật sự Chúa Giêsu để lại cho họ, chính là bình an.
Thoạt nhìn điều này có vẻ hơi lạ, các môn đệ chỉ có thể nhận trọn sinh lực này khi Ngài ra đi và để lại Thần Khí cho họ. Điều này cũng đúng cho mỗi chúng ta. Chỉ sau khi chúng ta rời khỏi một nơi nào đó thì sinh lực chúng ta để lại mới rõ ràng nhất. Có thể sau khi chúng ta chết, sinh lực chúng ta để lại sẽ là di sản thực sự của chúng ta. Nếu chúng ta sống trong cay đắng giận dữ, trong ghen tương và không sẵn lòng chấp nhận người khác, nếu cuộc sống chúng ta gieo hỗn loạn và bất ổn, thì đó là những gì chúng ta sẽ để lại, và sẽ luôn là một phần di sản của chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta đáng tin cậy và sống quên mình, có đạo đức, hiếu hòa với người khác, đem lại bình thản và vững vàng, thì như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ để lại món quà bình an. Đó sẽ là di sản của chúng ta, là oxy chúng ta để lại cho hành tinh này sau khi chúng ta ra đi.
Và đây không phải là chuyện người nào có thể thổi bừng căn phòng bằng sự hóm hỉnh và hài hước, dù những chuyện này cũng tốt, nhưng đúng hơn, ai là người toàn vẹn cá nhân để đem lại tin tưởng và ổn định cho người khác?
Với tất cả những điều này, chúng ta tự hỏi: khi bước vào một căn phòng, tôi đang đem oxy vào hay tôi đang hút oxy của phòng đó?
Ronald Rolheiser
J.B. Thái Hòa dịch
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org