Suy niệm: Tin mừng Mt 16, 13-20
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô.
Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.
THẦY LÀ AI?
Trong cuộc sống, để tin, để nghe, và để đi theo một ai đó, thông thường đòi chúng ta phải biết về đối tượng ấy và hiểu họ là người thế nào. Tuy nhiên, lật lại những trang sử của Tin mừng, ta thấy các môn đệ lại không đi theo một lộ trình mà con người chúng ta vẫn làm. Trái lại, các ông luôn sẵn sàng “theo Thầy” trong mọi cảnh huống, miễn là được gọi. Chúng ta sẽ thấy rõ điều ấy.
Một ngày nọ, khi hai ông Simôn và người anh là ông Anrê đang quăng chài xuống biển thì Đức Giêsu đi qua. Người gọi: “Hãy theo thầy”. Lập tức, hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Thầy (x. Mt 4, 19-20). Vậy Thầy là ai là các ông lại sẵn sàng bỏ công việc của mình mà theo như vậy?
Đi một quãng nữa, Người lại thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng cha vá lưới ở trong thuyền. Người cũng gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà đi theo Người (x. Mt 4,21-22).
Đây có thể nói là thành quả của những ngày mà Đức Giêsu đi rao giảng công khai. Nhưng liệu rằng những người này mau mắn theo Đức Giêsu, họ đã biết gì về Thầy, hay vừa đi vừa hỏi Thầy là ai?
Tin mừng tiếp tục kể lại, Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin mừng Nước Trời và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xyri. Vậy Thầy là ai mà khiến cho dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người như vậy? (x. Mt 7,28).
Rồi một hôm Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. Bỗng nhiên biển động mạnh, khiến sóng ập vào thuyền. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất”. Rồi Người trỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ (x. Mt 8,23- 26). Thầy là ai mà cả gió và biển cũng tuân lệnh? Khi đã sang bờ bên kia và đến miền Gađara, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người. Chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lối ấy thế mà Thầy đã khiến quỷ xuất khỏi hai người đó (x. Mt 8,28-31). Thầy là ai mà đến quỷ cũng phải khiếp sợ?
Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế thì thấy một người tên là Matthêu đang ngồi tại trạm, người bảo ông: “Anh hãy theo tôi. Ông đứng dậy đi theo Người” (Mt 9,9). Đức Giêsu cùng vào dùng bữa tại nhà ông ấy. Có nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng kéo đến, cùng ăn với Người. Điều này đã khiến cho những người pharisiêu phải thốt lên: Sao Thầy các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?
Có thể nói những lời Đức Giêsu giảng dạy, những việc Đức Giêsu đã làm khiến cho mọi người sửng sốt, kinh ngạc và bái phục. Vậy họ cho rằng Người là ai?
Khi dân chúng chứng kiến việc Đức Giêsu chữa cho người bị qủy ám thì họ sửng sốt và nói: “Ông này chẳng phải là con Vua Đavít sao?” (Mt 12, 22). Còn những người Pharisiêu cho rằng Đức Giêsu chỉ dựa vào thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ. Còn Tiểu vương Hêrôđê cho rằng Đức Giêsu là ông Gioan Tẩy giả đã từ cõi chết sống lại (x. Mt 14,1-2).
Hôm nay, khi chỉ có Thầy trò với nhau, Đức Giêsu đã hỏi các ông: “Người ta bảo Thầy là ai?” Có lẽ cùng với mọi người chứng kiến tất cả mọi việc Đức Giêsu làm nên các ông rất mau mắn trả lời cho Đức Giêsu bằng những nhận định của mọi người: Họ cho rằng Đức Giêsu là ông Gioan Tẩy giả, là ông Êlia, là ông Giêrêmia, hay là một trong các ngôn sứ. Đức Giê su không chỉ dừng lại ở những điều mà người ta nói về mình. Người tiếp tục hỏi các ông: Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô, một trong những môn đệ thân tín đã trả lời: “ Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (x. Mt 16, 13-16) . Theo trình thuật của Tin mừng thì chỉ có ông Phêrô đưa ra câu trả lời lúc ấy, còn không thấy các môn đệ khác nói gì. Dù đã đi theo Người mấy năm nhưng có lẽ các ông vẫn còn mơ màng, chưa hiểu rõ về Người. Ông Phêrô thật có phúc vì đã được chính Chúa Cha đã mặc khải cho… Rồi, Đức Giêsu giao nhiệm vụ quan trọng cho ông là nắm giữ chìa khóa Nước Trời.
Có lẽ, câu mà Đức Giêsu hỏi các môn đệ cũng là câu mà Người hỏi mỗi kitô hữu chúng ta: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Để trả lời cho câu hỏi này, chắc chắn mỗi người phải nhìn vào lòng mình để thấy vị trí của Đức Giêsu. Nếu ta yêu mến Thầy đủ thì ta sẽ hiểu về Thầy vì câu hỏi này không liên quan đến kiến thức chúng ta có về Người nhưng liên quan đến tương quan thuộc về việc “Thầy là ai đối với ta, đối với con tim, đối với cuộc đời ta”. Sống tương quan đó, chúng ta mới đi sâu vào trong tình thân mật với Thầy mình, mới tin tưởng những điều Thầy dạy, mới can đảm thi hành những giáo huấn mà Thầy đã trao ban, mới dám yêu như Thầy đã yêu.
Lạy chúa Giêsu, xin cho đời sống chúng con là một phản chiếu Ngài liên lỉ để những ai đến gần chúng con đều cảm nhận được đời con có Chúa và Chúa mãi ở trong con. Và cuộc đời chúng con đủ là lời đáp trả cho câu hỏi “Thầy là ai?” Amen.
Lucia Trần