2Cr 5, 14 – “TÌNH YÊU ĐỨC KITÔ THÚC BÁCH TÔI” ĐỘNG LỰC CÁC HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO CỦA THÁNH PHAO LÔ
DẪN NHẬP
Thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, là tông đồ độc nhất vô nhị của lịch sử nhân loại nói chung và Kitô giáo nói riêng, như tấm gương chói lọi của mọi nhà truyền giáo, vì thánh nhân xác tín “chính tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5, 14) điều này đã được Đức Bênêdictô XVI khẳng định lại như sau:“Điều đáng kể là phải đặt Chúa Giêsu Kitô làm tâm điểm đời ta, để bản sắc ta chủ yếu được đánh dấu bằng cuộc gặp gỡ, bằng cuộc hiệp thông với Chúa Kitô và với Lời Người”.[1] Hơn nữa, Thánh Phaolô thu hút lòng ngưỡng mộ của nhân loại vì sự nghiệp vinh danh Thiên Chúa, xây đắp Hội Thánh và cứu rỗi các linh hồn, nhờ vào tấm lòng hy sinh cao cả kể từ khi gặp gỡ Đức Kitô trên đường Đamát. Từ một Pharisiêu cố thủ, hết mình bảo vệ truyền thống và lề luật, hung hăng bắt bớ các Kitô hữu thuở Giáo hội sơ khai, Saolô đã được Đức Giêsu Phục sinh chinh phục cách lạ thường.
Nếu Nhóm Mười Hai, với thủ lãnh là thánh Phêrô, để chuyên tâm đến các Kitô hữu gốc Do Thái, thì thánh Phaolô được kể là vị tông đồ dành riêng cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại (Gl 2,7). Với sứ vụ này, thánh nhân gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, giữa không ít khó khăn trên hành trình truyền giáo, nhưng giữa muôn vàn thử thách, thánh Phaolô vẫn một lòng nhiệt thành cho sứ vụ, bởi chính “tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5, 14). Nhờ vậy, thánh nhân đã hoàn thành xuất sắc tinh thần tông đồ và bằng cái chết tử vì đạo ngay tại Rôma để minh chứng tình yêu dành cho Tin Mừng của Đức Kitô Phục Sinh.
Chính vì thế, bước theo Thánh Phaolô trong các hành trình truyền giáo của ngài với lực đẩy từ tình yêu của Đức Kitô, người viết xin được trình bày (1) khái quát cuộc đời của Thánh Phaolô, (2) cuộc gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh, (3) các hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô, (4) và thái độ của Thánh Phaolô với sứ vụ truyền giáo cũng như những bài học ngài đã để lại trong sứ vụ này.
I. CUỘC ĐỜI CỦA THÁNH PHAOLÔ
1. Tên Gọi[2]
Trong các thư của Phaolô, thánh Tông đồ tự gọi mình là Phaolô, một tên cũng đã được dùng trong thư thứ hai của thánh Phêrô (Pr 3,15) và sách Tông đồ Công vụ (Cv 13,9). Trước đó, sách Công vụ dùng tên Saul (Saolô) để gọi thánh Tông đồ Dân ngoại (Cv 7,58; 8,1.3; 9,1 … ) hay theo tiếng Hipri là Saoul.[3] Cách viết này chỉ thấy trong các trình thuật đối thoại (Cv 9,14.17; 22,7.13; 26,14) và thay cho từ Hy-lạp Sa’ul, là tên vị Vua đầu tiên của Do thái (1Sm 9,2-17; cf Cv 13,21). Từ này có nghĩa là “được hỏi” (về Chúa hay về Giavê). Công vụ 13,9 thay tên Saul bằng tên Paul. Tên Paul là hình thức tiếng Hy-lạp của một tên họ rất nổi tiếng của người Lamã, Paulus (Latinh) được giới quý tộc ưa dùng, như các dòng họ Vettenii và Sergii. Người ta chỉ có thể phỏng đoán lý do tại sao Thánh Phaolô có tên Lamã này. Việc Saul bắt đầu được gọi là Phaolô chỉ là trùng hợp khi sách Công vụ thuật lại câu chuyện thống đốc Lamã là Sergius Paulus trở lại đạo (Cv 13,7-12); Cũng có cách giải thích khác rằng: có lẽ thánh nhân được gọi tên Paulus từ lúc mới sinh, còn tên Saul chỉ là tên thêm vào để sử dụng giữa những người Do thái với nhau. Bởi nhiều người Do thái vẫn có thói quen có hai tên: một tên Do thái (Saul), còn tên kia là Hylạp hay Latinh (Paul) (Cv1,23; 10,18; 13,1). Các tên ấy thường được chọn do các âm giống nhau, chứ thực ra không có bằng chứng nào nói tên Saul (Sa-un) đã được đổi thành Paul (Phaolô) lúc thánh nhân trở lại đạo; vì tên Saulos (Saolô) vẫn còn tiếp tục được dùng sau biến cố trở lại. Việc chuyển đổi tên ở Công vụ 13,9 có thể do các nguồn tín hiệu khác nhau của thánh Luca mà thôi.
2. Sinh Trưởng và Tính Tình
2.1. Sinh Trưởng
Nói về việc sinh trưởng, thực ra khó ai biết Thánh Phaolô sinh vào năm nào. Quả vậy, trong thư Philêmôn (c.9) viết vào khoảng giữa năm 50,[4] thánh nhân tuyên bố mình đã “già”, trong khi sách Công vụ Tông đồ lại diễn tả ngài còn “trẻ” khi người ta ném đá Thánh Têphanô (Cv 7,58). Hai cách nói này có vẻ chung chung và mâu thuẫn. Dẫu vậy, theo cách tính của người ngày xưa thì một người khoảng 30 tuổi được coi là “trẻ”, và khi người ấy khoảng 60 tuổi thì được coi là “già”.[5] Vậy, Thánh Phaolô có thể sinh ra vào khoảng năm 5-10 AD,[6] như thế lúc già thì Ngài gần 60 tuổi, và trong khi ném đá Thánh Têphanô thì Ngài chừng 30 tuổi. Điều này khả dĩ đúng hơn theo lịch sử, nên Giáo hội chọn năm 2008 để mừng Năm Thánh Phaolô kỷ niệm 2000 năm sinh nhật của Ngài vì nghĩ rằng ngài sinh khoảng trên dưới năm 8 AD.[7]
Dẫu vậy, dù trong trường hợp nào thì Ngài cũng sinh tại Tarsô vùng Cilicia (Cv 22,3), nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Tarsô là một thành phố lớn, nổi tiếng về văn hoá, khoa học, tôn giáo và đặc biệt là triết học, Tarsô có thể cạnh tranh với Athens và Alexandria.[8] Thánh Phaolô xuất thân từ một gia đình truyền thống đạo đức (2Tm 1,3), và gắn bó với truyền thống Pharisiêu, “chịu cắt bì đúng ngày thứ tám, thuộc dòng tộc Israel, họ Benjamin, là người Hipri, con của người Hipri; giữ luật thì đúng như một người Pharisiêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính với Lề Luật, thì chẳng ai trách vào đâu được” (Pl 3,5-6).
Là một người Hipri lưu vong, Phaolô nói tiếng Hy-lạp mặc dù có tên gốc Latinh, và Ngài là công dân Rôma (x. Cv 22,25-28). Với những điều ấy ta có thể coi Thánh Phaolô là ranh giới của ba nền văn hoá: Rôma, Hy-lạp và Hipri (Do thái)- và có lẽ vì điều này mà ngài thành công trong việc cởi mở hơn với dân ngoại và với các Kitô hữu thuộc văn hoá Hylạp,[9] và làm trung gian giữa các nền văn hoá.
Với thân thế đáng ước mong của nhiều người, cộng thêm sự quan tâm của cha mẹ, nên khi đến 12-13 tuổi, Thánh Phaolô rời Tarsô đến Giêrusalem để được thụ giáo dưới chân Thầy Gamaliel Cả theo những điều kiện hết sức nghiêm ngặt nhất của nhóm Biệt Phái và có được một lòng hết sức nhiệt thành đối với Lề Luật Môsê.[10] Nên với những gì đã học được ở trường Giêrusalem, do phái Hillel hướng dẫn, thì thánh nhân thấy phong trào mới của Chúa Giêsu thành Nadarét là một nguy cơ, một mối đe doạ cho Do Thái, cho sự chính thống chân chính của cha ông. Điều này dẫn tới việc ngài “bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa” cách mãnh liệt, như ngài đã thú nhận ba lần trong thư của ngài.[11] Những cuộc lùng bắt của ngài ảnh hưởng lớn cho sự sống còn của Hội Thánh lúc non yếu, nên đã có biến cố Đamát. Chính biến cố quan trọng này đã biến đổi ngài trở thành một Tông đồ rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu. Hoạt động tông đồ của ngài dựa theo truyền thống được chia thành ba hành trình truyền giáo và cuộc hành trình thứ tư ngài đi Rôma như một tù nhân và đã chịu tử đạo vì danh Chúa Kitô, được Thánh Luca thuật lại trong sách Công vụ Tông đồ.
2.2. Tính Tình
Nói về con người Thánh Phaolô là nói về một con người đa diện, là nơi các điểm tương phản gặp gỡ. Điều này được thể hiện cách rõ ràng trong các thư của ngài. Quả thật, thánh nhân vừa là một nhà thần bí, vừa là nhà hoạt động (giảng dạy, di chuyển, làm việc); vừa là thần học gia, vừa là nhà truyền giáo; vừa là con người sáng lập, vừa là người điều hành; vừa là con người khai phá, vừa là vị mục tử; vừa là nhà giảng thuyết, đồng thời cũng là nhà đối chứng và hùng biện.
Hơn thế nữa, con người Phaolô còn bao gồm những đức tính: sống đức tin (“thế giới này qua đi” x. 1Cr 13: 4-7), nhưng cũng rất thực tế (xây dựng giáo đoàn trong đời sống cụ thể), rất tự tin nhưng cũng rất khiêm nhu; táo bạo nhưng đôi khi cũng rất nhút nhát, có tinh thần độc lập nhưng đồng thời sợ cô đơn; âu yếm nhưng cũng có óc châm biếm; biết ngoại giao nhưng cũng cứng rắn, đôi khi dùng những từ ngữ tàn nhẫn; khoan dung nhưng cũng chua cay; có uy quyền của người cha và sự tế nhị của người mẹ; khôn ngoan nhưng cũng dễ nóng giận…
Chúng ta tìm thấy hai nguồn tài liệu nói rõ về con người Phaolô là thư Galat và thư 2 Côrintô. Nếu thư Galat cho thấy một Phaolô cương nghị trong các cuộc truyền giáo cũng như trong cách điều hành các cộng đoàn, thì thư thứ 2 Côrintô mô phỏng về một Phaolô tự tin, táo bạo và hiền lành theo Chúa Kitô; ông làm việc liên lỉ; là ngườithông minh, thích nghi trong việc tông đồ; khoan dung đến độ có vẻ biết lấy lòng độc giả. Chẳng hạn, đầu mọi lá thư thánh nhân đều khen (2Cr 8,9; Rm 1,11.13-15); biết nhận giúp đỡ (Pl 4,15-18; 2Cr 11,9); yêu thương các cộng đoàn như cha yêu thương con,[12] âu yếm đến độ ghen tương …
3. Thánh Phaolô Con Người Của Ba Nền Văn Hoá[13]
Thánh Phaolô là một người Do Thái, đồng thời người cũng nói được tiếng Hy Lạp và là công dân Rôma.
3.1. Phaolô với văn hoá và truyền thống Israel
Bối cảnh văn hoá
Để hiểu rõ hơn về con người thánh Phaolô thì thiết nghĩ chúng ta cũng cần biết về bối cảnh mà thánh nhân sinh sống. Quả vậy, vào đầu thế kỷ thứ nhất, Israel là một thiểu số khoảng 10% trong đế quốc Rôma và chỉ khoảng 3% trong thành Rôma. Niềm tin và cách sống của họ hoàn toàn khác biệt với môi trường xung quanh, khiến họ có thể bị chế giễu, kỳ thị hoặc được thán phục. Một nhà hùng biện nổi tiếng tên là Cicêrô, đã không chỉ khinh thường tôn giáo của Israel mà còn khinh thường cả thành Giêrusalem. Juliô Caesar thì chính thức công nhận những quyền lợi của họ. Ngày nay số người Do Thái sống lưu vong nhiều hơn số người sống tại Palestine.
Quá trình bản thân và nền giáo dục Thánh Nhân hấp thụ
Thánh Phaolô thật may mắn vì thánh nhân đã có quyền công dân Rôma từ lúc mới sinh (Cv 22,26-28), nhưng vì là người Do Thái nên gia đình đã đặt cho người tên gọi theo Do Thái là Saulus (Cv 7,58; 8,1.3), cũng là tên vị vua đầu tiên của Israel. Người cũng thuộc chi tộc của vua ấy, Benjamin (1Sm 9,1).
Thêm vào đó, thánh nhân được sống trong một gia đình đạo đức, nên vẫn giữ luật cách nghiêm minh qua việc gửi thánh nhân về Giêrusalem để thụ giáo Rabbi Gamaliel,[14]với hy vọng sẽ trở thành Rabbi và người rất hãnh diện về trường phái Gamaliel (Cv 22,3; 26,4).
Tại Giêrusalem, Thánh Phaolô đã học (1) Thần học Do Thái giáo, và những phương pháp chú giải Kinh Thánh, phải đọc qua các sách chú giải Kinh Thánh của các Rabbi tên tuổi, gọi chung là Midraschim;[15] (2) học cách đọc sách Thánh, nghĩa là ngoài ý nghĩa mặt chữ, còn phải hiểu được ý nghĩa mầu nhiệm, ý nghĩa kín ẩn, nghĩa luân lý và các ý nghĩa biểu trưng;[16] (3) học hai loại sách Haggada[17] và Halacha;[18] (4) ngoài những sách vở và phương pháp có sẵn, mỗi trường phái Rabbi lại có những luật chú giải riêng: Rabbi Hillel, ông nội của Gamaliel có 7 luật, Rabbi Ismael đưa ra 13 luật và Rabbi Jose Hagelili có 32 luật; (5) học thêm nghề làm lều (Cv 18,3), chính nhờ nghề này mà người đã có thể tự túc về mọi mặt (x. 1Cr 4,12) và đã không thành gánh nặng cho người khác (1Tx 2,9).
Học xong, thánh nhân trở về Tarsô và có lẽ là lúc Chúa Giêsu bắt đầu đời công khai của Người, nên thánh nhân đã không biết Chúa Giêsu trong cuộc đời tại thế của Người.[19]
Tóm lại, với tư cách là người Do Thái, Thánh Phaolô chưa bao giờ rời bỏ Do Thái giáo,[20] và cũng không bao giờ có ý muốn chống lại nguồn gốc Do Thái của mình.[21] Với tư cách là Rabbi, dẫu chịu ảnh hưởng của Triết học Hy Lạp và những điều mới mẻ của Kitô giáo, Thánh Phaolô cũng không bao giờ rời bỏ những phương pháp chú giải đã học được.[22]
3.2. Thánh Phaolô với văn hoá Hy Lạp[23]
Nền văn hoá Hy Lạp thời Thánh Phaolô
Theo Đức Thánh Cha Benêđitô XVI, thì nền văn hoá thời Thánh Phaolô là một nền văn hoá Hy Lạp cổ (Hellenistic), một nền văn hoá mà sau thời Alexander Đại Đế, đã thành di sản chung ít ra là của vùng Đông Địa Trung Hải và Trung Đông.[24] Đây cũng là nền văn hoá đã hội nhập nhiều yếu tố của các nền văn hoá vẫn bị coi là man di, đến độ một văn sĩ thời ấy đã nhận xét rằng: “không còn phân biệt được giữa Hy Lạp và dân Man di”.[25]
Thánh Phaolô với những ngành triết học Hy Lạp
Ngoài việc theo học với các thầy Do Thái ở các hội đường bằng tiếng Aram, Thánh Phaolô chắc chắn cũng phải đến các trường ngoại giáo, nên bắt buộc phải tiếp xúc văn chương và triết học Hy Lạp như Stoa (Stoizismus – Khắc Kỷ), Epikureimus (Chủ nghĩa Khoái Lạc) và Sceptizismus (Hoài Nghi),[26] là những triết học thịnh hành trong đế quốc Rôma thời ấy.
3.3. Thánh Phaolô là công dân Rôma[27]
Sách Công vụ Tông đồ cho thấy Thánh Phaolô là người có quyền công dân Rôma. Ông Phaolô nói với họ: “chúng tôi là những công dân Rôma, không có án gì cả, mà họ đã đánh đòn chúng tôi trước công chúng. Bây giờ họ lại lén lút tống chúng tôi ra! Không được! Họ phải đích thân đến đưa chúng tôi ra!” (Cv 16,37).
Và người có quyền này ngay từ thuở mới sinh: “Họ vừa nọc ông Phaolô ra để đánh đòn thì ông nói với viên đại đội trưởng đứng gần đó: “Một công dân Rôma chưa được xét xử, các ông có được phép đánh đòn không?”… Vị chỉ huy nói tiếp: “Tôi đây, tôi phải tốn bao nhiêu tiền của mới mua được quyền công dân ấy”. Ông Phaolô đáp: “Còn tôi, sinh ra đã có quyền ấy rồi”… (Cv 22,25-29).
Như vậy, Thánh Phaolô con người của ba nền văn hoá, bởi vậy khi thi hành sứ vụ, thánh nhân đã tận dụng cả ba nền văn hoá này để loan báo Tin Mừng Đức Kitô Phục Sinh.
II. CUỘC GẶP GỠ ĐỨC KITÔ PHỤC SINH
1. Chứng nhân một cuộc xử tử
Vào khoảng năm Đức Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, theo sách Công vụ Tông đồ, ông Phaolô xuất hiện tại Giêrusalem lúc xử tử ông Têphanô năm 31-34 (Cv 7,58).
Thật vậy, Khi ông Têphanô bị bắt và bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng (Cv6,7-15), Phaolô và những người cầm quyền không chịu nổi được lối lập luận của Têphanô, họ kéo ông ra khỏi thành phố để ném đá ông (Cv 7,54-57).
2. Kẻ Bắt Hại Giáo Hội
Khi Thượng Hội Đồng ra lệnh bách hại Hội Thánh Giêrusalem (Cv 3,1; 22,5; 26,10). Ông Phaolô cũng ở trong nhóm, nổi bật vì lòng hăng say nhiệt thành cũng như vì những tàn phá ông gây ra (Gl 1,13). Ông rảo khắp các Hội Đường, lùng bắt các Kitô hữu, buộc họ phỉ báng Chúa Giêsu. Ông đi từ nhà này sang nhà khác, bắt bớ cả đàn ông lẫn đàn bà đem về tống ngục (Cv 26,1; 8,3; 22,4). Các Kitô hữu phải phân tán.
Trong số các cộng đoàn Do Thái ở hải ngoại, cộng đoàn Đamát là cộng đoàn gần nhất Từ Giêrusalem đi Đamát, đường dài khoảng trên 200 km. Ông Phaolô nghĩ rằng những bè đảng của ông Têphanô có thể đến đây tá túc. Năm 34, ông xin bài sai đi Đamát cùng với một toán hộ tống (Cv 9,7; 22,9) để bắt bớ các tín hữu Chúa ở đây.
3. Bị Đức Kitô chiếm hữu trên đường Đamát
Thật bất ngờ, chương trình của ông bị đảo lộn hoàn toàn, bởi một biến cố bất thường xảy ra khi ông gần đến Đamát: Đức Giêsu Phục Sinh, đã hiện ra với ông và mạc khải cho ông biết Ngài là ai. Điều này đã được chính thánh nhân kể lại, như ta thấy trong sách Công vụ Tông đồ ghi lại,[28] cũng như nhiều đoạn thư của chính ngài nhắc lại.[29]
Đọc hết biến cố Đamát, các Kitô hữu chân chính không chút e đè hiểu rằng đấy là một cuộc can thiệp của Thiên Chúa: chính Đức Giêsu Phục sinh, đã hiện ra với thánh nhân, Người biến đổi ông và làm cho ông trở thành chứng nhân Tin Mừng.
4. Ơn Gọi Làm Tông Đồ Dân Ngoại
Trong biến cố Đamát, ông Phaolô được dẫn đến nhà Giuđa một người đồng đạo (Cv 9,11). Tại đây, ông sống tình trạng mù loà, ăn chay, cầu nguyện trong ba ngày (Cv 9,8.11.19).
Sang ngày thứ ba, có một người Do Thái đã trở lại Kitô giáo tên là Khanania, được mọi người trong thành chứng nhận là tốt (Cv 22,12), được Chúa Giêsu sai đến gặp ông Phaolô để giải thoát ông khỏi cảnh mù loà, rửa tội cho ông, để ông nhận lấy Thánh Thần (Cv 9,17b.18; 19,1-6; Gl 3,2tt), và giúp xác định ơn gọi của ông (x. Cv 22,14tt). Từ nay, ông Phaolô là một Kitô hữu, một người có đoàn sủng (x. 1Cr 14,18) và một tông đồ, tông đồ dân ngoại (Cv 22,21), ngang hàng với Nhóm Mười Hai (1Cr 9,1; 15,8; Cv 1,22b).
Quả vậy, cuộc gặp gỡ với Đức Kitô trên đường Đamát đã “cách mạng hoá” cuộc đời thánh nhân. Đức Kitô đã trở thành lý do hiện hữu và nền tảng sâu xa cho tất cả công tác tông đồ của ngài. Thánh nhân bắt đầu hiểu những gì trước đó đối với ngài là lý tưởng cao quý nhất, thì nay chẳng là gì trước mặt Thiên Chúa.[30] Thánh nhân đã chia sẻ cảm nghiệm này với tín hữu Côrintô: “Và Thiên Chúa là Đấng đã phán “ánh sáng hãy bừng lên trong bóng tối”” (2Cr 4,6). Hơn nữa, Ngài khẳng định rằng chính mình được hay bị Chúa Kitô chiếm hữu (Pl 3,8.12).
Tóm lại, cảm nghiệm gặp gỡ của Thánh Phaolô với Đấng Phục Sinh, được Đức Thánh Cha Beneđitô XVI nhận xét trong cuộc nói chuyện với các Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo lý viên … tại nhà thờ Sao Paolo, Angola trong cuộc viếng thăm ngày 21.03.2009 như sau:
“Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trên đường tiến về thành Đamát, là điều hết sức quan trọng trong cuộc đời thánh Phaolô: Chúa Kitô xuất hiện như một luồng ánh sáng chói loà, Chúa nói và chinh phục tâm hồn của Phaolô. Đây không phải chỉ là một sự trưởng thành của cái “tôi”, nhưng là một sự chết cho chính mình và sống lại trong Chúa Kitô: nơi Chúa, một hình thức cuộc sống chết đi, nhưng với Chúa Giêsu Phục sinh, một hình thức mới nảy sinh”.
5. Nhận thức mới của Thánh Phaolô sau biến cố Đamát
Có lẽ nhận thức đầu tiên của thánh Phaolô – người “hằm hằm đe doạ và giết chóc đối với các tín hữu Chúa” (Cv 9,1) chính là một vị Thiên Chúa tha thứ, yêu thương cho kẻ tội lỗi và kêu gọi trở thành tông đồ của Ngài (1Tm 1,13-14)
Thật vậy, trong thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô viết “Khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì đúng theo kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta … Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa” (Rm 5,6-11). Đức Kitô đã chết cho ta ngay khi ta còn là thù nghịch để ta được nên công chính. Chúa Giêsu đã vui lòng chết cho ta ngay khi ta còn là tội nhân, để ta được cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, được nên công chính, được hoà giải với Thiên Chúa, được cứu trong Thiên Chúa.[31]Thiết nghĩ, cảm nghiệm đó là hồng ân và là bước ngoặt trong cuộc đời thánh nhân.
Hồng ân mà thánh Phaolô cảm nghiệm được không phải cho riêng mình nhưng là cho tất cả chúng ta nên trong 1Tm 1,15.16 thánh nhân viết: “Đây là lời đáng tin, đáng nhận mọi đàng, là Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi mà người thứ nhất là tôi. Sở dĩ tôi được xót thương như thế là vì Thiên Chúa muốn đưa tôi ra làm gương cho tất cả những ai tin vào Người”.
Chính việc Thiên Chúa chỉ có một người con duy nhất mà đã phó nộp cho ta, cho thấy Ngài đã làm mọi sự vì ta. “Nếu Thiên Chúa bênh đỡ, ai sẽ chống lại ta? Người đã không tha chính Con Một, nhưng đã phó nộp vì chúng ta hết thảy…” (Rm 8,31-32). Nên chẳng gì trên trần gian này có thể tách ta ra khỏi Thiên Chúa được “Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,39).
Các Giá Trị Mới Theo Quan Niệm Của Thánh Phaolô[32]
Biến cố Đamát đã được thánh Phaolô thiết lập nên nấc thang giá trị mới vô cùng quan trọng. Các giá trị ấy có thể được kể đến như:
Trước hết, Ở trong Đức Kitô. Đây phải là giá trị tuyệt đối và cùng đích của cuộc sống mỗi người, chứ không phải là phụ thuộc, là bề ngoài “Tôi coi tất cả là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của tôi … được ở trong Người, … được nên đồng hình đồng dạng với cái chết của Người với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết…” (Pl 3,5-14).
Thứ đến, Cuộc sống phản chiếu Đức Kitô. Thật vậy, sau khi đã cảm nghiệm được Chúa, đối với thánh Phaolô “Sống là Đức Kitô, còn chết là một mối lợi. Tôi hăm hở muốn chết để được ở với Đức Kitô” (Pl 1,20), “tôi cùng chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19-20).
Thứ nữa, Hạnh phúc khi được chịu khổ vì Đức Kitô: Thánh nhân đón nhận mọi đau khổ vì Đức Kitô, để được ở với Đức Kitô, và để thông phần của Tin Mừng:
“Chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên hạ và cho loài người. Chúng tôi điên dại vì Đức Kitô … cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chịu đói khát trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt, chúng tôi phải vất vả và tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành, bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu, bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người” (1Cr 4,9-12).
Hơn nữa, Thánh Phaolô còn hăm hở muốn mang vào thân cho đủ mức “những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24; 2Tm 2,9) để “sự sống của Đức Kitô được biểu lộ nơi thân mình” (2Cr 4,10). Không chỉ thế, thánh nhân còn “cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô” (2Cr 12,10).
Tóm lại, từ khi gặp Chúa Giêsu Phục Sinh trên đường Đamát, Thánh Phaolô đã thấy:
Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa, đã chết cho chúng ta nhưng hiện nay Người đang sống trong vinh quang, tham dự vào quyền năng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã được gọi làm chứng cho vinh quang và hoạt động của Người.
Ơn cứu độ chỉ do Chúa Phục Sinh, chứ không phải do Lề Luật (x. Gl 5,2-3). Như vậy, nhân loại chỉ tìm được ơn cứu độ cho đời sống tinh thần và nhiệm hiệp, nơi Chúa Phục Sinh.[33]Nói khác đi, trên trần gian này không còn một phương tiện nào để đạt được ơn cứu độ ngoài việc tin vào Đức Giêsu Kitô – Thiên Chúa thật và là Đấng cứu độ trần gian[34].
Thật vậy, những gì mà Thánh Phaolô thấu cảm được trong biến cố Đamát, ngài đã biểu lộ ra qua các hành trình truyền giáo, đó như là những chứng minh cụ thể, tiếng nói sống động. Thật vậy, thánh nhân xác tín ơn gọi và vai trò truyền giáo của mình được Thiên Chúa dành riêng ngay từ trong lòng mẹ (x. Gl 1,11-12). Vì thế, cùng với thánh nhân chúng ta cùng bước vào các hành trình truyền giáo của ngài.
III. HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO CỦA THÁNH PHAOLÔ
Tìm về hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô, truyền thống lịch sử giới thiệu cho chúng ta biết ngài có ba cuộc hành trình, và cuộc hành trình thứ tư được thêm vào đó là cuộc hành trình đi Rôma như một tù nhân.[35]
Trước hết, chúng ta bắt đầu với cộng đoàn Antiôkia, bởi ta có thể nói mọi chuyện bắt đầu với địa danh ấy. Quả vậy, khi Phaolô ở Tarso, được Barnaba đã gọi và đưa ông về Antiôkia. Cả hai giảng dạy ở cộng đoàn đó một năm (x.Cv 11,25-26). Hơn nữa, điều này đã được Cv13, 1-3 thuật lại cách cụ thể như sau:
“Trong Hội Thánh tại Antiôkia, có những ngôn sứ và thầy dạy, đó là các ông Banaba, Simêôn biệt hiệu là Đen, Lukiô người Kyrênê, Manaen, bạn thời thơ ấu của tiểu vương Hêrôđê, và Saolô. Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Banaba và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm.” Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi”.
Đây là mốc điểm đánh dấu lịch sử truyền giáo của Giáo hội Công giáo bắt đầu.[36]
1. Cuộc Hành Trình Thứ Nhất: 46 – 49 (Cv 13 – 14)
1.1. Loan Báo Tin Mừng Tại Đảo Sýp[37]
Sách Công vụ Tông Đồ cho biết, mùa xuân năm 45, sau khi lãnh nhận sứ mạng, Barnaba cùng với Phaolô lên tàu tại cửa Xêlêukia (Cv 13,4) theo tương truyền có cả Gioan (cháu của Banaba) theo hai ông. Vừa tới Xalamin, các ông rao giảng ngay tại các hội đường (Cv 13,5) cho người Do Thái. Các ông cũng gặp cả những người ngoại và đã gặt hái được nhiều thành công.
Từ Xalamin, các ông đi tới Paphô[38] (Cv 13,6), Phaolô rửa tội cho Xécghiô Phaolô. Ông này thích khoa bói toán và quỷ thuật, nên dùng một phù thuỷ Do Thái tên là Bagiêsu (Hylạp là Êlyma). Khi thống đốc cho mời ông Banaba và ông Saolô đến và ước ao được nghe lời Thiên Chúa, thì người phù thuỷ Bagiêsu đến tìm cách ngăn cản, nên đã bị ông Phaolô quở mắng và phạt cho mù mắt. Thấy sự việc ấy xảy ra, thống đốc Xécghiô và nhiều người liền tin theo (Cv 13,4-12).
1.2.Loan Báo Tin Mừng Tại Antiokia Miền Pixidia
Bỏ Pa-phô, các ông qua Tiểu Á. Thật thế, ông Phaolô và các bạn đồng hành vượt biển đến Péc-ghê miền Pamphylia. Nhưng ông Gio-an bỏ các ông mà về Giêrusalem, có lẽ Gioan Maccô thấy đường đi gian nguy vất vả, đã xin rút lui, mặc cho Phaolô và Barnaba hết sức khuyên can.[39] Còn hai ông thì rời Pécghê tiếp tục đi Antiôkia miền Pixiđia Sau nhiều ngày đường khó nhọc. Ngay ngày sabát đầu tiên tại hội đường, Phaolô được mời lên nói mấy lời. Ngay trong bài diễn văn đầu tiên của Phaolô, Kiều bào Do Thái đã xúc động. Bởi Phaolô rao giảng với các chủ đề: lời hứa ban Đấng Mêsia cho Israel (Cv 13,16-25); Đấng Mêsia đã đến nơi chính Đức Giêsu – Người đã bị giết chết và đã sống lại (Cv 13,26-27); điều cần duy nhất là tin vào Đức Giêsu để được công chính hoá và tha tội (Cv13,38.39); hình phạt của Thiên Chúa sẽ đến với những ai không tin (13,40-41). Vì vậy, Phaolô được mời giảng vào tuần kế tiếp (Cv 13,42).
Vào ngày sabát sau, hội đường chật ních người, và người ta nhận thấy có nhiều người dân ngoại (Cv 13,44). Được khích lệ bởi sự hiện diện của những người có thế giá trong thành, hơn nữa ông Phaolô đã nhấn mạnh rằng luật Môsê bất lực trong việc đưa lại ơn công chính hoá và tha tội, rồi ông khẳng định chỉ có niềm tin vào Đức Giêsu mới ban ơn cứu độ. Nghe vậy, các thủ lãnh Do Thái vừa nổi giận vì thấy mình bị tước mất đặc quyền là có luật Môsê như là phương tiện đạt tới ơn cứu độ. Nên các vị này liền bắt bẻ ông Phaolô (Cv 13,45). Thế là ông Phaolô tuyên bố, từ nay ông và ông Barnaba sẽ không giảng cho họ nữa, nhưng chỉ giảng cho dân ngoại mà thôi “Bởi vì anh em chối nghe lời Chúa, nên chúng tôi quay đi với dân ngoại” (Cv 13,46).
Trước sự hăng say của dân ngoại, hai ông Phaolô và Barnaba đã ở lại thành một thời gian, đồng thời dùng thành này làm trung tâm truyền giảng Tin Mừng (x. Cv 13,49). Trước sự phát triển của cộng đoàn, các thủ lãnh Do Thái liền thúc dục các nhóm Do Thái quá khích nhất nhất là nhóm phụ nữ thượng lưu đã theo đạo Do-thái, và những thân hào trong thành, chống phá khiến hai ngài hoặc phải tự động ra đi hoặc bị trục xuất (Cv 13,50).
1.3.Loan báo Tin Mừng Cho Icôniô, Xứ Lycaonia
Rũ bụi chân lại để phản đối người Do Thái, hai ông Phaolô và Barnaba lại mang Tin Mừng đến cho Icôniô, khi các ngài tiến về phía đông nam, cách Antiôkia chừng 120km[40] (Cv 13,51) vào đầu mùa thu năm 46.[41]
Tại đây, các ông cũng lặp lại các hoạt động như ở các nơi trước: lúc đầu, là giảng cho người Do Thái tại hội đường; và gặt hái nhiều thành công với số dân ngoại trở lại rất đông. Ở lại đây hơn một năm, các ông lập một giáo đoàn đông đúc. Nhưng cuối cùng, cũng bị nhóm Do Thái ác cảm quấy rối, định ném đá,[42] nên hai ông đã đến thành miền Lycaonia là Lýtra, Đécbê và các vùng phụ cận (Cv 14,1-6).
1.4. Loan báo Tin Mừng Tại Lýtra, Đécbê
Vì hai thành phố nhỏ này không phải là nơi thương mại, nên không có người Do Thái; dân chúng sống bằng nghề chăn nuôi và đặt biệt sùng bái thần Dớt, và thần Hécmê.
Sách Công vụ tông đồ thuật lại cách giản lược về việc loan báo Tin Mừng tại Lýtra (Cv 14,7). Tại đây, các ông cũng đã có một số thành công: gia đình Timothêô, một số môn đệ khác; tổ chức hàng niên trưởng (Cv 14,20; 16,1).
Cũng tại Lýtra, Phaolô chữa lành một người bất toại từ khi mới sinh (Cv 14,8-10). Dân chúng liền coi Barnaba là thần Dớt và Phaolô là thần Hécmê (Mercurius) giáng thế, dân chúng cấp báo cho mang bò và vòng hoa đến trước cổng thành để dâng lễ tế. Hai vị tông đồ hết sức can ngăn mới làm cho dân chúng và giải thích giúp họ hiểu. Tình thế đang theo đường tiến triển tốt, thì một nhóm Do Thái từ Antiôkia và Icôniô đến quấy phá. Bị bọn chúng tuyên truyền phỉnh gạt, làm dân chúng nghe theo và tìm bắt Phaolô, đưa ra ném đá. Ông bất tỉnh, họ tưởng là ông chết rồi, họ bỏ về. Nhưng khi các môn đệ xúm lại quanh ông, ông đứng dậy trẩy đi Đécbê cùng với ông Banaba (Cv 14,19-20; 2Tm 3,10).
Ngay hôm sau, hai ông rời Lýtra và tiến về phía đông, đi đến Đécbê (Cv 14,20). Tại đây, ông Phaolô đưa nhiều người trở lại (Cv 14,21), nên ông đã ở lại đây thời gian dài. Trong số người trở lại, có một người tên là Gaiô, sau này cùng đi truyền giáo với ông Phaolô (Cv 20,4). Trước khi rời Đécbê, ông đã thiết lập hàng niên trưởng, giống như tại cộng đoàn Giêrusalem (Cv 14,23; 11,30; 21,18): có lẽ trước sự hiện diện của cộng đoàn Kitô hữu, sau khi đã cầu nguyện và đặt tay, hai vị tông đồ nhân danh Thiên Chúa, ban cho các vị tân thủ lãnh quyền cai quản và giảng dạy (x. Cv 20,17 tt; 1Tm 3,2tt; 3,17).
1.5. Trở Về Antiôkia miền Syria
Rời nơi đó, hai vị tông đồ trở về Antiôkia. Trên đường trở về, hai ông viếng thăm nhiều giáo đoàn và tổ chức cho họ có cơ cấu vững chắc (Cv 14,21-24). Trong các cuộc viếng thăm đó, hai ông được an ủi rất nhiều vì thấy lòng nhiệt thành giữ đạo của các tín hữu. Cũng trong hành trình này các ông chọn những người đạo đức sáng suốt, đặt tay ban quyền linh mục và trao trọng trách chỉ huy giáo đoàn.[43] Khi qua Pécghê, thấy dân chúng đã trở về làm ăn đông đúc, hai ông ở lại giảng ít ngày (Cv 14, 24b) trước khi xuống Áttalia, từ đó hai ông vượt biển về Antiôkia. Về tới nhà, các ông đã tường thuật mọi công trình Thiên Chúa đã thực hiện và việc dân ngoại đón nhận Tin Mừng thế nào.
Tóm lại, trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất này, phương pháp truyền giáo của Tông đồ Phaolô và Barnaba: trước hết rao giảng cho người Do Thái trong các hội đường; sau khi họ chống đối quá kịch liệt, thì giảng cho dân ngoại. Khi giảng cho người Do Thái, Thánh Phaolô trình bày Đức Giêsu Đấng mà các ngôn sứ đã loan báo đích thật là Cứu Thế. Còn với dân ngoại thì thánh nhân rao giảng niềm tin vào một Thiên Chúa độc nhất và tốt lành (Cv 13,16-41; 14,15-17).
Như vậy, hành trình truyền giáo thứ nhất này, hai vị thừa sai đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp: các ngài đã gầy dựng nên nhiều giáo đoàn có tổ chức quy mô (Cv 14,23). Nhưng kèm theo đó các ngài cũng gặp không ít những hiểm nguy, đương đầu với không ít các cuộc bắt bớ mà sau này Thánh Phaolô có nhắc lại trong thư thứ hai gửi Timôthê (2Tm 3,11).
1.6. Công đồng Thứ nhất – Công đồng Giêrusalem
Cuộc hành trình thứ nhất khép lại, với nhiều thành quả đáng trân quý. Tuy nhiên, một cuộc tranh luận giữa những người Do Thái bắt đầu nổi dậy. Thực vậy, có hai quan điểm đối lập nhau: một bên là quan điểm của thánh Phaolô: dân ngoại được cứu độ và được thánh hoá nhờ niềm tin vào Đức Giêsu và việc chịu Phép Rửa. Họ không cần phải giữ Luật Môsê; bên kia là quan điểm của “những anh em giả dối” ở Giêrusalem tới Antiôkia: Kitô hữu cũng phải chịu cắt bì, nên dân ngoại trở lại mà không chịu cắt bì thì chưa giữ luật trọn vẹn. Những Kitô hữu Do Thái sẽ không giao tiếp với họ. Điều đó dẫn đến những cuộc tranh luận gắt gao diễn ra tại Antiôkia nhưng không có kết quả.
Cuối cùng, hội nghị các Tông đồ tại Giêrusalem diễn ra năm 49, đặt dưới quyền chủ toạ của Thánh Phêrô. Hai vị tông đồ dân ngoại là Barnaba và Phaolô cũng đến tham dự. Ngoài những tường thuật về hành trình truyền giáo lần thứ nhất, hai ông còn bảo vệ quan điểm của mình (Cv 15; Gl 2,1-10). Thật vậy, các ngài đã khẳng định: “chúng ta không nên ngăn cản bất cứ ai muốn tin theo, cũng không nên bỏ dỡ công cuộc bắt đầu mà chúng ta đã được chứng kiến nhiều sự lạ lùng”. Thánh Phêrô đồng ý nói: “Chính nhờ ơn Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta tin chúng ta được cứu rỗi, thì họ cũng thế”. Sau đó, với tư cách là “tông đồ Cả” Thánh Phêrô tuyên bố quyết định không buộc những người dân ngoại gia nhập Kitô giáo phải mang “ách” của luật Môsê. Thánh Giacôbê Hậu, lúc ấy đứng đầu giáo đoàn Giêrusalem, vốn có tiếng bảo thủ với lễ nghi cổ truyền Do Thái, cũng lên tiếng ủng hộ quyết định của Công đồng. Thông điệp được gửi đến dân ngoại Antiôkia, Syria và Cilicia (Cv 11,1-29; Gl 2,1-10).
Trước khi chia tay, các tông đồ được coi là trụ cột trong Hội Thánh (Phêrô, Giacôbê, Gioan), đã công khai tiến đến bắt tay ông Phaolô và Barnaba để tỏ dấu hiệp thông, nhìn nhận sứ mệnh đặt biệt của các ngài (Gl 2, 7-10).
Như vậy, Công đồng thứ nhất của Hội Thánh đã giải quyết được vấn đề căng thẳng và mang lại nhiều lợi ích cho Dân Ngoại. Từ đó, với sứ vụ truyền giáo của Thánh Phaolô, Hội Thánh sẽ rộng tay đón nhận mọi người từ muôn phương tràn đến.
2. Cuộc Hành Trình Thứ Hai: 50 – 52 (Cv 15,36 – 18,22)
Trong cuộc hành trình thứ hai này, vì đã có sẵn các cộng đoàn, nên Thánh Phaolô chú trọng việc củng cố các giáo đoàn cũ, đồng thời thành lập các giáo đoàn mới.
2.1. Củng Cố Các Giáo Đoàn Cũ
Sau khi chia tay với Barnaba vì bất đồng quan điểm trong việc cho Gioan Maccô đi theo, thánh Phaolô dù buồn phiền nhưng quyết tâm không lùi bước với công việc truyền giáo đã dự định. Trong hành trình này thánh nhân đã chọn Sila đi theo mình (Cv 15,40).
Khởi đi từ Antiôkia, thánh Phaolô và Sila đã theo đường bộ qua Syria và Cicilia, thăm các giáo đoàn cũ: Đécbê, Lýtra, Icôniô và Antiôkia. Các ngài đến đó trước là để viếng thăm, đồng thời công bố cũng như giải thích Thông điệp của Công Đồng Giêrusalem (Cv 15,40t; 16,4). Tại Lýtra, Phaolô có thêm một cộng sự mới là Timôthê (Cv 16,1-5). Người thanh niên này sẽ là môn đệ trung thành nhất và quý mến nhất của thánh nhân. Chắc chắn, Timôthê đã được ông Phaolô và hàng kỳ mục đặt tay để trao ban sứ vụ tông đồ (1Tm 4,14; 2Tm 1,6).
2.2.Thành Lập Các Giáo Đoàn Mới
Tiếp đó, Phaolô đi lên phía bắc, rảo khắp miền Phyghia và lãnh thổ Galát (Cv 16,6). Ở đây ông Phaolô bị bệnh, nhưng được dân chúng chăm sóc như một người cha, như một Thiên Thần của Thiên Chúa, như Đức Giêsu Kitô. Rồi, thánh nhân cũng rao giảng Tin Mừng ở đây và lập một cộng đoàn (Gl 4,13-15).
Người tiếp tục đi tới Trôa, tại Trôa, Phaolô nhận được thị kiến phải đến Makêđônia truyền giáo (Cv16, 9-10). Thế là cả Phaolô, Sila xuống tàu ở Trôa và đáp sang Makêđônia, cập bến Nêapôli và tiến lên Philipphê là thị trấn quan trọng nhất trong hạt và là thuộc địa Rôma (Cv 16,11 – 12). Dân chúng ở đây là những người tử tế, tôn trọng đạo nghĩa gia phong, nên sẵn sàng đón nhận Tin Mừng hơn. Giáo đoàn Philipphê được thành lập. Philipphê là cộng đoàn khá nổi tiếng và Phaolô cũng rất tự hào, yêu quí cộng đoàn này.[44] Nơi đây người đã trừ quỉ cho một cô đồng bóng. Các ông chủ của cô thấy mất mối lợi, nên bắt Phaolô và Sila đánh đòn và bỏ tù. Sau khi các tù nhân đã được giải thoát một cách lạ lùng, người cai tù xin trở lại đạo cùng với cả gia đình (Cv 16,16-40).
Từ Philipphê, Phaolô đi Thêxalônica. Thêxalônica là thủ phủ của tỉnh Makêđônia thuộc đế quốc Rôma, đây là thành hải cảng và thương nghiệp, dân cư rất đông đúc và thuộc nhiều chủng tộc. Người Dothái sinh sống ở đây cũng khá nhiều.[45] Nơi đây, thánh nhân cũng thành lập một cộng đoàn quan trọng. Tuy nhiên vì những người Dothái ghen ghét và quá kích động, nên Phaolô lại vội tổ chức giáo đoàn, đặt người lãnh đạo, rồi tiếp tục lên đường đi rao giảng Tin Mừng tại Bêroia (Cv 17,1-13) cách Thêxalônica 75km. Ở đây có đông đảo người trở lại, nhưng người Do Thái lại đến quấy rối, nên Phaolô đành rút lui, để Sila và Timôthê ở lại tiếp tục hoạt động (Cv 17,5.10; 1Tx 2,16).
Mùa đông năm 50, một mình Phaolô đến Athen (Cv 17, 15- 16). Sự hiện diện của Phaolô ở đây mang một ý nghĩa điển hình: đó là cuộc gặp gỡ giữa Giêrusalem và Athen, giữa sự khôn ngoan của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của loài người. Trong bài diễn từ tại Athen (Cv 17,12-34), Phaolô đã đối chọi với tư tưởng Hy Lạptrên hai điểm quan trọng: việc tạo dựng trời đất và việc con người sống lại.[46]
Kết quả mà thánh Phaolô thu lượm được trong giới tri thức Hy Lạp không nhiều. Thêm vào đó, thánh nhân khinh rẻ lời lẽ bóng bẩy theo kiểu khôn ngoan Hy Lạp, để trình bày Tin Mừng cho loài người (1Cr 2,1-5).
Rời Athen, Phaolô đi đến Côrintô (Cv 18, 1), một trung tâm thương mại và kỹ nghệ lớn, nhưng tình trạng luân lý và tôn giáo rất suy đồi; số thương gia Do Thái khá đông.[47] Nơi đây, thánh nhân được gia đình ông bà Aquila và Priscilla nâng đỡ (Cv18,2-3). Sila và Timôthê cũng đến cộng tác với thánh Phaolô sau khi tổ chức xong giáo đoàn Bêroia. Tương tự như những nơi khác, trước sự cứng lòng của người Do Thái, ba tông đồ hướng về phía dân ngoại và truyền giảng Tin Mừng cho họ. Các ông đã thành công rực rỡ, một giáo đoàn đông đúc và nhiệt thành đựơc thiết lập với đủ mọi thành phần xã hội. Đặc biệt, lúc ở Côrintô một năm rưỡi (Cv 18,11-14), thánh Phaolô viết hai thư gửi giáo đoàn Thêxalônica và xin họ cầu nguyện cho việc rao giảng Lời Chúa được bình an.
Trong 18 tháng hoạt động ở Côrintô, người Do Thái vẫn giữ thái độ thù nghịch với Phaolô. Họ bắt ngài nộp cho chính quyền Rôma, và vu cáo thánh nhân làm cách mạng. Nhưng Gallius đang giữ chức trấn thủ, là người sáng suốt đã gạt đi. Được tha về, Phaolô tổ chức giáo đoàn để học đứng vững khi ngài vắng mặt. Mùa hè năm 52, sau khi rời khỏi Côrintô, thánh nhân đáp tàu biển đi Ephêsô, Cêsarea (Cv 18,18-23). Priskila và Aquila cùng đi với thánh nhân cho tới Ephêsô. Thuyền cập bến Kaisaria, người lên chào Hội Thánh ở Giêrusalem, rồi trở về Antiôkia.
3. Cuộc Hành Trình Thứ Ba: 53 – 58 (Cv 18,23 – 21,16)
Antiôkia vẫn là khởi đầu như thường lệ, là nơi đã trở thành khởi điểm cho Hội Thánh của các Dân Ngoại, và cũng là nơi những người theo Chúa Kitô được gọi là “Kitô hữu”.[48]Tuy nhiên, thánh Luca kể về hành trình thứ ba này được bắt đầu cách khá đột ngột (Cv 18,23).
3.1. Tại Ephêsô
Cũng như hành trình truyền giáo lần thứ hai, Thánh Phaolô muốn thăm viếng các giáo đoàn cũ, nên đã theo đường bộ qua Đécbê, Lýtra, Icôniô và Antiôkia. Sau đó, ngài qua Côlôsê, Laodicea, tới Ephêsô vào mùa thu năm 53.[49]
Tại Ephêsô có một nhóm tín hữu (Cv 18,19 – 20,1). Thời gian Phaolô ở Ephêsô chừng hai năm[50] (Cv 19,8-10; 20,31). Người làm phép Rửa tội và Thêm sức cho các tín đồ của Gioan, và giảng dạy trong hội đường (Cv 19,1-7). Có nhiều người chuyên về ma thuật đem sách vở của họ đốt trước mặt mọi người, sau khi đã nghe và chứng kiến nhiều phép lạ mà thánh Phaolô đã làm (Cv 19,11-20).
Nhưng Phaolô lại gặp nhiều nỗi hiểm nguy, cách cụ thể: vì Phaolô làm mất nghề đúc tượng thần của những người thợ vàng, nên họ đã hô hào dân chúng đả đảo Phaolô (Cv 19,23-40). Cũng vậy viết từ Ephêsô, Phaolô nói tới một cuộc “chiến đấu với mãnh thú tại Ephêsô” trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô (1Cr 15,32).
3.2. Tại Côrintô
Tiếp theo hành trình lần thứ ba này, thánh Phaolo đã tới Côrintô vào cuối năm 57. Sau đó thánh nhân ở lại 3 tháng để tiếp tục sứ vụ tông đồ (Cv 20,3). Người dự định sang Tây Phương nên viết lá thư gửi Rôma, có lẽ vào mùa đông 57-58, để xin các giáo hữu giúp người thực hiện chương trình truyền giáo đó (Rm 1,11-14; 15,22-24). Nhưng trước đó, người muốn về Giêrusalem đưa của trợ giúp mà người xin được cho Giáo hội mẹ (1Cr 16,1-4; 2Cr 8 – 9; Cv 20,3). Trên đường về người thăm viếng các giáo hữu ở Makêđônia; tại Milêtô, người chào hỏi các kỳ lão của cộng đoàn Ephêsô (Cv 20,8-38). Thuyền cập bến Kaisaria, người lên Giêrusalem, nhưng người linh cảm là những gian truân mới đang chờ đợi người (Cv 21, 1-6).
Như vậy, trong cuộc hành trình thứ ba này, thánh Phaolô gần như thăm lại tất cả những nơi mà ngài đã đi trong cuộc hành trình thứ hai. Ngoài ra, ngài lưu lại Êphêsô gần ba năm, trung tâm hoạt động truyền giáo của ngài. Ngài chịu đựng nhiều đau khổ và thử thách đang lúc công bố Tin Mừng cho người tín hữu và chữa lành nhiều người trong Thiên Chúa.[51]
Cũng vậy, cuộc hành trình thứ ba cũng giống như tất cả các cuộc hành trình khác của ngài, là bắt đầu tại Antiokia là nơi trở thành điểm gốc của Giáo hội không phải Do Thái, của sứ vụ dành cho người ngoại giáo, và cũng là nơi mà danh hiệu “Kitô hữu” được đặt tên cho những người theo Chúa Kitô.
4. Cuộc Hành Trình Về Rôma: 60 – 61 (Cv 27:1-28, 16)
Sách Công vụ Tông đồ cuối chương 26 đầu chương 27 cho ta biết, sau một thời gian ngắn trong tù và bởi vì thánh Phaolô là một công dân Rôma nên ngài được đưa về Rôma dưới sự hộ tống của quân đội.
Hành trình đến Rôma đầy nguy hiểm vì bão tố.[52] Trong lúc tàu bị sóng đập gió đánh như muốn chìm, Phaolô bình tĩnh hơn thuyền trưởng và các thuỷ thủ. Ông giúp học chống chọi với biển cả và cứu sống được thuỷ thủ, hành khách và các tù nhân. Cuối cùng ông đã đến Rôma (Cv 27,1 – 28,14).
Thánh nhân ở tại Rôma khoảng trong vòng hai năm tại. Tại đây, thánh nhân bị gian lỏng, và được hưởng nhiều sự dễ dãi (Cv 28,16), nên ngài vẫn có thể rao giảng Tin Mừng mà không bị cản trở (Cv 28, 30 – 31). Như vậy, so với những lần bắt gian khác có lẽ lần này là lần bắt giam nhẹ nhàng nhất. Cũng tại Rôma này, ngài gặp nhiều đại diện của cộng đồng Do Thái, những người được ngài nói rằng vì hi vọng của Israel mà ngài đã phải mang xiềng xích (Cv 28:20). Cũng có giải thuyết rằng, trong tù tại Rôma ngài viết thêm ba lá thư mục vụ; Hai thư cho Timôtê và một thư cho Titô.[53]
Cuối cùng, khi tìm về cái kết của cuộc đời người tông đồ dân ngoại có tên là Phaolô, thì cả sách Công vụ Tông đồ và các thư Phaolô đều không cho ta biết cái chết của Phaolô, nhưng theo truyền thống thì vị tông đồ bị chém đầu dưới thời bắt đạo của hoàng đế Nêrô, vào năm 67 và được chôn ở đường Ostiensis, Rôma, đài tưởng niệm ở Vương Cung Thánh Đường Phaolô ngoại thành.[54]
Tóm lại, hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô được ghi dấu ấn bởi ba chuyến đi lớn như vừa trình bày. Với ba cuộc hành trình đó ta thấy cuộc hành trình thứ nhất có vẻ khác với hai cuộc trành trình sau. Thực vậy, trong cuộc hành trình thứ nhất, Thánh Phaolô không có nhiệm vụ trực tiếp, bởi nhiệm vụ này được trao phó cho Thánh Barnaba.[55] Dẫu vậy, trong cả ba cuộc hành trình, chúng ta vẫn bắt gặp một Phaolô hết mình trong việc rao giảng Tin Mừng, dù phải đương đầu với rất nhiều thử thách như ta thấy trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô (x. 2Cr 11,21-28). Điều mà “tôi làm tất cả những điều ấy vì Tin Mừng” (1Cr 9,23), trong lúc thi hành điều mà ngài gọi là “lo lắng cho tất cả Hội Thánh” (2Cr 11,28) với một lòng quảng đại vô song. Điều này chỉ có thể làm được trước một tâm hồn say mê đem ánh sáng Đức Kitô đến cho thế gian và cho mọi người.[56] Đây là một thông điệp, một lời mời khẩn thiết và ý nghĩa cho mỗi một Kitô hữu chúng ta hôm nay và tương lai.
IV. GHI NHẬN THÁI ĐỘ CỦA THÁNH PHAOLÔ VÀ NHỮNG BÀI HỌC NGƯỜI ĐÃ ĐỂ LẠI CHO SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI
1. Thái Độ Của Thánh Phaolô Với Sứ Vụ Truyền Giáo
1.1. Khoan dung để được hiệp nhất
Ai đó đã định nghĩa “Truyền giáo là đem Chúa đến với tha nhân và đem tha nhân về cùng Chúa” điều đó chỉ đúng khi chúng ta được hiệp thông với Chúa và hiệp nhất với nhau“Xin cho mọi người nên một” (Ga 17,21). Thấu cảm điều đó, vị tông đồ dân ngoại cũng ấp ủ, thao thức ưu tư của Thầy mình để tìm cách qui tụ qua sự khoan dung.
Thực vậy, thánh Phaolô đã tìm cách đến với người Do thái và cả dân ngoại, hầu Tin Mừng sớm trở thành Tin Mừng phổ quát cho mọi người.[57] Tính chất đại đồng và phổ quát của Tin Mừng cứu độ cũng như sự hiệp nhất trong đa dạng, trong khác biệt đã được Thánh Phaolô minh chứng: “… tất cả anh em đã chịu phép rửa để được kết hợp với Đức Kitô, thì đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn Do Thái hay Hy Lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ; vì tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gl 3,25-28).
Hơn nữa, thánh Phaolô đã hoà đồng với mọi người để đem Tin Mừng đến cho muôn dân: “với người Do Thái, tôi đã trở nên người Do Thái, để chinh phục người Do Thái. Với những ai sống dưới Lề Luật, tôi đã trở nên như người sống dưới Lề Luật, dù tôi không dưới Lề Luật, để chinh phục những người sống dưới Lề Luật. Với những ai ở ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên như người ở ngoài Lề Luật, dù tôi không ở ngoài Luật Thiên Chúa, nhưng ở trong Luật Đức Kitô, để chinh phục những người ở ngoài Lề Luật” (1Cr 9,20-21).
Tóm lại, mọi đòi hỏi, mọi hoàn cảnh, mọi văn hoá và con người đều được thánh Phaolô thích ứng. Để làm điều đó thánh nhân chỉ ao ước “trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1Cr 9,22) về với “Thiên Chúa là Thiên Chúa của mọi người”.[58]
1.2. Khiêm Tốn Phục Vụ Cộng đoàn
Không chỉ khoan dung, thánh Phaolô còn khiêm tốn phục vụ cộng đoàn. Thật vậy, không dừng lại ở việc thiết lập các giáo đoàn, nhưng thánh nhân còn đồng hành trong lo toan, khắc khoải sao cho các cộng đoàn này được lớn lên trong đức tin và đức ái. Điều đó thôi thúc thánh nhân nhìn nhận sứ vụ của mình trong vai trò người quản gia và người phục vụ[59] “hãy coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà điều người ta đòi hỏi ở người quản lý là phải tỏ ra lòng trung tín” (1Cr 4,1-2).
Với vai trò của người quản lý, thánh nhân đã trở nên đồng cảm, sẻ chia cuộc sống với các tín hữu “có ai yếu đuối mà tôi không yếu đuối? Có ai vấp ngã mà lòng tôi không cháy bừng?” (2Cr 11,29). Với các cộng sự viên ngài cũng phục vụ cách chân thành “Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền an ủi con thơ … Chúng tôi đã cư xử với mỗi ngừơi trong anh em như cha với con” (1Tx 2,7-11). Hơn nữa, thánh nhân còn canh cánh bên lòng mối ưu tư đến nỗi phải thốt lên: “Phần tôi, tôi sẽ rất vui lòng tiêu những gì tôi có, và tiêu hao tất cả con người tôi vì linh hồn anh em. Phải chăng vì yêu mến anh em nhiều hơn mà tôi được yêu mến ít hơn” (2Cr 12,15).
một điều cũng đáng trân quý là, không chỉ dừng ở khoảnh khắc hiện tại nhưng thánh nhân còn bận tâm khi phải rời xa họ. Những như thế thánh nhân luôn ngong ngóng, trông chờ tin tức của các cộng đoàn để có lời an ủi hoặc nhờ các cộng sự viên thăm viếng. Và hơn hết, thánh Phaolô đã phục vụ các cộng đoàn trong lời cầu nguyện liên lỉ (x. Rm 1,9.10; Pl 1,4).
1.3. Nghiêm khắc Trong Rao giảng
Tuy rất khoan dung, nhưng trong trường hợp cần thiết, thánh Phaolô vẫn thẳng thắn dạy bảo, không ngại chống lại những lạc thuyết và thái độ giả hình. Tình thương thánh nhân dành cho các giáo đoàn không chỉ là những lời khuyên răn, khích lệ, động viên, mà còn là cảnh cáo, sửa phạt bằng những lời lẽ cứng rắn, miễn sao họ nhận được Tin Mừng. Là người Việt, chúng ta thật dễ hiểu điều này vì ông cha ta đã đúc kết “thương con cho roi cho vọt…”
Thật vậy, khi cần thánh Phaolô không ngần ngại nặng lời ngay cả với những cộng đoàn do mình cưu mang và khai sinh. Cách cụ thể, thánh nhân đã gọi giáo đoàn Galata là những kẻ “ngu xuẩn” khi đi vào lối sống phản Tin Mừng (x. Gl 3,1-5). Hơn thế, thánh nhân còn cho là nhục nhã khi Kitô hữu gốc Do Thái áp chế, cấu xé và tước đoạt các tín hữu Côrintô. Thánh Phaolô đã nặng lời để thức tỉnh họ, nếu không hoán cải, thánh nhân còn sửa phạt bằng cách cầm roi đến thăm họ (1Cr 4,21). Thật đúng là tình thương của người mẹ, xen lẫn sự nghiêm khắc của người cha trong vị tông đồ dân ngoại (1Tx 2,7-11).
Đối với những kẻ từ chối, chống lại Tin Mừng hay làm cớ để chia rẽ Giáo hội, thánh Phaolô sẵn sàng gọi họ là “kẻ giả danh” (Gl 2,4), là “tông đồ giả, thợ gian giảo” (2Cr 11,13), là “quân chó má” (Pl 3,2). Cách sửa dạy của vị tông đồ dân ngoại khi thì nhẹ nhàng, khi thì nặng lời, có khi rên siết trong nước mắt, hoặc vừa khóc vừa nói: “Quả thật, như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi lại phải khóc mà nói, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô” (Pl 3,18). Phải chăng thánh Phaolô dùng tất cả uy thế của mình để nghiêm khắc trong rao giảng? Phải chăng thánh Phaolô ý thức về sứ vụ của mình được Đức Kitô ân ban để xây dựng chứ không phải để phá huỷ?[60]
1.4. Cộng tác cùng tha nhân trong hoạt động tông đồ
Ta thấy, dù có đôi lần gây xung khắc và hiểu lầm (Cv 15, 37 – 39), nhưng các hành trình truyền giáo của Phaolô không bao giờ là hành trình một mình (Cv 13, 1- 4; 15, 40 -41; 16,1-5). Hơn nữa, ngài nhắc đến danh hiệu “cộng tác viên” trong khắp các thư của ngài. Ngài luôn tôn trọng họ, giới thiệu họ cách trực tiếp hay gián tiếp với các người hay cộng đoàn khác khi có dịp. Khi không được ở cùng các cộng đoàn do mình thiết lập, thánh nhân tin tưởng trao phó họ dưới sự dẫn dắt của các cộng sự viên của mình. Đồng thời, tình thương của thánh Phaolô đối với các cộng sự viên và tinh thần làm việc theo nhóm rất đặc biệt. Ngài gọi Timôthê là người con yêu dấu và trung tín của Chúa (1Cr 4,17), Titô được coi là bạn đồng hành (2Cr 8,23) và Sila là cộng sự đắc lực. Vì thế, người ta mới hiểu tại sao phần đầu thư, Phaolô luôn sử dụng hạn từ “chúng tôi” để kể cho các tín hữu nghe công tác truyền giáo.
2. Những Bài Học Từ Sứ Vụ Truyền Giáo Của Thánh Phaolô
Sau khi đã thấy được thái độ của thánh nhân trong việc rao giảng Tin Mừng, chúng ta không chỉ tôn trọng, ngưỡng mộ những gì mà thánh nhân đã dành cho công cuộc truyền giáo, mà qua đó chúng ta còn rút ra được những bài học hầu áp dụng Lời Chúa vào chính cuộc sống của chúng ta. Đồng thời làm cho Lời được lan toả.
2.1. Tự lực cánh sinh
Dẫu rằng Chúa Giêsu đã khẳng định: “làm thợ thì đáng được trả công…” nhưng đối với thánh Phaolô khi đến với giáo đoàn nào đó, vị tông đồ này đều nỗ lực làm việc khi có thể để không gây phiền hà và tạo gánh nặng cho bất cứ ai (2 Cr 11, 7-9).
Quả thực, ăn bám là một thói xấu cho bất cứ người ai trong bất kỳ xã hội nào. Tuy nhiên, ta cần biện phân việc tông đồ của thánh nhân không thể được coi là một hành vi ăn bám. Chính Chúa Giêsu nói: “khi anh em vào thành nào, nhà nào thì hãy ở đó….. Việc thánh nhân tự lo cho các nhu cầu tối thiểu của bản thân không chỉ để bớt đi gánh nặng cho người khác, mà còn là cơ hội chinh phục nhiều người (1 Cr 9,19) Chính vì thế mà khi còn niên thiếu để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, vị tông đồ này đã tự lực mưu sinh bằng nghề dệt dạ (làm lều). Sau này, thánh nhân cũng chẳng nề hà trong việc dệt lều để có cơm ăn áo mặc, cũng như các nhu cầu cơ bản để sinh tồn.[61] Thật vậy, với thánh nhân “những gì cần thiết cho tôi và cho những người ở với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp” (Cv 20,34).
Nói như thế, không có nghĩa thánh nhân không cần sự trợ giúp của người khác, càng không phải thánh nhân khoe khoang, tự mãn về những gì mình làm được. Nhưng thông điệp của thánh nhân là “loan báo Tin Mừng bằng cách làm hết sức để thực sự hiện diện trong thế giới lao động và trong bất kỳ công việc loan báo Tin Mừng nào. Hơn nữa giữ cho mình khỏi những tìm kiếm lợi lộc riêng tư là những điều trái với tinh thần của Tin Mừng”.[62]
2.2. Đón nhận bản thân
Ta biết, thường bản tính mỗi người là đều muốn khẳng định mình và mong được người khác nhìn nhận, đánh giá tốt về mình. Việc hài lòng với những hạn chế của mình là điều không phải ai cũng làm được. Thật vậy, trong khi người khác tự hào về sức mạnh của mình, thì thánh Phaolô lại tự hào về sự yếu đuối của chính bản thân. Điều giúp ông khiêm nhường và để sức mạnh của Đức Kitô được biểu lộ chính là “cái dằm trong thân xác”.[63] Vì thế, ta chẳng lạ gì khi thánh nhân hỷ hoan khi thấy mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn hay bị bắt bớt ngặt nghèo vì Đức Kitô. Bởi thánh Phaolô luôn xác tín “khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12, 10).
Hơn nữa, ông không để mình đi vào cách thức đánh giá tiêu chuẩn theo kiểu của con người, mà ông cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, một sức mạnh có thể đánh đổ các lý luận và thái độ kiêu căng để tùng phục Thiên Chúa (2 Cr 10, 3-6).
2.3. Chiến Thuật Truyền Giáo[64]
Các cách thức mà thánh Phaolô đã sử dụng khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, người đọc dễ dàng nhận ra trong các thư của ngài. Đó là:
Trước hết, thánh Phaolô thực hiện sứ vụ truyền giảng Tin Mừng trong các thành phố lớn và các hải cảng. Antiôkia thường là cứ điểm chính để khởi hành. Ngoài ra, thánh nhân đã dừng chân tại Đamát, Tarsô cùng các thành phố đông nam vùng Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) và các thành phố trung bắc vùng Galazia. Ở châu Âu, thánh nhân đã rao giảng tại Philipphê, Thêxalônica, Athen, Bêroia…
Thứ đến, thánh nhân còn chọn các thành phố sầm uất như Côrintô, Ephêsô làm cứ điểm chính cho hành trình truyền giáo của mình.
Thứ nữa, thánh Phaolô thường rao giảng Tin Mừng cho cộng đoàn Do Thái hải ngoại trước rồi mới tới dân ngoại. Từ đó, nét đặc thù nơi Phaolô càng lúc càng thể hiện rõ sứ vụ truyền giáo cho dân ngoại.
Tiếp nữa, thánh Phaolô thường đến những nơi chưa ai hiện diện trước đó để truyền giáo. Thánh nhân viết: “Tôi chỉ có tham vọng là loan báo Tin Mừng những nơi mà danh Đức Kitô chưa được nói đến, để khỏi xây dựng trên nền móng người khác đã đặt” (Rm 15,20).
Tiếp theo, thánh nhân thường ở lại cộng đoàn một thời gian để củng cố, khích lệ các tín hữu sống niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Khi chia tay, ngài vẫn tiếp tục củng cố qua thư tín để giảng dạy và khuyên nhủ.
Sau cùng, chiến thuật truyền giáo còn thể hiện trong thái độ liêm chính, thẳng thắn để phê bình và xây dựng cộng đoàn, ngay cả thừa sai Kitô gốc Do Thái nếu có khuynh hướng quá khích (2Cr 2,4).
2.4. Gieo trong nước mắt, gặt trong hân hoan[65]
Ta dám khẳng định rằng, để có được những chiến thuật truyền giáo đáng cho hậu thế noi theo, thì thánh Phaolô đã trả một cái giá thật đắt bằng đau thương và nước mắt. Dường như vị tông đồ dân ngoại này vốn am tường và thấu suốt tinh thần đó, nên đã sống triệt để phương châm “Sine sanguinis effusione non fit remissio” (Không có máu đổ ra, nhất định không được ơn tha thứ).[66] Cho nên càng gặt hái vẻ vang bao nhiêu thì thánh nhân càng chịu đựng khổ đau bấy nhiêu.
Trong thư Galata và Côrintô, chúng ta dễ dàng nhận thấy những thánh giá mà thánh Phaolô đã gánh vác trong thời gian truyền giáo tại những thành phố này. Sứ vụ truyền giáo của người hầu như được in bằng máu và nước mắt với bao nguy hiểm khôn lường ( 2Cr 11,23-28). Thế nhưng, vì tâm niệm “gieo trong nước mắt, gặt trong hân hoan”, thánh nhân không quản ngại bất cứ điều gì. Nhưng cũng không ít lần thánh nhân phải thốt lên: “Chúng tôi đã phải chịu đựng quá mức, quá sức chúng tôi, đến nỗi không trông gì sống nổi” (2Cr 1,8).
Qua đó, chúng ta nhận ra thánh nhân tựa hạt lúa gieo xuống lòng đất để chết đi, đâm chồi nẩy lộc và sớm trổ sinh hoa trái (x. Ga 12,24) và ngài như hoà mình với cuộc tử nạn của Đức Kitô. Như vậy, kinh nghiệm đau thương của vị tông đồ dân ngoại dệt thành bài học vô giá “vừa có sức kích thích tinh thần hy sinh của những chiến sĩ ngoài mặt trận truyền giáo, vừa yên ủi vỗ về những linh hồn đang đau khổ để cố gắng làm việc và chịu đựng như Phaolô; gieo trong nước mắt, nếu muốn gặt hái trong vui mừng”.[67]
2.5. Hành trình truyền giáo của thánh Phao lô trong sứ vụ truyền giảng Tin
Mừng của dòng Đaminh
Thiết nghĩ, nghiên cứu không chỉ dừng lại ở nghiên cứu mà còn phải soi vào cuộc sống hiện tại của mình. Nên khi đem hành trình truyền giáo của thánh Phaolô vào trong sứ vụ của dòng giảng thuyết ta cũng thấy có những điểm tương đồng và bổ túc.
Trước hết, dòng Đaminh còn có tên gọi khác là dòng giảng thuyết với linh đạo “Chia sẻ cho tha nhân điều mình chiêm niệm”. Nên hầu hết các phần tử trong dòng đều ý thức sứ vụ đó. Hiến Pháp nền tảng số 1 § 3 cũng nhắc nhở: “Để nhờ việc theo Đức Kitô như vậy mà tăng trưởng trong đức mến Chúa yêu người, bằng lời khấn chúng ta được kết nạp vào Dòng để thánh hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và hiến thân cho Giáo Hội phổ quát một cách mới mẻ là chuyên chú hẳn vào việc truyền giảng trọn vẹn Lời Chúa”. Điều đó cũng là tinh thần thiêng liêng của thánh Phaolô “khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,18).
Thứ đến, sứ vụ truyền giảng của anh chị em Đaminh được diễn tả trong các mối tương quan với: Đời sống cộng đoàn; Phụng vụ – cầu nguyện; Lời khuyên Phúc Âm, Học hành… tức là anh chị em Đaminh cần phải tận dụng mọi nơi, mọi lúc, mọi phương thế để Lời được loan truyền. Về phương diện này dòng cũng học hỏi tinh thần của Thánh Phaolô khi thánh nhân không để cho một hoàn cảnh, môi trường nào làm nhụt trí khí truyền giáo của ngài.
Thứ nữa, Để các phương thế trên có thể trở thành các dụng cụ truyền giáo thực sự thì các tu sĩ thuyết giảng cần: Chuẩn bị trong chiêm niệm; Đồng cảm với tha nhân (lắng nghe những dấu chỉ của thời đại), người ta thường nói đùa với nhau: Trên tay các tu sĩ Đaminh luôn luôn có hai thứ: một bên là quyển Kinh thánh và một bên là tờ báo. Điều đùa trên cũng phần nào nói nên tính chất của vấn đề. Thật vậy tu sĩ Đaminh luôn được khích lệ hãy cập nhật các biến chuyển, các đổi thay, các vấn đề của xã hội và con người để như là cốt lõi, nội dung trong các lời cầu nguyện của mình. Trong khía cạnh này, thánh nhân cũng nêu gương cho ta trong tinh thần “ở lại”. Quả vậy, “Tôi coi tất cả là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của tôi … được ở trong Người, … được nên đồng hình đồng dạng với cái chết của Người với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết…” (Pl 3,5-14).
Cuối cùng, dòng Đaminh khuyên các phần tử của mình: “Đảm nhận sứ vụ của Hội thánh”. Đây cũng là nét đẹp mà dòng học được từ thánh nhân, ngài không những đám đảm nhận sứ vụ của hội Thánh mà ngài còn nhạy cảm biết được các nhu cầu của người khác, cách cụ thể ngài biết được những khó khăn mà anh chị em dân ngoại phải chịu. Từ những điều đó thánh nhân đã tìm cách để làm cho họ cảm nghiệm được tình yêu thương của Thiên Chúa qua Công đồng đầu tiên của Giáo hội.
TẠM KẾT
Tóm lại, theo chân thánh Phaolô trên các bước đường truyền giáo của ngài, với động lực “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” người viết rất khâm phục, trân quý và kính trọng một con người “như vì sao rực rỡ trong lịch sử Giáo hội”.[68] Quả thực, Ngài được Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI xác nhận một cách long trọng và đề cao như vậy bởi khi nhìn vào cuộc đời vĩ đại của Thánh nhân.
Biến cố trên đường Đamát đã biến đổi hoàn toàn con người Thánh Phaolô từ tư tưởng, đời sống nội tâm đến lời nói và hành động. Một sự thay đổi tận gốc rễ cuộc sống như một ơn gọi đặc biệt đến từ Đức Kitô Phục Sinh trở thành người rao giảng vĩ đại nhất trong mọi thời đại, đã khiến thánh nhân luôn tâm niệm trong suốt cuộc đời: “Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Vì vậy, trên các chặng đường truyền giáo, thánh nhân luôn nhắm đến việc loan báo ơn cứu độ của Thiên Chúa cho các thụ tạo nhờ vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, là vấn đề khẩn thiết và quan trọng nhất.
Mỗi khi nói đến Phaolô, người ta thường coi ngài là nhà truyền giáo tài ba lỗi lạc, có sức thu hút nhiều hạng người, nhất là đối với dân ngoại. Sau 12 năm rong ruổi nhiều nơi để truyền giáo, ngài thực hiện ba cuộc hành trình truyền giáo, tất cả đều khởi hành từ Antiokia và đều kết thúc tại Giêrusalem.[69] Hơn thế, trong các hành trình truyền giáo nổi bật với hành trình trở về Rôma như là chặng đường cuối cùng co sứ vụ rao giảng của ngài. Trong các hành trình ấy thánh nhân bao giờ cũng tỏ thái độ khoan dung với mọi hạng người để qui tụ tất cả nên một với Đức Kitô là Đầu. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, thánh nhân cũng nghiêm khắc trong việc giảng dạy để răn đe, dạy bảo các tín hữu mỗi khi cần. Và hơn bao giờ hết, người ta luôn nhận thấy tinh thần phục vụ cao cả của vị tông đồ dân ngoại cho sứ vụ của mình bằng châm ngôn “khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,18). Chính vì vậy, thánh Phaolô thật xứng đáng với danh hiệu vị tông đồ dân ngoại. Những bài học quí giá: tinh thần tự lực cánh sinh, chiến thuật truyền giáo hay kinh nghiệm đau thương trong lúc thi hành sứ vụ của vị tông đồ Phaolô mãi mãi là mẫu gương tuyệt vời cho các nhà truyền giáo nhiệt thành vì Nước Chúa và cho chính mỗi chúng ta vì “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10,2). Và cùng với thánh nhân, chúng ta luôn tâm niệm “khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,18).
Ane Lê Hồng Tươi
[1] Benêđitô XVI, Huấn từ buổi triều yết ngày 25/10/2006.
[2] Xc. Vũ Văn An, Vài nét sử học về cuộc đời Thánh Phaolô, Vietcatholic News ngày thứ 6, 05/09/2008.
[3] Xc. Benedicto XVI, Huấn từ của Đức Giáo Hoàng Benêdictô XVI về Thánh Phaolô, Nguyễn Văn Trinh chuyển ngữ (Hànội: Tôn giáo, 2009), tr.6.
[4] Linh Tiến Khải, “tiểu sử cuộc đời Thánh Phaolô” trích trong Học và Sống Tinh Thần Thánh Phaolô, Nguyễn Văn Nội sưu tập, tr.45.
[5] Sr Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, Op, Các Thư Phaolô, Tp Hồ Chí Minh, 2022, tr 4.
[6] Sr Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, Op, Các Thư Phaolô, Tp Hồ Chí Minh, 2022, tr 3.
[7] Xc. Beneđitô XVI, Bài giáo lý thứ hai về Thánh Phaolô: Tiểu sử Thánh Phaolô, ngày 27-08-2008, Vietcatholic News ngày 30 tháng 8 năm 2008.
[8] Hội Đồng Giám mục Đức, Tài liệu học hỏi về Thánh Phaolô, bản dịch của Nguyễn Văn Trinh (Hà Nội: Tôn giáo, 2008), tr.122.
[9] Sr Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, Op, Các Thư Phaolô, Tp Hồ Chí Minh, 2022, tr 5.
[10] x. Gl 1,14; Pl 3,5-6; Cv 22,3; 23,6; 26,5.
[11] 1Cr 15,9; Gl 1,13; Pl 3,6.
[12] X. 1Tx 1,2-3.13; 2Cr 1,12 – 7,17; 11,2; 1Cr 4,15.
[13] Benêđitô XVI, Huấn từ về Thánh Phaolô, ngày 2 tháng 7 năm 2008 & Phần này tóm tắt nội dung “Thánh Phaolô, người rao giảng đa văn hoá” của Lm. Nguyễn Đức Thông, trích trong tài liệu hội thảo với chủ đề “Thánh Phaolô-Cuộc đời và Giáo huấn” do UB Văn Hoá thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam tổ chức ngày 21.11.2008.
[14] Gamaliel là một Rabbi nổi tiếng. Ông biết tiếng Hy Lạp và yêu cầu đệ tử của ông cũng phải học tiếng văn minh này, nên thật khó có thể bảo rằng ông nghi kỵ người ngoại quốc.
[15] Theo chương trình truyền thống đào tạo Rabbi, thì 5 tuổi, cậu bé phải học Kinh Thánh; khoảng 10 tuổi phải học Mischna; 13 tuổi phải tuân giữ các qui luật; 15 tuổi phải học Talmud, cách giải thích Lề Luật. Như vậy, có thể Thánh Phaolô đã học xong chương trình căn bản này lúc 13 -14 tuổi và sau đó người đã được gửi lên Giêrusalem.
[16] HĐGMVN Uỷ ban Giáo lý đức tin, SGLHTCG, Nxb Tôn Giáo, năm 2012, số 115 – 117.
[17] Haggada (thuật chuyện, diễn văn, trình bày) không liên quan gì đến việc chú giải Kinh Thánh hay Lề Luật mà chỉ chú tâm đến việc nhìn lịch sử để áp dụng vào hoàn cảnh hiện tại, để giải quyết những khó khăn gặp trong Kinh Thánh hay đưa ra những lời khuyên luân lý.
[18] Halacha là cách chú giải thường được thực hiện trong các hội đường, nên tự do hơn cách của Haggada, và đôi khi đưa đến những chuyện huyền thoại.
[19] Ib, tr.129.
[20]Ib, tr.139.
[21] Ib, tr.90.
[22] Ib, tr.129.
[23] Ronald D. Witherup, Introducing St.Paul The Apostle-His Life and His Mission, Bá Hoàng chuyển ngữ, trong Nội San Giao Lưu số14, chủ đề “Thánh Phaolô, Nhà Thần học đầu tiên của Kitô giáo” (Trung Tâm Học Vấn Đa Minh).
[24] Xc. Benêđitô XVI, Huấn từ về Thánh Phaolô, ngày 2.7.2008.
[25] Nguyễn Đức Thông, Thánh Phaolô-Người rao giảng đa văn hoá, tr.89.
[26] Xc. Benêđitô XVI, Huấn từ về Thánh Phaolô, ngày 2.7.2008.
[27] Ronald D. Witherup, Introducing St.Paul The Apostle-His Life and His Mission, Bá Hoàng chuyển ngữ, trong Nội San Giao Lưu số14, chủ đề “Thánh Phaolô, Nhà Thần học đầu tiên của Kitô giáo” (Trung Tâm Học Vấn Đa Minh).
[28] Cv 9,3-19; 22,6-16; 26,12-18.
[29] 1Cr 9,1; 15,8; 2Cr 4,6; Gl 1,12.16; Ep 3,7t; Pl 3,12; …
[30] Benedicto XVI, Bài giáo lý: Cuộc trở lại của Thánh Phaolô, 03.09.2008.
[31] Nguyễn Đức Thông, Thánh Phaolô-Người rao giảng đa văn hoá, tr.99.
[32] Nguyễn Đức Thông, Thánh Phaolô-Người rao giảng đa văn hoá, tr. 100-102.
[33] Hội Đồng Giám mục Đức, Tài liệu học hỏi về Thánh Phaolô, bản dịch của Nguyễn Văn Trinh (Hà nội: Tôn giáo, 2008), tr. 145.
[34] Hội Đồng Giám mục Đức, Tài liệu học hỏi về Thánh Phaolô, bản dịch của Nguyễn Văn Trinh (Hà nội: Tôn giáo, 2008), tr.146.
[35] Xc. Benedicto XVI, Bài giáo lý thứ hai về Thánh Phaolô: Tiểu sử Thánh Phaolô, ngày 27.08.2008.
[36] Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo hội Công giáo, quyển 1 (Canada: Calgary, 1999), tr.22.
[37]Sr Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, Op, Các Thư Phaolô, Tp Hồ Chí Minh, 2022, tr 7 – Sýp là một tỉnh của Rôma; quê hương Banaba (Cv 4, 36)
[38] Sr Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, Op, Các Thư Phaolô, Tp Hồ Chí Minh, 2022, tr 7 – Pa-phô là hải cảng nằm phía Tây đảo, nơi thống đốc cư trú.
[39]Sr Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, Op, Các Thư Phaolô, Tp Hồ Chí Minh, 2022, tr 7.
[40] Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo hội Công giáo, quyển 1 (Canada: Calgary, 1999), tr 23.
[41] Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo hội Công giáo, quyển 1 (Canada: Calgary, 1999), tr 28.
[42] Sr Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, Op, Các Thư Phaolô, Tp Hồ Chí Minh, 2022, tr 7.
[43] Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo hội Công giáo, quyển 1 (Canada: Calgary, 1999), tr24.
[44] Sr Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, Op, Các Thư Phaolô, Tp Hồ Chí Minh, 2022, tr 8.
[45] Sr Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, Op, Các Thư Phaolô, Tp Hồ Chí Minh, 2022, tr 8.
[46] Vũ trụ quan của người Hy Lạp không thể chấp nhận quan niệm một thế giới được sáng tạo, cũng như nhân loại học của Hy Lạp không thể hiểu và chấp nhận đạo lý về sự sống lại. Theo thuyết Hy Lạp, vũ trụ là một vị thần, có từ đời đời. Không cần có sáng tạo.
Theo tư tưởng Hy Lạp thời thượng cổ, linh hồn con người bất diệt, nhưng bị cầm hãm trong một thế giới vật chất xấu xa. Linh hồn sẽ được giải thoát khỏi thể xác và trở về tình trạng ban đầu, khi chưa bị sa đoạ vào trong vật chất.
[47] Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo hội Công giáo, quyển 1 (Canada: Calgary, 1999), tr.29.
[48] Benedicto XVI, Bài giáo lý thứ hai về Thánh Phaolô: Tiểu sử Thánh Phaolô, ngày 27.08.2008.
[49] Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo hội Công giáo, quyển 1 (Canada: Calgary, 1999), tr.30.
[50] Benedicto XVI, Bài giáo lý thứ hai về Thánh Phaolô: Tiểu sử Thánh Phaolô, ngày 27.08.2008.
[51] https://www.tnttsydney.org/media/1194/bài-8-hành-trình-thứ-ba-của-thánh-phaolô.pdf. Truy cập ngày 18/12/2022.
[52] Sr Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, Op, Các Thư Phaolô, Tp Hồ Chí Minh, 2022, tr 10.
[53] https://www.tnttsydney.org/media/1194/bài-8-hành-trình-thứ-ba-của-thánh-phaolô.pdf. Truy cập ngày 20/12/2022.
[54] Sr Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, Op, Các Thư Phaolô, Tp Hồ Chí Minh, 2022, tr 10.
[55] Xc. Benedicto XVI, Bài giáo lý thứ hai về Thánh Phaolô: Tiểu sử Thánh Phaolô, ngày 27.08.2008.
[56] Xc. Benedicto XVI, Bài giáo lý thứ hai về Thánh Phaolô: Tiểu sử Thánh Phaolô, ngày 27.08.2008.
[57] Xc. Hoàng Văn Hoà, Thánh Phaolô-Mẫu gương truyền giáo Thời Giáo hội Tiên Khởi, Nội San giao lưu số 14 (Trung Tâm Học vấn Đa Minh, 2009), tr.38-39.
[58] Benedicto XVI, Huấn từ về Thánh Phaolô, ngày 25 tháng 10 năm 2006.
[59] Xc. Hoàng Văn Hoà, Thánh Phaolô-Mẫu gương truyền giáo Thời Giáo hội Tiên Khởi, Nội San giao lưu số 14 (Trung Tâm Học vấn Đa Minh, 2009), tr. 42.
[60] Xc. Hoàng Văn Hoà, Thánh Phaolô-Mẫu gương truyền giáo Thời Giáo hội Tiên Khởi, Nội San giao lưu số 14 (Trung Tâm Học vấn Đa Minh, 2009), tr. 41-42.
[61] Sr Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, Op, Các Thư Phaolô, Tp Hồ Chí Minh, 2022, tr 67.
[62] Xc. Hoàng Văn Hoà, Thánh Phaolô-Mẫu gương truyền giáo Thời Giáo hội Tiên Khởi, Nội San giao lưu số 14 (Trung Tâm Học vấn Đa Minh, 2009), tr. 45-46.
[63] Sr Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, Op, Các Thư Phaolô, Tp Hồ Chí Minh, 2022, tr 67.
[64] Xc. Linh Tiến Khải, “Chiến Thuật Truyền giáo của Thánh Phaolô”, trong tập Học và Sống Tinh Thần Thánh Phaolô, do Nguyễn Văn Nội sưu tập, tr. 60-65; Hoàng Văn Hoà, Thánh Phaolô-Mẫu gương truyền giáo Thời Giáo hội Tiên Khởi, Nội San giao lưu số 14 (Trung Tâm Học vấn Đa Minh, 2009), tr.46-48.
[65] Hoàng Văn Hoà, Thánh Phaolô-Mẫu gương truyền giáo Thời Giáo hội Tiên Khởi, Nội San giao lưu số 14 (Trung Tâm Học vấn Đa Minh, 2009), tr. 48-50.
[66] Xc. Nguyễn Tri Ân, trích – Thánh Phaolô trên đường truyền giáo (Chân Lý, in lần hai, 1962), tr.9.
[67] Nguyễn Tri Ân, trích – Thánh Phaolô trên đường truyền giáo (Chân Lý, in lần hai, 1962), tr. 50.
[68] Benedicto XVI, Huấn từ về Thánh Phaolô, ngày 25 tháng 10 năm 2006.
[69] https://hddmvn.net/cac-cuoc-hanh-trinh-truyen-giao-cua-thanh-phaolo/, truy cập ngày 9/11/2022.