Tiết trời đang dần chuyển mình, những ngày dịu mát của mùa thu qua đi để nhường cho cái se lạnh của đầu mùa đông đang gần đến. Bên ô cửa sổ nhỏ bé nơi Tu viện tôi cảm thấy thật bình an và hạnh phúc. Bởi vì Chúa luôn yêu thương và sắp đặt cho chúng ta một quỹ thời gian xoay vần thật diệu kì. Bất chợt tôi nhớ đến ý cầu nguyện mà Giáo hội mời gọi trong tháng 11: Cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Bỗng một câu hỏi gợi lên trong tôi “mình cần phải làm gì trong tháng này?”
Các tín hữu đã qua đời là những ai? Hẳn họ là những tín hữu cùng niềm tin với chúng ta, họ đã sống và đã được Chúa gọi về trước. Họ là ông bà, bố mẹ, anh chị em của chúng ta, những người đã hoàn tất cuộc đời Kitô hữu trước chúng ta. Các ngài có thể đã được hưởng kiến tôn nhan Chúa, nhưng có thể một số còn đang phải thanh luyện về những thiếu xót nơi trần thế vì thân phận con người yếu đuối bất toàn.
Viết đến đây tôi nhớ đến một câu chuyện kể rằng: “có một vị Giám mục thánh thiện đã thấy trong giấc mộng, một cậu bé dùng lưỡi câu bằng vàng và dây câu bằng bạc để kéo lên khỏi giếng một người phụ nữ bị chìm trong đó. Khi thức dậy, vị Giám mục nhìn qua cửa sổ thì thấy đúng cậu bé ấy đang quỳ cầu nguyện bên nấm mồ ngoài nghĩa địa. Ngài gọi cậu bé lại và hỏi: “Con đang làm gì thế?” Cậu bé trả lời: “Thưa Đức Cha, con đọc một kinh Lạy Cha và một kinh sám hối để cầu nguyện cho mẹ con, đây là mộ của mẹ con…” [1]
Câu chuyện đọng lại trong tôi rất nhiều suy nghĩ. Phải chăng ngày nay, một số người sống trong xã hội hiện đại, thường chỉ nhớ đến những người đang sống bên cạnh mà quên đi những người đã khuất. Hoặc có chăng họ chỉ nhớ đến ngày qua đời và tổ chức lễ giỗ. Những việc làm này hữu hiệu với các linh hồn nhưng có lẽ là chưa đủ. Thật vậy, gương em bé trong câu chuyện cho chúng ta thấy rằng dù suy nghĩ đơn sơ và việc làm bé nhỏ nhưng tin rằng người mẹ sẽ được giải thoát nhờ lưỡi câu bằng vàng là lời kinh lạy cha cùng dây câu bằng bạc là kinh sám hối. Qua đó Chúa muốn tỏ cho vị Giám mục cũng như mỗi người chúng ta thấy “lời cầu nguyện có vẻ hết sức đơn giản nhưng lại có sức mạnh phi thường.”
Bạn thân mến!
Đôi khi chúng ta nghĩ đến các linh hồn nhưng chưa làm, hay đã làm nhưng chưa trọn vẹn để cầu nguyện cho họ. Thiết tưởng rằng không phải lúc nào các linh hồn đau khổ trong luyện ngục cũng xin chúng ta lập công bởi bố thí thật nhiều, ăn chay hoặc hi sinh hãm mình để cầu nguyện cho họ. Nhưng các ngài sẽ được nâng đỡ qua những điều nhỏ bé mà chúng ta thực hiện cách liên lỉ hằng ngày. Đó là những lời kinh vắn tắt “Giêsu Maria Giuse xin cứu rỗi các linh hồn”, hay những hành động nhở như chị thánh Têrêsa ý thức trong từng việc làm dù nhặt rác, quét nhà đều làm vì lợi ích các linh hồn. Nhờ đó thánh nhân đã cứu được bao linh hồn về với Chúa.
Hiểu được giá trị của những việc lành bé nhỏ, mỗi người trong chúng ta được mời gọi hãy sống ý thức từng ngày, cách đặc biệt trong tháng 11, dành những thánh lễ, lời kinh và những việc làm hi sinh để cầu nguyện cho các linh hồn. Ngôi nhà thế gian này chỉa là tạm bợ, nay người mai ta, tất cả chúng ta đều phải đến trình diện trước mặt Chúa. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta sợ hãi, nhưng cái chết và sự phục sinh phải là lời nhắc nhở giúp ta thêm can đảm vào lời hứa của Chúa. “Khi tôi được nâng lên khỏi mặt đất tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32) Vậy nên, mỗi chúng ta hãy bắt đầu đan kết những hoa thiêng là lời cầu nguyện cho các linh hồn, để ước gì tất cả sớm được hưởng nhan Thánh Chúa.
Maria Thanh Nguyen
[1] Truyện các linh hồn