Tin Mừng: Mc 12, 28b-34
Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp:
“Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó.”
Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh.”
Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu.” Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
YÊU NGƯỜI THÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH
Tình yêu là gì mà sao các triết gia, các nhà thơ, nhà văn từ bao đời nay vẫn suy tư, khai thác và thể hiện trong các tác phẩm của mình? Trong các tác phẩm đó, ta thấy tình yêu đã làm cho bao người hạnh phúc và cũng vì tình yêu mà bao người phải đau khổ. Tình yêu cũng là cụm từ và chủ đề được nhắc đi nhắc lại trong Kinh Thánh. Thế nhưng, nội hàm của hai tiếng “tình yêu” trong các tác phẩm văn học và trong Kinh Thánh có giống nhau không? Khi Kinh Thánh nói đến tình yêu, chủ đề ấy phải được hiểu thế nào? Tình yêu trong Kinh Thánh không chỉ là một chủ đề lý thuyết xuông, nhưng chính Đức Giêsu Kitô đã sống trọn vẹn cho tình yêu và Ngài cũng mời gọi mọi người sống tròn đầy tình yêu ấy.
Khi một người trong nhóm kinh sư thắc mắc: “Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Chúa Giêsu đã trả lời và dạy mọi người rằng: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12, 29-31).
Rõ ràng trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu nhấn mạnh, nếu chúng ta muốn sống được lời mời gọi “Yêu người thân cận” thì phải biết cách yêu chính mình trước. Yêu chính mình là? Yêu chính mình không phải là chiều chuộng bản thân hết mức có thể, cũng không phải cố gắng thỏa mãn hết những nhu cầu nhất thời của mình, nhưng là thấu hiểu và chấp nhận bản thân như mình là, để từ đó bao dung và rèn luyện mỗi ngày trở nên phiên bản tốt hơn của chính mình – phiên bản như lòng Chúa mong muốn. Chúng ta có thực sự yêu chính bản thân mình, khi để cho tâm hồn mình chứa đầy những nhơ uế của tội lỗi? Chúng ta đã yêu chính mình chưa, khi thoải mái sống theo bản năng và dục vọng, lúc nào cũng nuôi dưỡng trong lòng sự hận thù, đố kị, ghen tương? Đối với những anh chị em khuyết tật về niềm tin, những anh chị em đang mang trong mình bao ưu tư khó nhọc, chúng ta cần yêu họ “như chính mình” như thế nào? Chúng ta có sẵn sàng giúp đỡ những anh chị em kém may mắn hơn mình khi họ không có cơ hội được học hành và phát triển bản thân không? Ai trong chúng ta cũng muốn người khác tôn trọng mình, vậy ta cũng cần tôn trọng người khác. Ai cũng muốn được đối xử công bằng, vậy chính ta cũng cần phải đi bước trước trong việc đối xử công bằng với người khác. Ai cũng muốn được người khác chăm sóc, yêu thương, vậy chúng ta cũng cần chăm sóc và yêu thương những anh chị em kém may mắn trong khả năng của mình.
Sau khi cơn bão Yagi đổ bộ vào đất liền và hoàn lưu sau bão ảnh hưởng nặng nề tới nhiều tỉnh đồng bằng và miền núi phía Bắc, chúng ta đã thấy tình tương thân tương ái được khắc họa rõ nét và thực tế qua các hành động trợ giúp và chia sẻ về vật chất, về tinh thần, cũng như lời cầu nguyện cho các nạn nhân. Hành động của tình yêu sẻ chia ấy thật đẹp biết bao vì nó xoa dịu nỗi đau của bao anh chị em! Trong thời đại của xã hội ngày nay, một xã hội hưởng thụ, con người chỉ tìm vun vén cho bản thân mình, ngại khó, sợ khổ, hình ảnh những anh chị em không quản ngại nguy hiểm và khó khăn, quyết tâm mang tình người tới những nơi bị ảnh hưởng nặng nề, đã trở nên một minh chứng sống động của tình yêu thương đối với tha nhân.
Lạy Chúa, để nói lên từ “yêu” thì rất dễ, nhưng để sống được từ “yêu” đòi hỏi con cần phải cố gắng và nỗ lực hy sinh trong từng ngày sống. Xin cho con biết kín múc ân sủng từ suối nguồn Tình Yêu Chúa qua đời sống chiêm niệm, cảm nghiệm tình yêu Chúa trong chính cuộc đời con, để rồi từ đó con có đủ khả năng để yêu thương anh chị em “như chính mình.” Amen.
Hoa Dại