Tin mừng: Mc 1, 21 – 28
21 Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
THIÊN CHÚA UY QUYỀN
Sau 30 năm sống ẩn dật nơi mái nhà Nazaret, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của mình. Khi đến thành Capharnaum, điểm dừng chân đầu tiên của Người là hội đường của người Do Thái, nơi mà họ thường xuyên hội họp để cầu nguyện, nghe Kinh Thánh, và nghe giảng dạy. Dân chúng vốn quen nghe các luật sĩ giảng dạy, nay họ vô cùng sửng sốt khi được nghe lời giáo huấn và giảng giải từ Chúa Giêsu. Họ sửng sốt, không chỉ vì lời giảng và giáo lý của Người hoàn toàn mới mẻ, mà còn vì “Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.” Rõ ràng, dân chúng nhận ra sự khác biệt lớn giữa Lời của Chúa và lời của các luật sĩ.
Lời cuả các luật sĩ không còn đủ sức để lôi cuốn sự thán phục của dân chúng, bởi vì lời của các ông chỉ dựa trên lý thuyết và bởi vì lời giảng dạy của các ông không đi đôi với hành động. Chính Chúa Giêsu đã từng lên án các luật sĩ và kinh sư: “Họ chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính họ thì dù một ngón tay cũng không buồn động vào” (Lc 11, 46). Lời nói phải đi đôi với hành động mới có thể thuyết phục và cảm hóa người nghe. Dân chúng đi từ sự sửng sốt này đến sự sửng sốt khác, khi họ chứng kiến tận mắt hành động của Chúa Giêsu qua việc Người dùng Lời quyền năng của Thiên Chúa để trục xuất các thần ô uế. Chỉ bằng một lời tuy ngắn gọn và có vẻ đơn giản, “Hãy im đi và ra khỏi người này,” mà Chúa Giêsu đã khiến cho thần ô uế phải sợ hãi và nghe lệnh. Đích thực, Lời của Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa và có sức chữa lành con người khỏi sự thống trị của thần ô uế.
Đức Giêsu là Thiên Chúa thật đã đến thế gian để giải thoát và cứu độ con người khỏi các thế lực sự dữ. Người tẩy trừ sự xấu xa, đem lại sự tự do và an bình cho con người. Sau khi chứng kiến những việc lạ lùng của Đức Giêsu, dân thành Capharnaum đã không giữ lại cho riêng mình, nhưng hân hoan đi loan báo cho mọi người biết về danh Chúa. Chính vì thế, mà danh tiếng của Người được đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
Trong thế giới hôm nay, con người đang phải đối diện với đầy rẫy những sự cám dỗ nguy hiểm mà ma quỷ gieo rắc. Nó làm cho con người sống xa cách nhau. Thay vì lựa chọn yêu thương, con người lại trở nên vô cảm, để rồi dần dần mất đi cảm thức về tình yêu trong cuộc sống, không nhận ra giá trị cao quý của cuộc đời. Đức Giêsu – Con Thiên Chúa đã đến, Người là tình yêu và luôn ước mong cho tình yêu của Người đến được với tất cả mọi người. Là những người mang danh Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi học nơi Người, trở nên sứ giả của tình yêu thương ấy giữa lòng nhân loại.
Tuy nhiên, để có thể trở nên sứ giả của tình yêu, mỗi người không chỉ dừng lại ở lời nói hay, mà quan trọng là phải bằng những hành động cụ thể. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nhìn nhận sự thật, “con người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn những thầy dạy, và nếu họ có nghe những thầy dạy thì đó là vì những thầy dạy này là những chứng nhân.” Vì thế, mỗi người chúng ta đừng để mình rơi vào tình trạng của các nhà luật sĩ xưa, chỉ chú trọng vào lời giảng của mình, mà không tập trung vào việc mình làm, để rồi nói mà không làm.
Phải bằng những hành động cụ thể, thì những lời nói yêu thương của chúng ta mới có thể chạm vào trái tim của người khác. Phải bằng những hành động cụ thể, lời giảng về tình yêu Thiên Chúa mới có sức biến đổi con người. Hành động cụ thể đó đôi khi chỉ cần là thái độ cảm thông, hoặc lời nói động viên khích lệ đúng lúc, hoặc một nghĩa cử sẻ chia với những anh chị em có hoàn cảnh khó khăn. Những nghĩa cử ấy tuy nhỏ bé, nhưng có sức mạnh phi thường vì tình yêu luôn có sức biến đổi. Ước gì mỗi chúng ta luôn biết nỗ lực đem bình an và niềm vui của Chúa đến cho mọi người qua lời nói động viên, nụ cười sẻ chia, ánh mắt thông cảm, và những nghĩa cử yêu thương, để qua đó mọi người chúng ta gặp gỡ đều cảm nhận được sức mạnh biến đổi và không ngừng ngợi khen tình yêu Thiên Chúa.
Maria Nguyễn Hằng