Từ ngày 04-06/9/2024, tại Tu viện nhà Mẹ Bùi Chu đã tổ chức Khóa thường huấn dành cho quý Chị em trong Dòng và các khối đào tạo. Đây là một hoạt động thường niên nhằm củng cố đời sống thiêng liêng và tinh thần Dòng cho các chị em.
Giúp Thường huấn năm nay là Sơ Toni Harri O.P. Trong chuyến thăm Việt Nam và thăm Hội dòng, sơ đã ưu ái và dành thời gian để cùng chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm quý báu của sơ cho chị em.
Theo đó,
Ngày thứ nhất là dành cho quý Chị em đã khấn trọn trong toàn Hội dòng. Với chủ đề chính: “Những thách đố trong Cộng đoàn”, sơ đã khởi đi từ “Lời khấn vâng phục” và lấy ý tưởng “Sự vâng phục như là việc đưa ra quyết định trong sự hiệp thông” làm trọng tâm để một lần nữa nói lên tầm quan trọng của lời khấn này, đồng thời, giúp chị em tái khám phá về Lời khấn Vâng phục trong Hiến pháp dòng cũng được quy chiếu về sự hiệp thông với Giáo hội, với Bề trên và với chị em. Bằng sự hiểu biết của mình, sơ đã cho chị em hiểu rõ rằng, để sống sự hiệp thông ấy, cần biết “lắng nghe”, lắng nghe Chúa, lắng nghe toàn thể nhân loại và lắng nghe nhau.
Vào buổi chiều, sơ đã chia sẻ về những “mâu thuẫn trong cộng đoàn và việc biến đổi những mâu thuẫn theo tinh thần Đa Minh”. Theo sơ, trong thực tế, mọi xung đột bắt nguồn từ các nhu cầu, động lực, mong muốn hoặc yêu cầu không tương thích. Và nó đều có cách để giải quyết những mẫu thuẫn, xung đột đó bằng cách thay đổi cách nhìn, hiểu quan điểm của người khác, nhìn nhận vấn đề với lăng kính khách quan… Trong cộng đoàn mỗi người cần có cái nhìn vượt ra chính mình để hướng tới viễn cảnh cao hơn, nhìn xa hơn, để từ đó có cách đáp trả phù hợp hơn. Ngoài ra, cũng cần “có lòng bác ái với nhau, hãy khiêm tốn, tự nguyện khó nghèo” như lời trăn trối của Thánh Đa Minh cho con cái ngài.
Ngày thứ hai là dành cho quý Chị trong Ban TCV, quý Chị trong Ban Đào tạo, quý chị Bề trên tại các Tu viện, tu xá với chủ đề: “Quản trị và lãnh đạo theo tinh thần Đa Minh”. Bằng kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình, sơ đã cho thấy, tinh thần quản trị của Đa Minh là với mục đích để cho mỗi tu sĩ được tự do rao giảng Tin mừng. Vì thế, việc quản trị của Đa Minh đòi có sự hài hoà của các yếu tố tham gia, hiệp thông, có sự cân bằng giữa quyền hạn-thẩm quyền-trách nhiệm, và không thể thiếu tính dân chủ. Tất cả các cơ cấu trong Dòng đều lấy sứ mạng đó làm mục đích.
Và để lãnh đạo theo tinh thần Đa Minh, sơ đã chia sẻ những giá trị và nguyên tắc cơ bản như: cam kết cho sứ mạng, đời sống chung, tình yêu thương đối với nhau, đặt lợi ích chung lên hàng đầu, quan tâm đến những quyết định, có đời sống cầu nguyện-chiệm niệm, học hành, luôn tìm kiếm sự thật, có lòng trắc ẩn, tinh thần dân chủ, sự vui vẻ, khiếu hài hước, tinh thần hành khất, lòng hiếu khách, sự miễn trừ, v.v.
Ngày thứ ba là dành cho các khối đào tạo với chủ đề: “Một vài yếu tố trong Đặc sủng Dòng Đa Minh”. Đặc sủng là bất kỳ ân huệ tốt lành đến từ tình yêu Chúa trao ban cho con người. Với cha Đa Minh, Tin mừng và chỉ có Tin mừng là tiêu chuẩn để đo lường tất cả mọi thứ khác. Vì thế, việc rao giảng Tin mừng hay Giảng thuyết sẽ làm nên nét đặt trưng của mỗi người Đa Minh; và câu hỏi dành cho người Đa Minh không nên là “bạn có giảng không?” mà là “bạn giảng như thế nào?”. Ngoài ra, sơ cũng nhấn mạnh đến một số yếu tố làm nên Đặc sủng của Dòng như: đời sống cầu nguyện, học hành, đời sống cộng đoàn… và giúp cho mỗi học viên nhận thức được yếu tố nào trong đời sống Đa Minh là quan trọng nhất trong thế giới ngày nay.
Qua những ngày học, với sự nhiệt tình, đơn sơ, dí dỏm nhưng đầy sự hiểu biết và cách truyền đạt phong phú, linh động của vị giảng huấn, cùng với tinh thần ham học hỏi của mỗi chị em, bên cạnh sự hỗ trợ đắc lực từ thông dịch viên là nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Vòng, sự hiểu biết và những kiến thức về đời sống tinh thần Dòng của các tham dự viên đã được mở ra, nhờ đó, chị em có thêm kiến thức khi đối diện với những thách thức trong cuộc sống, giúp chị em thêm tự tin hơn trong công việc và sứ vụ. Đây là những hành trang quý báu cho chị em sống đời sống thánh hiến theo tinh thần Đa Minh.
BTT