Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết lên câu hát mang một triết lí sống: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai” trong bài “Một đời người một rừng cây”. Câu hát đó làm cho tôi liên tưởng đến cuộc đời của mỗi người, đến mối tương quan giữa con người với nhau và của chị em trong cộng đoàn qua mối dây đức ái trọn hảo.
Một lần kia, khi đang ngắm bể cá cảnh nhỏ, tôi đã vô tình nghe được những chú cá nói chuyện với nhau. Trong bể cá có rong, rêu, cây cỏ và dĩ nhiên, không thể thiếu những chú cá vàng, đỏ, trắng,… đủ mọi màu sắc cứ bơi qua bơi lại, tung tăng trong làn nước mát làm cho không gian sống thêm sinh động. Rồi tôi thấy sự có mặt của một chú cá màu đen, thân hình sần sù, gai góc, không mấy đẹp mắt nhưng cứ âm thầm, lặng lẽ, cặm cụi dưới đáy bể, chú cá ấy có tên là Cá dọn bể hay Cá lau kính. Khi đang say sưa nhìn ngắm, tôi thấy một chú Cá vàng bơi đến gần Cá dọn bể với điệu bộ đầy kiêu hãnh và kèm một chút tò mò. Cá vàng lên tiếng chào hỏi Cá dọn bể:
Cá vàng: Chào anh Cá dọn bể, sao anh không lên trên bơi lội với chúng tôi?
Cá dọn bể: Tôi là Cá dọn bể, tôi phải làm sạch môi trường sống trong chiếc bể này.
Cá vàng: Ui chao! Cá dọn bể suốt ngày chỉ ăn mấy thứ tạp chất bẩn thỉu. Còn cá Vàng chúng tôi được thoải mái bơi lội mà chẳng cần phải dọn dẹp chi hết. Chúng tôi phải giữ cho thân hình đẹp đẽ để cho con người nhìn ngắm.
Nghe đến đó, Cá dọn bể chẳng nói thêm lời nào và lại tiếp tục công việc của mình. Còn Cá vàng tặng Cá dọn bể một nụ cười mỉa mai rồi bơi về với đàn của mình.
Cuộc sống cứ tuần tự trôi đi, Cá dọn bể vẫn chăm chỉ làm việc, Cá vàng cũng không lui tới hỏi chuyện nữa. Dường như hai bên không liên quan gì đến cuộc sống riêng của nhau.
Rồi một ngày kia, Cá dọn bể được con người đưa đến nơi ở mới, lúc này, trong bể chỉ còn lại những chú Cá vàng đẹp đẽ vẫn vô tư bơi lội. Nhưng chỉ ít ngày sau, “ngôi nhà” mà chúng đáng sống dần trở nên không còn sự sạch sẽ và trong lành như cũ, những chú Cá vàng bắt đầu cảm thấy ngột ngạt, không còn thoả sức bơi lội và cơ thể cũng không còn óng vàng như trước… Lúc này, chúng mới nhận ra vai trò của Cá dọn bể, bởi bấy lâu nay nhờ có sự cần cù chăm chỉ của chú cá ấy mà cả đàn Cá vàng của nó mới được sống trong một môi trường xanh-sạch-đẹp như thế. Và khi cuộc sống của cả đàn cá trở nên bế tắc, không có lối thoát vì môi trường bị ô nhiễm, thậm chí ngay cả sự sống cũng bị đe dọa, Cá vàng mới ước: “giá như trước đây mình cộng tác với cá Dọn bể để cùng làm việc thì bây giờ mình không bị rơi vào thảm cảnh này”. Giá như và giá như… là những câu nói tuyệt vọng của chú Cá vàng. Rồi nó hét thật to để gọi tên Cá dọn bể nhưng từ xa chỉ nghe tiếng vọng lại của chính nó mà thôi.
Cuộc sống của con người có lẽ cũng không khác câu chuyện giữa Cá vàng và Cá dọn bể, đặc biệt trong mối dây đức ái trọn hảo của nếp sống tu trì, thì lại càng cần có sự cộng tác, hỗ trợ nhau, cùng nhau làm việc, cùng nhau gánh vác, cùng nhau chia sẻ.
Đời tu cũng giống như môi trường sinh thái của tự nhiên. Một hệ sinh thái sạch để sinh vật có điều kiện sống tốt thế nào thì hệ sinh thái của đời sống cộng đoàn cũng cần trong đó có tình yêu thương, có sự cảm thông để người tu sĩ có chất dinh dưỡng làm triển nở ơn gọi của mình và thông truyền cho tha nhân điều mà mình đã chiêm niệm, đã sống. Một hệ sinh thái tốt nơi cộng đoàn cũng giúp người tu sĩ vui tươi vun trồng các mối tương quan của mình với Chúa. Thiên Chúa thật khôn ngoan khi tạo dựng con người có một cái miệng nhưng lại có hai cái tai. Dường như Thiên Chúa muốn con người nghe nhiều hơn nói và Ngài muốn con người thinh lặng nhiều hơn để dễ nghe được tiếng của Ngài. Một triết gia kia đã rất có lí khi nói rằng: “Chỉ người biết tạo mối tương quan với cô tịch thì mới có thể thiết lập mối tương quan với tha nhân”. Như vậy, chỉ trong sự thinh lặng cần thiết, và trong sự lắng nghe đích thực, người ta mới có thể có những tương tốt với tha nhân.
Đời tu cũng cần một hệ sinh thái trong lành. Và sự trong lành ấy chỉ có khi ở đó mọi người biết nhìn ra cái tốt nơi người khác, bao dung với nhau và kiên nhẫn với nhau như ông chủ trong dụ ngôn cỏ lùng và lúa (x. Mt 13, 24-30), ông kiên nhẫn đợi lúa và cỏ lùng lớn lên cùng nhau rồi cỏ lùng ông cho đốt đi, còn lúa thi cho vào kho lẫm. Nhìn nhau với cái nhìn thiện cảm, không để cho những ý nghĩ xấu xâm nhập trong đời sống, cũng không oán ghét nhau, không hận thù nhau và kiên nhẫn với những lầm lỗi của người khác, đợi chờ sự thay đổi và hoán cải nơi người ấy là điều cần thiết.
Hệ sinh thái của cộng đoàn cũng rất cần sự khiêm nhường, để ở đó người tu sĩ không loại trừ nhau, không kì thị nhau. Khiêm nhường để biết đón nhận người khác với tất cả những gì họ là. “Nếu không có đức khiêm nhường, lòng tự hào trở thành kiêu căng và ngạo mạn […] người khiêm nhường không cần nâng mình lên trên sự thất bại của người khác. Bởi vì người ấy cũng ý thức về những giới hạn của mình, đồng thời có sự thán phục về bản tính của con người […]”.1 (1)
Là con người, ai lại không muốn mình được yêu thương, được quý trọng. Nhưng ngược lại với ước muốn ấy thì người ta lại cứ trao cho nhau những gánh nặng. Ước mong mỗi chúng ta biết rút ra bài học từ những chú Cá vàng và Cá dọn bể, luôn ý thức vai trò và trách nhiệm khác nhau của mỗi người, biết cộng tác với nhau, biết biết đón nhận những khác biệt nơi nhau. Như thế, chúng ta đang góp phần rất quan trọng để làm cho hệ sinh thái trong cộng đoàn được sạch và trở nên đáng sống hơn.
Maria Thu Huyền
* Bài viết được lấy cảm hứng từ những gợi ý tĩnh tâm của cha linh hướng Giuse Đinh Tiến Hưng O.P
1 Robert J. Furey, Lm Montfort Phạm Quốc Huyên O. Cist chuyển ngữ, Vì tôi không hoàn hảo, tr 23-24.