Ngày Bà Nội mất. Ở xa.
Trong nỗi buồn nhớ dày và nặng hạt, tôi muốn viết gì đó. Viết để lưu giữ. Viết để chữa lành. Viết để Nội ở mãi trong tôi. Chẳng phai mờ.
Tôi muốn viết một câu chuyện, nhưng không tìm được điểm cao trào, thắt nút, mở nút – những yếu tố cần để cấu thành một cốt truyện – trong cuộc đời Bà tôi. Hay chăng, những đau thương của đường đời, Bà đã kín đáo giấu nhẹm hết vào cõi lòng riêng tư, để chúng tôi – những đứa cháu – chỉ thấy những nét hiền hòa, êm dịu nhỉ? Trong cảm nhận của tôi, Bà Nội như một dòng sông chiều thuở xưa: xanh mát, êm ru, bao bọc và ôm trọn hành trình lớn lên của chúng tôi.
Dọa! Bà Nội!
Cứ mỗi lần đi lễ về, mấy anh chị em họ hàng chúng tôi lại không hẹn mà gặp, cùng nhau dọa đùa Bà. Những đôi tay mạnh mẽ, tràn trề sức xanh của tuổi trẻ bất ngờ từ phía sau đặt lên đôi vai đã gánh gồng bao tháng năm vì chồng, vì các con, các cháu. Bà Nội khi nào cũng giật bắn mình, quay lại mắng yêu: Mấy đứa ranh con! Rồi nở nụ cười thật tươi với đám cháu tinh nghịch. Thế rồi, đứa cầm, đứa khoác tay Bà, đứa quàng vai, đứa bá cổ Bà, tíu tít những câu chuyện vui cười. Ánh trăng vàng trên cao, từng ngày biến hình (trăng có lẽ là “fan cuồng” của lễ hội Halloween): khi thì hình quả chuối, lúc lại dáng trái bóng, đôi khi ẩn mình sau mặt nạ đám mây… Nhưng trăng cứ xuất hiện là lại âm thầm chiếu sáng cho những tiếng cười hạnh phúc của Bà cháu chúng tôi.
Người ta hay dùng động từ “trôi” cho chuyển động của thời gian, nhưng tôi nghĩ, thời gian “nhảy”, “chạy” hay “bay” thì đúng hơn. Vì thời gian tiến nhanh lắm, để lại phía sau lưng hàng cây kí ức dày đặc trên quãng đường nhiều “kilô phút” nó đi qua. Bà Nội đã già hẳn đi tự lúc nào, chúng tôi chẳng hay. Tóc Bà bạc trắng, da Bà nhăn nheo tự khi nào chúng tôi chẳng rõ. Là vì vận tốc thời gian đi nhanh quá? Hay do đôi mắt tuổi trẻ quá vô tình – cứ mải đắm mình vào những biến chuyển của thế giới hiện đại, của những xô bồ, khát khao và đam mê – để rồi làm tuột mất khỏi tầm nhìn hình ảnh của những người thân yêu, những người mà đôi khi bị coi là đã xưa, đã cũ. Còn đôi mắt của những người cao niên, của Bà tôi, lại khác: luôn âm thầm dõi nhìn từng bước chân đi của lũ cháu, đàn con. Lòng Bà êm trôi những lời nguyện cầu đều đặn cho từng đứa, từng đứa một. Tâm hồn họ gắn chặt với thế hệ đời sau.
– Bà ngày nào cũng cầu nguyện cho tụi con!
Ngày Bà Nội mất. Ở xa.
Trong nỗi buồn nhớ dày và nặng hạt, kí ức về Bà không biết đã lấy sức mạnh ở đâu mà vượt thắng hàng ngàn suy tư thường nhật, rồi chiếm trọn tâm trí của cô cháu gái. Những kỉ niệm chẳng khi nào tôi lục lại, đem ra mà lau, mà bảo dưỡng cho luôn mới, vậy mà chúng vẫn nhẫn nại ở đó – trong tôi và bên tôi – giữa nỗi buồn nhớ đến vô tận này.
Sợ lắm cái tiếc nuối: “Có không giữ, mất đừng tìm”.
Tựa dòng sông xưa hiền hòa, cho bao bạn nhỏ thuở trước chơi đùa, tắm gội mà không sợ nhiễm bẩn hay chết đuối, Bà Nội đã là nơi chúng tôi được thỏa sức là trẻ con, là chính mình. Không phải gồng lên để là học sinh giỏi hay người thành đạt, chúng tôi chỉ đơn giản là cháu khi ở bên Bà. Đứa ngoan, đứa hư, đứa thành công, đứa khốn đốn – đứa nào cũng là cháu, là người Bà yêu. Không chỉ trích. Không giáo điều nặng nề. Tất cả chỉ đơn giản là yêu thương. Đi xa về, chúng tôi thường chạy vào chào, ôm Bà – một khoảng bình yên đến lạ kì, một nốt lặng êm dịu Chúa đặt vào giữa bản nhạc bộn bề nhịp sống tuổi trẻ.
Như trẻ con xưa thường ngồi bên bờ sông, soi mình xuống dòng nước trong vắt, êm ả, chúng tôi cũng ở gần Bà, soi mình và nhìn ra một phần con người mình từ Bà. Dòng máu đang chảy trong nhịp tuần hoàn, nếp sống gia đình là số 1, những hướng lòng về việc đạo đức… mà chúng tôi đang mang – Bà chính là dòng chảy đầu nguồn. Suy tư về Bà, chúng tôi hiểu hơn về chính mình, để rồi “biết mình”, thêm chút “biết ta”, chúng tôi giữ niềm hi vọng “trăm trận trăm thắng”. Người ta bảo một trong những bí mất của hạnh phúc là gắn bó với tổ tiên. Chúng tôi biết ơn vì Bà đã là Bà như thế – để chúng tôi được là chúng tôi như hiện giờ.
Như những cánh lục bình tím nhẹ điểm tô cho nét đẹp dòng sông, Bà Nội tôi đã làm nở tươi những bông hoa nhân đức âm thầm, nhẹ nhàng. Không cầu kì, kiêu sa bằng những yêu thương lớn tiếng, yêu thương của Bà êm dịu nơi những chắt chiu để sẻ chia cho con cháu. Được ai biếu gì, Bà để dành rồi chia cho các con, các cháu: khi thì hộp cà phê G7, lúc thì trái vải, quả cam… Gia đình nào có chuyện bất hòa, Bà chỉ đơn giản là đến, là ở cùng, là lắng nghe, là nhẹ nhàng hỏi: “Sao vậy con?”. Yêu thương có phép màu diệu kì lắm. Yêu thương làm nhẹ lòng ai đang nặng nề, buồn tức. Yêu thương làm sống dậy yêu thương. Chuyện đạo đức của bố mẹ và anh em chúng tôi cũng một phần nhờ Bà. Bà cứ ngày ngày đi lễ qua, thật sớm, gọi với: “Đi lễ chưa mấy đứa ơi?”. Tiếng Bà có sức động vào lòng chúng tôi hơn tiếng chuông nhà thờ. Lũ trẻ đang xem TV hay nghịch linh tinh, liền tắt vội, rồi tắm rửa, đi lễ.
Cứ thế, Bà không để lại trong chúng tôi những khối kí ức, kỉ niệm riêng biệt nhưng Bà là một phần của tất cả kí ức. Là một nhân tố quan trọng mà nếu muốn đem kí ức ra phân tích, chúng tôi không thể không gọi tên Bà.
Ngày Bà Nội mất. Ở xa.
Trong nỗi buồn nhớ dày và nặng hạt, tôi mênh mang suy nghĩ: Tử thần đã mang đến hạn hán cho dòng sông, nhưng hơi nước bay lên, không tan biến mà về trời, tụ lại thành những đám mây, đem râm mát cho người thế, rồi sẽ trở thành mưa khi đất trời cần tưới mát. Bà tôi không tan biến nhưng về với Chúa. Trong đức tin Kitô giáo và lòng cậy vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót, tôi tin, dẫu sớm hay cần chờ đợi, Bà tôi sẽ được Chúa đón về Trời. Và bà sẽ nên như đám mây tiếp tục dõi nhìn đàn cháu con, sẽ xin Chúa đổ mưa thánh ân xuống khi chúng tôi cần. Có lẽ cao trào, thắt nút, mở nút của câu chuyện đời Bà chính là cái chết ở đời này. Người thắt – mở nút là Chúa. Nhưng nút thắt này thuộc về thế giới siêu nhiên, ngòi bút của tôi chẳng đủ sức diễn tả.
Dòng sông đời Nội đã thành công chảy ra bao nhánh, đem niềm vui cho Đấng đã dựng nên Nội và cho chính những nhánh sông là chúng tôi. Mong sao “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ vậy”, Bà tôi đã trọn đời trung thành với Chúa, với gia đình. Mong yêu thương của chúng tôi cũng luôn vẹn nghĩa, vẹn tình. “Rau nào rau đấy” – câu Bà tôi hay nói vui trải đi từ nguyên gốc “Rau nào sâu đấy”, mong dòng sông cuộc đời chúng tôi cũng dạt dào phù sa yêu thương như dòng sông của Nội.
Năm ngày sau khi Bà mất. Trong giờ Kinh Chiều Lễ Thánh Maria Madalena, khi miệng tôi thưa lời xướng đáp sau Lời Chúa: “Maria, thôi đừng khóc nữa: Chúa đã sống lại từ cõi chết”, lòng tôi vang lên tiếng nói nhẹ nhàng: “Che, Che (biệt danh Bà Nội đặt cho tôi), thôi đừng khóc nữa, Bà đã được gặp Chúa rồi!” An lòng đến với tôi cách diệu kì và tôi biết dẫu có muốn lẩn tránh hay phủ nhận, mọi linh hồn đều khát khao gặp và nghỉ yên trong Đấng Tạo Hóa của nó – là Chúa. Khát khao ấy của Nội đã được thành toàn. Tôi thôi khóc. Nỗi buồn bớt dày và nặng hạt. Nhưng tôi sẽ luôn nhớ về Nội – dòng sông xanh mát, hiền hòa và êm ru của chúng tôi.
Nội ơi! Nội của con về Trời nhé!
Cõi nhân gian, con tiếp bước lữ hành.
Đời lành thánh, có Nội nêu gương sáng.
Mong Thiên Đàng trăng sáng ngày đoàn viên.
Một tuần sau khi Nội mất. Ở xa.
Phương An