Tin Mừng: Mc 9, 37-42. 44. 46-47
Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.
“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”.
Ghen tị
Là con người, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng đối mặt với sự gen tị bởi vì nó là một phần nơi bản chất của con người. Theo nhà tâm lý học Joel Frank (Mỹ) nói: “Ghen tị là sự kết hợp giữa sợ hãi, bất an và so sánh. Chúng thường âm thầm xâm chiếm chúng ta“. Vì là hành động âm thầm nên ghen tị đã để lại những hậu quả khôn lường, cụ thể nhất là làm rạn nứt và gây chia rẽ dẫn đến hành vi loại trừ nhau. Vậy nên, Giáo hội luôn nhắc nhở con cái mình qua kinh “Bảy mối tội đầu” rằng cần lưu tâm đề phòng, kiểm soát, kẻo nó “phá hủy” con người.
Thật vậy, ngay từ những trang đầu của Kinh Thánh đã xuất hiện sự bất tuân và kiêu ngạo nơi con người chỉ vì tính đố kị. Qua lời dụ dỗ của ma quỷ, Evà đã không chấp nhận mình là thụ tạo, trái lại, bà muốn được ngang hàng với Thiên Chúa. Với tất cả lý trí, ý chí và tự do, bà đã cắt đứt mối tương quan tốt đẹp giữa Thiên Chúa và loài người qua hành động hái và ăn trái cấm. Hậu quả là con người đã bị mất đi sự hiệp thông với Thiên Chúa, lâm vào tình trạng đau khổ và phải chết (x. St 3). Và cũng chỉ vì ghen tị do của lễ của mình không được Thiên Chúa trông đến mà Aben đã ra tay sát hại chính người em của mình. Hậu quả cho việc đó là ông đã bị nguyền rủa, phải sống lang thang phiêu bạt, và phải đi xa khuất mặt Đức Chúa (x. St.4).
Các bài đọc trong ngày Chúa Nhật 26 thường niên B hôm nay, cũng cho chúng ta thấy sự ích kỉ, ghen tị, hẹp hòi của lòng người dù với những cách thức khác nhau. Bài đọc thứ nhất cho chúng ta thấy cảm xúc ghen tị đã len lỏi vào lòng ông Giôsuê, con ông Nun là người đi theo ông Môsê đã nhiều năm và cũng là người được chọn trong số đông người. Giôsuê đã cùng với Bảy mươi hai vị bộ lão khác nhận được Thần Khí và nói được tiên tri. Tuy nhiên, Giôsuê đã cho chúng ta thấy sự ghen tị khi ông xin với ông Môsê cấm không cho hai ông El-đad và Mê-đad nói tiên tri vì họ đã không đến và ở trong Lều. Hành động đó của Giôsuê đã bị Môse nhắc nhở và sửa dạy cho hiểu rằng càng nhiều người được ơn nói tiên tri, Thiên Chúa càng được vinh danh (x. Ds 11, 25 – 29).
Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy, các Tông đồ cũng là con người, vậy nên họ cũng không nằm ngoài những cảm xúc và thói đời ấy. Thánh Gioan có vẻ không hài lòng khi thấy có người không thuộc nhóm mà lại nhân danh Thầy của mình làm công việc trừ quỷ. Do đó, thánh nhân đã cấm họ lấy Danh Đức Giêsu để trừ quỷ (x. Mc 9,38). Thoạt đầu chúng ta có thể nghĩ đó là hành động bảo vệ danh dự cho Thầy mình, và điều ấy có thể là đúng nếu việc trừ quỷ của người lạ kia đưa đến những hậu quả hoặc gây gương mù gương xấu. Nhưng không, ông ấy nhân danh Đức Giêsu để chữa lành, và đem bình an cho những người đau khổ. Vì thế, Đức Giêsu đã đã nhẹ nhàng sửa dạy Thánh Gioan rằng: “Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại đi nói xấu Thầy” (x. Mc 9, 37 – 39). Thật vậy, người làm được việc thiện là người luôn có Thần Khí ở cùng như lời Kinh Thánh nói: “Không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa mà không do Thánh Thần” (1Cr 12,3). Do đó, suy nghĩ vì người lạ kia không thuộc nhóm tông đồ, nên không được hành động theo Thần Khí – trừ quỷ là một suy nghĩ hơi mang tính ích kỉ.
Lời Chúa hôm nay cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta phải tỉnh thức trước tính ích kỉ, ghen tương và đố kị. Sống trong một gia đình, cộng đoàn hay một tập thể, mỗi người cần nhận ra được những điểm mạnh cũng như tài năng của nhau. Nhờ đó, chúng ta có thể tránh đi những cảm xúc ghen tương và đố kị bằng cách ủng hộ, khích lệ và hỗ trợ nhau phát huy những tài năng của mỗi người một cách tốt nhất. Đồng thời, giúp chúng ta học hỏi, đón nhận, biết vui với người vui, khóc với người khóc, và biết mừng vì thành công của người khác. Cuộc sống cũng sẽ trở nên thật đẹp và ý nghĩa khi chúng ta biết cùng nhau chia sẻ, xây dựng đời sống chung trong tình huynh đệ, chan hòa yêu thương theo gương Chúa Giêsu mời gọi.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã nhắc nhở và dạy chúng con phải canh chừng lòng ghen tương và đố kị trong con người của chúng con qua Lời của Chúa. Mặc dù những cảm xúc này có thể là rất nhỏ và âm thầm nhưng lại đưa đến những hậu quả khôn lường nếu chúng con không để ý kiểm soát nó. Nguyện xin Thần Khí luôn đồng hành, hướng dẫn, giúp chúng con thức tỉnh để biết sống, và hành động những gì đẹp ý Chúa. Amen
Tâm An