Quý vị thân mến,
Ai trong chúng ta cũng mong ước một cuộc đời hạnh phúc bình an? Từ những bà mẹ lam lũ buôn thúng bán bưng, đến những sinh viên miệt mài trên ghế giảng đường, từ người lao động chân tay đến các cụ già nghỉ hưu, tất cả đều khao khát một đời không còn sầu muộn đớn đau. Nhưng thực tế cuộc đời lại đầy những biến cố bất ngờ, tổn thương không báo trước, những ngày dài tăm tối tưởng như không bao giờ có ánh sáng cuối đường hầm.
Chúng ta mang trong tim những nỗi buồn như: mất mát người thân, bệnh tật kéo dài, lo lắng về tương lai, áp lực công việc, sự xa cách trong các mối tương quan, và đôi khi là sự trống rỗng không thể gọi tên. Đâu đó, ta cũng đã từng ở trong tình huống tối tăm này. Đâu đó, ta thấy mình giống như các môn đệ xưa kia, sau cái chết của Thầy Giêsu: sầu muộn, tuyệt vọng và lạc lối.
Trong tâm lý học, sầu muộn thường được hiểu là một trạng thái buồn bã miên man kéo dài, đi kèm với cảm giác mất mát, tuyệt vọng, chán nản và mất ý nghĩa sống. Đây là một dạng cảm xúc tiêu cực có thể mang tính nhất thời (một giai đoạn buồn rầu) hoặc trở thành biểu hiện của một rối loạn tâm lý (như trầm cảm lâm sàng). Ngoài ra, theo Kitô giáo, sầu muộn còn là trạng thái lạnh nhạt với những điều thánh thiêng, mất đi niềm vui nội tâm và không còn cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa. Đây không chỉ là cảm xúc buồn, mà còn là một thử thách đức tin, khi người ta thấy khô khan, trống rỗng, và dường như bị Chúa bỏ rơi.
Hai tâm hồn buồn bã
Chúng ta nhớ đến hai môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24,13-35). Họ là biểu tượng sống động cho những tâm hồn sầu khổ hôm nay. Họ bỏ lại Giêrusalem, trung tâm của niềm hy vọng và lời hứa, để quay về làng quê Emmau – một bước đi ngược chiều hy vọng. Trong lòng họ đầy rẫy những cụm từ như: “nhưng… mà”, “giá như…”, những câu hỏi chưa lời giải đáp: “Chúng tôi đã hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ítraen” (Lc 24,21).
Tôi trộm nghĩ nhiều người Việt hôm nay cũng mang tâm hồn của người môn đệ Emmau. Chúng ta muốn lẩn tránh thực tại, nơi ta tìm về để hàn gắn vết thương, nơi chất chứa bao khắc khoải chưa được chữa lành. Đó có thể là một góc quán quen, một chuyến xe về quê, hay chỉ là sự thu mình trong cô đơn giữa phố thị đông người.
Chính vào lúc sầu muộn ấy, Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra. Ngài đồng hành như một người bạn đường, giải thích Kinh Thánh, giúp họ hiểu rằng mọi đau khổ, mọi thập giá đều mang ý nghĩa cứu độ. Khi hai môn đệ mời Người ở lại: “Mời Thầy ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều” (Lc 24,29). Chính lời mời này đã giúp họ sau đó đón nhận ánh sáng Phục Sinh. Trong ý nghĩa này, Thánh Gioan Phaolô II chia sẻ rằng:
“Đức Kitô phục sinh là câu trả lời cuối cùng của Thiên Chúa cho những tiếng kêu đau khổ của con người.” (Tông huấn Salvifici Doloris, số 31)
Trong Phục Sinh, Thiên Chúa không chỉ biến đổi lịch sử nhân loại, mà còn biến đổi từng trái tim, từng phận người đang sống trong u tối. Người không cất khỏi chúng ta thập giá, nhưng giúp chúng ta mang nó với một ý nghĩa mới. Đây chẳng lại là niềm vui, là ý nghĩa cuộc đời sao?
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Phục Sinh không chỉ là một biến cố xảy ra cách đây hai ngàn năm. Phục Sinh là thực tại hôm nay. Là khi một người mẹ vượt qua khổ đau mất mát mà vẫn tiếp tục yêu thương các con. Là khi một người trẻ từ bỏ cái nhìn bi quan để bắt đầu lại với hy vọng. Là khi một người tín hữu, dù bao năm sống trong tội lỗi, vẫn tin rằng Thiên Chúa luôn rộng mở vòng tay tha thứ. Giáo hội mời gọi chúng ta sống kinh nghiệm phục sinh ấy qua từng ngày:
“Mỗi Kitô hữu, qua Bí tích Rửa tội, đều được tham dự vào sự chết và phục sinh của Đức Kitô, để được sống một đời sống mới”. (GLCG số 1214)
Vì thế, phục sinh không chỉ là niềm tin đơn thuần, mà là lời mời gọi sống tích cực, bước ra khỏi bóng tối nội tâm, khỏi mặc cảm, giận hờn, cay đắng… để hướng về ánh sáng. Bằng cách nào?
Giữa thời đại đầy bất an – chiến tranh, xung đột, sự xuống cấp đạo đức và khủng hoảng trong các mối tương quan – người Kitô hữu được mời gọi trở thành nhân chứng Phục Sinh. Không phải bằng những lời trống rỗng, mà bằng đời sống vui tươi, bao dung, và kiên vững trong đức tin. Đừng quên: người buồn bã không thể loan báo Tin Mừng. Không thể! Chúa Phục Sinh biến các môn đệ từ những kẻ sợ hãi thành người loan báo: “Chúng tôi đã thấy Chúa!” (Ga 20,25). Chính vì vậy, mỗi chúng ta, dù là giáo dân hay linh mục, tu sĩ, đều có thể đem ánh sáng Phục Sinh vào môi trường sống của mình: trong gia đình, nơi làm việc, giữa xã hội Việt Nam hôm nay.
Hãy để tâm hồn mình được phục sinh
Phục Sinh không làm cho những vết thương biến mất, nhưng giúp chúng ta tin rằng vết thương có thể sinh hoa trái. Như vết đinh trên tay Chúa trở thành dấu chỉ của tình yêu, ước gì những vết thương lòng giúp ta kiên cường hơn. Chúng ta có thể là những tâm hồn mệt mỏi, nhưng qua ơn phục sinh, chúng ta được nâng dậy để tiếp tục hành trình với hy vọng. Như Thánh Phaolô nói:
“Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền.”(1Cr 15,17)
Thật may với hy vọng lớn lao: Đức Kitô đã sống lại thật. Nhờ biến cố này, chúng ta cũng có thể sống lại, thoát khỏi những buồn phiền, thất vọng, tội lỗi và hoang mang. Để có được hoa trái này, ước gì chúng ta để Người bước vào tâm hồn mình hôm nay. Hãy để Đức Kitô phục sinh những phần hồn đang sầu muộn nơi chúng ta. Hãy bước ra khỏi bóng tối. Hãy làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh bằng chính đời sống của mình.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, ước gì kinh nghiệm gặp gỡ Ngài như ánh bình minh xua tan màn đêm buồn bã nơi tâm hồn chúng con. Amen
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
Nguồn: https://dongten.net/