Là một tu sĩ với nhiều yếu đuối và giới hạn trong đời sống cộng đoàn, nhưng cũng chính vì những khuyếm khuyết ấy của mình nên người viết luôn bị tra vấn về sự giảm sút lòng đạo đức và nhiệt huyết trong đời sống của mình cũng như tu sĩ trẻ hôm nay. Những thao thức này thôi thúc người viết tìm hiểu về thực tại đời sống thánh hiến với câu hỏi: Đâu là nguyên nhân làm bùng nổ các vấn nạn, mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời và đang kêu gọi lòng trung thành sáng tạo của đời thánh hiến ?
Thích ứng trước nhu cầu thời đại.
Đây không chỉ là vấn đề của tu sĩ nói chung nhưng còn cho các nhà đào tạo nói riêng. Ai trong chúng ta cũng biết thời đại hôm nay không gì dễ bằng việc tiếp nhận và cập nhật thông tin qua các phương tiện truyền thông. Do đó không thể phủ nhận lợi ích mà ngành Kỹ thuật số đem lại, nhất là trong đại dịch Covid. Khi xã hội được đặt trước báo động đỏ vì sự lây nhiễm, các lễ hội, việc phụng tự, những buổi hẹn hò,gặp gỡ giao lưu trò chuyện diện đối diện trở thành một thứ xa xỉ tại các ổ dịch, điều này càng cho thấy rõ hơn lợi ích của phương tiện truyền thông. Nhờ các phương tiện kỹ thuật mọi người trên thế giới có thể nắm bắt tình hình đời sống kinh tế, văn hóa, chính sự… nhất là nhìn thấy người thân còn mắc kẹt hoặc đang bị cách li.
Nhờ được cập nhật thông tin trên mạng, mỗi ngày tu sĩ chúng ta có thể hiệp thông, chia sẻ với nỗi đau của các anh chị em trên thế giới ít là bằng lời cầu nguyện. Internet chính là sự kết nối tuyệt vời, là cánh cửa rộng mở giúp người với người gặp gỡ nhau qua tiếng nói, bằng hình ảnh hoặc chữ viết. Cùng những lợi ích vô cùng to lớn mà công nghệ thông tin đã và đang phục vụ nhân loại, phải chăng tu sĩ cũng nên lưu tâm đến những nguy hại nó có thể ảnh hưởng trong môi trường tu trì nói chung, cá nhân nói riêng.
Phương tiện kỹ thuật con dao hai lưỡi.
Phương tiện kỹ thuật giúp tu sĩ tiếp cận với thế giới nhanh hơn, tiện ích trong việc tìm kiếm tài liệu, thông tin một cách dễ dàng và chính xác. Nhưng nếu không phản tỉnh các phương tiện truyền thông sẽ lưu lại những câu nói, những hình ảnh phản cảm, ngoài ra nó cũng là nguyên nhân làm giảm tương quan giữa các thành viên trong cộng đoàn, điển hình là ít tham gia các giờ chung hoặc có thì cũng trì trệ, có khi ở cạnh phòng cũng nhắn tin để trao đổi với nhau vì Zalo không tốn tiền.
Thêm nữa, một khi nảy sinh sự xích mích, va chạm trong đời sống, dễ khiến tu sĩ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực rồi so sánh rằng : “Ở ngoài mọi người dễ dàng đón nhận tán dương mình thế, mà sao trong cộng đoàn anh chị em lại coi thường, khó chấp nhận mình đến vậy ?”. Những lúc như thế thay vì gặp gỡ đối thoại để giải gỡ khúc mắc cùng anh chị em thì lại tự nhốt mình trong không gian riêng, đeo ống nghe vặn to âm lượng dìm mình trong các giai điệu, vào facebook, zalo, điện thoại tám với người bên ngoài, cứ thế khoảng cách giữa các thành viên trong cộng đoàn ngày càng rộng thêm.
Tiện ích của việc sử dụng Internet thì dễ thấy nhưng hệ lụy nó gây ra chúng ta cũng không nên coi thường. Một khi sử dụng nó đến mức lạm dụng có thể làm giảm sự sáng tạo trong sứ vụ, học tập và những thiên khiếu khác. Ví như khi có một ý tưởng mới hình thành cần có thêm dữ liệu bổ sung nên vào mạng tìm kiếm, vì không làm chủ được trước những tin bài liên quan hấp dẫn dễ khiến ta lang thang nhiều giờ chưa thoát ra được.Điều kể trên nhắc nhở tu sĩ cần trưởng thành trong sử dụng phương tiện kỹ thuật vì nó còn liên quan đến đức khó nghèo.
Cái nghèo trong đời sống tu trì không chỉ tính trên phương diện tiền bạc nhưng còn cả nghèo sự quan tâm, tiết kiệm lời nói quá mức với anh chị em, giảm thời gian cầu nguyện riêng. Đây là một trong những thách đố Đức Thánh Cha Phanxico đã nêu ra cho người thánh hiến nhân buổi gặp gỡ Bộ Tu sĩ tại Vatican về : “Lòng trung thành của người tu sĩ: đời sống cầu nguyện bị giảm sút trước có khi một tiếng dần vì lý do công việc giảm 45 rồi 30 đến lúc chỉ còn 15 thậm chí 5 phút”. Những thập niên trước người thánh hiến có lẽ ít chịu thử thách trong vấn đề này, vì phương tiện kỹ thuật đối với các dòng tu chưa được hiện đại hóa nên có lẽ việc huấn luyện cũng nhẹ nhàng hơn. Ngày nay thế hệ trẻ được để kế thừa và thụ hưởng những thành tựu của khoa học kỹ thuật nó vừa là lợi thế đồng thời là thử thách rất lớn cho tu sĩ trẻ và chính các nhà đào tạo.
Tâm lý chung càng cấm càng thích, nên vấn đề quan trọng là ngay trong các giai đoạn huấn luyện nhà đào tạo phải giúp các ứng sinh có ý thức tự giác, trưởng thành trong việc sử dụng phương tiện truyền thông. Thay vì cấm đoán hãy khuyến khích các thụ huấn sinh dành thời gian cho một sở thích, năng khiếu nào đó như : tìm hiểu học thêm các nhạc cụ, vẽ, đọc sách, may vá, thêu thùa, trồng và chăm sóc cá cảnh,cây cảnh … Hẳn mỗi người sẽ có một thiên khiếu riêng mà việc đầu tư thời gian để bồi dưỡng tài năng là một phương pháp hữu ích giúp tu sĩ sử dụng quỹ thời gian tốt hơn, tiết chế việc lang thang với nhà mạng.
Để kết thúc đề tài chia sẻ xin mượn lời Đức Giáo Hoàng Phanxico đã từng nói : “Bối cảnh xã hội văn hóa hiện nay đề cao nền văn hóa từng mảnh, văn hóa tạm thời, văn hóa tiêu thụ và cầu nguyện tương đối khiến nhiều người không còn nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống giản dị và khổ hạnh”.Trước những thao thức băn khoăn của Cha chung Giáo hội, tu sĩ chúng ta có nên đáp lại bằng một quyết tâm gạt bỏ những thứ đang ngầm lôi kéo các người thánh hiến xa rời ánh sáng đức tin và sự thánh thiện mà mặc nhiên một tu sĩ nên có. Vẻ đẹp của sự giản dị và khổ hạnh trong đời sống thánh hiến hôm nay chính là trung thành với đời sống cầu nguyện, trân trọng các tương quan tốt đẹp với tha nhân, tuân giữ kỷ luật tu trì, sử dụng thời gian, tiền của cũng như phương tiện truyền thông cách cẩn trọng, trưởng thành. Bạn có đồng ý với quan điểm này không ?
Sr. Scholastica Vũ Hiền
Bình luận