(Trích từ: “Lòng Trắc Ẩn – Một Suy Tư về Đời Sống Kitô Hữu” của tác giả Donald P. McNeill, Doughlas A. Morrison, and Henri J. M. Nouwen)
Chuyển ngữ: Catarina Phan Thoa
Lòng trắc ẩn là gì ? Sự kiên nhẫn là một cách để diễn tả lòng trắc ẩn. Kiên nhẫn là học cách cảm thông. Điều này trở nên rõ ràng khi chúng ta nhận ra rằng lòng trắc ẩn cũng có thể hiểu như lòng kiên nhẫn. Thuật ngữ passion (đau khổ) và patience (kiên nhẫn) đều có nguồn gốc từ tiếng La-tinh pati, nghĩa là “sự chịu đựng.” Đời sống cảm thông được mô tả như là cuộc sống nhẫn nại đối với người khác. Nếu chúng ta hỏi làm sao để học và biết sống cảm thông, thì sự kiên nhẫn là câu trả lời. Nếu chúng ta không thể kiên nhẫn, thì chúng ta không thể chịu đựng. Nếu chính chúng ta không đau khổ, thì chúng ta không thể cảm thông với người khác. Nếu chúng ta không đủ sức mạnh để mang gánh nặng của đời mình, thì chúng ta không thể chấp nhận gánh nặng của tha nhân. Kiên nhẫn là một điều khó thực hành nhưng lại là đức tính cần thiết cho người môn đệ Chúa Kitô.
Thoạt đầu điều này nghe có vẻ thất vọng hay như một sự thoái thác. Mỗi lần chúng ta nghe thấy từ kiên nhẫn, chúng ta có xu hướng nép mình. Khi còn nhỏ, chúng ta đã nghe từ này được sử dụng thường xuyên trong nhiều trường hợp khác nhau đến nỗi nó dường như là từ được thốt ra khi không ai biết phải nói gì khác. Nó thường có nghĩa như chờ đợi – đợi cho đến khi bố về, đợi xe buýt đến, đợi người phục vụ mang thức ăn tới, kết thúc năm học, cơn đau giảm, tạnh mưa, hay xe đã được sửa. Vì vậy, sự kiên nhẫn thường gắn liền với sự bất lực, không có khả năng hành động và ở trong một trạng thái thụ động hay bị lệ thuộc. Do đó, khá dễ hiểu khi bất cứ ai có thẩm quyền chằng hạn như cha mẹ chúng ta, linh mục, thầy cô giáo, hay sếp nói: “Hãy Kiên Nhẫn,” chúng ta thường có cảm giác như bị coi thường và bị xúc phạm. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không được nói về những gì đang thực sự xảy ra, chúng ta như đang bị giam giữ ở một nơi phụ thuộc, và điều duy nhất chúng ta mong đợi là chờ đợi một cách thụ động cho đến khi ai đó có quyền quyết định thay đổi. Thật đáng buồn khi sự kiên nhẫn mang một ý nghĩa sâu sắc và phong phú lại có một lịch sử lệch lạc như vậy trong tâm trí chúng ta. Với một suy nghĩ như vậy, chúng ta có xu hướng coi sự kiên nhẫn như một sự áp bức được sử dụng bởi kẻ mạnh để giữ quyền lực trong tầm kiểm soát. Quả thực, không ít những người có vị trí thế giá đã khuyên người ta kiên nhẫn chỉ đơn giản là để tránh né những thay đổi cần thiết trong xã hội hay Giáo Hội mà thôi.
Nhưng sự kiên nhẫn thực sự trái ngược với sự chờ đợi thụ động mà trong đó chúng ta để mọi thứ xảy ra và cho phép người khác đưa ra quyết định. Kiên nhẫn nghĩa là tích cực tham gia vào những khó khăn của đời sống và chịu đựng triệt để những đau khổ nội tâm và xung quanh chúng ta. Kiên nhẫn là khả năng nhìn, nghe, chạm, và cảm nếm hoàn toàn các biến cố nội tâm và cả các tác động bên ngoài cuộc sống chúng ta. Kiên nhẫn bước vào đời sống chúng ta với đôi mắt, đôi tai và đôi tay rộng mở để chúng ta thực sự biết những gì đang xảy ra. Quả thực, kiên nhẫn là một đức tính rất khó rèn luyện vì nó chống lại sự thúc đẩy không mong muốn của chúng ta để trốn chạy hay chiến đấu. Chẳng hạn như khi chúng ta thấy một tai nạn trên đường, một cái gì đó thúc đẩy chúng ta nhấn chân ga hơn ; khi ai đó tiếp cận một vấn đề nhạy cảm, một cái gì đó trong ta cố gắng thay đổi chủ đề ; hay khi một ký ức không mấy tốt đẹp xuất hiện, một cái gì đó trong ta muốn quên nó đi. Và nếu chúng ta không thể trốn chạy, thì chúng ta mới chiến đấu. Chúng ta chiến đấu với người thách thức quan điểm của chúng ta, những người đặt câu hỏi về tài năng của chúng ta và những hoàn cảnh buộc chúng ta phải thay đổi.
Sự kiên nhẫn đòi hỏi chúng ta phải vượt lên trên sự lựa chọn giữa trốn chạy hoặc chiến đấu. Nó mời gọi chúng ta sống kỷ luật vì nó chống lại mầm mống sự bốc đồng trong chúng ta. Kiên nhẫn nghĩa là ở lại với nó, sống với nó, và chú ý lắng nghe những gì đang diễn ra ngay lúc này. Kiên nhẫn nghĩa là dừng lại khi ai đó cần được giúp đỡ. Kiên nhẫn nghĩa là vượt qua sự sợ hãi của một vấn đề gây tranh cãi. Nghĩa là chú ý đến những ký ức sai lầm và tìm kiếm sự tha thứ chứ không phải là lãng quên. Nghĩa là đón nhận những lời chỉ trích chân thành và cân nhắc các điều kiện thay đổi. Tóm lại, kiên nhẫn là sẵn sàng chịu ảnh hưởng ngay cả khi nó đòi hỏi phải từ bỏ quyền kiểm soát và bước vào nơi không xác định.
Chúa Giêsu và các tác giả sách Tin Mừng nói rất nhiều về sự kiên nhẫn mang tính tích cực này. Trong tiếng Hy Lạp, sự kiên nhẫn có nghĩa là hypomonē. Thuật ngữ này được dịch ra và diễn tả ở nhiều nơi với nhiều nghĩa khác nhau như kiên nhẫn, bền bỉ, kiên trì và vững mạnh, đây cũng là một khái niệm Kinh Thánh giàu ý nghĩa. Khi Chúa Giêsu nói về sự kiên nhẫn, Người mô tả nó như một qui luật mà sự hiện diện ban sự sống của Thiên Chúa trở nên rõ ràng. Kiên nhẫn là phẩm chất của những người được ví như mảnh đất màu mỡ, khi hạt giống rơi xuống có thể sinh hoa kết quả “gấp trăm lần.” Chính Chúa Giêsu đã nói, “Đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì (hypomonē) mà sinh hoa kết trái” (Lc 8:15).
Kiên nhẫn là trung tâm đời sống môn đệ Chúa Giêsu. “Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì (hypomonē), anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21:16-19). Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người không chiến đấu hay trốn chạy mà phải tham gia hoàn toàn vào những khủng hoảng của kiếp người. Thậm chí Người còn đi xa hơn khi dặn dò các môn đệ không phải lo chuẩn bị gì nếu họ phải tự bảo vệ mình trước tòa. Trong đau khổ, họ sẽ nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa nhân từ, Đấng sẽ ban cho họ ơn khôn ngoan. “Người ta … sẽ điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy …. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được” (Lc 21:12-15).
Nhân đức kiên nhẫn mang tính tích cực, mạnh mẽ và ân sủng về những gì mà Chúa Giêsu giảng dạy được ca ngợi bởi các Thánh Tông đồ Phaolô, Phêrô, Giacôbê và Gioan như là dấu ấn của người môn đệ đích thực. Thánh Phaolô biểu lộ cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về sức mạnh của lòng kiên nhẫn. Ngài khích lệ ông Timôthê hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa (1Tm 6:11), và thánh nhân đã viết cho các Kitô hữu tại Côlôsê, “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại” (Cl 3:12). Đồng thời, thánh Phaolô cũng không do dự lấy chính mình là một mẫu gương về sự kiên nhẫn (2 Tm 3:10) và xem sự kiên nhẫn là nguồn gốc của tinh thần đoàn kết mật thiết giữa thánh nhân với cộng đoàn dân Chúa : “Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi, thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu. Chúng tôi lấy làm an tâm về anh em, vì biết rằng anh em thông phần thống khổ với chúng tôi thế nào, thì cũng được thông phần an ủi như vậy” (Cl 1:6-7). Đối với thánh Phaolô, sự kiên nhẫn thực sự là một đức tính cần thiết cho đời sống giàu lòng trắc ẩn. Với niềm vui chiến thắng, trong thư gửi Tín hữu Rôma, thánh Phaolô nhấn mạnh – nhờ sự kiên nhẫn – chúng ta trở nên những dấu chỉ sống động của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa: “… chúng ta tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng : ai gặp gian truân thì quen chịu đựng ; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên ; ai được công nhận là trung kiên, thì quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5:3-5).
Niềm tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa nhân từ được biểu lộ qua sự kiên nhẫn, sức chịu đựng, sự kiên trì và lòng can đảm của chúng ta, đó cũng là động lực chính cho việc rèn luyện đức tính kiên nhẫn. Điều này được Thánh Giacôbê quả quyết khi ngài nói: “…. Phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì [hypomeinantas]! Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì [hypomonē] của ông Gióp và đã thấy mục đích Chúa nhắm, vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu” (Gc 5:11). Do đó, sách Tân Ước diễn tả sự kiên nhẫn là đức tính của người môn đệ Chúa Kitô. Nhân đức kiên nhẫn này giúp chúng ta trở nên dấu chỉ sống động của Thiên Chúa nhân từ, Đấng hiện diện trong thế giới hôm nay.
Bình luận