Nguyên tác : https://catholicexchange.com/the-old-testament-figures-hidden-behind-the annunciation/zarsrc=31&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&fbclid=IwAR2WvtEdK495_NmjqCuUnm2wIsw-zi0vRqBroXT9l3jk8PsW5zfHFUerROs
Chuyển ngữ: Đức Hữu
Ẩn sau trong câu chuyện Truyền Tin, ta liên tưởng đến vài người phụ nữ quen thuộc trong Cựu Ước như bà Eva, Sa-sa và An-na. Tuy nhiên, cũng có những con người khác phủ bóng trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria với sứ thần. Họ là một chiến binh làm thủ lãnh, một goá phụ làm sát thủ, và một nàng hầu bỏ trốn.
“Đức Chúa ở cùng Bà”
Lời đầu tiên sứ thần nói với Đức Maria: “Thiên Chúa ở cùng Bà”. (Lc 1,28). Lời này làm vọng lại lời chào tương tự mà thần sứ đã chào khi đến gặp ông Ghít-ôn, một thẩm phán xưa trong dân Israel. “Thần sứ Đức Chúa hiện ra với ông và nói: Chào chiến sĩ can trường, Đức Chúa ở với ông”. (Tl 6, 12)
Bối cảnh này hơi khác so với câu chuyện Truyền Tin của thánh Luca. Ở đầu chương, ta đọc thấy câu chuyện, vì tội của dân Israel mà Chúa để người Ma-đi-an, một dân du mục đến áp bức họ. Tình hình tồi tệ đến nỗi dân Israel phải chạy trốn trong các ngọn núi và hang động mỗi khi kẻ thù kéo đến cướp phá đàn gia súc và đẩy họ rơi vào cảnh “túng quẫn bần cùng”.
Đến thời Ghít-ôn, Chúa đã chọn ông làm người dẫn dắt để đưa Israel đến chiến thắng. Câu chuyện đến đây xem ra không ăn khớp lắm với câu chuyện Truyền Tin của Đức Maria. Tuy nhiên, những tình tiết tiếp theo cho thấy hai câu chuyện này có vài điểm tương đồng. Trước hết, giống như Đức Maria, ông Ghít-ôn cũng thắc mắc với vị thần sứ:
“Ôi, thưa Ngài, nếu Đức Chúa ở với chúng tôi, thì sao chúng tôi đến nông nỗi này? Đâu cả rồi những kỳ công mà cha ông đã kể lại cho chúng tôi nghe, rằng: chẳng phải Đức Chúa đã đưa chúng ta lên khỏi Ai-cập sao? Thế mà bây giờ, Đức Chúa đã bỏ rơi chúng tôi, trao chúng tôi vào tay người Ma-đi-an.” (Tl 6,13).
Thần sứ đáp:
“Hãy mạnh bạo lên đường cứu Ít-ra-en khỏi tay quân Ma-đi-an. Không phải chính Ta sai ngươi sao?” (Tl 6,14).
Thần sứ lúc này tựa như một Đấng Kitô trước khi nhập thể, tái xác nhận có Chúa ở cùng Ghít-ôn, là người được sai đi cho một sứ mạng. Đức Maria cũng vậy, Mẹ được cũng cố như thế trước khi thực thi sứ mạng cho Thiên Chúa.
Sau biến cố Truyền Tin, Đức Maria vội vã lên đường thăm viếng người chị họ Êlisabet. Trong các trình thuật thời thơ ấu, Đức Maria luôn là người lên đường. Mẹ lên đường dâng Đức Giêsu vào đền thờ. Mẹ lên đường tìm con bị lạc khi Người ở lại Giêrusalem vào lễ Vượt Qua. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Maria còn là người giúp Đức Giêsu khai mạc sứ vụ của mình tại tiệc cưới Cana.
Vương quốc của Thiên Chúa mà Đức Giêsu mang đến không giống như bất kỳ đất nước nào trên trần gian. Đất nước hữu hình của Israel khi xưa có thể có những thủ lãnh như Ghít-ôn nhưng trong nước Trời, Đức Maria là thủ lãnh quyền năng nhất.
“Bà được chúc phúc trên tất cả người phụ nữ”
Thiên sứ tuyên bố rằng Đức Maria được sủng ái và đầy ân sủng. Lời này nhắc lại chuyện nàng Giuđitha, người phụ nữ trong Cựu Ước được ông Út-di-gia ca tụng:
“Này trang nữ kiệt, bà được Thiên Chúa Tối Cao ban phúc hơn tất cả các phụ nữ trên cõi đất này. Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời đất; Người đã hướng dẫn bà chặt đầu tướng giặc! Vì cho đến muôn đời muôn thuở, những ai hằng nhớ đến sức mạnh của Thiên Chúa sẽ không lãng quên lòng trông cậy bà đặt nơi Người. Nguyện xin Thiên Chúa thực hiện cho bà những điều ấy để muôn đời bà được tán dương. Xin Người viếng thăm và ban cho bà muôn phúc lộc, vì bà đã không tiếc mạng sống mình khi nòi giống chúng ta lâm cảnh nhục nhã; bà đã cứu chúng ta thoát họa diệt vong vì bà đã sống ngay thẳng trước nhan Thiên Chúa.” (Gdt 13, 18-20)
Những ca tụng ấy làm chúng ta nhớ đến lời chào của bà Êlisabet dành cho Đức Maria trong cuộc thăm viếng. Giu-đi-tha, người được cho là hơn hết mọi người nữ, chắc hẳn là hình ảnh tiên báo về Đức Maria. Tuy nhiên, cũng như trong câu chuyện của ông Ghít-ôn, câu chuyện của Giuđitha khác với câu chuyện của Đức Maria. Lời lẽ ca tụng Giuđitha được thốt ra khi bà, một goá phụ, đã lẻn vào doanh trại của kẻ thù người Át-sua và chặt đầu tướng Hô-lô-phéc-léc. Giuđitha khải hoàn trở về với dân It-ra-en và cho họ thấy đầu tướng giặc.
Gíu-đi-tha xem ra là một người phụ nữ rất cứng cỏi, không giống như người nữ tỳ ngoan ngoãn xinh đẹp khi ta nghĩ về Đức Maria.
Tuy nhiên, Đức Maria cũng có cuộc chiến của riêng mình như đã tiên báo trong sách Sáng thế: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St 3, 15) Người đàn bà này đã nhận được một hứa một lời cứu độ sẽ đảo ngược những gì vừa xảy khi Evà chiều theo lời cám dỗ của Satan.
Mặc dù Tin Mừng không đề cập đến bất kỳ mối liên hệ nào giữa Đức Maria và Satan, nhưng vai trò của Mẹ trong biến cố Ngôi Lời Nhập như là sự mở đầu trong cuộc chiến giữa vương quốc của sự sống và sự chết. Nếu như Giu-đi-tha chặt đầu tướng lãnh của kẻ thù, thì nay Đức Maria cũng giáng một đòn thiêng liêng chí mạng vào Satan.
“Này đây bà sẽ thụ thai và sinh hạ con trai”
Sách Sáng Thế chương 16 trình bày nàng hầu Ha-ga cưu mang Abraham một đứa con và sau đó nàng bị vợ ông là Sa-ra ngược đãi. Ha-ga chạy trốn vào sa mạc. Khi xuân đến, một vị thiên sứ đến gặp nàng và nói:
“Này đây ngươi đang có thai, sắp sinh hạ con trai
và sẽ đặt tên là Ít-ma-ên,
vì Ðức Chúa đã nghe thấu nỗi khổ của ngươi.
Con người đó đúng là một con lừa hoang,
nó giơ tay chống mọi người, mọi người giơ tay chống nó,
nó sẽ luôn đối đầu với tất cả anh em nó. (St 16, 11 – 12)
It-ma-en có nghĩa là “Chúa đã nhậm lời.” Chúng ta có thể nói rằng, Chúa đã đáp lại lời Ha-ga cầu xin khi hứa ban cho nàng một đứa con có uy quyền. Một lần nữa, ta lại thấy có sự khác biệt trong bối cảnh của câu chuyện nhưng sự liên hệ giữa hai người phụ nữ mang thai là rõ ràng: Cả hai đều được thiên sứ đến báo, đều nói về đứa con có uy quyền và hai bào thai này làm nảy sinh những chuyện rắc rối trong gia đình. (cái thai của nàng hầu Ha-ga khiến cho Sa-ra ghen tức; cái thai của Đức Maria lúc đầu khiến thánh Giuse toan tính âm thầm ly dị).
Mặc dù Đức Maria không một mình đối diện với những khó khăn nghiệt gã (trong sa mạc) như Ha-ga, nhưng Mẹ chắc chắn đại diện cho toàn thể It-ra-en, vốn như đang ở trong sa mạc tâm linh, khao khát Đấng Cứu Độ của mình đem đến dòng nước mang lại sự sống.
Kết luận:
Trong Tin mừng Gioan, Chúa Giê-su gọi Đức Maria là ‘này Bà’ – đó là một sự khẳng định cho tính phổ quát của Mẹ. Các câu chuyện minh hoạ trên đây muốn cho thấy, Đức Maria không chỉ được tiên báo qua các phụ nữ trong Cựu Ước, những người gặp khó khăn khi mang thai, nhưng mẹ còn được được hiểu trong các câu chuyện liên quan đến thủ lãnh Ghít-ôn, goá phụ sát thủ Giuđitha hay câu chuyện về nàng hầu Ha-ga.
Trong câu chuyện Truyền Tin, Đức Maria đại diện cho toàn thể nhân loại kiếm tìm sự hiện diện quyền năng của Thiên Chúa và đợi trông nơi Người những lời cứu độ.