Thánh Tô-ma A-qui-nô là một vị thánh được Thiên Chúa ban cho trí thông minh xuất chúng. Đồng thời, Ngài cũng là một con người trầm tĩnh, thích suy tư, say mê đi tìm chân lý. Nói đến thánh nhân, người đọc sẽ liên tưởng ngay đến bộ Tổng luận thần học đồ sộ mà ngày nay Giáo hội chưa thể nghiên cứu hết những tư tưởng của Ngài. Hơn nữa, Ngài còn là vị thánh của sự khiêm nhường bởi đối với thánh nhân “khiêm nhường là bà hoàng của lòng Ngài”.
Khiêm nhường là nhân đức giúp con người đón nhận hồng ân của Thiên Chúa và nhìn nhận sự thật về chính mình. Nơi thánh nhân, sự khiêm nhường đã làm nên con người của Ngài. Trước tiên, sự khiêm nhường của Ngài đã tỏ ra dễ dạy như một trẻ em tại phòng ăn. Một hôm, vị chủ sự lầm lẫn, bắt Ngài sửa lại cách phát âm đã chính xác. Lập tức Tô-ma sửa lại liền. Sau bữa ăn, các bạn Ngài bày tỏ sự ngạc nhiên, nhưng thánh nhân vui vẻ trả lời: “Điều quan trọng không phải là cách phát âm của một từ ngữ, nhưng là biết khiêm tốn vâng phục hay không?”[1].
Khi bị quên lãng hay bị coi thường, là lúc người ta bộc lộ sự khiêm nhường của mình. Điều này cũng thấy nơi Thánh Tô-ma. Sự việc liên quan tới một thầy trợ sĩ mới đến ở tu viện. Vì Cha Bề trên muốn thầy giúp các anh em nhà bếp và có dịp đi tiếp xúc với môi trường xung quanh nên Cha đã cử thầy đi chợ mua đồ. Vì mới đến cho nên thầy được đi với một người anh em. Bởi vì không biết chọn ai nên Cha Bề trên nói: “Khi ra khỏi cổng, thầy gặp thấy người anh em nào đầu tiên, thì đó sẽ là người đi cùng với thầy”. Tô-ma là người được chọn. Ngài được dẫn đi qua các đường phố, mồ hôi nhễ nhãi, hơi thở mệt nhọc. Điều này khiến cho những người qua đường và các sinh viên gặp thấy ngài không sao hiểu nổi. Trên đường, thỉnh thoảng nảy ra ý tưởng gì mới, Ngài có thói quen lấy ngay sổ ra để ghi chép lại. Nhìn thấy thế, thầy trợ sĩ lầm tưởng, và nói: “Người anh em không phải ghi lại giá cả của những thứ này đâu, tôi đã nhớ hết rồi”. “Ồ thế hả, vậy thì ta phải tạ ơn Chúa vì đã ban cho anh trí nhớ thật siêu phàm!”[2].
Ngoài ra, Tô-ma còn là một con người say mê đi tìm chân lý, chính điều này giúp thánh nhân có được một sự khiêm nhường đúng mực. Ngài nhận ra mình chưa đạt đến được “sự khôn ngoan” mà chỉ là người “yêu mến sự khôn ngoan” mà thôi. Sự khiêm nhường đó được bộc lộ trong việc đón nhận chân lý từ bất cứ đâu, và từ bất cứ người nào, cho dù đó là từ những “đối thủ” của mình. Hơn thế nữa, nó còn được bộc lộ qua thái độ sẵn sàng đặt những suy tư của mình dưới sự phán xét của Giáo hội.
Và nhất là thái độ khiêm nhường trước Mầu Nhiệm của Thiên Chúa và với chính Thiên Chúa. Khi phải nghiên cứu một đề tài, tham gia một cuộc tranh luận; khi phải dạy dỗ, viết lách hay đọc bài, Ngài đều bắt đầu bằng việc tìm đến nơi kín đáo để cầu nguyện. Ngài thường cầu nguyện trong nước mắt để xin Chúa soi sáng cho việc mình làm. Ngài học dưới cây thánh giá nhiều hơn trong sách vở. Một lần kia, khi gặp phải vấn đề khó khăn trong Bí tích Thánh Thể, Ngài viết ra lời giải đáp của mình, rồi đặt trên bàn thờ và cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, Đấng thực sự hiện diện trong bí tích kỳ diệu này, Ngài là Đấng Tạo Hóa, Ngài đã dựng nên mọi vật cách lạ lùng, con khẩn nài xin Chúa giúp con hiểu được Ngài trong những vấn đề con đang tìm kiếm. Nếu điều con viết về Ngài là chân thật, thì xin Ngài cho con nói và trình bày cách sáng sủa. Xin đừng để điều gì con viết ra, không hợp với Đức tin Công giáo và lạc xa mầu nhiệm trong Bí tích này”[3].
Lạy Chúa, chúng con cảm tại Chúa đã ban cho Giáo hội một vị thánh đầy sự thánh thiện, khôn ngoan và thông thái, nhưng lại rất khiêm nhường. Xin giúp chúng con biết noi gương thánh nhân sống khiêm nhường không chỉ trong việc nghiên cứu thánh khoa mà còn trong chính cuộc sống của mỗi người chúng con. Xin dạy chúng con biết hành động như thánh nhân: “Tất cả vì danh Chúa chứ không vì thứ gì khác”. Amen!
Hv Toma Aquino
[1] Lm Giuse Phạm Đức Tuấn, Hạnh các thánh toàn tập, 2004, tr.109.
[2] Truyện thánh Toma.
[3] Học viện Toma, Tìm hiểu thánh Toma Aquino, tr.13.