Dấu lặng là ký hiệu thuộc hệ thống ký hiệu nhạc phương Tây, được sử dụng nhằm thể hiện một khoảng dừng (nghỉ) trong tác phẩm âm nhạc. Cuộc đời ta được ví như một bản nhạc do chính chúng ta là tác giả. Đâu đó cũng xuất hiện những “dấu lặng” bất thường, nó tựa như những khoảng trống cuộc đời và cần lấp đầy bằng sự thinh lặng nội tâm để “nhìn lại”.
Mùa Chay là thời gian thiêng liêng cho Kitô hữu nhìn lại bản thân, sám hối và đổi mới tâm hồn. Là những người đang tiến bước trong ơn gọi tu trì, đây là khoảng lặng giúp chúng mình thấm nhuần những căn tính sâu sa của con người: sự khiêm nhường, lòng ăn năn. Đặc biệt hơn, chúng mình được mời gọi trở về cùng Cha giàu lòng nhân ái, cùng sống trọn vẹn hơn với Chúa trong tâm tình của Mùa Chay Thánh qua ngày tĩnh tâm tháng.
Theo lịch thường niên, mỗi tháng một lần chúng mình có một ngày “lặng” để làm mới lại “tình Chúa trong tình con”. Lần này đặc biệt hơn vì diễn ra trong Mùa hồng ân cứu rỗi. Ngay từ tối hôm trước, ai nấy trong đoàn Thỉnh sinh cũng ý thức được sự linh thiêng của lời mời gọi của Chúa lần này. Vì thế, gác lại những lo toan của công việc thường ngày, mỗi người một tâm tình: chay tịnh, thinh lặng, khát khao để từng bước từng bước một cùng Chúa lên đồi Golgotha.
Sáng ngày hôm sau, trước khi bước vào thánh lễ của buổi ban mai, chúng mình cùng nhìn lại chặng đường khổ nạn của Chúa Giêsu qua 14 Đàng Thánh Giá. Đến từng nơi, chúng mình như được hoà cùng những người xưa trong vụ án của Chúa: có khi là quân Philato kết án Chúa, làm cho Thánh giá Chúa thêm nặng, làm cho những sự khốn khó Chúa chịu một ngày một hơn qua những tội lỗi, yếu hèn của phận người mỏng manh, dễ sa ngã; khi thì là người trong số đám đông bỏ chạy hết, để Thánh giá Chúa nặng cho kẻ ngoại vác đỡ, rồi lòng mộ mến Chúa chẳng đủ để can đảm lại lau mặt cho Chúa khi thấy cả thân mình Chúa nhuốm đầy máu như bà Veronica; có khi lại là một trong số các môn đệ của Chúa khi Thầy mình yêu thương, và được mọi người quý trọng thì kề bên, còn khi Thầy chịu mọi sự khốn khó và chết trên cây Thánh giá thì phản bội và chối từ danh Thầy;… Từng nơi Chúa đi qua, từng gian nan mà Chúa phải chịu, dấu lặng của cuộc đời chúng mình xuất hiện nhiều hơn, chúng mình thấy nhỏ bé, lỗi tội. Và đồng thời tình yêu và lòng khoan dung của Chúa lớn mãi không riêng chúng mình nhưng trong cả nhân loại.
Tiếp tục ngày sống, chúng mình được gặp gỡ và trò chuyện cùng Cha giảng phòng Laurenso, OP. Ngài nhắc nhở mỗi người cần ý thức sống mùa chay một cách “thánh”: ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái. Và đặc biệt, Cha nhấn mạnh đến cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Cha đưa ra các lí do tại sao Chúa Giêsu phải chịu chết: vì tội nguyên tổ để lại cho hậu sinh giữa tình liên đới, vì Chúa Giêsu tự xưng mình là Con Thiên Chúa và xúc phạm đến Đền thờ,… Lí do chính yếu là do tội lỗi của con người nhưng “Ngài đã hạ mình xuống, vâng lời cho đến nỗi phải chết, và chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Ngài là mẫu gương của sự trung thành với Đức Chúa Trời đến cùng, thậm chí khi đối mặt với cái chết. Và cái chết ấy đã sinh nhiều hoa trái cho chính Người và cho toàn nhân loại qua sự Phục Sinh – đỉnh cao đời sống của người Kitô hữu. Thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy thì niềm tin của anh em thật hão huyền” (1 cr 15,17). Qua đây chúng mình nhìn lại niềm tin của bản thân đối với Thiên Chúa. Nhiều lúc gặp khó khăn trong cuộc sống, chúng mình thường chạy đến Chúa nhưng Ngài luôn lặng im trên Thánh giá. Buồn càng thêm buồn!!! Chúng mình thường tìm đến những thú vui trần tục làm đức tin của chúng mình lung lay. Thay vì đó, chúng mình chưa biết “lặng nghe tiếng Chúa” rõ hơn. Đây là dịp để chúng mình ý thức và xác tín hơn với sứ mạng người Kitô hữu, và thiêng liêng hơn đó là ơn gọi hiến dâng.
Kết thúc ngày tĩnh tâm, chúng mình cùng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. Qua giờ chầu, chúng mình “lặng” để nghiệm lại những hiệu quả của ơn cứu độ từ trong cuộc cử hành tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô và ý thức sâu xa về sự hiện diện cận kề của Chúa Phục Sinh nơi nhiệm tích Thánh Thể vì biến cố Vượt Qua của Người vừa là “về cùng Cha”, vừa là “đến với” con người. Qua đây chúng mình hiểu được tận căn nguồn gốc của Thánh Thể, từ đó mến yêu và siêng năng đến với Bí tích thiêng liêng này hơn.
Bản nhạc cuộc đời chúng mình được đan xen bằng những những khoảng lặng như thế đó! Nó không dài, không chiếm nhiều “nhịp” nhưng là thời gian vàng ngọc để mỗi “nhạc sĩ” dừng để “lấy hơi” tiếp tục ca những giai điệu trong tác phẩm “đầy chất nghệ” này.
Tĩnh tâm Mùa Chay
Clara Sương Mai