“Dạo này thấy cười suốt hen, mới có tình yêu phải không ta?” Nghe lời châm chọc của cô bạn cùng lớp, mặt anh hơi ửng đỏ nhưng vẫn nhẹ mỉm cười…
Anh là một người hiền lành với dáng người dong dỏng cao. Bình thường trong lớp, anh rất ít nói, nhưng được cái tốt bụng, ai nhờ chi cũng giúp cả. Thời gian cứ thế êm ả trôi cho đến ngày chị đến…
Ngày chị bước vào lớp, một người lúc nào cũng chăm chăm chú chú vào cuốn tập hôm nay lại ngước lên… nhìn chị hồi lâu. Tiếng sét ái tình là có thật… Từ ngày đó anh hoạt bát hơn hẳn, nói chuyện nhiều hơn, cười nhiều hơn… Dần dần người ta bắt đầu quen hình ảnh anh sát vai đi cùng chị. Anh chị nói cười… và trong mắt nhiều người, “họ thật đẹp đôi”.
Nhưng “dòng đời” đâu phải lúc nào cũng êm ả như dòng sông. Nếu có cái gọi là “tiếng sét ái tình”, thì cũng có “tiếng sét ngang tai”…
Biến động đất nước… anh nhập ngũ lên đường vì tiếng gọi quê hương. Ngày anh đi, chị đứng ở đầu ngõ tiễn; chị chẳng nói gì, chỉ có hai hàng nước mắt chia phôi. Anh nhìn chị hồi lâu, quay mặt đi, mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ.
Nhiều năm trôi qua, ngày ngày chị vẫn đợi chờ anh trở về, người ta thấy chị hay chạy ra đầu ngõ, đứng lặng hồi lâu, thấy bóng dáng ai lướt qua cũng sốt ruột, cứ ngỡ là anh. Niềm vui lớn nhất của chị thời gian ấy là những lá thư hiếm hoi của anh gửi về…
Nhiều năm trôi qua, thư của anh cũng thưa dần, chỉ biết lá thư cuối cùng anh nói rằng, anh sẽ tham gia một chiến dịch lớn, và rồi cứ thế thư của anh không còn đến tay chị nữa.
Chiến sự ngày càng leo thang, chị cùng bạn bè đồng trang lứa tham gia “Thanh niên xung phong”. Khoác lên mình chiếc áo màu lam, chị rời gia đình bước chân ra tiền tuyến, một bước ra đi mà không biết ngày nào trở về.
…
Tiếng đạn xé, bom dội hoà chung với nước mắt và máu của biết bao con người cuối cùng cũng đưa đất nước bước vào mùa Xuân hoà bình. Ngày hôm đó, làng quê nghèo nàn, sau bao nhiêu năm thăng trầm lần đầu tiên được rộn vang tiếng cười. Mẹ già đón con, vợ hiền đón chồng, con cái đón cha. Họ cười, họ khóc, có người lặng im chẳng nói được gì khi thấy thấp thoáng đầu ngõ những bóng hình quen thuộc.
Ngày hôm đó, người dân làng lại nhìn thấy anh. Cũng dáng người đó, vẫn dong dỏng cao, nhưng gầy hơn, với khuôn mặt nhuốm nét phong trần, khắc khổ. Anh trở về trong sự ngạc nhiên của nhiều người. Họ vẫn nghĩ rằng anh đã hi sinh… và hẳn là chị cũng nghĩ như vậy, nếu chị có mặt lúc này. Nhưng anh đã trở về… Còn chị thì không…
Người ta kể rằng, ngày chị nghe người ta báo tin rằng anh hi sinh, chị đã khóc hết nước mắt. Và hôm nay thì anh lại… trở về! Tới phiên anh không thấy chị đâu cả. Khi biết chị đã ra tiền tuyến, anh sững người, lặng im… Có lẽ anh chẳng còn nước mắt để mà khóc nữa rồi. Trong tai anh lúc này chỉ còn vẳng lại tiếng hát như muốn xé nát ruột gan: “Sao không chết người trai khói lửa, mà chết người em nhỏ hậu phương…”.
…
Từ dạo đó, người ta thấy anh hay lui tới nhà thờ. Anh ở lại và giúp việc cho cha sở. Người trong làng từ từ quen dần với hình dáng của anh, một người thanh niên hiền lành với dáng người dỏng cao…
Thời gian êm ả trôi, chú giúp việc ngày nào nay đã khoác lên mình chiếc áo chùng thâm. Trong một Thánh lễ đơn sơ, cha sở lớn tuổi công bố với cộng đoàn từ nay mọi người phải gọi anh là Thầy. Mọi người vui lắm vì sau bao nhiêu thăng trầm, giáo xứ miền quê nghèo cũng nảy sinh một mầm ơn gọi.
Một năm, hai năm,… mười năm, cũng không biết là bao lâu nữa… Anh được gọi tiến chức, thụ phong linh mục. Chẳng có gì có thể diễn tả niềm vui của ngày hôm đó. Xứ đạo nghèo, cơm còn chẳng đủ ăn, nhưng ai ai cũng tươi nét mặt, họ mừng cho anh, họ mừng cho xứ đạo của mình, rồi đây mọi sự sẽ dần khởi sắc.
Anh hạnh phúc… anh cười nhiều lắm… Đức Giám mục sai anh đến một xứ miền xa. Anh vui vẻ lên đường, anh ước mong mang Tin mừng đến cho nhiều người… Ngày anh đến nhận sứ vụ mới, có rất nhiều người đến đón anh, họ là những người giáo dân chân lấm tay bùn, không cao sang nhưng chất phác… Trong số những người ra chào đón anh, anh chợt nhận ra một bóng hình quen thuộc. Và thật ngỡ ngàng biết bao, đó chính là chị…
Chị thay đổi không nhiều, vẫn dáng người mảnh khảnh, vẫn khuôn mặt nhỏ nhắn nhưng đã không còn nét đơn sơ của tuổi đôi mươi, song vững vàng hơn, trưởng thành hơn. Tuy nhiên, điều làm anh bất ngờ hơn bao giờ hết, là cách chị ăn mặc không giống ngày xưa.
Chị không mặc áo dài hay áo bà ba – là những hình ảnh quen thuộc đến với anh trong từng giấc mơ hồi còn ở chiến trường, những hình ảnh đơn sơ, thanh cao đã nhiều lần thêm sức để anh không buông xuôi trước làn mưa lửa đạn, tiếp sức mạnh để anh níu giữ mạng sống.
Ngày hôm ấy, cùng với những người ra đón cha mới, chị không mặc chiếc áo quen thuộc ngày xưa, mà mặc áo màu đen, đầu đội lúp! Phải, đó là tu phục của nhà dòng đang hiện diện tại xứ của anh. Chị vẫn còn sống, chị đã đi tu, khấn trọn và hiện nay chị đang phục vụ tại nơi anh vừa đặt chân đến.
Dường như chị cũng nhận ra anh… Chỉ thấy chị ngỡ ngàng, một thoáng bàng hoàng, một hai giây ngắn ngủi nhưng “tua lại” biết bao năm tháng kỷ niệm… Chị cười chào anh. Nụ cười thật hiền lành, toả ra sự thánh thiện của một nữ tu. Có lẽ con đường dâng mình cho Chúa của chị cũng giống như anh chẳng hề dễ dàng, ẩn hiện thập giá và mão gai…
Chị đẹp, nụ cười cũng rất đẹp, nhưng đối với tâm trạng anh lúc này, nét đẹp đó đã khác xưa nhiều lắm!… Chị không còn bao giờ có thể thuộc về anh nữa. Chị và anh đã thuộc về một “thế giới khác”, nơi đó họ vẫn gặp lại nhau, vẫn nói cười nhưng họ không còn hướng về nhau, song hướng về một Đấng mà họ tôn thờ.
Nhìn nụ cười đó, anh hiểu ra nhiều điều, và anh cũng biết rằng có những thách đố mới mẻ của đời mục tử đang bắt đầu từ một người rất thân quen… Và sẽ không chỉ có “nắng xuân trải lụa vàng”…
Anh nhìn chị, nở một nụ cười thân thiện: “Con” chào dì, “con” hôm nay về nhận xứ…
Jos Anh Tuấn (HVCG)
Nguồn: https://tgpsaigon.net/