“Chúng ta không nhìn sự vật như chúng là, nhưng nhìn chúng như chúng ta là.”
Anais Nin
Có lẽ câu hỏi “Bạn nhìn cuộc đời mình thế nào?” sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau. Người này sẽ nói đời là một chuyến đi, là một hành trình. Người khác lại cho rằng đời là một chuỗi những tháng ngày chiến đấu. Một số khác có thể cho rằng đời là một cuộc chơi hay một ván bài. Còn những người tin vào Thiên Chúa, quan điểm của chúng ta về cuộc đời là gì?
Nhiều người thường nhìn và đánh giá cuộc sống của người khác cũng như của mình dựa vào những giá trị bên ngoài như: xe cộ, nhà cửa, quần áo, tư trang… Tuy nhiên, những cái nhìn bề ngoài đó thường đưa đến những đánh giá sai lạc về những giá trị, những tương quan, và những mục tiêu. Ví dụ nếu ai đó nhìn đời là một bữa tiệc sang trọng thì hẳn giá trị ưu tiên của họ là “vui chơi”. Còn nếu họ nhìn đời là một cuộc đua thì họ sẽ sống trong vội vã. Nhưng để chu toàn mục đích mà Thiên Chúa muốn, chúng ta cần học đòi vị Tông đồ Dân ngoại, sẵn sàng đặt để mọi sự dưới ánh sáng của Thánh Kinh: “Anh em đừng có rập theo đời này nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa, cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 12, 2).
Kinh Thánh đã mở ra cho chúng ta phần nào cái nhìn của Chúa về cuộc sống. Qua đó chúng ta có thể nhận thấy rằng: Cuộc sống là một thử nghiệm, một sự ủy thác, và là một sự tạm thời. Ba ý tưởng này có thể nói là nền tảng cho cuộc sống có đích hướng của mỗi người chúng ta.
CUỘC SỐNG TRẦN GIAN LÀ THỬ NGHIỆM
Chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh nhiều dẫn chứng về những cuộc thử nghiệm. Khởi đi từ câu chuyện Tổ tông loài người không vượt qua được thử thách ở Vườn địa đàng; Rồi đến việc Thiên Chúa thử thách Abraham khi đòi ông hiến tế Isaac – đứa con trai duy nhất của ông. Tiếp đó, Người thử thách Giacob khi ông phải làm việc nhiều năm để cưới bà Rachel làm vợ… Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng cho chúng ta thấy nhiều mẫu gương đã vượt qua thửu thách lớn lao, chẳng hạn như Giuse, bà Ruth, Đaniel… Đường lối sư phạm của Chúa thật tuyệt vời, Ngài dùng những thử thách, cám dỗ, sự thanh luyện để thử nghiệm tâm tính, niềm tin, sự vâng phục, và lòng trung thành của con người.
Qua những tôi luyện, những gì sâu kín và mơ hồ trong bản tính con người được bộc lộ và triển nở. Nếu coi cuộc sống là một thử nghiệm thì mỗi người phản ứng thế nào trước những biến cố, bệnh tật, thất bại, và thành công trong cuộc đời mình? Không ai biết trước được kế hoạch của Chúa dành cho mình. Nhưng nếu hiểu được cuộc sống là một thử thách, chúng ta sẽ thấy không gì là không có ý nghĩa trong cuộc đời. Vì như Thánh Phaolô đã xác tín: “Không có một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp để anh em có sức chịu đựng.” (1Cr 10, 13)
CUỘC SỐNG LÀ MỘT ỦY THÁC
Chúa tạo dựng con người và trao cho mỗi người một sứ mạng khác nhau. Chúng ta là những quản gia về tất cả: thời gian, năng lực, trí thông minh, cơ hội xảy đến trong cuộc đời mình. Như là những người quản lý các ân huệ, chúng ta ý thức rằng Thiên Chúa là chủ tất cả mọi sự và mọi người trên thế giới.
Khi tạo dựng loài người, Chúa đã ủy thác cho Adam và Eva nhiệm vụ sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất, …bá chủ cá biển chim trời cùng mọi giống vật bò trên mặt đất. (St1, 18) Vai trò đó chưa bao giờ được rút lại. Mọi sự chúng ta vui hưởng nên được coi như là một ủy thác của Chúa vào tay chúng ta.
Người ta thường sống trong tâm thế “Cha chung không ai khóc, nhưng người tín hữu được mời gọi luôn nhìn nhận vai trò làm chủ của Chúa, còn phần mình thì cố gắng để trở nên những người quản gia trung tín và khôn ngoan. Noi gương người đầy tớ khôn ngoan trong dụ ngôn những nén bạc, chúng ta sống thế nào để khi Chúa trở lại, Người sẽ nói: “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành. Được giao ít mà anh đã trung thành thì tối sẽ giao nhiều cho anh, hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25, 21).
CUỘC SỐNG LÀ NHIỆM VỤ TẠM THỜI
“Ở trên đời, con là thân lữ khách” (Tv 119. 19a)
Cuộc sống trên trần gian chỉ là tạm thời. Cuộc đời ngắn ngủi chỉ như hoa sớm nở chiều tàn. Hiểu được điều này, Vua Đavit đã liên lỉ cầu xin với Thiên Chúa:
“Lạy Chúa xin dạy cho con biết
Đời sống con chung cuộc thế nào
Ngày tháng con đếm được mấy mươi
Để hiểu rằng kiếp phù du là thế.” (Tv 39,5)
Nếu như người ta cần có “căn cước” công dân hay những “thẻ xanh” để giao dịch làm việc, thiết nghĩ rằng các kitô hữu cần và rất cần những “căn cước, thẻ xanh thiêng liêng” để nhắc nhở mình là “Công dân Nước trời”. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy rằng có rất nhiều người nghĩ rằng cuộc sống trần gian là quê hương nên họ chạy đua trong sự hưởng thụ và giải trí, cũng như giết thời gian bằng tiệc tùng và bài bạc. Đáng buồn là nhiều người không nhận thức được rằng hạnh phúc thực sự không nằm ở những thoả mãn thế gian mau qua. Quả vậy, trần gian không là ngôi nhà sau cùng của mỗi người, nhưng chúng ta được tạo dựng cho một điều gì đó cao cả hơn. Có thể nói rằng dưới cái nhìn của Chúa, những người thành công, hạnh phúc nhất là người ý thức cuộc sống là một trải nghiệm, một ủy thác và là một trách nhiệm tạm thời.
Bạn và tôi, chúng ta hãy sống trọn vẹn cuộc sống của mình như một món quà, và hãy tập sống dưới cái nhìn của Chúa.
Maria Thanh Nguyễn