Xuất thân từ các Nhà Mụ hay Nhà Phước (Beaterio) Đa Minh do các cha thừa sai Dòng Đa Minh thành lập năm 1715 với phép của các vị Đại diện Tông Tòa địa phận Đông Đàng Ngoài, và là Hội Dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam thuộc địa phận Bùi Chu được cải tổ năm 1951.
- Địa phận Bùi Chu
Địa phận Bùi Chu là danh xưng chính thức được dùng từ năm 1924 lấy từ tên một làng đông đảo giáo dân, đã từng là cơ sở an toàn cho các thừa sai và là chiếc nôi của vùng truyền giáo Địa Phận Trung Đàng Ngoài (Ton-kin Centralis) từ năm 1848 gồm 2/3 tỉnh Nam Định (trong đó có tỉnh Thái Bình ngày nay) và tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1848 – 1935, giáo phận Bùi Chu có tất cả 9 Giám mục dòng Đa Minh, vị cuối cùng là Đức cha Pedro Munagorri Y Obinata (tên Việt là Trung, 1907-1936).
Năm 1935, Tòa thánh bổ nhiệm cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn làm Giám mục phó với quyền kế vị. Sự bổ nhiệm này là bước chuẩn bị trao quyền lãnh đạo giáo phận Bùi Chu cho hàng giáo sĩ Việt Nam. Từ 1936, Tòa thánh chia giáo phận Bùi Chu làm hai, lập ra địa phận Thái Bình và trao cho các thừa sai Đa Minh tiếp tục lãnh đạo. Năm 1938, Bùi Chu có một Giám mục, 138 linh mục Việt Nam, 613 dì phước, 395 thầy giảng, 16 nam tu sĩ, 237.693 giáo dân với 88 giáo xứ, 525 họ đạo.
- Khởi xướng việc thiết lập Dòng giáo phận
Việc khởi xướng thiết lập Dòng giáo phận phải để từ các Công đồng miền (Synodus) Kẻ Sặt (1900), Kẻ Sở (1912) và nhất là công đồng Đông Dương họp tại Hà Nội (1934). Công đồng này đặc biệt quan tâm tới đời sống tu trì và vai trò của các chị em hai nhà phước Mến Thánh Giá và Đa Minh tại Việt Nam, vì từ khi thành lập cho đến nay, các chị em đã cộng tác đắc lực trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Công đồng thúc giục các vị đại diện tông tòa địa phận nhanh chóng cải tổ các nhà phước thành Dòng có lời khấn theo Giáo luật [1].
Về coi sóc địa phận Bùi Chu từ năm 1936, Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948) đã rất quan tâm đến vấn đề cải tổ các nhà phước trong địa phận. Khi ấy trong địa phận có 12 nhà thuộc dòng Đa Minh và 2 nhà Mến Thánh Giá. Từ năm 1940, Đức cha đã đệ đơn lên Tòa Thánh để xin thiết lập một Hội dòng mới. Các thành viên và tu viện của Hội Dòng này sẽ là các nhà phước Đa Minh và Mến Thánh Giá trong địa phận này.
Tuy nhiên, vì cuộc Thế chiến thứ II đang tiếp diễn, giao thông bị gián đoạn nghiêm trọng và những lý do khác, nên mãi đến năm 1946, Đức cha mới nhận được văn thư chấp thuận của Tòa Thánh. Vào ngày 08/9/1946 Đức cha đã công bố sắc lập dòng với danh xưng: Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu.
Tổng cộng có 196 chị em gia nhập dòng Mân Côi, trong đó có 154 chị thuộc nhà Đa Minh, 41 chị thuộc nhà Mến Thánh Giá và 1 chị dòng kín Cát Minh. Cơ sở ban đầu của dòng Mân Côi gồm 5 nhà: Trung Linh, Kiên Lao, Ninh Cường, Liên Nội, Liên Ngoại (4 nhà Đa Minh và 1 nhà Mến Thánh Giá).
- Những thử thách ban đầu
Việc thành lập dòng Mân Côi đã gây ra nhiều xáo trộn trong các chị em nhà mụ và sự không đồng thuận của nhiều cha xứ trong địa phận. Lý do của tình trạng này là do Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn chỉ thiết lập một hội dòng duy nhất trong Địa phận mà thôi. Nhưng ước nguyện của nhiều chị em dòng ba Đa Minh còn lại thì lại khác! Các chị em vẫn nuôi hy vọng sẽ được khấn dòng Cha Thánh Đa Minh ngay trong giáo phận Bùi Chu, vì nghe biết ở Tây phương có nhiều nhóm dòng Ba đã được chính thức thành Dòng.
Dù nhiều lần xin Đức cha cải tổ nhà mụ Đa Minh thành dòng có lời khấn chính thức đều bị từ chối, bà Êmilia Nguyễn Thị Sê (Soi) – Bà Nhất nhà Bùi Chu vẫn như cây cả đứng vững giữa rừng. Bà Sê cho chị em liên hệ với các cha Đa Minh ở địa phận Thái Bình để xin các ngài trợ giúp, đồng thời thông báo với các nhà nào muốn ở lại dòng cha Thánh Đa Minh thì cùng ký kết với nhau như vậy. Nhờ lòng tin tưởng vững vàng vào Chúa và thánh Tổ phụ, cho nên không ai chuyển sang dòng Mân Côi nữa.
Hai năm sau, Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn qua đời ngày 27/11/1948. Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi giáo phận Phát Diệm được bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa địa phận Bùi Chu năm 1950. Khi nghe tin Bùi Chu có giám mục mới, chị em vừa mừng lại vừa lo không biết ngài có tiếp tục đường hướng của vị tiền nhiệm hay chăng. Nhưng ngay từ ngày đầu tiên các chị đánh thuyền sang Phát Diệm để bái chào Đức cha mới, ngài đã đọc được tâm trạng của chị em trên nét mặt và an ủi rằng ngài không bắt chị em vào dòng Mân Côi, vì trong Địa phận có nhiều dòng càng tốt, như trong vườn có nhiều thứ hoa, nhiều mầu sắc càng đẹp.
Lễ tấn phong Giám mục của Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi được cử hành tại Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu vào đúng ngày 04/8/1950 lễ kính thánh Đa Minh.[2] Ngay sau cuộc lễ, Bà Sê – nhà Bùi Chu và Bà A – nhà Phú Nhai cùng với các chị em đại diện 7 nhà mụ Đa Minh (Bùi Chu, Phú Nhai, Trung Lao, Trung Lễ, Quần Cống, Liễu Đề, Sa Châu) qua mừng Đức cha, và một lần nữa xin ngài cải tổ thành dòng Đa Minh.
Thấy lòng nhiệt tâm của các chị em, Đức cha an ủi, khích lệ và hứa sẽ cố gắng cải tổ các nhà mụ cần được cải tổ. Liền sau đó, Đức cha đã xúc tiến các công việc để chuẩn bị cho ngày thiết lập Hội dòng mới.
- Soạn thảo Hiến pháp Dòng
Vì việc cần thiết và quan trọng trước hết là soạn thảo Hiến pháp cho dòng mới, cho nên Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đã nhờ đến cha Cristobal Alonso Gonzalez (Bá) OP, đang là giáo sư Luân lý và Thần học tại Đại chủng viện Thánh Albertô ở Nam Định.
Bản Luật được hoàn tất ngày 19/9/1950, viết bằng La ngữ có tựa đề: Regula et Constitutiones Congregationis Sororum Dominicarum Vietnamiensium Sanctae Catharinae Semensis (iuris dioecesani), Vicariatus Bui Chu, Nord Vietnam, Indosina. Bản văn được đánh máy trên giấy pơ-luya, khổ giấy gần bằng Ax4, gồm 6 trang Tu luật thánh Augustinô và 54 trang Hiến pháp với lược đồ như sau:
- Tu luật thánh Augustinô (Regula Sancti Augustini Episcopi)có 12 chương chia thành 46 số. Đây là bản luật nền tảng của Dòng Anh Em Giảng Thuyết kể từ khi Dòng được sáng lập thế kỷ XIII.
- Hiến pháp Hội dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam, thánh hiệu Catarina Siena (Constitutiones Congregationis Sororum Dominicarum Vietnamiensium, Sactae Catharinae Senensis) có 2 phần chia thành 429 số. Vì là dòng thuộc địa phận, nên Hiến pháp đã được soạn thảo theo các phần mục của bản Quy tắc cho các Hiến Pháp Dòng Địa Phận thuộc Thánh Bộ Truyền Giáo(Normae Pro Constitutionibus, Congergationum Juris Dioecesani a S. Congregatione de Propaganda Fide, 1940). Đây cũng là bản Hiến pháp nền tảng cho các dòng nữ Đa Minh Việt Nam được thiết lập về sau này.
- Đệ hồ sơ xin thiết lập Hội dòng lên Tòa Thánh
Sau khi bản Hiến pháp được soạn thảo xong, Đức cha Phêrô Maria đã gửi toàn bộ hồ sơ pháp lý, gồm các đơn từ và bản dự thảo Hiến pháp lên Đức Hồng y Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin tại Rôma. Các đơn từ gửi Tòa Thánh gồm có:
1) Đơn xin thiết lập Hội dòng
Đức cha Phêrô Maria xin Tòa Thánh xét duyệt Hiến pháp của Hội dòng và ban cho người năng quyền thiết lập Hội dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam, thánh hiệu Catarina Siena, thuộc Địa phận Bùi Chu, với những điều kiện theo Giáo luật về nhân sự, việc quản trị, đào tạo, cơ sở, tình trạng kinh tế. Ngài cũng nêu lên lý do thiết lập là để thực hiện theo hướng dẫn của các Công đồng miền (Synodus), vì những nhu cầu mục vụ cần thiết của địa phận và Giáo hội, số các thầy giảng và giáo lý viên nam không đủ đáp ứng, vì vai trò quan trọng của các nữ tu trong việc giáo dục.
2) Đơn xin miễn chuẩn Năm Tập theo Giáo luật
Đức cha nêu lên các lý do xin được quyền miễn chuẩn năm Tập theo Giáo luật cho những chị em có đủ những điều kiện sau: đã được ít là 30 tuổi, đã khấn 10 năm theo luật nhà mụ; được sự chấp thuận của Ban quản trị nhà và Giám mục địa phận; đã sống chung, giữ 3 lời khấn và kỷ luật mẫu mực. Các chị này sau 8 ngày cấm phòng (tĩnh tâm), sẽ được tuyên khấn tạm 3 năm trong Hội dòng mới. Các chị còn phải khấn thêm 3 năm nữa thì mới được khấn vĩnh viễn.
3) Đơn xin miễn chuẩn thời hạn sau khi khấn để chị em được quyền bầu cử, ứng cử và nhận giữ các chức vụ theo Hiến Pháp
Đức cha cũng xin Tòa Thánh quyền được chuẩn cho chị em đến 10 năm khấn. Nếu không có phép chuẩn này, thì trong khoảng thời gian 10 năm, sẽ không có ai được quyền bầu cử, ứng cử hay nhận chức vụ gì. Và vì thế, trong một thời gian dài, những khoản luật trong bản Hiến pháp không thể được thi hành.
4) Đơn xin thiết lập Tập viện và các tu viện
Đức cha cũng xin thiết lập Tập viện của Hội dòng tại nhà Bùi Chu (nhân số hơn 60 chị em), và các tu viện tại các địa hạt: Phú Nhai (nhân số hơn 30 chị em), Quần Cống (hơn 20 chị em), Trung Lao (25 chị em), Liễu Đề (23 chị em), Trung Lễ (hơn 30 chị em), Sa Châu (30 chị em). Đồng thời, ngài xin cho các tu viện này được sáp nhập với nhau thành một Hội dòng.
- Đặt Trụ sở Nhà Mẹ, tổ chức nhân sự và đào tạo
Trong thời gian chờ đợi Tòa Thánh phê chuẩn việc thiết lập Hội dòng, Đức cha Phêrô Maria chọn nhà mụ Bùi Chu ngay bên cạnh Tòa giám mục làm trụ sở Nhà Mẹ, có nhà Tập, nhà Thử và nhà Đệ tử với những khu vực riêng biệt. Sau đó, ngài thông báo cho các nhà phước Đa Minh khác gửi 2 chị về thụ huấn. Đây là các phần tử đầu tiên nòng cốt của Hội dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam. Các em đệ tử cũng được phân ra từng lớp để đi học ở trường Trung Linh hoặc được học một nghề gì đó.
Theo Bản Quy tắc của Thánh Bộ Truyền Giáo về việc huấn luyện cho các dòng nữ mới thành lập là phải tìm hai người thuộc Dòng nữ nào đó đã chính thức thành lập giữ chức Bề trên Cả và giáo Tập ở dòng mới, cho đến khi dòng mới có thể tự lập được[3], Đức cha Phêrô Maria đã xin cha Giuse Hoàng Gia Huệ làm giám đốc và cha Giuse Hoàng Mạnh Hiền, O.P đến Bùi Chu huấn luyện cho chị em. Việc huấn luyện không đơn giản, nhất là trong thời kỳ ban đầu, vì chị em khác nhau về địa phương, tuổi tác, sự hiểu biết và trình độ văn hóa, phải bỏ nếp tu của nhà mụ mà sống nếp tu theo Giáo luật. Nhưng nhà đào tạo đã nỗ lực giúp chị em thăng tiến và đã chu toàn trọng trách rất tốt đẹp.
- Văn thư chấp thuận của Tòa Thánh
Sau một thời gian đệ đơn xin phép lập Dòng, Đức cha Phêrô Maria nhận được văn thư phúc đáp của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin (Sacra Congregatio de Propaganda Fide) ký ngày 21/3/1951, chấp thuận cho ngài thành lập Hội dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam. Thánh Bộ đồng thời cũng chuẩn y bản Tu luật và Hiến pháp của Hội dòng mới mà không sửa chữa điều khoản nào. Thánh bộ chỉ yêu cầu đưa thêm vào Hiến pháp 5 số của bản Quy tắc lập Dòng bản xứ (1940). Văn thư chấp thuận được ghi vào sổ bộ Protocollo 1243/51, đề ngày 21/3/1951. Sau đây là bản dịch Việt ngữ:
THÁNH BỘ TRUYỀN BÁ ĐỨC TIN
Prot. N.1243/51
Roma, ngày 21/3/1951
Kính gửi Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi,
Đại diện Tông Toà Bùi Chu
Kính thưa Đức cha rất đáng mến,
Vào tháng 9 năm vừa qua, ngài đã gửi đến Thánh Bộ nhiều câu hỏi liên quan đến cách thức cải tổ các chị em dòng ba Đa Minh đã hiện diện từ nhiều thế kỷ trong giáo miền của ngài. Ngoài ra, ngài cũng đã gửi bản soạn thảo Hiến pháp để được cứu xét.
Tất cả mọi tài liệu đều đã được chuyển đến cho các Vị trong Ban Cố vấn để được xem xét cẩn thận.
Để tất cả mọi hành vi đã thực hiện từ trước được thành sự và để không còn nghi ngờ gì về sự thành sự đó, nay Thánh Bộ ban cho ngài được năng quyền thành lập một Dòng mới các chị em Nữ tu Đa Minh Việt Nam, thánh hiệu Catarina Siena mà trong đó, ngài có thể tiếp nhận những chị em dòng ba Đa Minh cũ của miền Đại diện Tông toà của ngài. Ngoài ra, còn ban cho ngài được năng quyền miễn chuẩn năm Tập cho các chị em dòng ba Đa Minh nói trên khi họ có ít là 30 tuổi và đã khấn dòng được 10 năm theo quy luật của dòng Ba, và cho phép những chị em đó, sau khi tĩnh tâm trọn 8 ngày, được tuyên khấn tạm trong 3 năm. Ngoài ra, tôi còn ban cho ngài năng quyền cho phép các chị em sau khi khấn tạm như đã nói ở trên, được quyền bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử và có thể đảm nhận nhiệm vụ mỗi khi Hiến pháp dòng hoặc Giáo luật đòi buộc điều kiện đã khấn trọn, và khấn được 10 năm tính từ lần khấn đầu tiên.
Văn bản của Hiến pháp, sau khi được các Vị Cố vấn duyệt xét, thì không được thay đổi gì nữa, mà phải giữ y nguyên như trong bản mẫu đính kèm đây. Nhưng những điều khoản đã được Thánh Hội Đồng này đưa ra theo quy tắc của luật thì phải được viết ra y như đã được ghi chú trong văn bản. Việc phê chuẩn những điều đó thuộc quyền của Đức cha. Sau khi đã in ấn bản mẫu, xin Đức cha gửi cho Thánh Bộ 20 bản.
Xin Chúa ban cho ngài mọi sự tốt lành và gìn giữ ngài luôn mạnh khoẻ, bình an.
Kính chào Đức cha
Kính thư trong Chúa
(đã ký)
Fumasoni Biondi
Hồng y Bộ trưởng
Ngay sau khi nhận được Văn thư của Tòa Thánh [4], Đức cha thông báo cho cha giám đốc Giuse Hoàng Gia Huệ và nhờ cha thông đạt cho 7 nhà phước để tạ ơn Chúa và chuẩn bị cho việc công bố sắc lệnh thiết lập Hội dòng.
- Công bố Sắc lệnh thiết lập
Vào ngày lễ thánh nữ Catarina Siena ngày 30/4/1951[5] tại Nhà thờ Chính toà Bùi Chu, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đã long trọng công bố Sắc lệnh thiết lập Hội Dòng Nữ Đa Minh Việt Nam, thánh hiệu Catarina Siena trước toàn thể cộng đồng Địa phận. Đây là một niềm vui cho toàn thể Địa phận và là ngày trọng đại cho chị em dòng ba Đa Minh trong địa phận sau bao ngày khắc khoải, thiết tha mong đợi.
Sắc lệnh chính thức thiết lập Hội dòng được viết bằng La Ngữ. Đây là bản dịch tiếng Việt:
TÒA GIÁM MỤC BÙI CHU
BẮC VIỆT
Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, nhờ lòng thương xót của Chúa và ân huệ của Tòa Thánh, Giám mục Hiệu tòa Sozopolis và Đại diện Tông Tòa Bùi Chu nước Việt Nam.
Vì phải hết lòng đáp ứng các nhu cầu tinh thần của địa phận Bùi Chu thời danh, và vì mang trọng trách với những người tín hữu và lương dân sống trên đất này, cho nên ngay từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ, Tôi đã dốc tâm sẽ không bỏ qua bất cứ điều gì có thể làm được để giúp cho việc giáo dục hoàn bị về tôn giáo và nhân bản của người Công giáo, hoặc giúp cho việc trở lại của lương dân. Không ai lại không nhận ra rằng trong Giáo hội Công giáo, các Dòng tu đã góp phần vào mục tiêu ấy.
Vì thế, năm vừa rồi, vì muốn thực thi các ước nguyện và quyết nghị của Công đồng Đông Dương lần thứ nhất họp tại Hà Nội năm 1934 (điều 105-108), Tôi đã quan tâm để cho các cộng đoàn Dòng Ba Đa Minh sống chung không có lời khấn tu trì đã được thiết lập tại miền này ngay từ lúc khởi đầu cuộc truyền giáo tại đây, trở thành một Dòng tu. Sau khi đã được phép của Tòa Thánh, Tôi đã gửi bản hiến pháp của Hội dòng mới để được duyệt xét, chiếu theo điều 492 của Bộ giáo luật và những quy luật của Thánh bộ Truyền giáo.
Thực vậy, các chị em của Hội dòng mang tên là Hội dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam thánh Catarina Siena, ngoài mục đích chung là theo đuổi việc thánh hóa bản thân, còn thêm mục đích riêng là huấn luyện các trẻ Kitô hữu, tại các trường giáo xứ hay các trường nữ sinh dựa theo những quy tắc Giáo luật và Hiến pháp riêng của Dòng.
Do văn thư của Đức Hồng y Phêrô Fumasoni Biondi, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền giáo ngày 21 tháng 3 năm 1951, Tôi đã được cấp năng quyền để thiết lập Hội dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam từ các cộng đoàn Dòng Ba nói trên, cũng như để châu phê bản văn Hiến pháp của Hội dòng mới theo luật giáo phận.
Sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, do năng quyền đặc biệt đã được Tòa Thánh ưu ái cấp ban, chiếu theo chức vụ của Tôi, và do hiệu lực của Sắc lệnh này, Tôi thiết lập Hội dòng theo luật giáo phận “Chị Em Đa Minh Việt Nam thánh Catarina Siena”. Như vậy, từ nay tất cả và mỗi nhà Dòng Ba Đa Minh đang sống chung với nhau hiện hữu trên lãnh thổ địa phận thì họp thành một tổ chức và một Hội dòng có lời khấn đơn, với nhà chính đặt tại Bùi Chu, dưới sự lãnh đạo của một bề trên tổng quyền sẽ sớm được bầu cử theo hiến pháp của Hội dòng, và dưới quyền tài phán của Bản quyền sở tại chiếu theo giáo luật.
Cùng với Sắc lệnh này, cùng với quyền bính tương tự, tôi phê chuẩn và xác nhận bản hiến pháp của Hội dòng, được soạn bằng tiếng La Tinh theo văn bản được sửa chữa hợp lệ và được lưu giữ trong văn khố của Tòa giám mục, bất chấp những gì trái ngược.
Để làm bằng, Tôi đã tự tay ký bản văn này, cùng với triện ấn.
Làm tại Bùi Chu, lễ thánh Catarina Siena,
ngày 30 tháng 4 năm 1951
(Ấn ký)
P.M. Phạm Ngọc Chi
Đại diện Tông Tòa
Hội dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam được thiết lập tại Bùi Chu là dòng nữ Đa Minh tiên khởi tại Việt Nam và dòng nữ thứ hai của địa phận. Vào lúc thành lập, tổng số các chị em của 7 nhà phước là 218 chị đã khấn dòng ba tính theo đơn xin của Đức cha Phêrô Maria đệ lên Tòa Thánh, chưa kể rất đông các chị tập tu[6].
- Căn tính của Hội dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam
Theo Giáo luật 1917 và Hiến pháp 1951, căn tính của Hội dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam, thánh hiệu Catarina Siena, Địa phận Bùi Chu được xác định qua các yếu tố sau:
1) Dòng tu (Instistutum religiosum)
Đây là Hội dòng có những yếu tố cốt yếu như: Tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm với lời khấn đơn, khấn tạm và vĩnh viễn; có đời sống cộng đồng, nghĩa là sống chung trong tu viện dưới quyền của một bề trên; làm chứng công khai và cách ly thế tục được diễn tả qua nội vi, áo dòng…
2) Dòng thuộc địa phận (iuris dioecesani)
Vì là dòng thuộc địa phận, nên theo Giáo luật và Hiến pháp, Hội dòng thuộc quyền tài phán của Đấng bản quyền trong việc thiết lập Hội dòng, phê chuẩn hoặc sửa đổi Hiến pháp, thiết lập hay thay đổi địa điểm Trụ sở Nhà Mẹ, Tập viện, ưng thuận và chứng nhận cho các chị vào nhà thử, nhà tập, hay khấn dòng, chủ tọa cuộc bầu cử Bề trên Cả, kinh lý định kỳ các cộng đoàn của Hội dòng,…
3) Dòng nữ Đa Minh (dominicanes)
Ngay từ giai đoạn phôi thai, chị em đã được gọi là chị em nhà mụ (hay nhà phước) Dòng Ba Đa Minh và sống theo tinh thần dòng do các thừa sai truyền lại. Nay được chính thức cải tổ thành dòng theo Giáo luật và theo linh đạo Đa Minh, thì chị em lại càng phải thấm nhuần tinh thần dòng hơn nữa như Hiến pháp của Hội dòng nêu rõ:
Với danh hiệu Chị Em Đa Minh, Hội dòng đã được gia nhập với chính Dòng Anh Em Giảng Thuyết, cho nên phải nỗ lực sống theo tinh thần tông đồ và những truyền thống của Dòng để đạt tới mục đích chung và riêng của Hội dòng mình. Bởi đấy chị em hãy chăm chỉ bắt chước gương tốt các thánh trong Dòng, nhất là thánh phụ Đa Minh và thánh nữ Catharina đê Sienna biệt hiệu và quan thầy của Hội dòng; noi theo các lời khuyên nhủ của Bề trên Cả và các Bề trên dòng Nhất. Như thế, chị em sẽ đạt được tinh thần và mục đích của mình một cách chắc chắn hơn. Vì đã sinh ra bởi Dòng Nhất, chị em cố liệu cho mình được dưỡng dục về đàng thiêng liêng do Dòng ấy. (Hiến pháp số 3, bản dịch 1960)
Để được chính thức nhìn nhận là thành viên của gia đình Đa Minh thế giới theo Giáo luật [7], Mẹ Bề trên Êmilia Nguyễn Thị Sê và ban cố vấn của Dòng Chị em Đa Minh Việt Nam còn viết một lá thư thỉnh nguyện lên cha Bề trên Cả vào năm 1958. Nhưng đơn xin này không được hồi âm vì có lẽ bị thất lạc. Vì vậy, ngày 13/6/1961, Mẹ Bề trên và Ban Tổng cố vấn gửi tiếp Thư thỉnh nguyện lần II với chữ ký hợp thỉnh của cha Gioan Trần Văn Hiến Minh – Đại diện Giám mục Bùi Chu, nhắc lại việc chị em xin được kết nạp vào Dòng Giảng Thuyết. Chưa đầy 3 tháng sau, cha Bề trên Cả Michael Browne đã gửi cho Hội dòng thư phúc đáp chấp thuận, số 72/58-61, đề ngày 27/7/1961. Văn bản này được tuyên đọc và niêm yết tại Tu viện Đa Minh Bùi Chu ngày 13/8/1961. Đây là bản dịch tiếng Việt:
TRỤ SỞ
DÒNG THUYẾT GIÁO
Roma (8-48)…………
Tu viện T. Sabina (Aventino)
MICHAEL BROWNE, OP.,
GIÁO SƯ THẦN HỌC,
BỀ TRÊN CẢ KHIÊM TỐN PHỤC VỤ DÒNG THUYẾT GIÁO
Kính gửi mẹ Bề trên và toàn thể chị em
Dòng nữ Đa Minh Việt Nam, thánh hiệu Catarina de Siena, Bùi Chu
Lời chào thân yêu chung hưởng các ơn ích thiêng liêng trong Chúa Kitô Con Thiên Chúa.
Để tiêu diệt tận căn các bè rối cách hữu hiệu, và để triệt hạ kẻ thù các linh hồn, bằng khí giới Đức tin, bằng lòng nhiệt thành hy sinh, hãm mình và bác ái, thánh phụ Đa Minh – một vị hiển thánh, một chiến sĩ Đức tin, một tinh binh của Chúa Kitô, không những đã lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết (dòng nhất) và nữ đan sĩ chiêm niệm (dòng nhì), mà còn cả dòng ba thường được gọi là “đạo binh Chúa Kitô” hay “đạo binh Phạt tạ” nữa.
Dòng Giảng thuyết giáo đã được nhiều Đức giáo hoàng công nhận vì đã tăng gia sản xuất được nhiều vĩ nhân nam nữ nổi danh thánh thiện, trong số đó phải kể thánh nữ Catarina de Siena – vị hiền thê yêu quý của Chúa Giêsu Kitô, thánh nữ Rosa de Lima – đóa hoa thánh thiện đầu mùa của Nam Mỹ.
Và dòng ba còn thành nên nhiều Hội dòng khấn đơn nữa.
Chính vì thế mà, các con yêu dấu, với danh nghĩa là Hội dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam, thánh hiệu Catarina, các con đã khẩn khoản xin Cha nhận các con vào đại gia đình Dòng Giảng thuyết theo giáo luật khoản 492§1, để được chung hưởng các ơn ích Tòa Thánh đã ban cho Dòng.
Nên, chiếu theo nguyện vọng của các con, chiếu theo quyền chức của Cha, và chiếu theo sự chấp thuận của Ban Tổng cố vấn và Cha, Cha tuyên bố công nhận Dòng Nữ Đa Minh Việt Nam, thánh hiệu Catarina, Bùi Chu với tất cả các nhà và các chị em hiện tại cũng như tương lai, được gia nhập Dòng Giảng thuyết.
Và Cha dùng quyền Tòa Thánh đã ban cho Cha, mà thông cho chị em Nữ Đa Minh Việt Nam (Bùi Chu) được chung hưởng, khi sống cũng như khi chết, hết thảy các ơn ích, các đặc ân và các ân xá, cùng mọi việc lành thiêng liêng của Dòng Giảng thuyết nói chung, y như các Dòng Ba Đa Minh khác đã chính thức gia nhập và được hưởng.
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Thư ký
C.V. số 72/58-61
Làm tại Roma, trụ sở Trung ương Santa Sabina
Ngày 27 tháng 7 năm 1961
Fr. Michael Browne, OP.
Bề trên Cả
Như vậy, Hội dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam đã được chính thức sát nhập vào Đại gia đình Đa Minh thế giới, được chung hưởng những ơn ích thiêng liêng của Dòng, hiệp thông trong cùng một linh đạo và đặc sủng của thánh Đa Minh. Trong đại gia đình Đa Minh, chị em thuộc thành phần dòng ba nữ tu. Nhưng đến năm 1974, hiến pháp của Dòng Anh Em Thuyết Giáo (số 234) loại bỏ cách sử dụng “Dòng Nhất”, “Dòng Nhì”, “Dòng Ba” vì nó không phù hợp với lịch sử và để tránh sự phân chia giai cấp trong gia đình Đa Minh.
Cũng như từ thời còn là nhà mụ, Hội dòng vẫn tôn nhận thánh nữ Catarina Siena thuộc Dòng Ba Đa Minh thế kỷ XIV, làm Thánh Bổn Mạng.
4) Mục đích của Hội dòng
Mục đích thiết lập Hội dòng được xác định trong Hiến pháp và Sắc lệnh: là làm vinh danh Chúa và thánh hóa bản thân, bằng việc tuân giữ ba lời khấn đơn: Khó khăn, Sạch sẽ (Khiết tịnh) và Vâng lời theo Tu luật thánh Augustinô và bản Hiến pháp Hội dòng (HP 1951, số 1).
Nguồn: https://daminhtamhiep.net/
[1]Xem Công đồng Đông Dương, Liber I. De personis et officiis. Caput VI, De religiosis. Art. IV. De Amatricibus Crucis tertiariisque Dominicanis saecularibus in communi viventibus, số 104-110. Trích theo Phan Tấn Thành, Tìm hiểu Dòng Đa Minh, Học Viện Đa Minh, 2013, tr. 500.
[2] Từ năm 1558, Đức giáo hoàng Phaolô IV đã dời lễ thánh Đa Minh vốn được mừng kính ngày 05/8 lên ngày 04/8. Sau cuộc cải tổ phụng vụ của Công đồng Vatican II, lễ thánh Đa Minh lại được chuyển xuống ngày 08/8 như hiện nay.
[3] Xem Thông tri của Thánh Bộ Truyền giáo về việc lập Dòng bản xứ, ngày 19/3/1937, số 5, trích từ: Nữ Tu Đọc Văn Thư Tòa Thánh, Nữ tu viện Đa Minh Bùi Chu (Tam Hiệp), Tủ sách Ra khơi, Sài Gòn 1965, tr. 2.
[4] Hiện nay Văn khố Trung ương Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp còn lưu bản đánh máy đã được Tòa Thánh chỉnh sửa, với chữ ký xác nhận một lần nữa của Đức cha Phêrô M. Phạm Ngọc Chi vào ngày 31/01/1966. Bản văn này trùng khớp với bản văn hiện đang được lưu trữ tại Văn khố Archivio Urbaniano, Rôma.
[5] Từ sau công đồng Vaticanô II, lịch phụng vụ chuyển lên ngày 29/4, đúng ngày thánh nữ tiến sĩ Catarina sinh lại vào nước Trời.
[6] Theo tài liệu Tòa Giám Mục Bùi Chu, Hiện tình Địa phận Bùi Chu 1951, tr. 64, các nữ tu Đa Minh là 321 chị, trong đó có 2 chị được gửi đi du học.
[7] Giáo luật năm 1917 điều 492§1 quy định: “Các Giám mục, không phải các vị đại diện kinh sĩ Hội, hoặc vị Tổng đại diện, có thể thành lập các Hội dòng; nhưng chỉ được phép thành lập các Hội dòng ấy sau khi đã tham khảo ý kiến Toà Thánh, và nếu là dòng ba có đời sống chung, thì phải xin phép vị Bề trên Tổng quyền của Dòng nhất cho phép sát nhập vào Dòng ấy”.
[8] Xem Bùi Đức Sinh, Dòng Đa Minh trên đất Việt, quyển II, in lần thứ II, Sài Gòn 1995, tr. 146.
Bình luận