Mỗi vị Thánh đều có một linh đạo riêng để họa lại lối sống của Chúa Giêsu trong đời mình. Trong muôn nẻo đường tâm linh, ta thấy mỗi một Đấng sáng lập lại nhấn mạnh đến một khía cạnh nào đó trong cuộc đời của Đức Giêsu. Có vị nhấn mạnh đến đời sống hoạt động tông đồ, có vị lại họa lại khuôn mặt của Đức Giêsu đang cầu nguyện, vị khác lại họa lại một Đức Giêsu đang xả thân để cứu giúp con người…Mỗi người một vẻ, làm thành một đóa hoa trong vườn hoa muôn sắc của Giáo hội. Thánh Đaminh tổ phụ Dòng chúng con là một đóa hoa, nhưng đóa hoa ấy mang hương sắc của Tin mừng, trong đức ái, khiêm nhu và khó nghèo. Người đã sống triệt để Tin Mừng, đã có kinh nghiệm sâu sắc “nói với Chúa và nói về Chúa” và Ngài đã truyền kinh nghiệm này cho các môn sinh. Là những người hậu duệ, Hội dòng chúng con được hình thành, lớn lên và phát triển theo tinh thần của Cha Thánh Đaminh cùng với một chút sắc riêng đậm nét tinh thần, dân tộc của người Miền Bắc – Việt Nam.
I. Lịch sử Dòng Đaminh Bùi Chu
- Thời kỳ đầu.
Tại Việt nam, vào năm 1676 các Cha Thừa sai Đaminh đã đến Việt Nam truyền giáo tại đàng ngoài và có nhiều nữ giáo dân nhiệt tình theo giúp các ngài trong công cuộc loan báo Tin mừng. Năm 1715, Cha Chính Bustamente Hy và các Cha thuộc tỉnh Dòng Đaminh Philippnes đã quy tụ các thiếu nữ đó lại thành các nhóm độc lập sống tại các Giáo xứ, Giáo họ và gọi đó là Nhà Mụ (sau này được đổi thành nhà phước). Các chị sống thành cộng đoàn, sống độc thân và giữ chung một lề luật gọi là lề luật nhà mụ.
Nếp sống của nhà Mụ tuy thanh bần và đạm bạc nhưng các chị rất tích cực cộng tác với các Thầy giảng trong việc mục vụ và bác ái xã hội. Các chị nhận dạy kinh bổn cho các trẻ em và những người nữ dự tòng. Qua việc đi bán thuốc dạo trong các làng lương dân, các chị đã tiếp xúc và loan báo Tin Mừng, rửa tội cho trẻ em nguy tử. Các chị phục vụ trong các Nhà Thiên Thần và Nhà thương.
Trong thời cấm đạo, các chị là những người thông tin, liên lạc thư từ, lo liệu cơm nước thuốc men, và có khi đem Mình Thánh Chúa cho các đấng chịu giam cầm vì đức tin. Sau thời bách hại, chị em được phái đến các làng mạc trong giáo phận, giúp các phụ nữ bị ép bỏ đạo cưới chồng ngoại giáo trở lại công giáo (khoảng 400 người trở lại vào dịp này). Trong thời bình yên, chị em dạy học mẫu giáo (riêng tại Bùi Chu có 2 trường dành cho nữ sinh) và tham gia công tác xã hội (phục vụ nhà thiên thần và nhà thương).
Công việc của các chị được các công đồng Kẻ Sở, Kẻ Sặt, công đồng Đông Dương hết lời ca ngợi, và ước ao cho các chị em được đào tạo để khấn giữ ba Lời khấn theo Giáo luật.
- Giai đoạn thành lập Dòng.
Tháng 8 năm 1950 tại Giáo phận Bùi Chu, Đức Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi được tấn phong Giám Mục. Công việc đầu tiên Ngài làm cho Giáo phận là bắt tay vào cải tổ Nhà Phước Đaminh theo nguyện vọng của chị em. Đức Cha nhờ Cha Alonso Bá là Giáo sư Thần học và Giáo luật của Giáo Hoàng Chủng viện tại Nam Định soạn thảo một Nội quy cho chị em dựa theo Tu luật Thánh Augustinô và Hiến pháp Dòng Anh em Thuyết giáo. 19/11/1950 bản thảo Nội quy, Hiến Pháp được Đức Cha chấp thuận và trình lên bộ đức tin. 21/3/1951 Đức Hồng Y Petrus Fumasoni Biondi, Bộ trưởng Thánh bộ Truyền giáo đã duyệt bản thảo Nội quy. Ngày 21/3/1951 Tòa thánh chính thức châu phê và ban hiến pháp lập Dòng nữ Đaminh Bùi Chu. Ngày 30/4/1951 Đức Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi công bố sắc lập Dòng gọi là Dòng Nữ Đaminh tại Bùi Chu, Thánh Hiệu Catarina Sienna. Từ đây các chị phước Đaminh đã chính thức sống đoàn sủng và linh đạo Đaminh theo mẫu gương Cha thánh Đaminh: Chiêm niệm và truyền rao Chân Lý.
II. Đoàn sủng và Linh Đạo Dòng Đaminh Bùi Chu.
Là một Dòng được lập ra do sáng kiến của các Cha Thừa sai Đaminh với một Tu luật và Hiến pháp soạn thảo theo Hiến Pháp Dòng Nhất, nên Dòng Nữ Đaminh Bùi Chu cũng mang cùng một Đoàn sủng và sống cùng một Linh đạo như Dòng Anh em Thuyết giáo, nhưng trực thuộc Giáo Hội địa phương và hoạt động theo nhu cầu Giáo Phận.
- Đoàn sủng
Nếu Đoàn sủng là ơn Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội để phục vụ Giáo hội thời bấy giờ thì Hội dòng nữ Đaminh Bùi Chu chúng con được Cha Chính Bustamentê Hy và các Cha Đaminh qui tụ. Đặc biệt về sau này được Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi thiết lập với mong ước có những người nữ chuyên cầu nguyện và giúp việc truyền giáo. Đó cũng là Đoàn sủng của Hội dòng nữ Đaminh Bùi Chu chúng con. Tuy nhiên chúng con không truyền giáo trên giảng đường như các anh em Đaminh nam nhưng chúng con truyền giáo bằng các hoạt động tông đồ tại các Giáo xứ, bằng lời cầu nguyện và chứng tá đời sống.
- Linh đạo của dòng Đaminh Bùi Chu
2.1 Chiêm niệm
Châm ngôn của Cha Thánh Đaminh không gì khác hơn là:“nói với Chúa và nói về Chúa”. Với châm ngôn này, đời sống của thánh nhân là một đời sống chiêm niệm liên lỉ, người đã sống kết hợp sâu xa, mật thiết với Chúa cách trọn vẹn và yêu tha nhân hết tình như có lời minh chứng: “ban ngày chẳng có ai hiệp thông và dịu dàng với anh em hơn ngài nhưng ban đêm cũng không ai chuyên cần canh thức và cầu nguyện hơn ngài.”
Từ lối sống của thánh Tổ Phụ, đời sống của người tu sĩ Đa Minh trước hết phải là đời sống chiêm niệm. Người Đa Minh phải thánh hoá chính bản thân mình trước khi có thể ra đi công bố Tin Mừng cho tha nhân. Vì thế đời sống của người nữ tu Đaminh phải là đời sống ẩn náu trong Thiên Chúa cùng với Đức Kitô, đời sống chiêm niệm đó sẽ được thực hiện trong sự thanh vắng và thinh lặng của Tu viện.
Tuy nhiên, chiêm niệm nơi người Đa Minh không giống với việc chiêm niệm của các đan sĩ nơi đan viện. Với người Đa Minh, từ một đời sống chiêm niệm phải trở thành nguồn mạch cho sứ vụ tông đồ. Điều này có nghĩa rằng đời sống chiêm niệm của người Đa Minh phải được sinh hoa kết quả trong những hoạt động tông đồ.
Với tinh thần của Dòng, người Đa Minh phải sẵn sàng ra đi vì nhu cầu khẩn thiết của tha nhân, sẵn sàng chuyển trao cho tha nhân những hoa trái của việc chiêm niệm của mình, và đồng thời, cũng vui vẻ và hân hoan ở lại trong Tu viện, âm thầm và cần mẫn với đời sống nội tâm, đời sống kết hợp với Chúa một khi không có những nhu cầu của sứ vụ đòi hỏi.
2.2 Truyền rao Chân Lý
Chính nhờ việc chiêm niệm mà đời sống tông đồ của người Đa Minh được hình thành. Đây có lẽ cũng là một điều khác với các đan sĩ, như ai đó đã nói: “chiêm niệm Đa Minh không dừng lại ở việc chỉ thưởng thức cho riêng mình, nhưng có ý muốn thông truyền những hoa trái chiêm niệm của mình cho người khác nữa” (contemplataaliistradere).
Thực vậy, Thánh Đa Minh, trước khi trở thành một người tông đồ đã sống và tuân giữ cách nghiêm nhặt Tu luật của thánh Augustinô và Luật lệ của Kinh sĩ đoàn Osma, nhờ đó mà tinh thần tông đồ của thánh nhân được phát triển và thôi thúc.
Tiếp nối sứ vụ của Đấng Tổ Phụ, người Nữ tu Đa Minh Bùi Chu cũng luôn hăng say trong các công tác tông đồ, và không ngừng mở rộng những hoạt động đó trong mọi lãnh vực và bằng mọi phương tiện có thể như: Giáo dục thanh thiếu niên theo tinh thần Ki tô giáo, mục vụ giáo xứ và bác ái xã hội.
Ngoài ra, mỗi nữ tu Đaminh còn làm việc tông đồ truyền giáo bằng lời cầu nguyện, việc hy sinh và chứng tá đức tin trong sự chu toàn bổn phận âm thầm và bé nhỏ hàng ngày.
Như vậy, Chiêm niệm và truyền rao Chân Lý là hai tay chèo của người tu sĩ Đaminh như hai mái chèo giúp con thuyền cân bằng và thẳng tiến.
Ngoài yếu tố chiêm niệm và hoạt động, Dòng còn có 5 yếu tố cấu thành nên đời sống của người Đa Minh.
- Cầu nguyện : Người Đaminh phải là người chuyên cần cầu nguyện. Vì nơi đây, người Đaminh “Nói với Chúa” để có thể “nói về Chúa” trong sứ vụ của mình.
- Học hành : Người Đaminh học hành để có thể trở nên những nhà giảng thuyết đích thực, phục vụ cho lý tưởng cứu độ các linh hồn và cho việc dấn thân hoạt động tông đồ. Học còn là một hình thức khổ chế đối với người tu sĩ Đaminh.
- Cộng đoàn : Là môi trường nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và là nguồn trợ lực cho đời sống tông đồ.
- Sứ vụ : Sứ vụ truyền giảng của người Đaminh là sự thông chia những gì mình đã kín múc từ đời sống cầu nguyện, qua việc học hỏi và nuôi dưỡng nơi đời sống cộng đoàn.
- kỷ luật tu trì ba lời khấn: giúp người tu trì chế ngự thân xác, từ bỏ ý riêng, chết cho chính mình để dâng trọn vẹn con người mình cho Thiên Chúa trong tinh thần tự do và sáng suốt
Như vậy, Hội dòng chúng con vừa mang hương sắc của người cầu nguyện vừa mang nét đẹp của người tông đồ. Trong chiêm niệm có hoạt dộng và trong hoạt động có chiêm niệm. Hai yếu tố đó hòa quyện lấy nhau và được tỏa sáng hơn với 5 yếu tố: cộng đoàn; học hành; sứ vụ; cầu nguyện; kỷ luật và ba lời khấn. Tất cả những điều đó làm nổi bật lên đoàn sủng của Hội dòng là cầu nguyện và giúp việc truyền giáo.
Sr. Rosa Thu Phương
Bình luận