Nói đến lịch sử là nói đến những con người và sự việc đã xảy ra trong thời gian. Lịch sử tựa như một bánh xe không ngừng chuyển động, cho dù vận tốc có khác nhau tùy thuộc vào diễn tiến của lịch sử. Lặng để nhìn, chiêm nghiệm để nhận ra: mọi vật, cho dù là vật vô tri vô giác, đã có cơ duyên hiện hữu trên cõi đời đều có một lịch sử. Hội Dòng Nữ Đaminh Bùi Chu cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Hội dòng có cả một trang sử hào hùng, với những mốc điểm vàng son được ghi dấu bằng những nét thăng trầm, trải dài suốt hành trình hơn 300 năm đời dâng hiến, với những nét rất đặc trưng của mảnh đất Miền Bắc Việt Nam, một dải đất đồng bằng với khí hậu nhiệt đới, bốn mùa thay đổi nối tiếp nhau.
- CỘI NGUỒN TÊN GỌI
Hội dòng được phôi thai vào năm 1715 với cái tên Nhà Mụ. Sau đó vào năm 1920, Nhà Mụ được đổi tên thành Nhà Phước Dòng Ba Đaminh. Ngày 21/3/1951 Toà Thánh châu phê Hiến Pháp và ban phép Đức Cha Phê-rô Maria Phạm Ngọc Chi – Giám mục Giáo phận Bùi Chu – qui tụ các Nhà Phước Dòng Ba Đaminh để lập lên một Hội Dòng địa phận. Ngày 30/04/1951, Đức Cha đã ký Sắc Lệnh thành lập Hội Dòng mới với danh xưng là: Hội Dòng Nữ Tu Đaminh Việt Nam, Thánh hiệu Catharina Siena – Congregationis Religiosae Sororum Dominicanarum Vietnamiensium Sanctae Catherinae Senensis (x. Sắc Lệnh Lập Dòng).
- ĐẤNG SÁNG LẬP NHÀ MỤ VÀ CÁC THỪA SAI ĐAMINH
Hội dòng thành kính tri ân và tưởng nhớ công ơn của Cha Chính Bustamente Hy và các Linh mục thừa sai Đaminh đã qui tụ các thiếu nữ đầu tiên lại thành Nhà Mụ vào những năm đầu thế kỷ 18. Đây chính là một khởi điểm được thôi thúc bởi tác động mãnh liệt của Chúa Thánh Thần, để rồi nhờ quyết định táo bạo này mà Hội dòng dần dần được hình thành, phát triển và tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Trong tiến trình chuẩn bị cho các Nhà Phước Đaminh thành Hội Dòng Nữ Đaminh Việt Nam, chị em được các Linh mục Dòng Đaminh nâng đỡ, đồng hành và cộng tác trong việc soạn thảo Hiến Pháp, Nội Quy và việc đào tạo ơn gọi. Linh mục Christobao Alonso Bá, OP, và Linh mục Phêrô Nguyễn Triền Miên, OP, đã giúp chị em soạn thảo bản Hiến Pháp và Nội quy tiên khởi. Linh mục Giuse Hoàng Gia Huệ, OP, và Linh mục Hoàng Mạnh Hiền, OP, là những người đã huấn luyện cho chị em trong những ngày đầu mới thành lập Hội dòng.
Trong thời kỳ ổn định, Hội dòng được các Linh mục thuộc Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam hướng dẫn và đồng hành. Cụ thể, đó là:
Cha Đaminh Lê Thanh Liêm (1994)
Cha Bác Đaminh Chu Quang Đương (1994 – 1999)
Cha Giuse Nguyễn Cao Huấn ( 2017 đến nay)
Các ngài là những người đã hướng dẫn và đưa Hội dòng lên một bước phát triển mới. Hiện tại, Linh mục Giuse Nguyễn Cao Huấn, OP, đang là linh hướng cho Hội dòng.
- ĐẤNG THIẾT LẬP VÀ CÁC ĐỨC CHA COI SÓC GIÁO PHẬN
Bên cạnh các Linh mục Dòng Đaminh, lịch sử của Hội dòng còn ghi đậm công ơn cao dầy của Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, đấng đã cải tổ Nhà Phước Đaminh và thiết lập Hội dòng Nữ Đaminh Bùi Chu, và các Đức Cha coi sóc Giáo phận Bùi Chu:
- Đức Cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn (1936 -1948)
- Đức Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi (1950 – 1960)
- Đức Cha Giuse Phạm Năng Tĩnh (1960 – 1974)
- Đức Cha Đaminh Lê Hữu Cung (1975 -1987)
- Đức Cha Giuse Vũ Duy Nhất (1987 – 1999)
- Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm (2001- 2013)
- Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ (2006 – 2009)
- Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu (2012, Giám Mục Phó có quyền kế vị, 2013 chính thức làm Giám mục Giáo Phận Bùi Chu đến nay).
Trong những năm còn đang trong giai đoạn Nhà Phước, chị em đã được đón nhận sự hướng dẫn và đồng hành của quí Đức Cha coi sóc Địa phận Trung
- Đức Cha Melchor García Sanpedro Xuyên;
- Đức Cha José María Díaz Sanjurjo An;
- Đức Cha Berrio Ochoa Vinh;
- Đức Cha Bernabé García Cezón Khang;
- Đức Cha Manuel Ignacio Riaño Hòa;
- Đức Cha Wenceslao Oñate Thuận;
- Đức Cha Máximo Fernández Định;
- Đức Cha Pedro Muñagorri Obineta Trung.
- CÁC CHA ĐẶC TRÁCH DÒNG TU
Trong dòng lịch sử luôn ghi khắc công ơn của các Cha đặc trách Hội dòng:
- Cha Giuse Phạm Văn Huyễn (1964 – 1968)
- Cha Giuse Lê Ngọc Hoàn (1968 – 1971)
- Cha Đaminh Trần Ngọc Tuất (1973 – 1998)
- Trong thời gian này Hội dòng ghi nhớ Cha Giuse Vũ Quang Tuyến đã giúp đỡ, giảng dậy Hội dòng trong một thời gian ngắn.
- Cha Micae Trần Minh Tiến (1998 – 2006)
- Cha Phaolô Nguyễn Thanh Bình (2006 – 2007)
- Cha Giuse Lê Văn Sở (2007 – 2017)
- Cha Phao Lô Đinh Văn Đông (2017 đến nay )
- CÁC MẸ VÀ CÁC BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN
Hội dòng tri ân và ghi nhớ công lao to lớn của Mẹ Bề trên tiên khởi, các Mẹ và các Bề trên Tổng quyền, là những người đã gánh vác công việc của Hội dòng vượt qua gian nan thử thách:
- Mẹ Bề trên tiên khởi: Emilia Nguyễn Thị Sê (06.6.1954 -1960)
- Mẹ Bề trên tổng đại diện: Maria Trần Thi Mến (1955 -1960)
- Mẹ Bề trên: Lucia Nguyễn Thị Ne (05.01. 1960 -1966)
- Mẹ Bề trên: Benvennuta Nguyễn Thị Lan (1970 – 1982)
- Mẹ Bề trên Antônia Phạm Thị Na (1982 – 04.01.1988)
- Bề Bề trên: Balbila Nguyễn Thị Phúc ( 04.01.1988 – 04.02.1992).
- Bề trên Tổng quyền: Agatha Hoàng Thị Nhài (04.02.1992 – 1996)
- Bề trên Tổng quyền: Lidwina Đinh Thị Sáng ( 03.01.1996 – 2003)
- Bề trên Tổng quyền: Têrêsa Flora Vũ Thị Hiên (01.10.2003 – 01.10.2011)
- Bề trên Tổng quyền: Maria Victoria Đỗ Thị Hồng (01.10.2011 – 05.10.2015)
- Bề trên Tổng quyền: Têrêsa Đoàn Thành Nhiên ( 05.10.2015 – 2019)
- Bề trên Tổng quyền: Cecilia Trần Thi Tuyết (30.9.2019 – 2023)
- LỊCH SỬ CHIẾC ÁO DÒNG
Thời kỳ đầu, các chị em mặc tu phục như dòng kín, gồm: áo chùng trắng, dây thắt lưng, tràng hạt Mân Côi, áo Phép trắng, khăn trắng che trán, áo camail trắng, khăn trùm đen.
Năm 1969, Hội dòng đón nhận đường hướng canh tân Áo dòng của Công đồng Vaticano II.
Năm 1985, Hội dòng bỏ lúp bìa.
Năm 1992, Hội dòng chính thức bỏ áo camail, thay kiểu lúp như thời bây giờ, quyết định đổi áo đen sang áo blue trắng, và các em Thử sinh mặc áo dài trắng thay cho áo dài đen.
- LỊCH SỬ CÁC BẢN LUẬT
Cha chính Bustamente Hy và các Linh mục Đaminh lập Nhà Mụ đầu tiên tại Trung Linh nhưng mãi tới năm 1860 mới có bản luật chính thức bằng chỗ Nôm. Năm 1951, bản Hiến Pháp đầu tiên của Hội dòng được châu phê. Năm 1957, Hội dòng đã in và phổ biến sách Tu luật.
Năm 1969, Hội dòng canh tân Hiến Pháp theo Công đồng Vaticano II.
Năm 1996, Hội dòng đón nhận Hiến Pháp chung của Liên Hiệp Nữ Đaminh Việt Nam, nhưng phải tới năm 2004 Hội dòng mới chính thức sống theo Hiến Pháp của Liên Hiệp Nữ Đaminh Việt Nam. Năm 2019, Hiến pháp Liên Hiệp Nữ Đaminh Việt Nam được tu chính lại.
- CÁC LỚP KHẤN
Từ năm 1952 tới năm 1954 năm nào Hội dòng cũng có lớp khấn. Sau năm 1954 do biến cố di cư, các chị em đã đi gần hết, Nhà tập lại được ký di chuyển tới Thánh Tâm Hố Nai nên Hội dòng thời đó không có lớp khấn. Năm 1957, Hội dòng tái lập Tập viện ở tại tu viện nhà Mẹ, nên tới năm 1959 Hội dòng có lớp khấn trở lại. Thời gian bình an chẳng được bao lâu, do thời cuộc và những cấm cách của Nhà nước. Năm 1964 và năm 1967, Hội dòng không có lớp khấn. Đặc biệt từ năm 1969 tới năm 1977, Hội dòng không có lớp khấn và 20 chị bị trục xuất về quê. Năm 1977, Hội dòng có lớp khấn trở lại nhưng ngay sau đó lại bị ngưng. Đến năm 1980, Hội dòng tiếp tục có lớp khấn, nhưng ngay sau đó lại bị ngưng đến năm 1986. Năm 1987 tới năm 1990, Hội dòng không có lớp khấn. Sau đó có lớp khấn vào năm 1991 rồi cũng lại ngưng. Kể từ 1994 trở đi Hội dòng năm nào cũng có lớp khấn, trừ 2001 và 2013 không có lớp khấn.
- LỊCH SỬ TÊN GỌI CÁC BỀ TRÊN
Người đứng đầu Nhà Mụ, được gọi là Bà Mụ, người đứng đầu Nhà phước được gọi là Mẹ. Khi Hội dòng mới được thành lập, người đứng đầu Hội dòng cũng vẫn gọi là Mẹ, nhưng từ năm 1992 đổi tên thành Bề trên Tổng quyền.
Giúp việc Bà Mụ là Bà Phó, sau được đổi thành Bà Nhì, bây giờ được gọi là: Phụ tá Bề Trên Tổng quyền.
Chị Cai chuyên lo việc đồng áng sau này được gọi là Tổng Quản Lý.
Chị Ả là người chuyên coi sóc đồ lễ, Nhà nguyện, xướng kinh, đọc sách và dậy các chị em mới bước vào tu, ngày nay gọi là các chị Giáo.
- LỊCH SỬ ĐAMINH BÙI CHU VÀ ĐAMINH TAM HIỆP
Năm 1954, do thời cuộc khó khăn, Mẹ Emilia Nguyễn Thị Sê cùng với các chị khấn và các Tập Sinh đã phải bỏ lại Tu viện theo làn sóng di cư vào Miền Nam. Ở Miền Bắc, chỉ còn lại 12 chị khấn, trong đó có chị Lucia Nguyễn Thị Ne – Tổng Cố vấn thứ ba, và chị Tổng Thư ký Antônia Phạm Thị Na, cùng với 15 bà phước và 13 chị giúp việc ở các sở của Dòng. Sau bao ngày lang thang, các chị em di cư cuối cùng đã chọn được khu rừng cây ở Tam Hiệp để định cư. Năm 1955, Đức Cha Giuse Phạm Năng Tĩnh đã đặt chị Maria Trần Thị Mến làm Mẹ đại diện tại Bùi Chu cho Mẹ Emilia Nguyễn Thị Sê đã di cư vào Miền Nam.
Năm 1960, cơ sở Nhà Mẹ ở Bùi Chu được tái lập, và Ban Điều Hành Nhà Mẹ đã đặt Mẹ Emilia Nguyễn Thị Sê làm Mẹ đại diện Miền Sài gòn. Năm 1962, thông tư của Thánh Bộ Truyền Giáo quyết định rằng, các cộng đoàn Dòng tu di cư thuộc thẩm quyền Đức Giám Mục địa phương nơi cộng đoàn di cư đến. Từ đó, Tu viện Đaminh Tam Hiệp tách ra khỏi Nhà Mẹ Đaminh Bùi Chu và không trực thuộc thẩm quyền của Giám mục giáo phận Bùi Chu. Nhưng phải tới 1995 mới biệt lập hẳn theo pháp lý, trở thành Hội Dòng Nữ Đaminh Tam Hiệp.
- LỊCH SỬ KHU ĐẤT THÁNH
Khi Hội dòng từng bước đi vào ổn định, Hội dòng đã mua đất làm nghĩa địa riêng cho chị em qua đời vào năm 1993 trong khóa của Bề trên Tổng quyền Agatha Hoàng Thị Nhài. Năm 2003, Hội dòng nâng cấp và làm lại bia mộ, trong khóa của Bề trên Tổng quyền Lidwina Đinh Thị Sáng. Ngày mùng 03/11/ 2017, Hội dòng đã mua thêm đất, quy hoạch và khởi công xây Thánh Địa mới, trong khóa của chị Bề trên Tổng quyền Têrêxa Đoàn Thành Nhiên. Tới ngày 03/11/ 2018, Thánh Địa mới khánh thành trong tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa.
Nhìn lại những mốc son của Hội dòng trong suốt những năm tháng qua là dịp giúp cho mỗi thành viên trong Hội Dòng sống tâm tình tri ân các Đấng Bậc đã đi trước, những người đã và đang dầy công xây đắp cho sự thăng tiến của Hội Dòng. Đồng thời, giúp cho mỗi thành viên ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong hiện tại, và vạch ra cho Hội dòng những hướng đi mới nhằm không ngừng phát triển Hội Dòng mà vẫn duy trì truyền thống tốt đẹp của các Bà, các Mẹ và các Chị đã để lại.
Rosa Thu Phương
Nguồn sách tham khảo:
Sách Hội dòng nữ Đaminh Bùi Chu, 60 năm nhìn lại
Những tâm tình của chị em trong cuốn Tập San Nắng Mai
Bình luận