– Này em, sao em lại đi tu?
– Đi tu, giống như khi yêu vậy á. Chẳng biết khi nào yêu, tại sao yêu và lúc nào hết yêu.
Câu hỏi của anh làm tôi mất vài giây lặng nghĩ. Câu trả lời của tôi làm anh mất một cái hẹn để nghĩ suy.
—
Đi tu: nên thơ nhưng mênh mang như một mối tình. Tình yêu được ví như cuốn sách dày, đọc mãi, đọc trọn vẫn không thể hiểu. Đời tu cũng thế: ta chẳng thể xác định rõ khi nào bắt đầu thích đi tu, tại sao lại đi tu và có hay chăng giây phút muốn dừng lại!
Sóng, gió bắt đầu từ đâu, nhà thơ không biết, cũng chẳng biết khi nào trái tim đã yêu. Sách tâm lí kể rằng có những người bỗng thức dậy sau một đêm và nhận ra mình đã thương mến một người. Tu sĩ là người may mắn vì được sống trong một buổi sáng như thế. Sau đêm dài trống trải của nội tâm, có giây phút, một người bỗng bừng tỉnh và nhận rõ mình đã yêu – mong yêu – đủ can đảm để nhận lời yêu của Chúa. Chẳng biết toạ độ điểm đầu ở đâu nơi đồ thị, họ chỉ biết chắc chắn niềm hạnh phúc mãnh liệt đang tràn trào nơi tâm hồn, ở vị trí hiện tại – điểm Yêu. Và thế là dấn bước, họ đi tu. Như có người từng chia sẻ: Đi tu, điều kiện quan trọng nhất là yêu Chúa thật lòng.
Có thể lí giải rõ ràng được chăng lí do người tu sĩ đi tu? Thánh Bênađô đã nói: “Tình yêu tự nó đủ cho nó, nó tự hài lòng với nó và nó là mục đích của chính nó. Nó là chính công nghiệp của mình và là phần thưởng cho mình. Tình yêu không tìm gặp căn cứ ở ngoài mình. Hiệu quả của nó là chính việc yêu mến. Tôi yêu là vì tôi, và tôi yêu là để tôi yêu.” Cũng vậy, khi đi tu, người tu sĩ đích thực bước đi cách nhẹ nhàng với sức đẩy mãnh liệt của tình yêu. Bao khó khăn vượt qua, bao đau khổ coi nhẹ, tựa như một phép nhiệm màu. Vì yêu nên đi tu hay vì đi tu chính là yêu?
Có đoán biết được chăng khi nào một người muốn dừng tu? Sợ đứt gánh, sợ dừng lại giữa đường, nơi vừa xa đích tới vừa xa điểm xuất phát làm bao người đắn đo trước và trong khi đi tu. Nhưng sách Diễm Ca đã viết: “Vì tình yêu lớn mạnh như cái chết, và sức ảnh hưởng của nó thì da diết như âm phủ, ngọn lửa tình là ngọn lửa nồng nàn, cả thác lũ cũng không thể dập tắt, đến sông cả cũng chẳng thể nhận chìm.” Nếu lòng mến Chúa và đời dâng hiến thực sự hiện hữu, người tu sĩ không lo tình yêu tan biến. Có khó khăn, trắc trở, có ngắt quãng tình yêu, nhưng tình yêu chẳng khi nào rảo bước rời xa. Tình yêu ấy tựa như một sợi dây: Chúa giữ một đầu, đầu dây phía kia, người tu sĩ cầm. Dẫu vô tình hay hữu ý đánh rơi, sợi dây vẫn ở đó, vững chắc trong tay Thiên Chúa. Chỉ cần người làm rơi vẫn ghi nhớ toạ độ điểm rơi, họ sẽ mau chóng tìm lại được đầu dây. Cầm lấy. Tình yêu tìm lại. Đời tu tiếp nối.
Theo gương Thánh Âu tinh trong những mênh mang, vô tận của Chân lý, người tu sĩ cũng có thể thưa: “Con chẳng còn ao ước biết Chúa rõ hơn, nhưng chỉ muốn bám lấy Người chắc hơn mà thôi.”
—
Ngày ấy, anh bảo tôi: “Anh hẹn lần yêu sâu đậm sẽ suy nghĩ thêm về lời em nói”. Còn tôi, một tu sinh đang chập chững những bước đầu, hẹn bản thân cố gắng yêu Chúa thêm sâu đậm mỗi ngày, để vững bước, để trọn đường tu, dù chẳng biết rõ khi nào – tại sao – lúc nào.
Phương An