Trong khoảng thời gian sau khi Hội dòng được thành lập (1951), xã hội lúc đó vẫn trong tình trạng xáo trộn và căng thẳng giữa hai thế lực Pháp và Việt Minh. Nhưng Hội dòng còn non trẻ này vẫn được tiếp tục củng cố và phát triển.
I. SỐ LƯỢNG NỮ TU
- Các lớp khấn đầu tiên
Ngay sau khi thiết lập Hội dòng, chị em được qui tụ và thực hiện chương trình đào tạo. Lớp Tập sinh đầu tiên gồm 37 chị em được chính thức khai mạc với nghi thức mặc áo long trọng tại Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu lúc 3 giờ chiều ngày 03/8/1951. Chính Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi chủ sự nghi thức này. Và một năm sau, 27 chị đầu tiên đã hoàn tất năm Tập theo Giáo luật và Hiến pháp được tuyên khấn tạm lần nhất.
Lớp Khấn đầu tiên tại Bùi Chu
Thánh lễ khấn lần đầu tiên của Hội dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu, vào lúc 8 giờ sáng ngày 04/8/1952 lễ kính thánh Tổ phụ Đa Minh. Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi chủ sự thánh lễ cùng đông đảo các cha đồng tế, các quan khách đạo đời. Vì Hội dòng chưa có chị em nào đủ điều kiện thi hành chức vụ như Hiến pháp quy định, nên các chị khấn trong tay Đức cha Phêrô Maria và trước mặt hai nhân chứng là cha Giuse Hoàng Mạnh Hiền, OP. phụ trách huấn luyện, và cha Giuse Phạm Năng Tĩnh Thư ký Tòa Giám mục Bùi Chu.
Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi
Một năm sau, Hội dòng có thêm 16 chị được khấn trong 3 đợt ngày 30/4/1953, ngày 05/8/1953 và ngày 22/8/1953. Và năm kế tiếp (ngày 30/4/1954) có thêm 11 chị khấn nữa. Chị giám Tập Agapès Nguyễn Thị Mát đã khấn ngày 04/8/1952 là một trong 2 vị chứng khấn cho các chị em.
Tổng cộng trong giai đoạn 1951 – 1954 có 5 lớp khấn với 54 nữ tu khấn dòng theo đúng Giáo luật và Hiến pháp. Một số chị em vì yếu kém không thể khấn dòng thì trở về sống bậc nhà phước như trước.
- Nguồn gốc xuất thân và độ tuổi
Trong số các nữ tu có lời khấn chính thức trong giai đoạn có 37 chị là người gốc địa phận Bùi Chu; 14 chị thuộc Thái Bình; 2 chị thuộc Hải Dương và 1 chị thuộc Bắc Ninh.
Vì nhiều chị đã gia nhập nhà mụ khá lâu trước khi được khấn Dòng, cho nên độ tuổi của các chị trong lớp khấn lần đầu có sự chênh lệch rất lớn. Độ tuổi phổ biến nhất là từ 21 – 50 tuổi, và độ chênh lệch giữa một chị cao niên nhất (64 tuổi) và một chị trẻ nhất (17 tuổi) là 47 tuổi. Điều này chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến đời sống cộng đoàn, việc đào tạo, quản trị, sứ vụ của Hội dòng, đặc biệt trong thời kỳ đầu mới thành lập.
II. CÁC CƠ SỞ TRỰC THUỘC
Theo hồ sơ xin lập Dòng, Đức cha Phêrô Maria đã đệ lên Tòa Thánh xin lập Tập viện và 6 Tu viện từ các nhà mụ Đa Minh trong địa phận và các nhà đó sẽ hợp thành một Hội dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam có trụ sở nhà Mẹ tại Bùi Chu. Hiến pháp năm 1951 (bản dịch 1960) của Hội dòng quy định tính pháp lý của các cơ sở của Hội dòng như sau:
“Các nhà thuộc về Dòng, có thứ nhà hợp lệ là nơi có ít là sáu chị Ca sỹ đã khấn ở, có thứ gọi là nhà chưa hợp lệ là không có đủ số chị khấn đó. Lại có thứ gọi là nhà xép không phải là một pháp nhân, không có Bề trên riêng, cũng như tài sản riêng, chỉ là chi nhánh thuộc về một nhà nào khác” (số 367).
“Lại trong các nhà hợp lệ, có thứ ta gọi là nhà lớn như nhà Tập và các nhà đã được Bề trên Cả cùng với phiếu quyết định của Hội đồng Tổng tư vấn công nhận. Bà Bề trên của những nhà lớn này được gọi là Tu viện trưởng, và bà Phó Bề trên gọi là Phó Tu viện trưởng. Theo Hiến pháp đòi, nhà lớn phải có ít là ba mươi chị Ca sỹ ở, hay đã được chỉ định vào đó, không kể Bà Bề trên” (số 368).
Hiến pháp phân biệt rõ nhà hợp lệ (domus formatae, có thể gọi là tu viện), nhà chưa hợp lệ (domus non formatae, có thể gọi là tu xá), nhà xép (domus filiales: nhà con), nhà lớn (domus maiores) tùy theo số chị khấn, chức năng và tính pháp nhân. Tuy nhiên, vào lúc này một số quy định của Hiến Pháp chưa được áp dụng chặt chẽ. Các nhà đã được sát nhập thành cơ sở của Hội dòng, cho nên sau khi khấn, chị em có thể được thuyên chuyển tới những nơi cần thiết theo nhu cầu của Hội dòng. Nhìn chung, từ năm 1951-1954, Hội dòng có 7 nhà chính thức: Bùi Chu, Phú Nhai, Trung Lao, Quần Cống, Liễu Đề, Sa Châu, Trung Lễ, trong đó 1 cộng đoàn giải thể (Trung Lễ) và 20 điểm (nhà xép) hoạt động tông đồ. Xin sơ lược về 7 tu viện này.
- Nhà Mẹ Bùi Chu
Theo lưu truyền, nhà mụ Bùi Chu đã có từ đầu khi các nhà thừa sai dòng Đa Minh tỉnh dòng Philippines đến truyền giáo tại địa phận Đông Đàng Ngoài (năm 1676). Nhưng có lẽ niên biểu được chấp nhận hơn là năm 1715 khi các Cha Chính (vicarii provinciales) dòng Đa Minh quy tụ các trinh nữ Dòng Ba lại với nhau để trợ giúp các nhà truyền giáo.
Nhà Mụ này nằm trong làng Bùi Chu, bên cạnh Toà giám mục, dọc phía Bắc Nhà thờ Chánh Toà, bên cạnh nhà dục anh (còn gọi là nhà thiên thần, nhà nuôi trẻ mồ côi), phía sau áp đồng ruộng xã Liên Thuỷ.
Qua nhiều năm tháng, nhà Bùi Chu luôn giữ được số nhân sự khá cao, từ 50 đến 60 chị em gồm đủ các thành phần: bà Nhất, bà Nhì, cô giáo (dì phước coi sóc các em mới tu), các bà già cố, các bà Nhất, bà Nhì cựu; phần lớn là các chị mào đen (chị đã khấn dòng ba) và có nhiều chị mào trắng (chị trong năm tập dòng ba).
Công việc thường ngày của chị em là làm các nghề như: bán thuốc viên và đơn thuốc rất nổi tiếng, thêu áo lễ, đan ren, may áo, dệt vải, dệt chiếu, chăn nuôi … Nhà có nhiều ruộng tư điền,[1] vì canh nông vi bản.[2] Chị em còn quản lý và làm việc tại các sở (tức là các địa điểm trực thuộc Dòng) như: Nhà dục anh của địa phận Bùi Chu, sở tiếp tế Đại chủng viện Albertô Nam Định giúp việc bếp núc và may áo chức cho các thầy, nhà trường Nam Định nuôi trẻ lưu trú, sở chuộc em Phong Lộc, sở Quần Phương và Sa Châu, sở đồng Hà Cát, sở đồng Xuân Thuỷ. Và từ nhà Bùi Chu này đã nảy sinh ra các nhà con như nhà phước Trung Đồng, Thân Thượng và An Lập (Thái Bình).[3] Vì thế nhà Bùi Chu là trung tâm của các nhà mụ trong địa phận để cấm phòng và học tập, có khi là nơi câu lưu (dành cho ít chị em để đền tội hoặc cứu xét).
Từ năm 1942-1951, nhà Bùi Chu có hơn 60 chị[4] dưới sự chăm sóc của bà nhất Êmilia Nguyễn Thị Sê. Khi Hội dòng được thiết lập năm 1951, nhà Bùi Chu được chọn làm nhà Mẹ có nhà Tập, nhà Thử và nhà Đệ tử với những khu vực riêng biệt, vì nhà rộng 2 tầng có thể dung nạp nhiều chị em và vì tài chánh dồi dào, công nghệ phát đạt. Do đó nhân số tăng lên khá đông, gồm có đủ các thành phần từ các nhà khác trong địa phận quy tụ về: Các chị lớn thì vào nhà Tập, các chị bé thì đi học đệ tử. Chỉ còn một số chị em bậc giúp (những người xin tu mà chưa biết chữ, hoặc vì kém trí, hoặc vì không có cơ hội học) tiếp tục công việc tay chân. Trong tình cảnh đó, Bà Êmilia chưa được vào nhà Tập ngay, mà phải tiếp tục quán xuyến mọi công ăn việc làm trong nhà dòng sao cho ổn định.
Hiện nay tu viện Bùi Chu là Trụ sở Hội dòng Đa Minh Bùi Chu thuộc xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
- Nhà Phú Nhai
Theo tương truyền, nhà mụ Phú Nhai được thành lập năm 1873. Tu viện nằm liền sau sở nhà chung của Cha Chính dòng Địa phận. Phía Tây, giáp nhà ông huyện Thủ. Đời cha Y, OP. và cha Định, OP. coi xứ Phú Nhai và làm bề trên nhà mụ, các ngài đã giúp đỡ chị em về tinh thần và vật chất nhiều. Tuy có 48 chị kém hơn nhà Bùi Chu nhưng vẫn nhiều hơn nhà khác gồm đủ nhân viên quản trị, chị em mào đen, mào trắng[5]. Về văn hoá, chị em học trường tiểu học của xứ Phú Nhai, và bà Nhất cũng rước cô giáo dạy riêng chị em, nên nhiều chị em thông thạo, có thể dạy lớp tiểu học. Các nghề chủ yếu của chị em là làm thuốc viên, chăn nuôi, dệt vải,… Nhà phú Nhai có khá nhiều ruộng, 20 mẫu ở Phú Nhai và 93 mẫu tại ấp Phú Hương.
Các chị em quản lý và làm việc tại các nhà thương Phú Nhai, Phục Lễ, Quỳnh Lang, Nam Lỗ, Thức Hoá, Hạc Châu, Bồng Tiên, Quất Lâm, Trực Chính, Bình Hải, Lạc Thành, Ngô Đồng, Đại Đồng, Đông Thành, Ấp Lũ, Giáo Phòng, Báo Đáp. Ngoài ra, một số chị em đi coi sở đồng Phú Hương và Quỹ Trung. Nhà Phú Nhai cũng đã sinh ra nhà phước Đông Thành, Phương Xá (Thái Bình).[6]
Năm 1951, nhà Phú Nhai trở thành tu viện của Hội dòng mới với hơn 30 chị. Nay là Tu viện Rosa Lima Phú Nhai, trực thuộc Hội dòng Đa Minh Bùi Chu thuộc xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
- Nhà Trung Lao
Quá trình hình thành của nhà Trung Lao được thuật lại khá tế nhị. Khi Đức cha Deydier Điển kế nhiệm Đức cha Pallu coi sóc địa phận Đông (1678) ngài đã lập thêm 3 nhà Mến Thánh Giá tại Trung Lao, Giao Thủy và Bùi Chu. Sau khi Đức cha qua đời, Địa phận Đông được Toà Thánh chính thức uỷ nhiệm cho các cha dòng Đa Minh (từ năm 1693). Trong khi các cha Đa Minh lo lắng chăm sóc cho các chị về đàng linh hồn, thì nhà Mến Thánh Giá Trung Lao được đổi thành Nhà mụ Dòng ba Đa Minh.
Trước thời kỳ cấm đạo của triều đình Nguyễn (trước năm 1862), ở Trung Lao có 2 nhà Dòng ba Đa Minh: một ở xóm Bắc Thượng và một ở tại Tu viện ngày nay. Sau thời bị bách hại, Đức cha Benarbé Cezón Khang làm Giám mục (1865-1879) truyền cho 2 nhà hợp làm một.
Địa điểm của nhà Trung Lao được đặt bên cạnh dinh cụ Thượng Nhạ, bá chủ làng Trung Lao, xóm Trung Hoà, cách nhà thờ xứ tới 5 hay 6 đạc (khoảng 300m). Trong nhà có khoảng 30 người, gồm các bà, các chị mào đen, các em mào trắng. Vì nhà ít người, nên việc học văn hóa không được tiến triển. Nghề nghiệp chủ yếu của cộng đoàn là làm thuốc viên đi chợ bán, dệt vải, chăn nuôi,… Nhà Trung Lao có khoảng 30 mẫu ruộng tư điền tại đồng nhà. Ngoài ra, chị em còn phục vụ tại nhà thương của nhà xứ, nhà thương An Bài, Giáo Lạc, Tương Nam; coi nhà giáo Xối Trì và Cổ Lễ, Đông Thượng. Từ nhà Trung Lao cũng nảy sinh nhà phước Bái Bồ Trang (Thái Bình).[7]
Vào thời Đức Cha Petro Munãgorri Trung (1907 – 1936), nhà dòng Trung Lao có 27 người, bà Maria Ga được tiến cử làm bề trên và kế nhiệm là bà Maria Công. Năm 1945, bà Maria Dâng được đề cử làm bề trên nhà dòng.[8]
Năm 1951, nhà Trung Lao thành tu viện thuộc Hội dòng mới với 25 chị khấn. Nay là Tu viện Vô Nhiễm Trung Lao trực thuộc Hội dòng Đa Minh Bùi Chu, thuộc xã Trung Đông, Huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
- Nhà Quần Cống
Theo Sử ký Địa phận Trung[9], nhà Quần Cống nguyên gốc Lục Thuỷ Thượng. Đến năm 1861, chị em phải bỏ làng đến họ Kẻ Rèm (nay thuộc địa phận Thái Bình). Và năm 1863, cha chính Hoà đưa chị em về lập nhà mụ tại Quần Cống. Nhân số có khoảng 30 chị gồm cả các chị mào đen, các em mào trắng. Các bà cũng rất quan tâm lo cho các em đi học văn hoá. Chị em làm thuốc viên, nuôi tằm, dệt vải, dệt chiếu, chăn nuôi,.. để sinh sống. Ngoài những công việc trong nhà, chị em còn phụ trách nhà thương Văn Lý và Mỹ Đình; trông coi sở ruộng Cát Xuyên trại, Xuân Đài.[10]
Từ 1951, nhà mụ Quần Cống trở thành cơ sở của Hội dòng mới với hơn 20 chị đã khấn Dòng Ba. Nay là Tu viện Têrêsa Quần Cống trực thuộc Hội dòng Đa Minh Bùi Chu, thuộc xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
- Nhà Liễu Đề
Theo lưu truyền, nhà này hình thành tại xứ Liễu Đề vào khoảng thế kỷ XIX. Trước năm 1820, đã có 1 nhà phước Đa Minh với 18 chị em[11]. Tuy nhiên có tài liệu khác cho rằng nhà Liễu Đề được hình thành khoảng năm 1894–1895 do cha Stephanô Phạm Đức Minh xây dựng, để các phụ nữ giúp việc nhà xứ sinh sống và hoạt động tông đồ. Năm 1896, cha Phêrô Phạm Đình Dụ hưởng ứng “phong trào thiên thần”, nhận trẻ mồ côi, tật nguyền, hấp hối, rồi giao cho các phụ nữ nói trên nuôi dạy. Ngài cũng nhận những chị em goá và trinh nữ muốn dâng mình cho Chúa, sống cộng đoàn, sống khiết tịnh, tuân giữ lề luật Nhà Mụ bằng chữ Nôm[12].
Nhân số khoảng 30 người, có các bà, các chị mào đen, các em mào trắng.[13] Về văn hoá, các bà cho các em học lớp sơ đẳng tiểu học trường nhà xứ Liễu Đề. Chị em làm nghề thuốc viên, dêt vải, nuôi tằm, nuôi heo,… Chị em sở hữu 22 mẫu ruộng tư điền ở đồng Liêu Ngạn. Ngoài ra, chị em phụ trách các sở: coi nhà thương xứ Lý Nghĩa, Bình Hải, coi sở ruộng Liêu Ngạn.[14]
Năm 1951, nhà Liễu Đề có 23 chị em sát nhập chung thành cơ sở của Hội dòng. Hiện nay là Tu xá Mẹ Sầu Bi Liễu Đề trực thuộc Hội dòng Đa Minh Bùi Chu, tại Xóm Bắc, thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
- Nhà Trung Lễ
Theo lưu truyền, nhà Trung Lễ đã có từ lâu (nhưng vì giấy tờ mất hết trong thời kỳ cấm đạo nên không biết rõ có từ khi nào). Nhà mụ này ở họ lẻ Trung Lễ thuộc xứ Liên Thủy. Nhà cửa của nhà mụ chắc chắn. Nhà nguyện được xây ngay đầu nhà thờ họ Trung Lễ, kiểu như nhà xứ. Chị em được dân làng tín nhiệm và trọng kính. Có 2 chị quản nhà thờ, đọc sách, ngắm nguyện như thầy giảng, chị em thường xuyên đi giúp kẻ liệt.
Nhà mụ có khoảng 30 người, có đủ các bà, các chị mào đen, các em mào trắng. Văn hóa của chị em được quan tâm phát triển; đời cha Huy phụ trách các nhà mụ Liên Thủy đã bó buộc chị em học văn hóa. Chị em thường làm các công việc sinh kế như dệt vải, nuôi tằm, làm thuốc viên, chăn nuôi,… Nhà Trung Lễ có 10 mẫu tại đồng Trung Lễ, 30 mẫu ở đồng Cát Xuyên. Ngoài ra, chị em còn quản nhà thờ họ Trung Lễ, phục vụ tại nhà thương Lục Phương, Cồn Tròn, Cổ Việt, Sa Châu, Hai Giáp và giúp sở tiếp tế Chủng viện Ninh Cường. Từ nhà này cũng đã nảy sinh nhà mụ Cổ Việt (Thái Bình).
Đến năm 1951, nhà Trung Lễ trở thành một trong những cơ sở của Hội dòng trong đó có hơn 30 chị đã khấn dòng Ba. Nhưng sau đó, Đức cha Phêrô Maria đề nghị chị em nhượng lại cơ sở cho dòng Đồng Công làm nhà Tập. Vì vậy, một số chị em xin nhập nhà mụ Cổ Việt (Thái Bình). Các chị em còn lại được cha Giám đốc Giuse Phạm Năng Tĩnh đưa về Bùi Chu và Phú Nhai.[15]
- Nhà Sa Châu
Nhà Sa Châu trước là nhà mụ Dòng Ba Đa Minh ở Phú An thuộc xứ Liên Thủy. Năm 1942 được phép Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn, chị em chuyển xuống Sa Châu (thuộc miền Giao Thuỷ), vì Sa Châu lại là xứ có nhà thờ lớn, nhà thương rộng rãi và hàng xứ yêu cầu thành lập nhà mụ.
Nhà Sa Châu là sở nhà thương cũ, tọa lạc ở cuối nhà thờ xứ, thuộc lân (thôn) Tây Thắng, áp bờ hồ xưa. Trong nhà có khoảng 30 chị em, gồm các bà, các chị mào đen, các em mào trắng.[16] Các bà rước cô giáo dạy văn hoá cho các em mào trắng. Chị em có nghề làm thuốc viên, làm mắm, dệt vải, chăn nuôi,… quản lý 5 mẫu ruộng tại Sa Châu, và hơn 9 mẫu tại Cát Xuyên trại (Cát Phú). Ngoài ra, còn phụ trách các sở nhà thương Bách Tính, Lác Môn.[17]
Vào lúc thành lập Dòng 1951, nhà Sa Châu có 30 người. Năm 1988, Đức cha Giuse Vũ Duy Nhất lấy nhà Sa Châu làm cơ sở cho dòng Mẹ Maria Thăm Viếng Bùi Chu. Nay là Tu viện Mẹ Thăm Viếng Sa Châu tại thôn Tây Thắng, xã Giao Châu, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định.
Như vậy, 7 tu viện (domus formatae) lúc đầu hợp thành Hội dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam có trụ sở nhà mẹ là Bùi Chu. Từ sau biến cố Tổng di cư năm 1954 và cho đến ngày nay, các cơ sở này trực thuộc Hội dòng Đa Minh Bùi Chu, và chỉ còn là địa danh lịch sử thuộc về dĩ vãng của Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp mà thôi.
III. VIỆC ĐÀO TẠO
Trong Hội dòng mới thành lập, các phần tử cần phải được đặt nền vững chắc bằng việc đào tạo toàn diện, cả về văn hóa và tu đức, để có thể kiện toàn ơn gọi Đa Minh và thi hành sứ vụ dòng.
- Điều kiện gia nhập
Hiến pháp Hội dòng 1951 số 22 quy định các điều kiện để được nhận vào, ứng sinh phải là thiếu nữ Công giáo, không mắc các ngăn trở nào, nhất là khi vào nhà Tập, chiếu theo Giáo luật 1917, đ.542 phải có ý ngay lành làm tôi Chúa, lo việc thánh hóa bản thân, cứu rỗi các linh hồn bằng những phương thế chính đáng đã chỉ trong Dòng và có khả năng chịu nổi các sự khó khăn nặng nề và thực hiện các nghĩa vụ trong Dòng.
Giai đoạn này chưa đòi hỏi điều kiện về trình độ văn hóa đối với các ứng sinh. Vì thời đó, phụ nữ ít được học chữ nghĩa, không học để tiến thân bằng khoa bảng như nam giới. Mặt khác môi trường sống của chị em phần lớn ở miền nông thôn, nên tiêu chuẩn nhận ứng sinh chủ yếu chỉ dựa trên đời sống luân lý và đạo đức. Tuy nhiên, khi được nhận vào Dòng, chị em sẽ phải chăm chỉ học để có thể đáp ứng những nhu cầu cho đời sống tu trì và sứ vụ sau này.
- Quá trình đào tạo văn hóa và tu đức
Các ứng sinh khi được nhận vào Hội dòng, nếu đã đậu tiểu học thì sẽ được tiếp tục theo chương trình trung học tại nhà dòng, đây là thời gian Đệ tử. Hết thời gian Đệ tử, nếu được nhận xét là có ơn kêu gọi thì sẽ qua nhà Thử 6 tháng. Sau đó các em sẽ vào nhà Tập ngặt một năm trọn; khấn tạm lần nhất 3 năm, khấn lần hai 2 năm nữa, rồi mới khấn trọn đời.
a. Những vị hữu trách
Để thi hành sắc lệnh cho công cuộc cải tổ trước hết bằng việc đào tạo, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đã đặt cha Giuse Hoàng Gia Huệ làm Giám đốc Tu viện Đa Minh. Cha Giuse Huệ liền giới thiệu và xin Đức cha nhờ cha Giuse Hoàng Mạnh Hiền, dòng nhất Đa Minh về làm huấn luyện viên trong thời kỳ đầu để tổ chức Hội dòng đúng kiểu mẫu Đa Minh. Được sự đồng ý của Cha Bề trên Phụ tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam, cha Giuse Hoàng Mạnh Hiền đã đến phụ giúp cha Giám đốc Giuse Hoàng Gia Huệ và ở dưới quyền tối cao của Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi. Nhưng vì cha Giuse Huệ đang làm quản hạt Quần Phương cách Bùi Chu 15 cây số, nên người uỷ toàn quyền bề trên cho cha Giuse Hoàng Mạnh Hiền để lo mọi việc từ tinh thần, văn hóa đến vật chất cho chị em.
Vừa nhận nhiệm vụ, Cha Giuse Hiền liền cho mời các bà nhất của 7 nhà phước về Bùi Chu để họp bàn về việc kê khai danh sách, trình độ văn hoá, hạnh kiểm của từng chị em và quyết định việc đóng góp cho những chi phí huấn luyện chị em vào nhà Tập. Các vấn đề này được Đức cha chấp thuận và cho thi hành mau lẹ. Tuy nhiên, sau đó, vì cha Giuse Hiền được bổ nhiệm làm Bề trên Tu viện Đa Minh ở Nam Định và cha Giuse Huệ ở trong vùng Việt Minh không được phép đi về Bùi Chu, cho nên vào tháng 8/1953, Đức cha trao công việc huấn luyện này cho cha Giuse Phạm Năng Tĩnh Thư ký Tòa giám mục Bùi Chu.
b. Các mặt đào tạo
Trong giai đoạn này, chị em được đào tạo song song về văn hóa và tu đức.
Tuy sống trong thời chiến sự vẫn ngày ngày diễn ra xung quanh và có phần trở nên căng thẳng ác liệt, nhưng cơ hội học hành vẫn mở ra cho chị em: trường Trung học công lập Hồ Ngọc Cẩn (thành lập năm 1949 tại Trung Linh, Bùi Chu) cũng có mặt một số em đệ tử và các em đỗ văn bằng phổ thông (Trung học đệ nhất cấp). Một số em khác được lên học tại tỉnh Nam Định, ở nếp nhà Notre Dame do cha Giuse Phạm Năng Tĩnh mua lại của các sư huynh. Nhờ vậy các chị em đạt được nhiều văn bằng tiểu học ở tỉnh Bùi Chu và Nam Định[18].
Ở nhà, với sự xếp đặt của cha Giuse Hoàng Mạnh Hiền, chị em được học Phúc âm, Tinh thần Dòng, Giáo lý, Giáo luật, Thánh mẫu học, Tu đức, Ba lời khấn, luật dòng…[19]. Lúc đầu chính Đức cha Phêrô Maria dạy môn Giáo luật và Tu đức cho chị em. Hàng tuần ngài còn dạy nhân bản và tập hát cho cả nhà. Riêng với các chị Tập sinh lớn tuổi, tuy đã được Tòa Thánh chuẩn chước năm Tập ngặt theo Giáo luật, nhưng trong thực tế, không có chị nào khấn mà không qua thời gian Tập này. Lý do là vì các vị phụ trách thấy rõ đây là thời gian quan trọng và rất cần thiết cho các chị có cơ hội học hiểu cách cặn kẽ luật dòng và tập sống nếp tu trì vững chắc, để có thể trở nên rường cột cho các thế hệ tương lai.
Dù vậy, việc học hành của chị em cũng gặp nhiều trở ngại từ bản thân hoặc hoàn cảnh, như: thiếu tài liệu sách vở, khả năng tiếp thu giới hạn, thói quen làm công việc chân tay hơn là học hành. Một kinh nghiệm khổ chế trong học hành được các chị lớn tuổi kể lại như sau:
Trong Năm Tập đầu tiên, các Mẹ các bà các chị em lớn tuổi không có sẵn sách Hiến pháp bằng tiếng Việt. Cha Bề trên Hiền chỉ dịch dần dần những đoạn nào cần thiết để cắt nghĩa, rồi đọc cho chị em viết, được chữ nào hay chữ ấy. Ai tỉnh tai nhanh tay mới vớt vát được ít câu. Còn Đức cha Phêrô Maria dạy chị em về Giáo luật, nhưng vì bận việc Địa phận nên thỉnh thoảng Đức cha mới ra được một lần. Đức cha dịch tiếng Latinh ra đọc, chị em cũng chỉ lõm bõm chữ được chữ không. Còn Quy tắc dòng Địa phận thì chẳng nghe thấy tên tuổi nó bao giờ,… Ôi, cả là một sự thiệt hại về tinh thần do hoàn cảnh đã xui nên![20]
Với tầm nhìn xa và nhờ có những mối tương quan rộng rãi, Đức cha Phêrô Maria đã quan tâm đến việc việc đào tạo và học hành của các linh mục và các nữ tu thuộc dòng Địa phận khi mới về Địa phận. Đức cha đã tạo điều kiện cho một số chị em du học tại Mỹ và Pháp mặc dù khi đó trình độ văn hóa của chị em chưa có là bao, trong đó có cả các em đệ tử nữa. Chính cha Giuse Hiền đã dạy sinh ngữ cho các chị chuẩn bị du học này.[21]
Việc đào tạo kỹ lưỡng, toàn diện về văn hóa và tu đức đã trang bị cho chị em có những khả năng cần thiết để có thể sống ơn gọi tu sĩ, nhất là dần thấm nhuần hơn linh đạo dòng Đa Minh, và phần nào đáp ứng những nhu cầu cần thiết của Địa phận thời bấy giờ.
IV. VIỆC QUẢN TRỊ
Theo hướng dẫn của Giáo Hội, đời sống tu trì trong Hội dòng chuyển mình từ nếp sống nhà mụ sang nếp sống của một tổ chức tu trì thực thụ, theo những quy định của Hiến pháp Hội dòng.
- Bảo đảm kỷ luật tu trì
Cha Giuse Hoàng Mạnh Hiền
Thời kỳ này, chị em được đào tạo và huấn luyện để thực hành ba lời khấn dòng, kỷ luật tu trì và tinh thần dòng Đa Minh dưới sự hướng dẫn trực tiếp tận tình và nghiêm minh của cha Giuse Hoàng Mạnh Hiền.
Nơi tu viện mới mẻ này, cha vừa là giáo sư, giáo tập, bề trên và linh hướng. Cha dạy các đệ tử về văn hoá theo chương trình phổ thông với mọi bộ môn cả đạo lẫn đời; Cha huấn luyện các tập sinh vào đời sống trọn lành theo tinh thần dòng Giảng thuyết và luật Giáo Hội; ngài lo lắng, chăm sóc hết mọi phần tử về mọi phương diện. Cha rất thẳng ngặt trong việc thi hành luật pháp: những phần tử lỗi luật, cha nghiêm minh trừng phạt, và nếu cần cho lệnh thải hồi không tiếc xót; ngài công bằng khi xét xử, không vị nể ai, không lệ thuộc vào những liên hệ gia đình, tuổi tác hay chức vụ…[22]
Dù chưa có điều kiện học và thi hành tất cả các khoản Hiến pháp, nhưng chị em vẫn tiếp tục tuân giữ nếp kỷ luật khá nhiệm nhặt với tinh thần mới của những nữ tu có lời khấn chính thức theo Giáo luật.
Lên thay cha Giuse Hiền, Cha Giám đốc mới Giuse Phạm Năng Tĩnh cũng quan tâm lo cho đời sống tinh thần của chị em. Cha giúp các Bề trên có những kiến thức cần thiết để coi sóc chị em với cuốn Sách đầu giường cho các Bà mẹ Bề trên của Đức cha Hồ Ngọc Cẩn. Cha cũng soạn thảo một Bản điều lệ riêng cho các em đệ tử học tại trường tiểu học Bùi Chu và trung học Hồ Ngọc Cẩn ở Trung Linh.[23]
- Việc quản trị
a. Ban quản trị tạm thời
Đức Cha Giuse Phạm Năng Tĩnh – Cha Bề trên của Hội Dòng từ 3.1953 – 9.1954
Như đã nói ở trên, ngay sau khi thành lập Hội dòng, Đức cha Phêrô Maria đã cắt cử các cha Giuse Hoàng Gia Huệ, cha Giuse Hoàng Mạnh Hiền và cha Giuse Phạm Năng Tĩnh điều hành Hội dòng mới, thường gọi là cha bề trên hay cha giám đốc. Sau khi có các chị khấn lớp đầu tiên, các cha cũng cắt đặt một số chị tạm thời lãnh trách nhiệm và giúp chị em tổ chức Đại hội đồng tiên khởi của Hội dòng.
Tháng 5/1952, cha Giuse Hiền tạm thời cắt đặt các chức vụ cho nhà Mẹ Bùi Chu trong thời kỳ đầu: Bà Agnès Sâm làm Bề trên nhà, bà Joanna Nhẫn làm bà phó Bề trên nhà, chị Afra Vâng và chị Lucia Ne làm cố vấn, chị Margaritta Hoa làm quản lý, chị Clara Sáng làm thơ ký, chị Agapès Mát làm giáo Tập, chị Hosanna Hường (Nguyễn Thị Hường) và chị Agrippina Suy làm giáo đệ tử.[24]
Đến thời cha Giám đốc Giuse Phạm Năng Tĩnh phụ trách, người cũng tận tụy lo cho nhà dòng từ vật chất đến tinh thần. Kế hoạch xây nhà đệ tử đang được trù tính thực hiện thì gặp biến cố Tổng di cư.[25]
b. Đại Hội đồng lần I
Sau lớp khấn thứ 5, ngày 30/4/1954, Hội dòng có được hơn 50 nữ tu, tạm đủ số chị em để thi hành Hiến pháp về việc quản trị trong Hội dòng. Cha Giám đốc Giuse Phạm Năng Tĩnh hướng dẫn và giúp chị em tổ chức Đại Hội đồng tiên khởi này.
Hai Biên bản Hội đồng chung còn lưu tại Văn khố cho biết Đại hội đồng có 11 đại biểu tham dự. Đó là:
- Bà Joanna Nhẫn – Bề trên nhà Bùi Chu
- Bà Agnès Sâm – Bề trên nhà Nam Định
- Bà Lucia Ne – Bề trên nhà Phú Nhai
- Bà Afra Vâng
- Bà Agapès Mát
- Bà Balbina Ry
- Bà Hosanna Hường
- Bà Magdalena Nhiệm
- Bà Margarita Hoa
- Bà Antonia Na
- Bà Êmilia Sê.
Đại Hội đồng tiên khởi diễn ra từ lúc 9g00 đến 11g15 ngày 06/6/1954, trải qua 2 phiên họp,[26] để thực hiện công việc cần thiết trước nhất cho Hội dòng lúc này là bầu Ban quản trị chính thức theo Hiến pháp.
* Phiên họp thứ nhất:
Vào chính ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, lúc 9 giờ ngày 06/6/1954, dưới sự chủ tọa của cha Giám đốc Giuse Phạm Năng Tĩnh – đại diện Đức Giám mục Địa phận, 11 đại biểu đã hiện diện đầy đủ tại phòng hội nhà Bùi Chu để khai mạc Đại Hội đồng. Sau khi đã bầu 2 bà kiểm phiếu và một bà thư ký Hội đồng theo Hiến pháp số 285 (bản dịch 1960), các đại biểu bỏ phiếu kín bầu Bề trên Cả, lưu ý đến phép chuẩn của Tòa Thánh ban hành ngày 21/3/1951 về những điều kiện thông thường phải có cho một Bề trên cả.
Kết quả là Bà đáng kính ÊMILIA NGUYỄN THỊ SÊ đắc cử Bề trên Cả nhiệm kỳ 6 năm (1954 – 1960).
Toàn thể tu viện đã tề tựu ở nhà hội chung, cha Giuse Phạm Năng Tĩnh, đại diện Đức Giám mục chủ tọa cuộc bầu cử tuyên bố và công nhận bà Êmilia Nguyễn Thị Sê là Bề trên Cả Dòng. Cả nhà nhận quyền Bà theo nghi lễ dòng, rồi lên nhà nguyện hát kinh Te Deum để tạ ơn Chúa.
* Phiên họp thứ hai:
Ngay sau nghi thức nhận quyền của Bề trên Cả, vào lúc 10 giờ ngày 06/6/1954, phiên họp thứ hai được bắt đầu. Trong phiên hội này, chính tân Bề trên Cả Êmilia Nguyễn Thị Sê chủ toạ, với sự tham dự của 10 đại biểu ở phiên I, và sự chứng kiến của cha Giuse Phạm Năng Tĩnh, để bỏ phiếu kín bầu Ban Tổng cố vấn với kết quả như sau:
Tổng cố vấn I: Bà Joanna Đinh Thị Nhẫn
Tổng cố vấn II: Bà Agnès Đỗ Thị Sâm
Tổng cố vấn III: Bà Lucia Nguyễn Thị Ne
Tổng cố vấn IV: Bà Maria Trần Thị Mến.
Các Bà đã bằng lòng nhận trách nhiệm. Riêng bà Mến lúc ấy đang ở Phú Nhai, nên Hội đồng lập tức cho người đi mời. Sau đó, Ban quản trị mới đã chọn bà Antonia Phạm Thị Na làm Tổng thư ký và bà Afra Lê Thị Vâng làm Tổng quản lý.
Đại hội đồng tiên khởi diễn ra trong thời gian rất ngắn gọn nhưng cũng đã đạt được thành quả tốt đẹp và thực hiện mục đích quan trọng của Đại Hội đồng, đặc biệt trong giai đoạn khởi đầu này. Nhờ đó, Hội dòng dần tự lập và trưởng thành hơn để có thể ứng phó với những biến cố lớn tạo nên bước ngoặt lịch sử cho Hội dòng.
***
Với sự trợ giúp của Đấng bản quyền và những vị phụ trách huấn luyện, chị em đã được đào tạo và có nhiều điều kiện để thăng tiến về văn hóa và tu đức, nhất là có lời khấn chính thức theo Giáo luật. Ngoài việc huấn luyện các chị dòng ba, Hội dòng cũng tiếp nhận nhiều thiếu nữ trẻ bước theo lý tưởng tu trì trong ơn gọi Đa Minh, làm phong phú thêm ân huệ Thiên Chúa ban cho địa phận. Đặc biệt, Hội dòng cũng đã có Hội đồng Tổng tư vấn tiên khởi, nhiệm kỳ 1954-1960, đánh dấu một bước trưởng thành của Hội dòng.
Giai đoạn này (1951-1954) tuy rất ngắn chủ yếu qui về việc củng cố nội bộ, đào tạo nhân sự, không có nhiều điều kiện thuận lợi về mặt xã hội, nhưng đây thực sự là một giai đoạn nền tảng để Hội dòng tiếp tục phát triển cách vững vàng để hôm nay hoạt động tông đồ của Dòng tại 5 tu viện, 20 Tu xá trong Giáo Phận, 6 Tu xá ngoài Giáo Phận và 19 địa điểm tông đồ tại các Giáo Xứ vẫn tiếp tục hăng say trong sứ vụ truyền giáo, giáo dục và bác ái, như: dậy nhà trẻ, coi các trẻ mồ côi, thăm khám chữa bệnh, dạy giáo lý, tập hát, tập hoa, đánh đàn, cắm hoa và giúp các hội đoàn.
Sưu tầm
(Từ trang Đa Minh Tam Hiệp)
[1] Ruộng tư điền: ruộng tư hữu hay ruộng hương hỏa (khác với ruộng công điền có thể phát canh thu tô). Ở đồng Bùi có 25 mẫu, sở Hà Cát có hơn 100 mẫu, ở Xuân Thuỷ có 30 mẫu.
[2] Canh nông vi bản: nghề căn bản là canh tác nông nghiệp.
[3] Xem Cha Đa Minh Vũ Xuân Huyên, Lược sử Hội dòng Nữ Đa Minh Bùi Chu, 1951-1961, tr. 4.
[4] Tính theo hồ sơ xin lập Dòng của Đức Cha Phêro Maria Phạm Ngọc Chi đệ lên Tòa Thánh ngày 19/9/1950.
[5] Xem Tòa Giám Mục Bùi Chu, Hiện tình Địa phận Bùi Chu, phụ trương lịch Công giáo Bùi Chu 1951, tr. 26.
[6] Xem Cha Đa Minh Vũ Xuân Huyên, Lịch sử Dòng Nữ Đa Minh Bùi Chu (Tam Hiệp, Biên Hòa), 1951–1961, tr. 5.
[7] Xem Cha Đa Minh Vũ Xuân Huyên, Lịch sử Dòng Nữ Đa Minh Bùi Chu (Tam Hiệp, Biên Hòa), 1951-1961, tr.6.
[8] Xem Cố Moreno Trinh, Sử ký địa phận Trung, Phú Nhai Đường 1916, tr.144-145; Hội dòng Đa Minh Bùi Chu, Tư liệu Phòng truyền thống mừng 50 năm thành lập 1951 – 2001.
[9] Xem Sử ký địa phận Trung, Phú Nhai đường, 1916, tr.168.
[10] Xem Cha Đa Minh Vũ Xuân Huyên, Lịch sử Dòng Nữ Đa Minh Bùi Chu (Tam Hiệp, Biên Hòa), 1951-1961, tr.8.
[11] Xem Kỷ yếu Giáo phận Bùi Chu, 1848 – 1998, bản thảo xin phép xuất bản, tr.3.
[12] Xem Lược sử giáo xứ Liễu Đề (1631 – 2006), kỷ niệm 375 năm đón nhận Tin mừng, 100 năm xây dựng thánh đường, UB Năm Thánh Giáo xứ Liễu Đề biên tập và xuất bản, tr.110.
[13] Xem Địa phận Bùi Chu, Hiện tình Địa phận Bùi Chu, phụ trương lịch Công giáo Bùi Chu 1951, tr. 42.
[14] Xem Cha Đa Minh Vũ Xuân Huyên, Lịch sử Dòng Nữ Đa Minh Bùi Chu (Tam Hiệp, Biên Hòa) 1951–1967, tr. 8.
[15] Xem Sđd, tr. 7.
[16] Xem Địa phận Bùi Chu, Hiện tình Địa phận Bùi Chu, phụ trương lịch Công giáo Bùi Chu 1951, tr.29.
[17] Xem Cha Đa Minh Vũ Xuân Huyên, Lịch sử Dòng Nữ Đa Minh Bùi Chu 1951–1961, tr.9.
[18] Xem Cha Đa Minh Vũ Xuân Huyên, Lịch sử Dòng Nữ Đa Minh Bùi Chu (Tam Hiệp, Biên Hòa), tr. 10-12.
[19] Mẹ Anna Nguyễn Thị Ninh, Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, bản viết tay.
[20] Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, Bài diễn văn kỷ niệm 15 năm Tòa Thánh châu phê Hiến pháp (21/3/51 – 21/3/1966) của bà Tổng cố vấn I.
[21] Nt. M. Columba Nguyễn Thị Công (Miễn), Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, bản viết tay, 1996.
[22] Xem Nữ Đa Minh Bùi Chu Tam Hiệp, Vị ân nhân tinh thần – Cha Yuse Hoàng Mạnh Hiền, O.P, tài liệu đánh máy trên giấy pơ-luya.
[23] Cha Đa Minh Vũ Xuân Huyên, Lịch sử Dòng Nữ Đa Minh Bùi Chu, tr.11.
[24] Nt. Margaritta Đỗ Thị Hoa, Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, bản viết tay.
[25] Nt. Margaritta Đỗ Thị Hoa, Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, bản viết tay. [x.Cha Đa Minh Vũ Xuân Huyên, Lịch sử Dòng Nữ Đa Minh Bùi Chu (Tam Hiệp, Biên Hòa), 1951 – 1961, tr.11].
[26] Theo Biên bản Hội đồng chung Dòng Đa Minh Bùi Chu, lưu giữ tại Văn khố Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp.
Bình luận