Sau khi xưng thú tội lỗi, chúng ta thường được giao cho những kinh nguyện như một cách thế để đền tội. Những gì dưới đây cho thấy điều đó có tác dụng ra sao.
Trong Bí tích Giải Tội (Bí tích Sám Hối), sau khi xưng tội xong, vị linh mục giải tội ấn định cho chúng ta một việc đền tội cụ thể. Như Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) nêu rõ, “tất cả các việc lành đều có thể được thực hiện như là những việc đền tội” bao gồm “các việc đạo đức, bác ái, [và] việc hy sinh” (1460). Nhưng đặc biệt là những kinh nguyện.
Thánh Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta trong Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia (Hòa giải và Sám hối – RP) năm 1984 rằng những việc đền tội mà các tín hữu nhận được khi xưng tội “là dấu hiệu của sự cam kết cá nhân mà người Kitô hữu đã thực hiện với Thiên Chúa, trong Bí tích này, để bắt đầu một cuộc sống mới”. Vì lý do này, “không nên giản lược chúng thành những công thức đơn thuần để đọc cho xong, mà phải bao gồm những hành vi thờ phượng, bác ái, thương xót hoặc đền tạ” (31). Nói cách khác, chúng ta nên thực hiện việc đền tội được giao một cách cung kính và trong tinh thần nhiệt thành cầu nguyện. Vì thực hiện việc đền tội chính là sự đoạn tuyệt có chủ ý với sự dữ. Khi làm việc đền tội, chúng ta chủ động quay lưng lại với tội lỗi và bước vào con đường nên thánh.
Nhưng đôi khi việc đền tội chúng ta nhận được dường như quá đơn giản. Cha Romanus Cessario OP, trong cuốn sách mới đầy ý nghĩa The Seven Sacraments (Bảy Bí tích), giúp ích cho chúng ta về vấn đề này:
Thông thường, việc đền tội được vị linh mục Công giáo giao cho trong tòa giải tội bao gồm việc đọc một số lời kinh quen thuộc – chẳng hạn như đọc Kinh Kính Mừng nhiều lần. Việc đền tội nhỏ bé này vẫn có được một giá trị xứng hợp vượt trên những gì gọi là công lao từ việc hãm mình phạt xác đơn thuần, vì nhờ công trạng vô bờ từ hy tế cứu độ của Chúa Kitô mà Bí tích Sám Hối tạo nên sự gắn kết với việc thực hiện một việc đền tội được chỉ định (225).
Chúng ta dâng lên những lời kinh để đền tội với tâm tình khiêm nhường, tạ ơn và kính sợ chân thành. Qua việc đền tội mà bạn thực hiện, chẳng phải là bạn đang đền trả cho việc sống nghịch lại với ân sủng tốt lành từ Thiên Chúa. Đó cũng chẳng phải là việc bạn đang phải làm tương xứng với ơn tha tội mà bạn đã nhận được. Nhưng chính Chúa Giêsu Kitô đã đền trả khi Người chết thay cho chúng ta trên thập giá.
Vì tội lỗi nơi mình, ơn tha tội mà chúng ta nhận được chẳng phải là của chúng ta nhưng được thực hiện qua Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta, những người không thể tự sức mình làm được điều gì, có thể làm được mọi sự với sự trợ lực từ “Đấng ban sức mạnh” cho chúng ta (GLHTCG 1460).
Việc đền tội mà chúng ta được giao cho là một đặc ân. Việc đền tội giúp chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô:
Tội nhân được tha thứ có thể làm cho các việc hy sinh phần hồn và phần xác của mình được dự phần với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Đấng đã giành lấy ơn tha tội cho họ (RP 31).
Qua ơn ban để được làm việc đền tội từ Bí tích Giải Tội, con người có thể “bắt đầu lên đường trở về với Chúa Cha” (RP 13). Vì việc đền tội không chỉ có ý nghĩa là một hình phạt mà còn là một phương thuốc chữa lành. “Được giải thoát khỏi tội lỗi, tội nhân còn phải hồi phục đầy đủ sức khoẻ về phương diện thiêng liêng.” (GLHTCG 1459). Khi làm việc đền tội, chúng ta sửa chữa lại những tổn hại do tội lỗi gây ra, nhưng chúng ta cũng “thiết lập lại những thói quen xứng với tư cách làm môn đệ của Chúa Kitô” (GLHTCG 1494). “Việc đền tội hướng tới việc nỗ lực không ngừng để đạt đến điều tốt đẹp hơn” (RP 4). Và Thiên Chúa tha thiết đón nhận việc đền tội đã hoàn thành của chúng ta như một phương tiện thích hợp để tái lập tình bạn thiết nghĩa với Người.
Tác giả: Lm. Peter John Cameron, OP
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên từ Aleteia
Nguồn: https://giaophanvinhlong.net/