Một con người cầu nguyện là điều đẹp lòng Thiên Chúa, dù nhiệt tình hay mệt mỏi, có lẽ khi mệt mỏi còn đẹp lòng hơn.
Có người từng hỏi Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu ngủ gật khi cầu nguyện có sai trái không. Ngài trả lời: “Tuyệt đối không. Một đứa bé dù ngủ hay thức đều làm cho cha mẹ vui lòng, có khi lúc ngủ nó còn làm cho cha mẹ vui lòng hơn!”
Đó là một câu trả lời nồng ấm, còn hơn cả dễ thương. Trong câu trả lời của Thánh Têrêxa, có một khôn ngoan mà hầu hết chúng ta đánh mất, đó là ý thức, Thiên Chúa hiểu tình trạng con người và cho chúng ta được phép thiêng liêng để làm con người, ngay cả trong những dấn thân thiêng liêng và quan trọng nhất của chúng ta.
Gần đây, điều này đã đánh động tôi qua một bài giảng. Một linh mục chân thành và tận tâm thách thức chúng ta, với ý niệm Thiên Chúa phải luôn là số một trong cuộc sống chúng ta. Như vậy thì tốt đẹp tất cả. Nhưng rồi cha chia sẻ, cha buồn lòng mỗi khi nghe mọi người nói kiểu: “Đi lễ chiều thứ bảy, cho xong cho rồi”. Hoặc khi người đi lễ nói: “Hôm nay nên làm lễ ngắn thôi, vì buổi trưa là trận đấu bắt đầu rồi”. Cha cho rằng những câu như thế để lộ sự yếu đuối nghiêm trọng trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. có đúng vậy không?
Có lẽ là có, có lẽ là không. Những câu như thế có thể nói lên sự lười biếng, ơ hờ về đường thiêng liêng hoặc có những ưu tiên sai lầm. Chúng cũng có thể là biểu hiện của mệt mỏi con người, rất bình thường và rất dễ hiểu, một mệt mỏi mà Thiên Chúa, Đấng tạo ra bản tính con người, cho chúng ta được phép cảm nhận.
Có thể, và thường xuyên, có một tâm thức ngây thơ về vị trí của nhiệt huyết và tinh thần cao trong đời sống chúng ta. Ví dụ, chúng ta hình dung một gia đình, với ý định tốt đẹp, quyết định để tăng tinh thần gia đình, mọi bữa ăn tối đều phải là bàn tiệc thịnh soạn, yêu cầu tất cả mọi người trong nhà phải tham dự và hăng hái suốt 90 phút. Chúc may mắn cho họ! Có ngày cách này sẽ tăng sự gắn kết, nơi bàn ăn mọi người sẽ nhiệt tình hăng hái, nhưng chẳng bao lâu sau, cách này sẽ không bền về mặt tinh thần cho mọi người, có một, hai người sẽ nói thầm “làm cho xong cho rồi”, hoặc “rút ngắn chút được không vì tối nay có trận bóng lúc 7 giờ”. Cứ cho là chuyện này thể hiện một thái độ không hứng thú, nhưng khả năng cao hơn, nó chỉ là biểu hiện có lý do của một mệt mỏi bình thường.
Không ai trong chúng ta có thể duy trì tinh thần và nhiệt huyết mãi được. Và chúng ta cũng không được mặc định như thế. Cuộc đời chúng ta là cuộc chạy marathon đường dài chứ không chạy nước rút. Chính vì thế chuyện tốt đẹp, đôi khi chúng ta cần có những bữa tiệc lâu giờ và đôi khi chúng ta cũng cần những bữa ăn đơn giản, ăn vội miếng bánh mì thịt. Thiên Chúa và tự nhiên cho phép chúng ta đôi khi nói “làm cho xong cho rồi”, và đôi khi gấp gáp để khỏi hụt trận bóng.
Hơn nữa, ngoài chuyện đặt nặng sự mệt mỏi, thiếu năng lượng bình thường vẫn còn một chuyện khác, quan trọng hơn. Tinh thần nhiệt huyết hoặc thiếu tinh thần nhiệt huyết không nhất thiết phải mang ý nghĩa gì đó. Chúng ta có thể làm một việc gì đó, vì nó có hiệu quả với chúng ta, hoặc chúng ta có thể làm việc gì đó đơn giản chỉ vì nó có giá trị riêng, không liên quan đến cảm giác của chúng ta lúc đó. Nhưng chúng ta lại quá thường xuyên không hiểu chuyện này. Ví dụ, khi giải thích vì sao không còn dự các buổi phụng vụ ở nhà thờ nữa, người ta thường nói “nó chẳng có ý nghĩa gì với tôi”. Khi nói thế, cái họ không thấy là sự thật, việc cùng nhau ở trong nhà thờ, tự nó đã có ý nghĩa rồi, và nó không liên quan đến cảm giác của chúng ta lúc đó. Một buổi phụng vụ tự nó có ý nghĩa, cũng hệt như đi thăm mẹ già của mình. Bạn làm thế không phải vì bạn luôn háo hức về chuyện đó hoặc vì nó luôn đem lại cảm xúc tốt đẹp. Không. Bạn làm thế vì đó là mẹ của bạn, vì đó là điều mà Thiên Chúa, tự nhiên và sự trưởng thành yêu cầu chúng ta làm.
Bữa ăn gia đình cũng vậy. Bạn không nhất thiết phải ăn tối cùng cả nhà với một niềm hăng say. Bạn ăn tối với cả nhà vì đây là cách các gia đình duy trì đời sống chung. Sẽ có những lúc bạn tham dự với tinh thần cao và cảm kích sự quý báu của thời khắc đó và thời gian dài của bữa tối đó. Nhưng sẽ có những lúc, bất chấp bạn ý thức rất rõ rằng ở cùng nhau như thế này là việc quan trọng, nhưng bạn sẽ muốn làm cho xong cho rồi, hoặc liếc nhìn đồng hồ và nhẩm xem bao nhiêu phút nữa là vào trận bóng.
Vì thế, Kinh Thánh dạy chúng ta hãy tránh những bạn của ông Gióp. Về lời khuyên thiêng liêng trong lĩnh vực này, là hãy tránh những người mới nhập môn thiêng liêng, những người mộ đạo quá mức, những người ngây thơ về nhân học, những người đang hưởng tuần trăng mật, những người mới trở lại đạo, và ít nhất một nửa số nhà phụng vụ và người dẫn dắt việc thờ phượng. Sổ tay hướng dẫn đích thực cho hôn nhân không bao giờ là tác phẩm của hai người đang trong thời kỳ trăng mật, và sổ tay hướng dẫn đích thực cho cầu nguyện không bao giờ từ ngòi bút của người nghĩ rằng lúc nào mình cũng đầy tinh thần cao ngút. Hãy tìm người thầy đường thiêng liêng thách thức bạn đủ để giữ bạn tránh sự ích kỷ và lười biếng của mình, kể cả khi người đó cho bạn quyền thiêng liêng là được đôi khi mệt mỏi. Một con người cầu nguyện là điều đẹp lòng Thiên Chúa, dù nhiệt tình hay mệt mỏi, có lẽ khi mệt mỏi còn đẹp lòng hơn.
Ronald Rolheiser
J.B. Thái Hòa dịch
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org