Đất trời luôn có quy luật riêng của nó.
Mùa thu, những chiếc lá đã hoàn thành sứ mạng và dần chuyển màu trước khi nhẹ nhàng rụng xuống, nhường chỗ cho những thế hệ kế tiếp để đến nơi nó thuộc về. Những tia nắng vàng nhạt cùng với làn gió heo may đã xua đi cái nóng oi ả và những cơn mưa xối xả của mùa hè. Tiết trời đẹp đã phần nào xua đi những lo lắng về một ngày mai lại mưa lớn và sạt lở của bà con vùng đồi núi phía Bắc. Dập dìu trước gió trên con đường uốn khúc gập ghềnh dẫn đến các bản, là những hàng cây xòe tán rộng như đang vẫy chào gợi nên một cảm giác man mác khó tả.
Ai cũng có ước mơ. Ai cũng có hy vọng. Người Tây Bắc đang hy vọng những ngày tháng bình yên. Và rồi …
Mưa
Mây đen kéo về, những đám mây lớn, nặng và đặc xịt lổm ngổm đầy trời. Gió ào ào, thổi giật, nhuốm hơi nước, gió càng mạnh…Và, sau một tiếng “ầm” lớn từ bầu trời vọng xuống, cơn mưa rào đổ sầm sập về mặt đất khiến đất trời chìm trong màn mưa trắng xóa. Nhìn đâu cũng là mưa, là nước mưa, là những khoảng trắng xóa. Khắp nơi toàn là tiếng của cơn mưa. Nó như một con quái vật khổng lồ, nuốt chửng mọi âm thanh. Đây chính là “đặc sản” của mùa hè vùng núi.
Một tiếng nổ lạ vang lên từ ngọn đồi cao sau nhà. Vài tiếng sau, từ nơi phát ra tiếng nổ, những dòng thác của đất, đá… cứ thế ầm ầm chảy xuống, cuốn trôi mọi thứ cản đường nó. Vùi lấp một, hai, ba… rồi cứ thế, lần lượt các ngôi nhà bên sườn núi. Thỉnh thoảng, tiếng gọi nhau í ới của một số người cũng dễ dàng bị vùi trong tiếng thác đất kia.
Nước mắt
Sáng hay chiều, ngày hay đêm… thời gian như chẳng còn nghĩa lý gì ngoài lo lắng, sợ hãi và hoang mang. Giờ đây với dân vùng núi, chỉ còn sống hay chết… đói khát cả thể xác lẫn tâm lý, và cả tâm linh… được cứu hay bị bỏ rơi… mọi thứ như chẳng còn nghĩa lý gì. Gian nhà hằng ngày ấm cúng hơi thở của tình yêu, nay chỉ còn hoặc là đất, nước lênh láng, hoặc là đống đổ nát, hoang tàn.
Những giọt nước mắt đầy chua xót cứ tự nhiên trào ra nơi khóe mắt những người dân đã trải qua và chứng kiến sự việc đau lòng này. Những giọt nước mắt mà người dân đã dùng tất cả sức mạnh còn lại của mình ngăn nó khỏi chảy thành dòng; những cảm xúc kìm nén bởi bao sợ hãi, hoang mang, lo lắng và cả nỗi nhớ những người thân bỗng tràn ra khi một lần nữa được người khác hỏi tới.
Tình yêu thương và niềm hy vọng
Quy luật của tự nhiên: sau cơn mưa, trời lại sáng. Trận lũ lụt kinh hoàng đi qua, để lại sau nó là những sự thiệt hại lớn về người và của cải mà có lẽ những thống kê của nhà nước vẫn chưa thấm vào đâu so với những gì mà người dân phải chịu. Nhưng thật may, nhiều những bàn tay, những trái tim đầy hơi ấm từ khắp mọi miền tổ quốc đã vươn ra xoa dịu vết đau, vực dậy những tổn thương của anh em mình trong cơn nguy khốn. Thật xúc động biết bao khi chứng kiến những đoàn người, đoàn xe cùng chung một mục đích, một cung đường đến với cực Bắc của đất nước để chia sẻ từng bữa cơm, từng manh áo. Quả thật, tình yêu chính là mối dây gắn kết giữa con người với con người. Tình yêu ấy đã làm với đi những đau khổ, mất mát của kiếp nhân sinh. Tình yêu đã thắp lên niềm hy vọng.
Đức tin và người gieo mầm
Niềm tin có lẽ là hạt giống quý giá nhất thắp lên niềm hy vọng mãnh liệt trên mảnh đất của khó khăn và mất mát này. Khi đã quá khổ đau và tuyệt vọng, người ta không còn tin vào những lời nói suông hay kiên nhẫn để nghe những bài giảng. Người ta nhìn vào hành động. Những hành động diễn tả niềm tin. Quả thật, giữa mảnh đất khô hạn của cánh đồngtruyền giáo, hình ảnh của các tu sĩ, mục tử mang niềm tin có lẽ đã khá quen thuộc với người dân đặc biệt là người dân vùng lũ vừa qua. Ròng rã cả tháng sau khi xảy ra lũ, những bao gạo, bó rau… chính là hành trang trên “con ngựa sắt” của vị mục tử để đến với đàn chiên. Đó không chỉ là vật chất, nhưng còn là sự tin yêu và niềm hy vọng. Tất cả đã mình chứng cho tình yêu không chỉ giữa người với người nhưng là mầm sống của những hạt giống trong cùng một thuở ruộng là nước trời.
Những tia nắng ấm tiếp tục lan tỏa khắp các cung đường. Hai tháng nhẹ nhàng trôi qua cùng với quy luật của nó. Những lo lắng về thiệt hại người và của tạm lắng xuống. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn trong việc ổn định kinh tế. Những chiếc lều tạm được quây bằng bạt vẫn là nơi ở và sinh hoạt chính của hàng trăm hộ gia đình. Những bữa cơm đạm bạc cùng với dòng nước mắt lặng lẽ vẫn rơi, nhưng nơi từng khuôn mặt đã bắt đầu ánh lên niềm hy vọng về một ngày mai. Trái đất vẫn quay, đêm sẽ qua đi và ngày lại đến. Con người hiện hữu với nhau và cho nhau để rồi trước những khổ đau và mất mát của kiếp người, vẫn còn đó tình yêu, niềm tin và hy vọng. Ước mong sẽ ngày càng có nhiều “người gieo mầm” để những bản xa có thêm thật nhiều “ngôi nhà xanh” – một màu xanh trọn vẹn và đủ đầy như mơ ước của bà con nơi đây.
M. Yến