Tin mừng theo Thánh Lc 3,1-6
(1) Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhonít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên, (2) Khanna và Caiphai làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa. (3) Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, (4) như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. (5) Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. (6) Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Suy niệm: LỜI MỜI GỌI SÁM HỐI
Mùa Vọng đã bắt đầu nhưng cũng đang lặng lẽ trôi đi trong lời mời gọi: “hãy tỉnh thức”, “hãy sám hối”. Đấng Cứu Tinh đã đến trong nhân loại hơn hai ngàn năm nay, và Ngài vẫn đang đến với những biến cố đổi thay của con người trần gian hôm nay, Ngài vẫn gõ cửa từng ngôi nhà tâm hồn để đánh thức chúng ta: canh tân cuộc sống. Nhưng có mấy ai trong chúng ta dám mở cửa tâm hồn mình để đón nhận Chúa vì con người còn quá u mê trong tội lỗi, mải mê trong những lối sống buông thả và không muốn bị Thiên Chúa “làm phiền”. Tâm hồn chúng ta dần trở nên chai lì, khô cứng, mất đi cảm thức “phải trở về”. Vì thế, Mùa Vọng đến, mời gọi chúng ta sám hối làm cho tâm hồn trở nên tươi mới, ngõ hầu xứng đáng lãnh nhận niềm vui ơn cứu độ.
Khởi đầu tuần thứ nhất Mùa Vọng, Giáo hội đã không ngừng kêu gọi các tín hữu “hãy tỉnh thức và sẵn sàng” để có thể nhận biết Chúa đến trong từng phút giây của cuộc sống. Hôm nay, cùng với Giáo hội, chúng ta tiếp tục bước vào tuần thứ hai, là thời điểm cho việc sám hối, canh tân cuộc sống qua lời mời gọi của Gioan Tẩy giả, vị ngôn sứ của Đấng Cứu Thế: “mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,5-6).
Nguyên thủy, con người như những mảnh đất tốt tươi được Thiên Chúa gieo vãi, nhưng nay đã trở nên khô héo bởi sự xâm nhập của tội lỗi. Ánh sáng huy hoàng đã bị bóng tối che khuất bởi sự bất tuân. Đồng nương nay không còn sương đọng, trần gian nay đã vắng sao, cô đơn phủ lấp địa cầu nhưng Thiên Chúa ngàn đời vẫn trọn tình thương. Ngài là Đấng luôn trung tín. Ngài đã hứa ban ơn giải thoát cho những ai biết tìm về đường ngay nẻo chính. Và để thực hiện lời hứa cứu độ ấy, Thiên Chúa đã dùng một số ngôn sứ đi trước để dọn đường cho Đấng Thiên Sai của Ngài và Gioan Tiền hô là một trong những vị ngôn sứ như thế. Ông “đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3,3). Thánh nhân còn thôi thúc mọi người: “hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3,4).
Tiếng kêu của Gioan Tiền hô trong hoang địa vang lên tưởng chừng như rất lẻ loi, đơn độc nhưng lời mời ấy vẫn vang vọng, vang vọng mãi tận đến mỗi người chúng ta hôm nay, thôi thúc ta ăn năn sám hối, sắp xếp lại cuộc sống, vứt bỏ những gì đang vướng bận và thay đổi lối sống để đón chờ Chúa đến.
Không chỉ dùng các ngôn sứ, Thiên Chúa còn dùng chính những biến cố thời đại để mong đánh thức con người quay về: chiến tranh, lũ lụt, sóng thần, động đất, biến đổi khí hậu…và virus corona là một lời cảnh tỉnh, một sự đánh thức nhân loại rõ ràng nhất trong thời đại hôm nay. Nhưng chúng ta có nghe thấy và thay đổi đời sống? Ai có thể ngờ rằng thời đại cộng nghệ 4.0 lại có thể bị bại trận trước một con virus siêu nhỏ này bởi nó đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng và làm cuộc sống của con người trở nên khốn đốn. Nhưng sau tất cả những mất mát đau thương đó, con người có tỉnh ngộ để nhận ra giới hạn của mình, để biết mình là ai và Thiên Chúa là ai? Mùa Vọng thực sự là cơ hội tốt để nhân loại biết sống trong “hy vọng” và tinh thần “sám hối”.
Đức Giêsu vẫn không ngừng chờ đợi và tha thiết nói với chúng ta: hãy mở lòng ra để đón nhận Người và mở lòng ra để đón nhận tha nhân như quà tặng cao quý của Thiên Chúa. Vậy chúng ta sẽ làm gì trước lời mời gọi? Hãy sám hối, sám hối để dọn đường cho Chúa đến bằng cách lấp đầy hố sâu hờn ghen-ích kỷ, san bằng núi kiêu ngạo ảo tưởng, uốn cho ngay những quyến luyến lệch lạc và sự dối trá. Hãy mở rộng cánh cửa lòng mình để “lòng chúng ta cũng được bừng cháy” khi tham dự bàn tiệc Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Thể. Từ đó nếm cảm sự ngọt ngào nơi tình yêu của một Thiên Chúa tự hiến, giúp chúng ta vượt qua mọi rào cản để đến và trao ban tình yêu cho những người chung quanh chúng ta.
Sống lời mời gọi bằng tinh thần sám hối là chúng ta đang sửa những con đường lồi lõm, gập ghềnh thành phẳng phiu. Con đường đó được trải rộng bởi hoa quả của Thánh Thần: Là mến yêu, vui mừng, bình an và độ lượng. Con đường được đắp lên bằng tình yêu, bằng tự hiến, bằng sự thật, công bằng và cảm thông sẽ có giá trị tuyệt vời mà Đức Giêsu suốt đời đã sống và rao giảng. Ngài dám sống, dám chết để mở rộng con đường cho Thiên Chúa đến với con người. Hôm nay, Chúa muốn mỗi chúng ta cũng là những con đường, nhịp cầu nối để Thiên Chúa đến với nhân loại và đưa nhân loại đến với Chúa.
Lạy Chúa! Tiếng hô trong hoang địa năm xưa, và những biến cố của thời đại này nhắc nhở chúng con phải đổi mới cách nhìn, cách suy nghĩ, cách phán đoán của mình, để tâm hồn chúng con thật sự trống rỗng cho Chúa lấp đầy. Xin cho chúng con biết nối lại mối dây liên kết với Chúa mà chúng con đã tự tay cắt đứt vì tội lỗi. Xin cho Mùa Vọng năm nay thắp lên trong lòng chúng con niềm khao khát đón Chúa đến để một lần nữa Người biến đổi tâm hồn chúng con, giúp chúng con trở nên máng cỏ đơn sơ cho Chúa và cho anh chị em xung quanh chúng con. Amen.
Hồng Sợi