Đi tìm một câu truyện
Tôi được mời đến trình bày với anh chị em về “Ý nghĩa đời sống tu trì ngày hôm nay”. Câu hỏi được đặt ra cách cấp bách cho các tu sĩ ngày nay, bởi vì nhiều người trong chúng ta tự hỏi: phải chăng lối sống mà chúng ta đang dấn thân chẳng còn chút ý nghĩa gì. Ơn gọi ở châu Âu ít hơn trước; tại Pháp, nhiều hội dòng giảm sút nhân số và một vài hội dòng bị khai tử; bậc tu trì không còn có chỗ đứng, cũng chẳng được quý trọng như trước. Dường như chúng ta đã đánh mất vai trò của mình trong một Hội Thánh có vẻ nặng tính giáo sĩ hơn, và đã đánh mất tầm quan trọng của mình trong xã hội, vì những người giáo dân hôm nay làm biết bao công việc mà trước đây phần lớn do các tu sĩ đảm nhiệm. Với ý thức mới về sự thánh thiện của hôn nhân, người ta không còn coi lối sống của chúng ta là hoàn thiện hơn bất cứ lối sống nào khác. Cũng dễ hiểu khi nhiều tu sĩ thắc mắc: “Đời sống tu trì ngày hôm nay có ý nghĩa gì?”.
Trong hoàn cảnh đó, chúng ta thường đi tìm ý nghĩa của đời sống tu trì nơi những gì là riêng biệt của chúng ta, nơi những việc chúng ta làm mà người khác không làm, nơi những gì đem lại cho chúng ta chỗ đứng đặc biệt, đem lại một căn tính riêng. Chúng ta giống như những người thợ rèn đi tìm một công việc mới trong thế giới kỹ nghệ xe hơi. Tôi cho rằng đó là một trong những lý do khiến tu sĩ chúng ta thường hăng say nói về mình như những ngôn sứ. Chúng ta tự phụ là thành phần ngôn sứ trong đời sống Hội Thánh. Điều đó đem lại cho chúng ta một vai trò, một căn tính, một nhãn hiệu. Quả thực, tôi tin rằng đời sống tu trì được mời gọi trở nên ngôn sứ, nhưng đó không phải là giải pháp cho cơn khủng hoảng về căn tính của chúng ta! Tôi thích bắt đầu từ chỗ khác hơn, đó là cuộc khủng hoảng về ý nghĩa mà xã hội Tây phương đang trải qua. Tôi nghĩ rằng so với trước đây, đời sống tu trì quan trọng hơn do cách thức chúng ta được mời gọi đương đầu với cuộc khủng hoảng về ý nghĩa của những người đương thời. Cuộc sống của chúng ta phải là lời đáp cho câu hỏi: “Đời sống con người ngày hôm nay có ý nghĩa gì?”. Có lẽ điều đó mãi mãi là chứng tá chủ yếu của đời sống tu trì.
Chúng ta sẽ suy nghĩ như thế nào về một vấn đề rộng lớn như cuộc khủng hoảng về ý nghĩa hiện nay. Để trình bày điều đó cho thích hợp, tôi sẽ phải học hỏi cả đống sách về thời cận đại và thời hậu cận đại. Nhưng tôi đã không làm như vậy. Lý do là vì sống lưu động liên tục, tôi không có thời giờ. Nhưng nói thực ra, dù có đọc những sách đó, có lẽ tôi cũng chẳng hiểu. Những cuốn sách đó thường do những người Pháp thông minh viết, và vượt quá tầm hiểu biết của một người Anh! Trái lại, tôi sẽ thử tiếp cận vấn đề cách đơn sơ hơn. Tôi muốn trình bày cho anh chị em sự tương phản giữa hai hình ảnh, hai câu truyện hàm ẩn trong đời sống nhân loại.
Mọi nền văn hóa đều cần đến những câu truyện để lồng vào trong đó một sự hiểu biết ý nghĩa đời người. chúng ta cần đến những câu truyện để nói cho ta biết ta là ai và ta đi về đâu. Khi xã hội trải qua cơn khủng hoảng về ý nghĩa, một trong những triệu chứng là các câu truyện mà xã hội tường thuật không còn đem lại ý nghĩa cho kinh nghiệm sống của chúng ta. Những câu truyện ấy không còn thích hợp. Khi xã hội trải qua một giai đoạn thay đổi sâu rộng, xã hội đó cần đến một loại truyện mới để đem lại ý nghĩa cho đời sống của mình.
Tôi sẽ cho thấy rằng cuộc khủng hoảng căn bản về ý nghĩa trong xã hội chúng ta, tức là câu truyện hàm ẩn trong nền văn hóa châu Âu từ nhiều thế kỷ qua đã không còn có ý nghĩa nữa: câu truyện về sự tiến bộ, về sự sinh tồn của những người biết thích nghi, về chiến thắng của kẻ mạnh. Người hùng trong câu truyện đó là cái tôi hiện đại. Anh ta (thường là một người đàn ông) đơn độc và tự do. Đó là câu truyện tiềm ẩn trong các tiểu thuyết, phim ảnh, triết học, kinh tế và chính trị của chúng ta. Nhưng nó không còn mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta nữa. Tôi sẽ lấy tấm quảng cáo vẽ một con gấu mà tôi thường thấy trên các bức tường ở Roma để làm biểu tượng cho câu truyện này.
Như thế, xã hội chúng ta là một xã hội đang khao khát một câu truyện mới nhằm mang lại ý nghĩa cho căn tính của chúng ta. Tôi tin rằng ý nghĩa của đời sống tu trì là ở chỗ trả lời cho câu hỏi này: “Đời sống con người ngày hôm nay có ý nghĩa gì?”. Phải nhận ra được trong đời sống chúng ta lời mời gọi trở nên một con người theo cách thức mới; đối với tôi, biểu tượng của câu truyện khác này sẽ là một chị đan sĩ đang cất tiếng hát trong bóng tối, dưới chân ngọn nến Phục sinh.
Vậy tôi muốn trình bày với anh chị em sự tương phản giữa hai hình ảnh, hai câu truyện, truyện con gấu và truyện chị đan sĩ. Tôi muốn nêu ra sự tương phản khi xét đến ba yếu tố cần thiết cho mọi câu truyện: một cốt truyện xuyên suốt thời gian; diễn biến của câu truyện; và các diễn viên. Sở dĩ những người đương thời cảm thấy lạc lõng và mất phương hướng, đói khát ý nghĩa, đó là vì những câu truyện hiện đại không còn đem lại ý nghĩa cho kinh nghiệm của chúng ta về thời gian, về các biến cố và về bản chất của một cá nhân. Tu sĩ chúng ta cần thể hiện một cách thế hiện hữu khác trong cuộc đời.
Cốt truyện và thời gian
Cho phép tôi bắt đầu nói với anh chị em về con gấu của tôi. Cách đây một năm, người ta dán đầy các bức tường ở Roma những tấm bích chương vẽ hình một con gấu lớn đang giận dữ. Và trên tấm bích chương có ghi câu: “La forza del prezzo giusto” – sức mạnh của giá cả phải chăng. Trong lúc chờ xe buýt, tôi có nhiều thời gian để chiêm ngưỡng con gấu ấy. Nó diễn tả câu truyện của thời hiện đại một cách tuyệt vời.
Trước hết hình ảnh con gấu này cho thấy cốt truyện cơ bản của lịch sử là một sự tiến bộ không thể đảo ngược. Đó là một con gấu mà Darwin sẽ phải hãnh diện về nó, một kẻ chiến thắng trong tiến trình tiến hóa. Lịch sử con người là một hành trình tiến lên phía trước. Đó cũng là biểu tượng của nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế thị trường. Cái làm cho lịch sử nhân loại tiến tới, đó là kinh tế. “La forza del prezzo giusto” – sức mạnh của giá cả phải chăng. Lịch sử, đó là câu truyện về sự tiến bộ tất yếu, qua việc tự do hóa kinh tế thị trường. Hệ thống kinh tế nào tốt hơn cả sẽ chiến thắng. Con gấu chính là kẻ chiến thắng.
Thời tôi còn nhỏ (và nhìn anh chị em, tôi nghĩ nhiều người trong anh chị em cũng vậy), ai nấy vẫn nghĩ rằng nhân loại đang trên đường tiến tới một tương lai tươi sáng. Nhưng ngay thời đó, những bóng tối đã ló dạng rồi. Tôi chào đời một tuần trước khi kết thúc cuộc chiến tranh đã tiêu diệt đến 50 triệu người. Dần dần chúng ta mới hiểu được sự hy sinh và sáu triệu người Do Thái chết trong các trại tập trung. Tôi đã lớn lên dưới bóng đen của bom đạn. Tôi còn nhớ mẹ tôi tích trữ những hộp thức ăn trong hầm, đề phòng trường hợp bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân. Vậy mà người ta vẫn còn có thể bám vào ý nghĩ cho rằng nhân loại đang tiến tới. Hằng năm người ta chứng kiến các cựu thuộc địa của chúng tôi giành lại độc lập, y học đẩy lùi được những căn bệnh như lao hoặc sốt rét. Chắc chắn rồi đây, người ta sẽ chiến thắng sự nghèo đói. Cả đến máy bay và xe hơi, mỗi năm tốc độ mỗi nhanh hơn. Mọi sự sẽ còn tiến triển tốt đẹp hơn nữa.
Ngày nay, chúng ta không còn lạc quan như vậy nữa. Hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo tiếp tục sâu rộng thêm. Bệnh sốt rét và bệnh lao đã quay trở lại, và một năm tới đây, hẳn sẽ có 40 triệu người mắc bệnh siđa. Chỉ riêng tại châu Âu thôi, có tới 20 triệu người thất nghiệp. Những giấc mơ về một xã hội công bằng như đã lùi xa. Nhân loại sẽ đi về đâu? Lịch sử của chúng ta có ý nghĩa, có định hướng nào không? Hay là chúng ta đang đi lòng vòng, lang thang trong sa mạc, chẳng hề tiến gần tới được đất hứa? Cả Hội Thánh cũng thế, có vẻ như đang hướng về một cuộc canh tân và một cuộc sống mới sau Công Đồng Vatican II, thế mà bây giờ hình như không biết đi về đâu.
Ngay giữa thời hiện đại, có một mâu thuẫn, và đó là lý do khiến câu truyện của thời hiện đại không còn chấp nhận được nữa. Một mặt, con gấu thực sự là vô địch. Khắp nơi trên thế giới, nền kinh tế thị trường đã chiến thắng tất cả các đối thủ của mình. Cộng sản chủ nghĩa đã sụp đổ ở Đông Âu, và ngay ở Trung quốc cũng có vẻ như sắp sụp đổ. Nhưng mặt khác, lịch sử không dẫn đưa chúng ta tới Vương quốc. Điều chúng ta thấy trước mắt là nạn nghèo đói càng ngày càng gia tăng, và chiến tranh càng ngày càng lan rộng. Cả những con hổ châu Á cũng ngã bệnh. Con gấu bất khả chiến bại, nhưng nó đang cắn xé chúng ta. Như thế, cái cốt truyện của thời hiện đại chứa đựng một nghịch lý không thể chịu nổi. Chúng ta không thể tìm thấy chính mình trong đó.
Chúng ta không thể sống mà không có những câu truyện. Bởi vì chúng ta đã đi đến chỗ nghi ngờ câu truyện tiến bộ của nhân loại, phải có những câu truyện khác để lấp đầy chỗ trống. Đó có thể là những câu truyện về ngày tận thế nhân dịp thiên niên kỷ mới, về người ngoài trái đất, về chiến thắng đoạt World Cup(hoan hô nước Pháp vô địch bóng đá thế giới!). Rất nhiều khi, đó chỉ là cái mà người Anh gọi là “soap operas”,[1] những loạt chương trình truyền hình vô nghĩa. Mới đây, đoạn cuối của một “soap operas” ở Mỹ đã được 80 triệu người theo dõi. Các nhà hàng đã đóng cửa vào buổi tối hôm ấy. Trong lúc đó, tin tức về một thiên thạch khổng lồ có thể sẽ đụng vào trái đất vào ngày 26-10-2028 lại không gây được sự chú ý bao nhiêu. Khi không còn tin vào huyền thoại về sự tiến bộ nữa, chúng ta chạy trốn vào những truyện giả tưởng.
Khát vọng cần đến một câu truyện có thể là lời giải thích cho phản ứng bất thường trước cái chết của công nương Diana. Như anh chị em biết, người Anh ít biểu lộ cảm xúc, hay ít ra người Pháp thích nghĩ như thế! Nhưng tôi chưa bao giờ thấy người ta buồn như vậy. Có vẻ như câu truyện tình của nhân loại kết thúc dưới chân một cây cầu ở Paris vậy. Hàng triệu người đã khóc như thể họ đã mất vợ, mất con hoặc mất mẹ vậy. Đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới, tôi biết cuối cùng người ta cũng sẽ hỏi tôi về công nương. Tôi đang chờ để trả lời anh chị em về công nương sau buổi nói chuyện này. Tại Việt Nam, người ta còn nói rằng tôi giống hoàng tử Williams. Tôi khoái lắm chứ, nhưng những người ấy cũng thật quá sức lịch sự! Đó là soap operas của thế giới. Câu truyện của công nương hấp dẫn được đông đảo quần chúng như thế, có lẽ chỉ vì nơi công nương, chúng ta có thể thấy được chính mình. Đó là một người tốt, quan tâm thực sự đến người khác, dù không được hoàn thiện lắm. Cuộc đời của công nương lẽ ra phải thật tuyệt vời, thế nhưng, nó lại là một thất bại không thể giải thích được. Đó là một câu truyện buồn và phù phiếm. Nó gợi lên sự phù phiếm mà bao người cảm thấy khi tự hỏi: Đời sống tôi sẽ đi về đâu?.
Làm thế nào để đời sống tu trì có thể gợi lên một cốt truyện khác, một cốt truyện đối trọng?
Tôi xin trình bày với anh chị em một hình ảnh khác. Năm nay tôi cử hành lễ Phục sinh tại một nữ đan viện Đaminh. Đan viện được xây cất trên một ngọn đồi phía sau Caracas, ở nước Venezuela. Nhà thờ đông đảo những người trẻ. Chúng tôi thắp sáng cây nến Phục sinh và đặt trên giá. Và một chị đan sĩ trẻ, với cây đàn ghi ta, đã hát lên một bài tình ca dưới chân ngọn nến. Lời ca mang tất cả âm giọng khàn khàn cuồng nhiệt của miền Andalousie. Thú thật tôi đã hoàn toàn sửng sốt trước hình ảnh một nữ đan sĩ trẻ, trong đêm tối, hát lên một bài tình ca tặng cho ngọn lửa mới. Hình ảnh này cho thấy chúng ta bị chiếm hữu bởi một vở kịch khác, một câu truyện khác. Và đó chính là câu truyện của chúng ta, chứ không phải câu truyện về con gấu giận dữ cắn xé các đối thủ của nó.
Trước hết, việc chị đan sĩ ca hát trong đêm tối cho thấy nền tảng của lịch sử nhân loại không phải là tình tiết mà con gấu đã diễn tả. Ở ngoài kia, trong vườn, vị chủ sự vừa ghi các biểu tượng lên cây nến vừa nói những lời này: “Đức Kitô hôm qua và hôm nay, khởi nguyên và cùng đích, Alpha và Omega. Người làm chủ thời gian và muôn thế hệ. Vạn tuế Đức Kitô, Đấng vinh hiển quyền năng, vạn vạn tuế. Amen”.
Đời sống tu trì trước hết có lẽ là một lời Amen sống động trước viễn ảnh về thời gian vô tận. Chính trong chiều dài lịch sử này, từ Alpha đến Omega, từ Tạo dựng cho đến Nước Trời, mà mọi người phải tìm thấy ý nghĩa của mình. Chúng ta là những người sống cho Nước Trời, cho thời gian mà, như Julian Norwich đã nói, trong đó “mọi sự sẽ tốt đẹp, mọi thứ đều tốt đẹp”.
Ơn gọi làm sáng tỏ cách triệt để nhất câu truyện vô tận ấy, đó là ơn gọi của các nam nữ đan sĩ chiêm niệm. Đời sống của họ chẳng có ý nghĩa gì nếu họ không ở trên đường tiến về Vương quốc. Đức Hồng y Basil Hume là một Kitô hữu được kính trọng nhất ở Anh quốc, một phần vì người là đan sĩ. Và Đức Hồng y đã viết về các đan sĩ như sau: “Chúng tôi không nghĩ mình có một sứ mạng hoặc một phận sự riêng biệt trong Hội Thánh. Chúng tôi không có ý định làm thay đổi dòng lịch sử. Chúng tôi hiện diện ở đấy, chỉ có thế, hầu như do ngẫu nhiên xét theo cái nhìn nhân loại. Và may thay, chúng tôi tiếp tục hiện diện ở đấy, thế thôi”.[2
Các đan sĩ hiện diện ở đấy, chỉ có thế, và như vậy, đời sống của họ chẳng có ý nghĩa gì nếu không loan báo sự kết thúc của thời gian, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Họ giống như những người đang đứng chờ ở trạm xe buýt. Nguyên việc họ đứng đó đủ nói lên rằng xe buýt chắc chắn sẽ đến. Chẳng có ý nghĩa tạm thời hoặc ý nghĩa từng phần. Không con cái, không nghề nghiệp, không có những công trình, không có thăng cấp, không sinh ích lợi. Chính sự thiếu vắng ý nghĩa mà cuộc đời của họ mạc khải cho thấy sự viên mãn của ý nghĩa mà chúng ta không thể nào diễn tả được. Cũng giống như ngôi mộ trống loan báo mầu nhiệm Phục sinh, hoặc đường bay không ổn định trên quỹ đạo một ngôi sao cho thấy sự hiện diện của một hành tinh vô hình.
Đời sống đan tu ở Tây phương xuất hiện vào một thời điểm khủng hoảng. Thánh Benedicto đến Subiacô thiết lập một cộng đoàn đan sĩ chính trong lúc đế quốc Roma tan rã dần dần trước những cuộc tấn công của quân man di. Trong khi lịch sử nhân loại có vẻ như chẳng đi về đâu cả, thánh Benedicto đã thiết lập một cộng đoàn gồm những người mà đời sống chẳng có ý nghĩa nào khác ngoài việc chỉ cho thấy cùng đích tối hậu, đó là Vương quốc.
Có thể nói đời sống tu trì thúc bách chúng ta sống cơn khủng hoảng hiện thời một cách thẳng thắn. Phần đông người ta theo một lối sống và một câu truyện cho phép gạt vấn đề chính yếu sang một bên. Một cuộc sống có thể có ý nghĩa riêng của nó từ yêu đương, kết hôn, có con cái rồi cháu chắt. Hoặc một cuộc sống khác khác tìm thấy ý nghĩa trong một nghề nghiệp, những nấc thang địa vị, làm giàu và được danh tiếng nữa. Người ta có thể kể ra nhiều câu truyện để giới thiệu một kiểu mẫu tạm thời và một ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Điều ấy vốn chính đáng và tốt lành. Nhưng những lời khấn của chúng ta không ban tặng cho chúng ta niềm an ủi ấy. Chúng ta không có hôn nhân để tạo một mô hình cho cuộc sống của mình. Chúng ta không có nghề nghiệp. Chúng ta trần trụi đối diện với câu hỏi: “Đời sống con người có ý nghĩa gì?”.
Nhưng không phải chỉ ngồi mà chờ Nước Chúa đến. Những anh em trẻ nhất đôi khi không đồng quan điểm với tôi, nhưng mỗi buổi sáng cần phải rời khỏi giường để làm một việc gì đó. Ngay những nam nữ đan sĩ cũng phải làm một việc gì đó! Tôi nhớ có lần hỏi một anh hết sức lười biếng: anh đã làm gì. Anh trả lời với tôi rằng anh là một “dấu chỉ của thời cánh chung”, chờ Nước Chúa đến. Làm sao để đánh giá việc chúng ta làm bây giờ? Phần đông chúng ta trải qua ngày sống bằng những hoạt động hữu ích, dạy học, làm việc trong các bệnh viện, phục vụ trong các họ đạo, săn sóc những người bị bỏ rơi. Đời sống thường nhật của chúng ta diễn tả lịch sử của nhân loại như thế nào?
Chúng ta hãy quay trở lại với chị đan sĩ kia. Lúc ấy là nửa đêm và chị hát lên bài tình ca. Chính trong đêm tối mà chị hát lên những lời ca tụng Chúa. Cũng chính trong đêm tối, giữa khởi nguyên và kết thúc, ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa và tôn vinh Người. Đã đến giờ rồi. Đang khi chờ bị đem đi giết, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16:33). Chính bây giờ là giờ chiến thắng và là giờ ca ngợi.
Đây chính là điều gợi lên cho chúng ta một ý thức mới về thời gian. Yếu tố làm cho thời gian có ý nghĩa, không phải là câu truyện về một sự tiến bộ tất nhiên dẫn tới thịnh vượng và thành công. Mô hình ẩn khuất của đời sống chúng ta là lớn lên trong tình bằng hữu với Thiên Chúa, khi chúng ta gặp Người trên đường và thưa Amen với Người. Không phải chỉ có kết thúc của câu truyện mới làm cho câu truyện có ý nghĩa. Khuôn mẫu của đời tôi là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa, và là lời đáp trả của tôi trước tiếng gọi của Người. Điều đó làm cho đời sống của tôi không chỉ là một chuỗi các biến cố, nhưng là một định mệnh. Anh Cornelius Ernst, O.P. đã nói: “Định mệnh là tiếng gọi và lời mời của Thiên Chúa tình yêu mà chúng ta đáp lại bằng một sự ưng thuận đầy sáng tạo và tràn ngập tình yêu”.[3] Dù trong đêm tối, dù trong tuyệt vọng, khi không còn gì có ý nghĩa nữa, chúng ta vẫn có thể gặp gỡ Thiên Chúa của sự sống. Như một triết gia Do Thái đã viết: “Mỗi khoảnh khắc có thể là một cánh cửa nhỏ cho Đấng Messiah đi vào”. Câu truyện của đời ta là câu truyện về cuộc gặp gỡ ấy với Thiên Chúa, Đấng đến với chúng ta như người bạn tình đến trong đêm tối. Đó chính là điều chúng ta cử hành và tôn vinh Người.
Những giờ phút cảm động nhất tôi đã trải qua trong sáu năm vừa rồi là những cơ hội chia sẻ với anh em, chị em của tôi lời ca tụng Thiên Chúa trong những tình huống khó khăn nhất. Tôi đã chia sẻ trong một đan viện ở Burundi, sau cuộc hành trình ngang qua một đất nước bị xâu xé vì chiến tranh sắc tộc; ở Iraq, dưới sự đe dọa của bom đạn; ở Algeria, cùng với người anh em của chúng tôi là đức cha Pierre Claverie trước khi người bị sát hại. Điều thiết yếu đối với đời sống tu trì là chúng ta hát lên những lời ca tụng Chúa, dù trong đêm tối. Chúng ta hát các thánh vịnh, sách tehillim, sách ngợi khen. Chúng ta đo thời gian bằng những giờ thần vụ, những giờ kinh phụng vụ, chứ không phải chỉ bằng những giờ máy móc của đồng hồ. “Bảy lần mỗi ngày, con ca ngợi Chúa”. Vâng, ít là hai lần đối với phần đông chúng ta.
Tôi nhớ đến một câu truyện có thể minh họa sự tương tác giữa thời gian ca tụng với thời gian của đồng hồ, thời gian của cái hiện đại như thế nào. Hồi em tôi còn nhỏ, một hôm ông nha sĩ đến dạy cho các em bài học về vệ sinh răng miệng. Ông hỏi cả lớp khi nào phải đánh răng. Im lặng tuyệt đối. Ông nhấn mạnh:“Nào, các em biết phải đánh răng khi nào chứ: sáng và tối…”. Lời đó tức khắc gợi lên một phản xạ trong tâm trí của những em nhỏ Công giáo đã học giáo lý. Thế là chúng đồng thanh đáp: “Trước và sau bữa ăn”. Ông nha sĩ khen: “Tuyệt vời”, và các em nhỏ tiếp luôn: “… trong cơn cám dỗ và trong giờ lâm tử”. Đúng thế, nếu chúng ta luôn đánh răng lúc gặp cám dỗ, chúng ta sẽ tránh được bao tội lỗi!
Nhịp độ đều đặn của lời ngợi khen không phải chỉ là một thứ lạc quan ngây ngô cho rằng mọi sự sẽ kết thúc tốt đẹp. Chúng ta công bố rằng, ngay tự bây giờ, giữa sa mạc, Chúa của sự sống đến với chúng ta và đem lại cho chúng ta một lối sống. Theo nghĩa này, đời sống tu trì phải thực sự là một đời sống có tính ngôn sứ, bởi vì ngôn sứ là người thấy tương lai xuất hiện ngay trong hiện tại. Đúng như ngôn sứ Habakkuk đã nói: “Thật thế, cây vả không còn đâm bông nữa, cả vườn nho không được trái nào. Quả ôliu đợi hoài không thấy, ruộng đồng chẳng đem lại gì ăn (…) Nhưng phần tôi, tôi nhảy mừng vì Đức Chúa, hỉ hoan vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi!” (3,17-18).
Mới đây, tôi gặp những anh em của Dòng hoạt động cho Công lý và Hòa bình ở châu Mỹ Latinh. Đây là một thế hệ trẻ, không phải là những người thuộc thập niên 60 như tôi! Những người trẻ nam nữ đang ôm ấp một giấc mơ trong đời. Tôi tưởng họ sẽ chán nản thất vọng, do tình trạng kinh tế đang xuống dốc, bạo lực gia tăng, sự phân hóa xã hội trên lục địa của họ. Không đâu! Họ nói rằng, đúng là lúc này, khi mọi ảo tưởng đã tiêu tan, khi Nước Trời có vẻ như xa vời hơn bao giờ hết, thì tu sĩ chúng ta phải đóng vai trò của mình. Không ai còn có thể mơ mộng vào lúc này. Nhưng ngày hôm nay đấu tranh cho một thế giới công bằng hơn, đang khi ta có cảm tưởng không có một chút tiến triển, có nghĩa là con người phải biết cầu nguyện sâu xa. Như anh Frei Betto, một người anh em Brazil của chúng tôi, đã viết, ngày nay cần phải là một nhà thần bí mới tin được vào công lý và hòa bình.
Diễn xuất
Giữa câu truyện con gấu và câu truyện chị đan sĩ có một sự tương phản thứ hai mà tôi muốn lưu ý, liên quan đến cách thức các sự việc xảy ra. Đâu là động cơ của câu truyện? Cái gì làm cho câu truyện tiếp diễn? Chúng ta cần có cả cốt truyện lẫn diễn xuất.
Chúng ta đã thấy con gấu tượng trưng sự đấu tranh sinh tồn. động lực thúc đẩy lịch sử tiến lên, đó là sự cạnh tranh “mạnh được yếu thua”. Dù nghiên cứu về tiến hóa hay kinh tế, ta cũng thấy sự việc xảy ra đúng như thế. Đó là giả định nền tảng của câu truyện hiện đại. Động cơ thúc đẩy lịch sử là sự cạnh tranh loại trừ người bất toàn, kẻ thất vọng và kẻ yếu nhược.
Nhưng một lần nữa, chúng ta nhận thấy có sự mâu thuẫn. Thật vậy, con gấu kia tượng trưng cho chính sự tự do, sự tự do là trọng tâm của thời hiện đại: tự do cạnh tranh trong thị trường tự do, ở đó mỗi người tự do chọn lựa cái mình muốn. Vậy mà chúng ta đã thấy rằng, cả sự tự do ấy nữa, ở một mức độ nào đó, cũng chỉ là ảo tưởng. Quả thực, chúng ta bị cuốn hút vào trong sự biến đổi toàn diện của thế giới, làm cho chúng ta trở thành bất lực, không thể dừng lại được, một sự biến đổi hủy diệt các cộng đồng và nuốt chửng hành tinh của chúng ta. Do đó chúng ta thấy một nghịch lý kép trong lịch sử hiện đại: người ta hứa cho ta tiến bộ, ta lại thấy nghèo đói; người ta hứa cho ta tự do, ta lại thấy bất lực. Vậy thì đời sống tu trì có thể hàm ngụ một câu truyện nào khác đây?
Nhưng một lần nữa, chúng ta hãy nhìn chị đan sĩ trẻ kia, chị hát lên bài tình ca của chị trong đêm tối. Chị tượng trưng cho một lối kể truyện khác. Câu truyện mà chị kể là câu truyện về một con người đã bị những kẻ mạnh quật ngã, nhưng người đó vẫn luôn sống mãi. Những con gấu to lớn của thành Roma và thành Jerusalem cấu xé con người nhỏ bé miền Galilee ấy. Điều chúng ta ca ngợi trong câu truyện này không phải là sức mạnh tối cao của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là con gấu to lớn nhất, nhưng là khả năng sáng tạo tuyệt đối của Người trong việc phục sinh Đức Giêsu từ cõi chết.
Chỉ có câu truyện khi có một cái gì mới mẻ xảy ra. các câu truyện kể lại sự việc thay đổi biến chuyển như thế nào. Nhưng mô hình của sự thay đổi trong thế giới hôm nay là sự tồn tại của kẻ mạnh nhất.
Sự tiến hóa về sinh học hoặc kinh tế mang lại sự thay đổi, nhưng phải đi qua cuộc cạnh tranh sinh tồn. Đang khi đó câu truyện mà chị đan sĩ của chúng ta kể, giới thiệu một sự mới mẻ còn triệt để hơn, đó là hồng ân khôn tả của sự sống mới. Chúng ta tôn vinh Thiên Chúa, Đấng đã phán: “Này đây, Ta làm mới mọi sự”. Các tu sĩ chúng ta được kêu gọi để trở thành dấu chỉ cho sự đổi mới khôn tả của Thiên Chúa, cho quyền năng sáng tạo khôn lường của Người.
Người tu sĩ phải làm thế nào để trở nên dấu chỉ câu truyện lạ lùng về một Thiên Chúa của sự chết và sự sống lại? Dấu chỉ hiển nhiên nhất, đó là các tu sĩ, vì tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng phục sinh kẻ chết, đã không chịu rời bỏ những vùng đất đầy chết chóc và bạo lực. Ở tất cả những nơi có bạo hành, ở Rwanda, Burundi, Congo, Chiapas, người ta đều có thể thấy những nam nữ tu sĩ đang là một dấu chỉ cho câu truyện khác đó, câu truyện mà chị đan sĩ của chúng ta đang hát lên. Tại nước Pháp đây, chúng ta nghĩ đến nhiều tu sĩ đã chết ở Algeria. Tất cả anh chị em đều biết rõ những lời tuyệt vời này của Christan de Chergé, Viện phụ Trappist trong bản di chúc thiêng liêng mà người viết ít lâu trước khi qua đời. Tôi nghĩ rằng, anh chị em cho phép tôi đọc lại một lần nữa:
Ngày vĩnh biệt thấy trước
“Nếu một ngày nào đó – và có thể là ngày hôm nay – tôi trở thành nạn nhân của sự khủng bố hình như đang chụp xuống tất cả những ngoại kiều sống tại Algeria, tôi mong rằng cộng đoàn của tôi, Hội Thánh của tôi, gia đình của tôi, hãy nhớ rằng đời sống của tôi đã được hiến dâng cho tất cả mọi người và cho đất nước này. Ước gì anh chị em hãy nhận ra rằng Vị Chủ tể Duy nhất của mọi sự sống đâu phải là người nước ngoài[4] khi phải ra đi tàn nhẫn như thế này. Xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi: làm sao tôi được xứng đáng với một sự hiến dâng như thế? Xin anh chị em kết hợp cái chết này với bao cái chết khác cũng tàn bạo như thế mà bị lãng quên trong sự vô danh (…)
“Cuộc đời này mất đi, trọn vẹn cuộc đời của tôi, và trọn vẹn cuộc đời của họ, tôi xin cảm tạ Chúa, Đấng đã muốn dẫn dắt đến Niềm Vui Ở Phía Bên Kia, bất chấp mọi sự”.
Việc chuẩn bị cho một chứng tá như thế chắc chắn hệ tại việc toàn thể cộng đoàn tu trì phải là nơi học hỏi cách thế sinh ra qua sự chết và sự sống lại. Một trong những bà cô của tôi là một nữ tu dòng Thánh Tâm. Hồi 7 tuổi, bà đã làm cho các bạn hoảng sợ khi bà gắn lên tường căn phòng dành cho trẻ nít một tờ giấy ghi: “Tôi muốn tan biến đi và được kết hợp với Đức Kitô”. Tôi nghĩ ngày nay chắc không có nhiều ứng sinh làm như thế, tạ ơn Chúa! Nhưng một cộng đoàn tu trì phải là nơi chúng ta học cho biết chết đi và sống lại, một nơi biến đổi. Chúng ta không phải là những tù nhân của quá khứ. Chúng ta có thể lớn lên trong sự thánh thiện. Chúng ta có thể chết đi và được đổi mới.
Có lẽ điều đó sẽ không xảy ra nếu chúng ta tránh né đối diện với cái chết nơi các định chế của chúng ta. Ngày nay, ở Tây Âu, nhiều tu hội, nhiều cộng đoàn, nhiều tu viện và nhiều tỉnh dòng đang phải đối diện với cái chết. Có nhiều chiến lược để tránh né thực tế này: phong chân phước cho vị sáng lập, khởi xướng những chương trình xây dựng tốn kém, viết ra những văn bản tuyệt vời về những dự án chẳng bao giờ được đưa ra thực hiện. Khi chúng ta gửi những anh em, chị em sang Philippines, Colombia, Brazil, phải chăng là do lòng nhiệt thành truyền giáo bộc phát và mới mẻ hay là vì muốn có những ơn gọi để có thể sống còn? Nếu chúng ta không thể đối diện với viễn ảnh sự chết, chúng ta còn có thể nói được gì về Thiên Chúa của sự sống? Ngày nọ, tôi đến thăm một đan viện Đaminh ở Anh quốc cùng với một anh em cao niên. Rõ ràng đan viện này đến ngày tàn rồi, nhưng một trong các nữ đan sĩ nói với anh bạn đồng hành của tôi: “Thưa cha, chắc chắn Chúa sẽ không để cho đan viện này phải chết!”. Anh đáp lại:“Thế nhưng Người đã chẳng để Con của Người phải chết đó sao?”.
Một trong những cách thức để sống câu truyện không thể tưởng tượng này về sự chết và sự sống lại, là tin chắc sẽ đem lại một đời sống mới trong những nơi không ai ngờ tới. Chúng ta phải là những người đi vào trong thung lũng của tử thần và biểu lộ niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ chết sống lại. Tôi nhớ một người anh em của tôi, người Scotland, vừa là một thi sĩ vừa là nhà đô vật, một sự kết hợp khó tin. Anh phát động một phong trào ở Scotland để dạy nghệ thuật cho các tù nhân. Anh xác tín rằng nếu chúng ta không tin vào óc sáng tạo của họ, họ sẽ chẳng bao giờ được chữa lành. Đầu tiên, anh thử nghiệm trong một nhà tù khét tiếng ở Glasgow. Anh hỏi các tù nhân xem họ thích làm việc gì: hội họa, thi ca, điêu khắc, múa. Anh chị em có thể đoán ra họ phản ứng như thế nào không! Thế là anh xắn tay áo lên và nói: “Nếu có ai trong các bạn nghĩ rằng nghệ thuật không phải là chuyện dành cho người đàn ông như các bạn, thì tôi sẽ đánh nhau với người đó!”. Và anh đã đánh nhau với từng người trong họ. Và tất cả bọn họ đều bắt đầu học hỏi về thi ca và hội họa! May thay, đó không phải là cách duy nhất để đưa người ta đến với đức tin vào Thiên Chúa, Đấng làm mới mọi sự.
Một cách thức khác, có lẽ truyền thống hơn, để các tu sĩ luôn là một dấu chỉ về Thiên Chúa hằng sáng tạo, đó là qua cái đẹp. Các anh chị em ở Pháp ý thức rõ điều này hơn ở bất cứ nơi nào khác. Cách đây mấy tuần, tôi gặp ở Đức một anh Đaminh cao niên, vừa là họa sĩ, vừa là nhà điêu khắc. Tôi hỏi anh thích làm cái gì nhất. Anh trả lời rằng anh luôn say mê khắc chữ trên những tấm bia mộ! Có những vết thương trầm trọng đến nỗi chỉ có cái đẹp mới chữa lành được. Đứng trước nỗi thống khổ, người ta chỉ có thể diễn tả niềm hy vọng bằng nghệ thuật. Một tấm bia mộ thật đẹp có thể diễn tả hùng hồn niềm hy vọng vào sự sống lại, vào Thiên Chúa, Đấng có thể làm cho kẻ chết sống lại.
Cuối cùng, có cái đẹp của phụng vụ, cái đẹp của lời ca ngợi Thiên Chúa, nói về Thiên Chúa, Đấng biến đổi mọi sự. Đó là vẻ đẹp mà chúng ta đã đề cập tới khi bắt đầu buổi nói chuyện, vẻ đẹp của chị đan sĩ hát bài tình ca trong đêm tối trước ngọn nến. Đó là vẻ đẹp của một bài ca tràn ngập đam mê của những người miền nam Tây Ban Nha khiến tôi rất xúc động. Điều đó làm tôi nghĩ đến Pablo Neruda, ông nói rằng giữa những tấn thảm kịch của sự sống và sự chết, ông đã chọn cây đàn ghi ta!
Diễn viên
Cuối cùng, không có câu truyện nếu không có các diễn viên, các nhân vật. Mỗi câu truyện đều có một vị anh hùng. Và đâu là hình ảnh thích hợp nhất về cái tôi hiện đại nếu không phải là con gấu của chúng ta, con gấu đang giận dữ và cô độc. Nhưng cái “tôi hiện đại” ấy đang gặp khủng hoảng.
Điều căn bản nhất đối với thế giới hôm nay là chính ý nghĩa mới này về con người; một cái tôi riêng rẽ và độc lập, tách biệt và tự do, và xét cho cùng là cái tôi cô độc. Đó là hậu quả của cuộc tiến hóa kéo dài từ nhiều thế kỷ nay, trong đó các tương quan xã hội bị cắt đứt, trong đó người ta chấp nhận cái riêng tư, thậm chí còn cho đó là lý tưởng nữa. Cái tôi ấy chính là người hùng của chúng ta kể từ thời Descartes. Chúng ta gặp thấy cái tôi ấy trong bất cứ cuốn phim cao bồi nào của Mỹ. Đó là một khuôn mặt đơn độc.
Cơn khủng hoảng của thời hiện đại một phần là do “cái tôi hiện đại này” chứa đựng một sự mâu thuẫn. Bởi vì con người không thể là một cái “tôi” đơn độc. Con người không thể hiện hữu như một nguyên tử đơn độc, tự chủ. Chúng ta không thể hiện hữu mà không có cộng đoàn, không có người để chuyện trò, không có những cái mà Charles Taylor gọi là “những mạng lưới đối thoại”.[5] Đó là mâu thuẫn nằm ngay tại gốc rễ lịch sử hiện đại: trong khi con người tự cho mình là đơn độc, thì thực tế, không ai có thể là một cá nhân đứng ngoài mọi hình thức cộng đoàn. Không thể là một “cái tôi hiện đại” trong một thời gian lâu dài được. Con gấu trên tấm biển quảng cáo diễn tả một lý tưởng không thể có được. Đơn độc, nó sẽ chết.
Chúng ta trở lại với chị đan sĩ của chúng ta một lần cuối, chị ca hát trước cây nến Phục sinh. Chị không đơn độc. Lờ mờ trong ánh sáng của cây nến, có một đám đông những người trẻ. Canh thức Phục sinh là một cuộc tập họp của Dân Thiên Chúa. Một cộng đoàn đã được sinh ra trong đêm ấy. Chúng ta họp nhau để nhớ lại phép Thánh tẩy của chúng ta trong thân mình Đức Kitô và cùng nhau tuyên xưng một niềm tin chung. Điều đó diễn tả một cái nhìn khác về ý nghĩa con người.
“Đời sống con người hôm nay có ý nghĩa gì?”. Một trong những cách thức trả lời cho câu hỏi ấy trong nếp sống tu trì, đó là sống cộng đoàn. Tìm thấy căn tính của mình trong cộng đoàn, như một người anh em, một người chị em, đó là sống một hình ảnh khác về cái tôi, một cách thức khác để làm người. Nó thể hiện một hình ảnh đối lập với hình ảnh của người hùng hiện đại. Vào thời khai nguyên của Dòng, người ta gọi cộng đoàn Đaminh là một “sacra praedicatio”, một “trung tâm giảng thuyết thánh”. Sống với nhau như anh em “đồng tâm nhất trí” đã là một lời thuyết giảng, ngay cả trước khi có ai đó nói lên được một lời. Những người trẻ đến với đời sống tu trì có lẽ là để đi tìm một cộng đoàn hơn là vì một lý do nào khác. Theo Tông huấn Đời sống Thánh hiến, chúng ta là dấu chỉ của sự hiệp thông cho toàn thể Hội Thánh, một chứng tá về đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Nhưng nếu cộng đoàn đã dẫn đưa những người trẻ đến với đời sống tu trì, thì cũng chính những khó khăn của đời sống chung đã khiến nhiều người rời bỏ đời sống ấy. Chúng ta khát khao sự hiệp thông, vậy mà, sống sự hiệp thông ấy lại là một nỗi khổ. Khi gặp các anh em Đaminh trẻ đang trong thời gian thụ huấn, tôi thường hỏi họ thấy điều gì tốt nhất và điều gì tồi tệ nhất trong đời sống tu trì, nói chung, họ đưa ra cùng một câu trả lời: sống cộng đoàn. Đó là vì chúng ta là con đẻ của thời đại mình, được nhào nặn bởi quan niệm về cái tôi hiện đại. Chúng ta không phải là những con chó sói đội lốt chú cừu. Chúng ta là những con gấu đội lốt chị đan sĩ!
Có thể nói đời sống tu trì của chúng ta phản ánh sự khủng hoảng của cái tôi hiện đại. Con người cá nhân hiện đại khát vọng được sống độc lập, tự do, tách biệt, là những điều không thể đứng vững được, bởi vì người ta không thể là một con người hoàn toàn đơn độc. Dù nghĩ thế nào đi nữa, chúng ta cần thuộc về cộng đoàn để sống như những con người. Nhưng là tu sĩ, đời sống chúng ta đang phản ánh bi kịch này. Chúng ta bước vào đời sống tu trì với khát vọng sống cộng đoàn, thật sự mong muốn trở thành anh em, chị em với nhau, nhưng chúng ta vẫn là những sản phẩm của thời hiện đại, mang nặng dấu ấn cá nhân chủ nghĩa, sợ phải dấn thân, khát khao được độc lập. Phần đông chúng ta sinh ra trong những gia đình trung bình chỉ có một người con rưỡi, và vì thế thật khó sống với đám đông. Như vậy, con người cá nhân hiện đại và người tu sĩ là hai khía cạnh của cùng một sự căng thẳng. Con người cá nhân hiện đại mơ ước một sự độc lập không thể có, còn chúng ta, người tu sĩ, chúng ta khát vọng một cộng đoàn khó có thể chấp nhận được.
Con gấu không thể trở thành chị đan sĩ trong thời gian một năm tập. Cần phải huấn luyện dần dần để trở nên người, học nói học nghe, cắt đứt sự chi phối của tính quy ngã và tính ích kỷ, những cái làm cho tôi trở thành cái rốn của vũ trụ. Chính sự sinh lại từ từ qua cầu nguyện và hoán cải sẽ giải phóng tôi khỏi những hình ảnh sai lạc về thiên chúa và tha nhân.
Chính trong tình trạng ấy, mà chúng ta – những người bị bóc trần – phải sống thảm kịch của Hội Thánh hiện đại một cách mãnh liệt. Trước đây chưa bao giờ Hội Thánh nhấn mạnh như thế đến việc trình bày mình như một cộng đoàn. “Koinonia” – hiệp thông – là trọng tâm của mọi khoa Giáo hội học hiện nay. Thế mà chưa bao giờ Hội Thánh, ít là ở Tây phương, lại tỏ ra thiếu hiệp thông thực sự như vậy. Chúng ta dùng ngôn ngữ hiệp thông, nhưng chúng ta hiếm khi sống hiệp thông. Lời nói và thực tế không đi đôi với nhau. Một trong những cố gắng của chúng ta để cho giấc mơ về sự hiệp thông ấy trở thành hiện thực, là dám xây dựng cộng đoàn ở những nơi xem ra không thể được, nơi mà người khác đã bỏ đi. Trong những năm gần đây, tôi hay gặp những cộng đoàn nhỏ các tu sĩ, thường là nữ tu. Họ lập cộng đoàn ở những nơi mà người khác đường như đã tuyệt vọng, nơi chỉ có những con người bị chà đạp và tuyệt vọng trước bạo lực và nghèo đói. Ở chính những nơi có vẻ như chẳng còn chút hy vọng gì, người ta thấy các nữ tu dựng lên một căn nhà luôn mở rộng cửa.
Còn đây là một hình ảnh nói lên bao kỷ niệm. Hôm sau buổi canh thức Phục sinh cử hành với chị đan sĩ kia, tôi đi thăm một ngôi nhà nguyện nhỏ tại Caracas do anh em phụ trách, ở một trong những khu nhà ổ chuột tồi tệ nhất của Mỹ châu Latinh. Ngôi nhà nguyện này dày đặc những lỗ đạn. Trung bình mỗi dịp cuối tuần có khoảng 28 người trong họ đạo bị sát hại. Trên bức tường phía sau bàn thờ, có một bức họa do các em nhỏ trong khu phố vẽ. Đó là bức họa Bữa Tiệc ly, vẽ Đức Giêsu đang dùng bữa, có các anh em và chị em Đaminh vây quanh, thánh Đaminh thì đang vuốt ve con chó. Còn người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến, thiêm thiếp ngủ bên cạnh Chúa, lại là một em bé người địa phương, một trẻ em đường phố. Trong một thế giới bạo lực như vậy, biểu tượng trên cho thấy cuối cùng em nhỏ đã tìm được một căn hộ, tìm được một lời hứa, một mái ấm.
Kết luận
Tôi phải kết thúc thôi. Khi mở đầu tôi đã khẳng định rằng, chúng ta chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa của đời sống tu trì khi hiểu rằng đó là một câu trả lời cho việc tìm kiếm ý nghĩa của đời sống “con người”. Tiếp đó tôi đã gợi ý rằng một trong những phương cách để hiểu cơn khủng hoảng về ý nghĩa nơi xã hội Tây phương là: câu truyện nền tảng mà chúng ta kể ra để giải thích chúng ta là ai và chúng ta đi về đâu không còn tác dụng nữa. Hình ảnh làm biểu tượng là con gấu thân thương của chúng ta. Đó là một câu truyện đầy những mâu thuẫn. Câu truyện ấy nói về sự tiến bộ, nhưng hình như lại dẫn chúng ta đến nghèo đói. Nó cống hiến sự tự do, thế mà chúng ta thường cảm thấy bất lực. Nó mời gọi trở thành “cái tôi hiện đại”, tự lập và đơn độc, nhưng chúng ta lại khám phá ra rằng chúng ta không thể là người nếu không có cộng đoàn.
Cũng thế, đời sống tu trì chỉ có thể đáp ứng được nỗi khát khao tìm kiếm ý nghĩa khi nó là hiện thân của một câu truyện khác, một cái nhìn khác cho biết “là người” nghĩa là gì. Chúng ta thấy biểu tượng của điều đó nơi chị đan sĩ rất đáng yêu đang hát ca trước cây nến trong đêm tối. Và đó là một câu truyện gợi lên một ý nghĩa khác của thời gian. Không còn là sự tiến bộ tất yếu, nhưng là làm thế nào để chúng ta gặp được Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta đến với Người. Và cái làm cho câu truyện trở nên sinh động không phải là sự tự do cạnh tranh, nhưng là sự sáng tạo khôn lường của Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ chết sống lại. Và người hùng của câu truyện này không phải là người hùng đơn độc của thời hiện đại, nhưng là những nam, nữ tu sĩ đang sống trong cộng đoàn và xây dựng cộng đoàn cho những người khác.
Đời sống tu trì chỉ là một nỗ lực sống câu truyện khác ấy, câu truyện Vượt Qua tường thuật sự chết và sự sống lại. Như anh Bruno Chenu đã viết trong cuốn sách tuyệt hay, mà tôi được đọc quá trễ: “Các tu sĩ muốn thể hiện một thứ lôgích của phép Thánh tẩy, đó là một đời sống trong Đức Kitô được đẩy tới những hệ quả cuối cùng”.[6] Các lời khấn không mang lại một ý nghĩa khác hoặc một ý nghĩa đặc biệt cho cuộc đời chúng ta. Nhưng các lời khấn công khai hóa và làm sáng tỏ việc chúng ta bác bỏ câu truyện con gấu. Chẳng hạn, đức vâng phục là một sự khước từ rõ ràng cái tôi độc lập, đơn độc và không dấn thân. Đó là lời tuyên bố rằng, chúng ta có ý định sống một câu truyện khác, chúng ta khám phá ra mình là ai trong đời sống chung với anh em. Đó là một sự dấn thân để tự giải phóng mình khỏi cái ách nặng không thể chịu nổi của cái tôi hiện đại và đơn độc. Trong đức vâng phục, chúng ta cũng khước từ hình ảnh về cuộc sống như một cuộc đấu tranh giành quyền lực, cũng như trong đức thanh bần, chúng ta công khai từ bỏ cuộc đua tranh giành chiến thắng, từ bỏ thị trường chụp giựt của xã hội tiêu thụ. Trong đức khiết tịnh, chúng ta chấp nhận rằng sự phong phú sâu xa nhất mà chúng ta có thể có được, đó là sự phong phú của Thiên Chúa Tạo hóa, Đấng làm cho kẻ chết sống lại.
Những lời tuyên khấn ấy làm cho chúng ta trở nên trần trụi và bị phơi bày, làm đảo lộn mọi câu truyện khác, những câu truyện chỉ đem lại ý nghĩa tạm bợ cho đời sống chúng ta và giúp chúng ta kéo lê cuộc đời thêm một ngày nữa. Chúng ta hứa từ bỏ chức nghiệp, thành công về tài chánh, (tóm lại), bất cứ những thứ ngụy trang nào khác có thể gợi cho chúng ta ảo tưởng rằng cuối cùng, hóa ra con gấu có lý. Nếu câu truyện Vượt Qua ấy không thực, thì cuộc sống chúng ta chẳng có ý nghĩa gì, và “chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15:19).
Việc đó không dễ dàng. Chúng ta là con đẻ của thời hiện đại và chúng ta được nhào nặn bởi những câu truyện của thời đại, chúng ta chia sẻ những giấc mơ của thời đại. Chẳng hạn, tôi biết bản thân tôi giống con gấu hơn là chị đan sĩ. Những đáp trả theo bản năng của tôi thường là những đáp trả của cái tôi đơn độc hơn là của người anh em. Tôi biết rằng tôi chỉ mới bắt đầu tiến trình sinh lại mà thôi. Óc tưởng tượng của tôi chỉ mới biến đổi được một nửa. Khi đứng chờ xe buýt ở Roma và nhìn tấm bích chương, tôi đã nhìn thấy chính bản thân tôi.
Tôi rút ra hai kết luận. Trước hết, ít ra là tôi có thể cùng với những người đương thời tham gia cuộc chiến đấu để cất đi mặt nạ của con gấu và mang lấy khuôn mặt của con người. Nếu tôi không tham gia cuộc chiến này, tôi chẳng có gì để trả lời cho câu hỏi: “Đời sống con người ngày hôm nay có ý nghĩa gì?”. Người tu sĩ không phải là thần thánh chạy trốn cuộc sống hiện tại, nhưng là một con người, do lời tuyên khấn, đã dứt khoát dấn thân vào cuộc chiến đấu để tái sinh. Chúng ta chia sẻ với người khác những nỗi đau đớn của cuộc tái sinh. Nếu chúng ta chân thực trong cuộc chiến của mình, có lẽ những người khác sẽ chia sẻ niềm hi vọng của chúng ta.
Thứ đến, bởi đây là điều khó, nên chúng ta phải thật sự dấn thân xây dựng những cộng đoàn trong đó có đời sống mới của sự Phục sinh. Một cộng đoàn tu trì không phải chỉ là nơi để ăn uống, đọc một ít kinh và đi ngủ mỗi tối. Đó là một nơi để chết đi và sống lại. Ở đó chúng ta giúp đỡ nhau canh tân. Tôi thích coi đời sống tu trì như một hệ sinh thái, một khái niệm tôi đã khai triển ở nơi khác.[7] Hệ sinh thái là môi trường cho phép những hình thức sống mới lạ được phát triển. Mỗi dạng sống mới lạ cần có hệ sinh thái của nó. Điều này đặc biệt đúng với những người trẻ vừa mới bước vào đời sống tu trì, thường là những người mới tin vào Chúa. Một con nhái quý hiếm chỉ có thể sống và sinh sản, và có một tương lai, nếu nó có được tất cả những yếu tố cần thiết thuộc hệ sinh thái của nó: một hồ nước, một ít bóng mát, những cây cỏ khác nhau, nhiều bùn và những con nhái khác. Đi tu là chọn lựa một lối sống mới lạ, và mỗi người chúng ta phải cần đến một môi trường thuận lợi: cầu nguyện, thinh lặng, cộng đoàn. Thiếu những cái đó, chúng ta không thể phát triển được. Như vậy, một bề trên giỏi là một nhà sinh thái giúp anh chị em mình xây dựng những khung cảnh cần thiết cho sự phát triển của họ. Tuy nhiên, các hệ sinh thái không phải là những nhà tù chật hẹp ngăn cách chúng ta khỏi thế giới hiện đại. Một hệ sinh thái tạo điều kiện cho một lối sống phát triển và tác động một cách sáng tạo lên những hình thức sống khác.
Chúng ta cần đến những hệ sinh thái duy trì nơi chúng ta ý nghĩa của mùa Phục sinh, nhịp độ của năm phụng vụ dẫn chúng ta từ mùa Vọng đến lễ Hiện xuống. Chúng ta cần đến những cộng đoàn sống theo chu kỳ năm phụng vụ, trong đó họ vừa cử hành phụng vụ, vừa chay tịnh với nhau. Chúng ta cần đến những cộng đoàn, nơi đó chúng ta không chỉ hài lòng với việc đọc một ít thánh vịnh trước khi đi làm việc, nhưng ở đó, chúng ta được nâng đỡ để có thể hát lên những lời ca tụng ngay giữa nơi sa mạc. Chúng ta cần xây dựng những cộng đoàn là nơi chia sẻ đức tin và những nỗi thất vọng của chúng ta, để giúp nhau vượt qua sa mạc. Chúng ta cần những cộng đoàn trong đó chúng ta có thể sinh lại dần dần thành những người anh em, chị em, con cái của Thiên Chúa hằng sống.
Chị đan sĩ ca hát trong đêm tối, giống như thánh Đaminh đã ca hát khi rảo bước trên những con đường ở miền nam nước Pháp. Đó là ơn gọi của Kitô hữu. Thánh Augustine nói với chúng ta: “Anh em hãy lên đường. Hãy vừa đi vừa hát. Những khách lữ hành đã làm thế để nhẹ bớt gánh nặng. (…) Hãy hát lên một bài ca mới. Đừng ai hát những bài ca cũ. Hãy hát lên những bài tình ca của quê hương anh em. (…) Hãy hát lên như những khách lữ hành, và họ thường hát trong đêm tối. Những tiếng động họ nghe thấy chung quanh thật đáng khiếp sợ. Nhưng họ vẫn ca hát dù run sợ trước những tên cướp”.[8] Hay những con gấu!
Fr. Timothy Radcliffe, OP.
Nguyên Tổng Quyền Dòng Anh Em Giảng Thuyết (Đa Minh).
Bài nói chuyện tại Hội nghị Các Bề Trên Thượng Cấp nước Pháp,
Nguồn: http://daminhvn.net/doi-song-thanh-hien/hanh-khat-trong-mot-xa-hoi-tieu-thu-11770.html
[1] Chương trình truyền hình hay truyền thanh đề cập đến những biến cố hay những vấn đề của đời sống thường nhật, thường thì có vẻ ướt át (Người Dịch).
[2] In Praise of Benedict, Ampleforth, 1996, tr. 23.
[3] The Theology of Grace, Dublin, 1974, tr. 82.
[4] Chúa Giêsu là người Do Thái, chết tại Jerusalem (Người Dịch).
[5] Sources of the Self, Cambridge, 1989, tr. 36.
[6] L’Urgence prophétique, Dieu au défi de l’Histoire, Paris, tr. 262.
[7] Ơn gọi tu trì: Từ bỏ những dấu chỉ căn tính quen thuộc.
[8] Enarrationes in Psalmos 66,6.