Có ai trong chúng ta chưa từng một lần cảm thấy tức giận? Những khi giận dữ chúng ta thường có phản ứng như thế nào? Khi bình tĩnh lại, chúng ta có nhận thấy mình tức giận là đúng, là cần thiết, và hữu ích hay là ngược lại?
Giận dữ là một trong những cảm xúc được khơi lên cách thầm kín nhưng lại có thể ảnh hưởng đến chúng ta theo nhiều cách: từ việc nổi cơn thịnh nộ bất ngờ, đến việc có một ngọn lửa âm ỉ bên trong khiến chúng ta luôn sẵn sàng bùng nổ, đôi khi chỉ vì một lý do rất nhỏ, hoàn toàn không đáng là gì so với sự phản ứng giận dữ bộc phát của chúng ta.
Sau khi trải nghiệm sự giận dữ của chính mình hoặc của người khác, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, sự tức giận không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân của người tức giận mà còn ảnh hưởng đến những người chung quanh.
Vậy chúng ta phải làm gì để đối phó với cảm giác tức giận?
Theo kinh nghiệm của Thánh Phanxicô Salêsiô, phương thuốc tốt nhất để chống lại cơn nóng giận là thực hành sự dịu dàng mỗi ngày và canh chừng cảm xúc trong tâm hồn mình.
Một khi nhận ra cơn giận và kiềm chế bằng sự điềm tĩnh chúng ta sẽ dễ dàng kiểm soát và không để sự nóng giận bùng phát. Thánh nhân khuyên rằng, “Khi có dấu hiệu đầu tiên của sự tức giận, hãy trấn tĩnh một cách nhẹ nhàng và nghiêm túc, đừng hấp tấp hoặc bốc đồng”.
Ngoài ra, những lời Kinh thánh dưới đây sẽ giúp chúng ta suy tư về vai trò của sự tức giận và nhận ra mối nguy hiểm của loại cảm xúc này. Đồng thời, cũng giúp chúng ta ý thức rằng, ngay cả khi sự tức giận là chính đáng, thì điều quan trọng là chúng ta luôn phải phản ứng dưới sự soi dẫn của Chúa.
Hậu quả của sự tức giận:
“Dừng cơn phẫn nộ và chớ mãi nổi xung, đừng nổi giận kẻo sinh ra tội lỗi”. (Tv 37, 8)
“Câu đáp dịu dàng khiến cơn giận tiêu tan, lời nói khiêu khích làm nổi cơn thịnh nộ”. (Cn 15, 1)
“Người chậm giận thì đầy sáng suốt, kẻ nóng tính để lộ cái dại khờ”. (Cn 14, 29)
Để phản ứng lại sự tức giận:
“Nếu người trên có đùng đùng nổi giận, bạn cũng chớ bỏ đi, vì thái độ bình tĩnh giúp tránh được biết bao lỗi lầm”. (Gv 10, 4)
“Anh em nổi nóng ư? Ðừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn”. (Ep 4, 26)
“Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc” (1 Tim 2, 8)
Được gợi hứng từ chính Chúa:
“Ước gì ơn bình an của Ðức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân”. (Cl 3, 15)
“Phần Ngài, muôn lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín”. (Tv 86, 15)
***
Trong phận người với những bất toàn, chúng ta rất dễ bất nhẫn để chiều theo sự giận dữ khi gặp phải sự bất đồng, hoặc khi cảm thấy bất mãn, và vì thế, càng làm cho cuộc sống của chúng ta thêm bất an.
Với tâm tình của Thánh Phanxicô Salêsiô, vị thánh nổi danh về sự hiền hoà, điềm tĩnh trước mọi cảnh huống, chúng ta cùng cầu nguyện với lời cầu nguyện mà ngài từng dâng lên Chúa mỗi ngày:
Lạy Chúa, với sự trợ giúp Chúa, con muốn thực hành sự dịu dàng trong những cuộc gặp gỡ và phiền toái hàng ngày. Ngay khi nhận thức được cơn giận đang bùng lên trong con, con sẽ trấn tĩnh mình, không phải bằng sức mạnh, mà là bằng sự nhẹ nhàng, và con sẽ cố gắng khôi phục trái tim mình bằng sự bình an.
Biết rằng con chẳng thể tự mình làm được điều gì, con sẽ luôn cần đến sự cứu giúp của Chúa, như các Tông đồ xưa kia đã làm khi bị sóng biển cuồng nộ xô đẩy và nhấn chìm.
Xin dạy con biết dịu dàng với tất cả mọi người, kể cả với những người xúc phạm đến con hoặc chống đối con. Và thậm chí, con biết dịu dàng với chính con, đừng để cho sự tức giận trở thành gánh nặng vì những lỗi lầm của bản thân.
Khi con vấp ngã, bất kể những nỗ lực, con sẽ nhẹ nhàng đứng dậy và tự nhủ: “Này, tâm hồn tội nghiệp của tôi ơi, hãy đứng dậy và rời bỏ cái hố này mãi mãi. Nào ta hãy chạy đến với Lòng thương xót của Thiên Chúa, và Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta”. Amen.
Xin Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, nâng đỡ chúng ta trong từng khoảnh khắc của cuộc sống.
Tác giả: Cerith Gardiner
Nt. Anna Ngọc Diệp dịch, OP, Theo: aleteia.org