Định nghĩa: Hàng xóm là người sống kế bên hoặc ở gần bạn. (Oxford)
Người ta thường khuyên: “Bán anh em xa mua láng giềng gần” – Bán đi các mối quan hệ xa xôi để có chỗ cho những tình cảm gần gũi, cần thiết hơn. Có lẽ khi vào Nhà Dòng, tôi cũng đã thực hiện một cuộc “giao dịch” tương tự như thế; tôi đánh đổi nhiều mối tương giao để nhận lại được tình “hàng xóm” thân thiết với những chị em cùng chung chí hướng.
Đi tu, tôi để lại phía sau lưng bao gần gũi thường ngày của mẹ cha, của mái nhà thân thương. Đi tu, tôi chẳng còn luyến tiếc những vui chơi cùng bè bạn, những chat chit với hội “anh em bạn dì”. Đi tu, tôi cũng đang tập rời xa những thú vui của tuổi trẻ: nghe nhạc tình yêu, xem phim lãng mạn,… Sự năng động, phá cách của tuổi trẻ cũng đang dần nhỏ lại, nhường chỗ cho ý thức rèn luyện nhân đức cho bản thân. Tôi cũng tạm gác lại ước mơ từ thời “trẻ trâu” để theo đuổi khát vọng Chúa đã đặt tự muôn thuở trong lòng tôi. Bỏ lại thật nhiều thứ nhưng cảm giác luyến tiếc không hề đeo bám tôi; tôi luôn biết ơn vì mình đã nhận lại được thật nhiều.
Xa bố mẹ, nhiều lần nhớ nhà, nhưng tôi biết những yêu thương của bố mẹ vẫn luôn sống động và hiện hữu trong tôi. Bố mẹ vẫn nhớ đến và cầu nguyện cho tôi mỗi ngày; bên cạnh đó, tôi luôn được chào đón với thật nhiều yêu thương khi trở về thăm nhà. Bố mẹ không phải là “anh em xa” nhưng khi tạm xa để sống tự lập, tôi được Chúa đặt vào một “khu xóm” mới, một khu xóm cũng đầy tràn quan tâm và sẻ chia tựa như chính gia đình tôi vậy. Chị em là những người Chúa gửi đến để tiếp phần của bố dạy tôi nhiều bài học cuộc sống, tiếp nối những yêu thương của mẹ để chăm sóc tôi khi tôi ốm đau. Tôi cùng những người hàng xóm ấy “tối lửa tắt đèn có nhau” – chúng tôi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của đời dâng hiến với nhau.
Có hàng xóm “sống kế bên”, có hàng xóm “ở gần”.
Những người chung bàn học, chung “xóm nhà lá phòng ngủ” đã làm tôi nhiều phen xúc động. Những lời chào buổi sáng đầu tiên trong ngày và chúc ngủ ngon khi đêm về là những thân thương giản đơn nhưng rất ý nghĩa trong ngày sống đối với tôi. Hàng xóm thường xuyên là những người đầu tiên biết tôi bị cảm hay đau đầu cần nghỉ ngơi. Trong học tập, những chị em hàng xóm cũng giúp tôi không hề cảm thấy cô đơn, lẻ loi, đặc biệt khi học trong môi trường nhiều điểm mới lạ này.
Cũng đôi khi “chuyện trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay”. Các chị em khác “trong xóm” cũng đã giúp đỡ và quan tâm tôi rất nhiều. Cuốn nhật kí của tôi đầy tràn những tiếng cười nói vui vẻ, những sẻ chia tâm tình và những âm thầm quan tâm của cả “khu xóm”. Có người nào buồn, “cả xóm” lại râm ran hỏi nhau tìm cách giải quyết, giúp nhau vui vẻ trở lại. Cứ thế, dù sống kế bên hay ở gần, chúng tôi đều luôn cố gắng chung tay xây dựng một “khu xóm” đáng sống.
Rồi một số người sẽ rời đi và chuyển đến một nơi ở mới (một giai đoạn mới), số còn lại sẽ tiếp tục ở và gìn giữ “khu xóm”. Tất cả sẽ trở thành là kí ức. Nhưng đó sẽ là những kí ức thật đẹp và đáng lưu giữ với cả người đi và kẻ ở. Tôi hi vọng, dù có “chuyển nhà” đi đâu, tôi vẫn luôn ghi nhớ hình ảnh về “khu xóm” đầu đời tu này của tôi. Một “khu xóm” đặc biệt, tràn đầy tràn thánh thiện và yêu thương.
Ngân Mai, Thỉnh sinh
P/s: Cảm ơn người chị em đã gọi tôi: “hàng xóm”!
Đêm thanh, 09/06/2023