Được gọi là Kitô hữu là một hồng ân vô cùng lớn lao của con người. Qua Bí tích Rửa tội, mọi Kitô hữu đều là anh em của nhau và là con của cùng một Cha trong ngôi nhà Giáo hội. Quả thế, Sr nhạc sĩ Hiền Hoà đã diễn tả ơn gọi ấy qua bài hát “Chính Chúa chọn con”. Chính Chúa đã chọn chúng ta từ trước muôn thuở hơn là chúng ta chọn để trở thành Kitô hữu.
Nhờ Bí tích Rửa tội, mỗi chúng ta được Chúa biến đổi từ con người tội lỗi nên trong sạch, từ một tội nhân nên người bạn hữu: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa nhưng là bạn hữu” (Ga 15, 15b). Nhờ Đức Giêsu, chúng ta từ người tôi tớ phục vụ được trở nên bạn hữu của Ngài. Hình ảnh người tôi tớ phục vụ cách sẵn sàng và vô vị lợi đã được trình bày rất rõ ràng trong Tin mừng Thánh Luca (Lc 17, 7-10).
Sẵn sàng hẳn nhiên là thái độ tiên vàn của người tôi tớ; sẵn sàng phục vụ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Dù mệt mỏi bởi công việc hàng ngày, người tôi tớ vẫn nhiệt thành với công việc được giao hay những nhiệm vụ chợt đến. Mau mắn thực thi là bổn phận của người tôi tớ. Người tôi tớ thì, không nên lười biếng và cãi lời ông chủ.
Vô vị lợi là một thái độ khác của người tôi tớ: phục vụ không so đo, không tính toán, không đòi công lênh và không mặc cả, nhưng là quên mình và cho đi tất cả. Chúa Giê su đã nhiều lần dạy các môn đệ rằng: “ Ai muốn làm lớn thì phải làm người phục vụ” (Mc 10, 43) và ai muốn làm đầu thì phải trở nên khiêm nhường. Thực vậy, Chúa Giê su đã luôn nêu gương và trở thành người phục vụ trước: “Thầy đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống vì đoàn chiên” (Mt 20, 28). Chúa Giêsu đã làm tất cả những gì Người có thể để cứu độ và đem lại hạnh phúc đích thực cho những ai cậy trông vào Người. Người đã tự nguyện trở nên tôi tớ khiêm nhường đến nỗi quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, không loại trừ kẻ phản bội là Giuđa Itcariot. Người hy sinh cho tất cả mọi người, dù là người lương thiện hay tội nhân, không phân biệt người giàu có hay nghèo khổ. Chúa Giê su đã phục vụ với hết lòng yên mến và tình yêu mãnh liệt dành cho nhân loại.
Chúa Giêsu, quyền năng bao nhiêu thì Người càng khiêm nhường phục vụ bấy nhiêu. Noi gương Người, chúng ta cần phải khiêm nhường hơn để phục vụ Chúa và phục vụ nhau với tình yêu vô vị lợi để trở nên bạn hữu của Chúa.
“Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15,15b). Được trở nên bạn hữu Chúa là hồng ân cao cả mà chúng ta cần luôn ghi nhớ và tạ ơn Chúa mỗi ngày. Quả thật, Chúa Giêsu muốn kết thân với con người không phải vì Ngài thiếu thốn nhưng là để thông chia phúc lành cho nhân loại vì Ngài chính là hạnh phúc của chính Ngài.
Với Abraham, Thiên Chúa đã trở nên thân thiết đến nỗi ông có thể mặc cả với Chúa. Như thế, những người bạn hiện diện với nhau trong mọi công chuyện, mọi biến cố và ngay cả lúc người bạn qua đời. Tình bạn hữu thật sự thể hiện ở việc gắn kết và chia sẻ với nhau tất cả những gì thâm sâu nhất. Gioan Tông đồ là hình ảnh cụ thể của người được Đức Giêsu thương mến. Ông đã rất gần Chúa, tựa đầu vào ngực Chúa, theo sát từng bước chân của Chúa, hiện diện dưới chân thập giá, và là người đầu tiên nhận ra Chúa Phục sinh. Hình ảnh gia đình bạn hữu nơi làng Bethania với ba người bạn của Chúa Giêsu gồm có Matta, Maria và Lazaro gần gũi như tình gia đình đàm ấm, thân thiết. Điều này được thấy rõ khi Chúa Giêsu đau buồn và khóc thương bên mộ anh.
Được kết thân với Chúa là một hồng ân, được làm tôi tớ Chúa là điều trân quý,và được Đức Giê su mời gọi nên bạn hữu còn đáng quý hơn muôn vàn, bởi Ngài đã nâng con người lên và làm cho con người xứng đáng với tình bạn ấy.
Da-kêu, một người tội lỗi đã được diễm phúc khi Chúa đoái thương nhìn đến, gọi chính tên ông và còn ở lại nhà ông. Chúa đã mang hồng phúc và ơn cứu độ đến cho gia đình ông, và nhờ đó mà Da-kêu đã mở lòng ra với Chúa, trao tài sản cho Chúa và người nghèo. Ông vui sướng vì được Thấy Chúa hơn cả những gì ông mong ước.
Tình bạn của Chúa thì bền vững ngay cả khi con người phản bội, Ngài không phủ nhận người bạn mà vẫn tỏ ra ân cần. Khi Giuđa đã dẫn lính đến bắt Chúa Giêsu thì Ngài hỏi: “Này bạn, bạn tìm ai?” (Ga 18,4). Như thế, Chúa luôn gần gũi con người ngay cả khi là tội nhân chứ không phải chỉ là con người tinh tuyền trong sạch. Và từ đó Ngài cho con người nên xứng đáng và giúp họ tiến xa hơn đến một tương lai đầy hy vọng.
Lạy Chúa! trong một thế giới đầy cám dỗ, với những giả dối làm mờ mắt và những dụ dỗ khéo léo ngăn cản đôi tai chúng con lắng nghe tiếng Chúa. Dù thế, Ngài vẫn đoái nhìn và thương đến chúng con và còn gọi chúng con là bạn hữu của Ngài. Dù có lúc là vô tình, hay hữu ý, chúng con chẳng nghe thấy tiếng Chúa, hoặc “nghe mà không nghe” và sa lầy vào những cám dỗ trần gian. Chúng con được đón nhận hồng ân lớn lao của Chúa được làm bạn với Chúa nhưng đôi khi chúng con còn loại trừ, chỉ trích, và chê bai. Thay vì là người bạn tốt thì đôi khi chúng con lại làm cho anh chị em mình thêm yếu và vấp ngã.
Lạy Chúa, xin Chúa luôn đồng hành, thêm sức, và biến đổi để chúng con can đảm sống từ bỏ những ý riêng ích kỷ mà biết khiêm tốn đón nhận anh chị em như những người bạn tốt của mình. Xin cho chúng con biết chia sẻ sứ vụ của mình cũng như của anh chị em cho mọi người, phục vụ anh chị em như phục vụ Chúa, để nhờ đó chúng con xứng đáng với hồng ân Chúa ban là trở nên bạn tâm giao, tâm phúc của Chúa. Amen.
ButChiMai