“Niềm tin vào một Thiên Chúa sáng tạo là một điều thiếu khoa học, thiếu cơ sở, không thực tế” Bạn nghĩ sao về câu nói này? Riêng tôi, tôi thấy rằng hiện nay có rất nhiều người, kể cả các nhà khoa học vẫn có sự nhầm lẫn to lớn trong lĩnh vực của mình: họ luôn lấy khoa học là chìa khóa vạn năng có thể dựa vào nó để kết luận mọi điều.
Không dám phủ nhận tính xác thực của khoa học nhưng thực tế khoa học cũng chỉ có thể hoạt động trong lãnh vực nhất định của mình thôi, cụ thể là những gì có thể tri giác được (các hiện tượng, các vật khả hiện) còn một số lãnh vực bên vô hình như: tình yêu, siêu nhiên, cảm xúc…. thì khoa học phải cúi đầu. Xin đơn cử ví dụ nói lên giới hạn của khoa học đây là một thực tại rất gần gũi với chúng ta mà khoa học không thể giải thích được: “Trong quá trình sinh bạn, bạn có tận mắt nhìn thấy người sinh ra bạn không? Thế tại sao bạn vẫn gọi người đó là mẹ? “bạn nghĩ sao về điều này? Nên nhớ rằng công nghệ xét nghiệm ADN mới phát triển gần đây thôi, thế mà từ thời cổ đã xuất hiện tiếng gọi “mẹ” rồi. Hay có ai đó khẳng định tôi không có “mẹ” vì tôi không tận mắt nhìn thấy người sinh ra tôi.
Cho nên không phải cái gì khoa học tuyên bố chúng ta đều vội tin, cho nó là đúng mà trước tiên cần phải xem xét khoa học có làm việc trong giới hạn của mình không đã, nếu lấn sân thì không nên để ý câu khẳng định đó.
Thiên Chúa là một Hữu Thể có thật, lý trí con người có thể nhận ra điều đó. Bạn có tin điều này? Dù tin hay không bạn hãy đọc những dòng sau đây sẽ rõ.
Thật vậy, Thiên Chúa không chỉ được nhận biết nhờ đức tin nhưng sự hiện hữu của Ngài có thể được nhận biết bởi lý trí. Trước Đức Kitô, người Hy lạp và Rô-ma cổ đại đã dùng triết học (luận lý và lý trí) để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa hay một đấng tối cao nào đó. Tôma Aquinô là một triết gia và thần học gia ở thế kỷ 13 đã sử dụng những luận chứng tương tự thời cổ đại để chứng minh về tính hữu lý của bất cứ người nào “biết” rằng: Thiên Chúa hiện hữu; bất chấp việc họ có đức tin hay không. Ngài chỉ ra rằng sự hiện hữu của Thiên Chúa có thể được chứng minh bằng lý trí, nhưng sau đó, người ta cần đức tin siêu nhiên để tin vào mặc khải siêu nhiên về bản tính của Thiên Chúa.
Luận chứng này được gọi là nguyên nhân. Mọi thám tử tội phạm, từ Sherlock Holmes tới Lord Peter Whimsey, cho tới Miss Marple giải quyết bí ẩn của vụ giết người dựa trên nguyên lý nhân quả. Một xác chết được tìm thấy trong căn phòng với năm vết đạn và một con dao ở sau lưng. Đó là kết quả! Một cái gì đó và một ai đó (kẻ giết người) đã khiến một người sống trở thành một xác chết. Những viên đạn và dao không giết người; người ta giết nhau. Tương quan nhân quả là nền tảng của khoa học, của luận lý học, và của hầu hết các kiến thức thường nghiệm của chúng ta. Chúng ta thấy một mảnh giấy bị đốt cháy (hệ quả) và tự động lý luận rằng cái gì đó hoặc ai đó là nguồn gốc (nguyên nhân) của việc cháy ấy. Thế nên có thể nói rằng, không có gì ngoài việc kết nối các manh mối. Vì thế, Tôma Aquinô đã lý luận rằng mọi hậu quả đều có một nguyên nhân; nếu không, nó sẽ không tồn tại. Bạn và tôi là kết quả, và cha mẹ chúng ta là nguyên nhân. Ngài cũng lý luận rằng mọi nguyên nhân đều có ảnh hưởng của nguyên nhân trước đó. Bà nội và ông nội cũng có liên quan một cách nào đó tới chúng ta, vì nếu không có họ (nguyên nhân) thì họ sẽ không có con cái (hệ quả) và nếu không có con cái lớn lên trở thành cha mẹ chúng ta (nguyên nhân) thì sẽ không có chúng ta (hệ quả) .
Vì thế, nếu chúng ta lý luận ngược lại và suy ra rằng mọi nguyên nhân phải có nguyên nhân trước đó, thì phải có nguyên nhân đầu tiên giống như động cơ đệ nhất. Nguyên nhân đầu tiên này là nguyên nhân của tất cả các nguyên nhân. Nó không có nguyên nhân vì nó luôn tồn tại. Nguyên nhân không có nguyên nhân này, Nguyên Nhân của Tất Cả các Nguyên Nhân và Động Cơ Nguyên Thủy đó, có thể được gọi là Thiên Chúa hoặc là Đấng Tối Cao, nếu bạn muốn!
Hồng Soi, Hv