Chương 5: Châu Phi & Laudato sì
30. Mount Kenya
Chuyến bay của tôi khởi hành lúc trời vừa tảng sáng. Nairobi đã vào mùa mưa. Trời sũng ướt mịt mùng. Cái lạnh như thấm qua cả khung cửa sổ đầy hơi nước và sương mờ. Cảm giác của tôi vẫn còn thật lạ lẫm khi nghĩ rằng mình đang ở Châu Phi, một Châu Phi ướt và lạnh. Mấy hôm nay mưa bão và lũ lụt quá trời…
Khi chiếc máy bay cất cánh băng qua những tầng mây, một khoảng trời thoáng đãng và đầy nắng ấm bắt đầu xuất hiện. Rồi chỉ trong thoáng chốc cả bầu trời rực nắng. Vậy có nghĩa là máy bay đã ra khỏi vùng đồi núi Nairobi. Màu xanh từ những rừng cây dần bị thu hẹp lại. Càng rời xa Nairobi khung cảnh càng trở nên khô khan và khắc nghiệt hơn. Những mảng rừng xanh dần biến mất, nhường chỗ cho màu nâu đỏ của đất, màu vàng xám của thảo nguyên, và cả màu của những dãy đồi trọc nối nhau chạy dài khắp bình nguyên.
Ở giữa cái lưng chừng trơ trọi và khắc nghiệt ấy, đột nhiên xuất hiện đỉnh của một ngọn núi xuyên qua cả những tầng mây. Đỉnh của ngọn núi ấy lại phủ đầy tuyết trắng. Lượng tuyết khổng lồ bao quanh đỉnh núi như một chiếc vương miện trang sức đầy cao sang và quý phái.
Bạn có tin được không, nằm ngay giữa lòng lục địa Châu Phi, ở ngay vị trí đường xích đạo băng qua, lại có một ngọn núi đỉnh phủ đầy tuyết trắng.
Đó chính là Mount Kenya. Ngọn núi nằm ở điểm trung tâm của đất nước Kenya. Chính tên của ngọn núi ấy được dùng để đặt cho cả đất nước này. Tiếng của bộ lạc Kikuzu gọi tên ngọn núi ấy là Kirinyaga. Tiếng của bộ lạc Embu gọi là Kirenyaa. Tiếng của bộ lạc Kamba gọi là Kiinyaa. Cả ba đều có chung một nghĩa, là “nơi cư ngụ của Chúa”. Ngọn núi ấy được mệnh danh là nơi cư ngụ của thần linh trên mặt đất.
Trong truyền thuyết về các vị thần của người Kenya, quan trọng nhất là thần Ngai. Ấy là Đấng sáng tạo muôn vật muôn loài. Ngôn ngữ mà thần Ngai nói với con người là tiếng gió lùa qua những rừng cây, tiếng nước chảy tràn trên những dòng sông, tiếng của thinh lặng vọng lên từ những cánh rừng già nguyên thuỷ…
Kikuyu là bộ tộc quan trọng nhất của đất nước Kenya hiện đại. Vùng lãnh thổ của họ bao quanh ngọn núi. Mọi cửa nhà của họ đều luôn hướng về đỉnh núi. Theo truyền thuyết của người Kikuyu, thuỷ tổ của họ có tên là Gikuyu, là vị tôi tớ được chính thần Ngai phù trợ. Chỉ cần dâng hy lễ và giơ tay hướng về đỉnh núi Kenya để cầu khẩn thần Ngai, thì bất cứ lời khẩn nguyện nào của Gikuyu cũng đều được chấp nhận. Sống chung quanh ngọn núi Kenya, người Kikuyu tin rằng họ và của con cháu họ có sứ mạng làm người canh giữ ngọn núi thánh của thần Ngai. Họ tin rằng họ được chúc lành nhờ sứ mạng ấy. Niềm tin này không phải là không có căn cứ. Người thuộc bộ tộc Kikuyu ngày nay vẫn được xem là những người khôn ngoan nhất, thành đạt nhất, học hành giỏi giang nhất, văn minh nhất, và đóng vai trò quan trọng nhất trong việc phát triển cả đất nước Kenya. Hầu hết người Kikuyu đều là các Kitô hữu. Họ lãnh nhận đức tin từ các thừa sai, và vẫn tiếp tục truyền thống là những người rất sùng đạo.
Các nhà khảo cổ học cho rằng Kenya là một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động hơn 3 triệu năm trước. Từ nguyên thuỷ, đỉnh núi ấy có độ cao đến hơn 6.000m. Từ khi núi lửa ngủ yên, đỉnh núi ấy đã luôn được bao phủ quanh năm bởi tuyết trắng. Khi nhiệt độ trái đất dần nóng lên, băng tuyết từ trên đỉnh núi bắt đầu tan chảy, tạo thành những khe rãnh xói mòn khắc sâu vào lòng núi. Những khe rãnh này ngày một sâu hơn, trở thành một hệ thống sông suối mang nước từ đỉnh Kenya tuôn tràn vào các vùng đất lân cận bao quanh chân núi và toả ra khắp các sông ngòi trên hầu hết đất nước Kenya.
Ở bất cứ nơi nào của Châu Phi, nguồn nước luôn là nguồn sống. Thế nên trong lòng của bất cứ người dân Kenya nào cũng luôn dạt dào lòng biết ơn và tôn kính dành cho ngọn núi thánh nằm ngay giữa lòng đất nước của mình. Họ tin rằng mình là những người được chúc phúc. Khi lòng đất đai khô cằn không thể cho họ nguồn nước, thì trời cao lại ban cho họ mạch nước tuôn tràn từ tận đỉnh núi thánh. Việc tan chảy của băng tuyết từ trên đỉnh núi cũng tạo ra hiện tượng xói mòn và làm cho đỉnh núi ngày một thấp xuống. Bằng ngôn ngữ rất thiêng liêng, người dân Kenya nói rằng ngọn núi thánh ấy xẻ thịt mình mỗi ngày để cung cấp nguồn sống cho cả đất nước của họ.
Trong lịch sử, những nhà thám hiểm Châu Âu ghi lại nhiều điều lạ lùng về hành trình khám phá ra ngọn núi Kenya. Trước khi đến được với ngọn núi, họ cứ thắc mắc không hiểu tại sao ở một vùng đất Châu Phi lại có nhiều sông suối cứ đến mùa hè, khi trời khô hạn, thì nước lại chảy tràn lai láng trên sông suối… cho đến khi họ phát hiện ra rằng nguồn cung cấp nước của những dòng sông suối ấy đến từ trên đỉnh núi cao chứ không phải từ trong lòng đất. Họ cũng không hiểu tại sao nằm ngay trên đường xích đạo lại có một đỉnh núi tuyết. Họ không hiểu tại sao ngọn núi cao như thế mà phải qua rất nhiều thế hệ thám hiểm thì họ mới phát hiện ra được…
Thế nhưng với người dân Kenya, tất cả những điều ấy đều dễ hiểu vô cùng. Đâu phải ngọn núi thánh của họ không đủ cao. Thật ra chỉ là vì con người quá thấp. Tầm nhìn của những con người trần mắt thịt thật ra giới hạn lắm. Đặc biệt, những người cứ mang tham vọng khám phá và chinh phục thì có thấy được gì đâu ngoài những điều họ muốn tìm và muốn thấy. Nếu chỉ muốn tìm và muốn thấy những điều tầm thường thôi, làm sao người ta có thể hiểu được những giá trị thiêng liêng và linh thánh giữa cuộc đời này.
Vào mỗi dịp cuối năm, người Kikuyu thường tổ chức một lễ hội có tên rất dài là Mahoya ma Ngatho cia Kuhinga Muwaka. Đó là dịp khách hành hương từ khắp đất nước Kenya đổ về bên ngọn núi thánh để dâng hy lễ tạ ơn. Sau một năm mệt mỏi với phố thị xô bồ, rất nhiều người về đây để tìm cho mình những phút giây tĩnh lặng, để học hỏi về những điều lẽ khôn ngoan và linh thánh. Họ tham gia vào những buổi cầu nguyện, những bài hát, những điệu nhảy, và những lễ hội của người dân Kikuyu.
Sáng sớm của ngày đầu năm mới, khách hành hương sẽ dậy thật sớm để đón ánh bình minh đầu tiên ló rạng từ trên đỉnh núi. Đó là giây phút rất thiêng liêng. Đứng trong ánh sáng của ngày mới chiếu rọi từ đỉnh núi là đứng trong sự hiện diện linh thánh của thần linh, của sự kết hợp hài hoà giữa trời và đất.
…Và cứ thế mọi sự lại bắt đầu trong ánh ban mai của ngày đầu năm mới dưới chân ngọn núi thánh Kenya.
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog