Chương kết: Trở lại mà nên như trẻ nhỏ
50. Một chút gì rất bé…
Có hai lần tôi được mời đến ăn tối với gia đình của Ben và Prudence. Căn nhà của họ ở phía bên kia hàng rào… Đó là một dãy phòng liền kề hệt như những căn phòng trọ trong khu phố nghèo. Mỗi “căn nhà” chỉ chừng khoảng hai mươi mét vuông. Gia tài sự sản và tất cả những gì gia đình người ta chắt chiu được đều nằm gọn trong khoảng không gian ấy. Từ trong khu nhà của họ ở nhìn ra, khu vườn nhà tôi bỗng trở nên như một thảo nguyên mênh mông vậy.
Khu vườn tôi ở thật ra là nơi dành cho những người đến tĩnh tâm. Thế nên khu vườn ấy luôn cần có một khoảng thinh lặng nhất định. Bọn trẻ nơi đây lớn lên trong cái khoảng không gian thinh lặng ấy. Với những người lớn đã mệt mỏi với cuộc sống, thinh lặng và tĩnh tâm có một sức chữa lành đặc biệt. Nhưng với bọn nhóc, trải qua tuổi thơ trong thinh lặng là điều gì đó thật kỳ lạ. Im lặng tốt cho người lớn, nhưng ai lại đi bắt bọn trẻ con phải im lặng theo. Thế giới của trẻ con mà không có ồn ào thì khác gì bắt trẻ con phải trở thành những ông cụ non và bà cụ non… Bọn nhóc không hiểu tại sao những người lớn đến chốn này thường cứ im lặng, mỗi người ngồi riêng một góc, chẳng ai nói gì với ai cả. Cũng chẳng ai thèm chơi với bọn nhóc. Mỗi khi bọn nhóc chơi vui quá, lỡ cười to hoặc nói lớn, thì thế nào cũng bị những người lớn nhắc nhở phải giữ thinh lặng…
Ngày thứ ba chơi với nhau, đám trẻ đến trong khu vườn của tôi đã lên tới hơn 20 nhóc. Chúng tôi lăn lê trên cỏ, vừa vỗ tay vừa tập hát những bài đồng dao bằng tiếng Swahili. Một góc sân vườn rộn vang tiếng cười của trẻ nhỏ… Kết quả là sau ngày hôm ấy, tôi bị mấy người lớn càm ràm rằng ông Cha bày trò cho bọn nhóc chơi chi vậy, ồn ào quá, làm ảnh hưởng tới những người tĩnh tâm đang cần thinh lặng. Chẳng hiểu sao bọn nhóc lại nghe những lời càm ràm ấy. Thế là hôm sau, đám nhóc rón rén bước vào khu vườn lúc tôi đang làm việc. Ben dẫn đầu đám nhóc và lên tiếng:
– Hôm qua ông Cha bị la hả? Tụi con xin lỗi. Vì tụi con ồn ào mà ông Cha bị la…
Thái độ rón rén và hiểu chuyện của bọn nhóc thật dễ thương vô cùng. Đã có sức chơi thì phải có sức chịu chứ. Thế nên ông Cha vội lên tiếng trấn an bọn nhóc:
– Không sao, không sao… Ông Cha bị bị càm ràm có chút xíu à. Có bị la thì cũng có sao đâu, miễn là tụi con được vui là được rồi ha… Mà đúng là hôm qua tụi con ồn hơi quá, ông Cha nói hoài mà không được. Tụi con mà nghe lời, trật tự hơn một chút xíu, thì ông Cha đâu có bị la đâu!
Bạn có tin không, kể từ hôm đó đám nhóc trở nên trật tự và dễ bảo hơn rất nhiều mỗi khi chơi với ông Cha. Chừng như đã quen với cái thinh lặng nơi này, nên có khi chỉ cần được chơi với nhau một chút xíu thôi cũng đã đủ cho bọn nhóc ngoan ngoãn và vui cả ngày. Có những hôm bọn nhóc đến chơi ngay lúc tôi đang cần tập trung làm cho xong việc. Sau khi chào hỏi xong tôi đề nghị:
– Tụi con ngồi chơi chờ ông Cha một chút nhé. Ông Cha có việc cần phải làm cho xong…
Vậy là bọn nhóc ngoan ngoãn thinh lặng ngồi đợi. Đợi được một hồi, bỗng có một nhóc rụt rè lên tiếng:
– Ông Cha ơi, cho tụi con mượn Ipad để chơi trong lúc ngồi chờ ông Cha được không?
Đề nghị hợp lý quá, nhưng lại làm ông cha giật mình. Ông Cha hỏi lại:
– Tụi con chơi gì với cái Ipad á?
– Dạ chơi điện tử…
Ông Cha bỗng đâm ra nghĩ ngợi. Nếu chỉ để chơi điện tử với điện thoại hoặc Ipad thì bọn nhóc đã có thể ở yên trong nhà của mình mà chơi, chứ đâu cần phải ra khu vườn tìm ông Cha làm gì. Đã ra tới đây rồi mà còn phải ôm Ipad chơi điện thoại thì tại sao? Tại ông Cha bận. Giống như tại những người lớn thường xuyên bận rộn và không có giờ để chơi với con nít, nên cứ giao cho con nít cái Ipad với cái điện thoại để mình rảnh tay tự do mà làm việc… Nghĩ ngợi vậy làm ông Cha thấy nhột quá, nên hỏi:
– Tụi con thích chơi với Ipad hay thích chơi với ông Cha?
– Dạ thích chơi với ông Cha – Đám nhóc cùng hùa nhau lên tiếng.
Vậy là ông Cha dẹp hết máy tính và sách vở sang một bên để chơi với bọn nhóc. Đã chơi với bọn nhóc thì đương nhiên là phải ồn ào rồi. Đã ồn ào thì chắc thế nào ông Cha cũng lại bị càm ràm. Nhưng chắc không sao…
Có nhiều cách để chơi với bọn nhóc lắm.
Có những lúc tôi để cho bọn nhóc tự chơi, và đặt mình làm người quan sát. Điều kỳ lạ là sau khi chạy nhảy một hồi, thế nào bọn nhóc cũng kết thúc bằng trò đánh nhau. Chỉ là đánh giỡn thôi, nhưng đứa nào cũng tham gia một cách rất hùng hổ và tích cực. Khi bị hỏi: “sao tụi lại con thích đánh nhau vậy? Đánh nhau có gì hay đâu?” Bọn nhóc chỉ cười cười… Ông Cha đề nghị chơi trò gì bớt bạo lực đi. Sau một hồi suy nghĩ, bọn nhóc bắt đầu chơi trò dạy học. Prudence được chọn làm cô giáo và Ben được chọn làm thầy giáo. Thế rồi sau một lúc, lớp học lại kết thúc bằng cái cảnh cả đám học trò phải nằm xuống phơi mông ra cho thầy cô cầm roi đánh. Tôi mường tượng nhận ra rằng hình như bọn nhỏ chỉ bắt chước những gì người lớn hay làm thôi. Có điều gì đó như là tổn thương vì bạo lực đã ghi khắc trong tâm thức của những người dân nơi đây. Thế nên những đứa trẻ con của họ cứ hướng về những trò chơi bạo lực như một xu hướng thật tự nhiên… Khi được hỏi: “lớn lên tụi con muốn làm gì?”, rất nhiều đứa nhỏ trong nhóm của tôi đã nhanh nhảu trả lời ngay: lớn lên con muốn được đi lính, để được cầm súng bắn!
Sau một thời gian chơi với tôi, bọn nhóc rút ra được bốn nguyên tắc quan trọng. Cả nhóm phải cùng nhau đọc to mỗi khi bắt đầu bất cứ một trò chơi nào:
– Thứ nhất: Be kind – tử tế!
– Thứ hai: Be respectful – tôn trọng người khác!
– Thứ ba: Be peaceful – bình an, nhẹ nhàng, không bạo lực!
– Thứ tư: Be good – tốt bụng!
Tôi không biết bọn nhóc có hiểu hết những điều mà chúng phải đọc thật to như là lời tuyên hứa ấy không. Tình thương và sự quý mến bọn nhóc dành cho tôi thì rất rõ. Nhưng nói thật, tôi không biết mình có thật sự làm được điều gì cho bọn nhóc không nữa. Mỗi khi đi chơi với tôi, bọn nhóc trở nên ngoan ngoãn và rất dễ nghe lời. Nhưng thời gian tôi ở đây với bọn nhóc ngắn quá. Làm sao để thay đổi được cái ước mơ lớn lên đi lính để cầm súng bắn?
Sau một tuần chơi với nhau, tôi bắt đầu mang ra “vũ khí” của mình để dạy bọn nhóc là 1 cây đàn guitar, 1 cây kèn Harmonica, và 1 chiếc ống sáo. “Vũ khí” thì ít, mà bọn nhóc thì đông. Thế là tôi lại có cơ hội dạy cho bọn nhóc biết trật tự và kiên nhẫn chờ đợi đến phiên của mình chứ không có giành giật ồn ào. Tôi dạy thật kỹ cho Ben và Prudence những kỹ năng cơ bản, rồi để cho hai bạn ấy dạy lại cho các nhóc khác. Khi Ben và Prudence đứng lớp, tôi tranh thủ làm việc của mình, hoặc có khi làm người quan sát và góp ý để tập cho các bạn ấy sự kiên nhẫn và tử tế khi dạy học cho các em nhỏ…
Tôi biết bọn nhóc sẽ nhớ đến mình khi tôi rời đi. Và tôi chọn để lại cho bọn nhóc những điều thật sự đáng nhớ và có thể có một chút hữu ích nào đó cho tính cách và tương lai của bọn nhóc. Dù chỉ là một chút gì rất bé…
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog