Chương kết: Trở lại mà nên như trẻ nhỏ
48. Đám trẻ mọc lên từ khu vườn
Ngày hôm sau, khi tôi đang đọc sách trong vườn thì Ben xuất hiện cùng với một nhóm gần một chục các bạn nhóc nhóc. Đám trẻ xuất hiện một cách đột ngột khiến tôi giật mình, cứ như thể tự nhiên có một đám trẻ mọc lên từ khu vườn vậy. Tôi vừa quay đầu chào, bọn nhóc đã nhao nhao lên:
– Đúng rồi, đúng rồi…
– Đúng gì? Cái gì đúng vậy? – Tôi ngạc nhiên hỏi.
Một cô bé trong nhóm lên tiếng:
– Dạ, đúng là Ben kể rằng trong khu vườn này mới có một ông Cha da trắng mà có nhiều tóc lắm, nhưng không đứa nào tin. Bây giờ thì tụi con đã tin rồi. Chào ông Cha nhiều tóc.
Tôi đưa tay lên sờ đầu tóc của mình. Có nhiều nhặn gì đâu ta. Trước chuyến đi Châu Phi, tôi đã kịp gọt cái đầu tóc cho gọn gàng rồi. Vậy mà bọn nhóc vẫn gọi tôi là ông Cha nhiều tóc. Nhưng rồi nhìn quanh một vòng tôi chợt hiểu ra. Trong đám nhóc đang đứng trước mặt tôi, nhóc nào cũng có rất ít tóc. Tóc các bạn nhỏ này lại xoăn tít lên dính hết cả vào da đầu. Thế nên mấy nhóc khoái đầu tóc Châu Á của ông Cha nhiều tóc là đúng rồi. Thật không ngờ, một cái đầu tóc bình thường của Châu Á cũng có thể trở thành một phương tiện tông đồ hấp dẫn được các bạn nhóc nhóc của Châu Phi đến vậy.
Thế là mỗi ngày khi bọn nhóc đến thăm tôi, sau khi bắt tay chào hỏi nhau, nghi thức tiếp theo mà đứa nhóc nào cũng muốn thực hiện đó là đưa tay… sờ đầu tóc của ông Cha. Không chỉ có thế đâu, những lúc đang ngồi chơi và nói chuyện, thế nào cũng có vài nhóc len lén đưa tay lên đầu tóc ông Cha mà vuốt thử. Kẻ nào vuốt được thì thế nào cũng khoái chí cười khúc khích. Mỗi khi ông Cha giở trò, giả vờ làm mặt nghiêm, hù là ngày mai ta sẽ đi hớt tóc à, thì thế nào cả bọn lại nháo nhào lên năn nỉ: đừng đi, đừng đi cắt, tóc đang đẹp… Có những ngày ông Cha bận làm việc không ra khu vườn chơi, thế nào cả nhóm cũng cử vài nhóc vào làm “trinh sát”, lạng qua lạng lại phòng làm việc của ông Cha để liếc xem ông Cha có còn để tóc không hay đã hớt mất rồi… Mà bọn nhóc đâu có biết, thật ra ông Cha là người dễ động lòng lắm. Thấy cả nhóm thích tóc vậy nên cả nửa năm trời ở Châu Phi ông Cha đâu có nỡ lòng nào đi hớt tóc đâu.
Đám nhóc mọc lên từ khu vườn mang đến cho ông Cha nhiều niềm vui và tiếng cười lắm. Trẻ con nơi này thường ít được chăm sóc. Cai sữa rồi thì cứ tự nhiên lăn lóc mà lớn lên thôi. Hình như ít người lớn nào nơi đây có giờ hay có tâm để chơi với con nít. Vậy nên chỉ sau một buổi chiều đầu tiên để giờ ngồi chơi và tám chuyện với đám nhóc, tôi đã nhận thấy rất rõ sự thương mến và quyến luyến mà bọn nhóc dành cho mình. Kết thúc buổi chiều đầu tiên, cô bé Trini nhỏ tuổi nhất trong nhóm bỗng thì thầm vào tai tôi:
– Ông Cha ơi, hay là ông Cha về nhà con ở đi.
Tôi hỏi lại:
– Về nhà con ở làm gì?
– Về làm ba của con…– mặt cô bé vừa nghiêm túc lại vừa đầy vẻ ngại ngùng.
Cô bé làm tôi ngạc nhiên:
– Ông Cha sao làm ba của con được! Chứ ba của con đâu? – Tôi hỏi lại cô bé.
– Thì ba của con ở nhà của con chứ đâu. Nhưng mà chán lắm! Ba toàn lấy roi đánh con không à. Ba không có chơi với con giống như ông Cha. Ông Cha mà về làm ba của con thì tha hồ mà vui á…
Tới đây thì ông Cha bó tay, không biết phải trả lời cô bé thế nào nữa. Sự đơn sơ và chân thật của trẻ con đôi khi có thể khiến người lớn phải suy nghĩ và nhói lòng là vậy đó.
Hôm sau nữa, khi tôi đang làm việc trong vườn thì bọn nhóc lại đột ngột xuất hiện. Ben là người đầu tiên lên tiếng:
– Ông Cha đang bận làm việc hả?
– Ờ… ông Cha đang bận viết – Tôi trả lời.
Nhìn vào màn hình máy tính của tôi trước mắt, cô bé Prudence trợn tròn đôi mắt của mình lên và thắc mắc:
– Ông Cha viết cái gì hay vậy, viết chữ gì lạ ha?
– Đây là Tiếng Việt – Tôi trả lời.
– Tiếng Việt là tiếng gì vậy ông Cha? – Lần này thì đến lượt cậu bé Kelvin lên tiếng hỏi.
Cả nhóm cũng ngạc nhiên như thể là lần đầu tiên được nghe nói đến một thứ ngôn ngữ có tên là Tiếng Việt vậy. Tôi bèn giải thích:
– Tiếng Việt là cái tiếng người ta nói ở Việt Nam á…
– Ơ, vậy là ở Việt Nam người ta nói Tiếng Việt chứ không có nói tiếng Swahili hay tiếng Anh hả ông Cha? – Ben hỏi lại với sự ngạc nhiên.
– Ừ, ở Việt Nam thì nói Tiếng Việt chứ! – Tôi trả lời chắc nịch.
– Rồi có ai dịch cho họ không ông Cha? – Lần này thì đến lượt cô bé Prudence chen vào, vẫn với đôi mắt tròn to đầy thắc mắc.
– Dịch cái gì á? – Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
– Thì dịch từ Tiếng Việt sang tiếng Swahili á?
– Dịch sang tiếng Swahili để làm chi ta? – Tôi cười tủm tỉm hỏi lại.
– Thì phải dịch qua tiếng Swahili hoặc tiếng Anh thì mình mới hiểu được chứ ha. Nói Tiếng Việt thì sao người ta hiểu nhau được hả ông Cha?…
Đến đây thì tôi lại đành bó tay tập hai vì cái lối suy nghĩa quá đỗi là đơn giản và ngây thơ của các bạn nhóc.
Dù sao đi nữa, đã kể chuyện các bạn làm cho tôi cười thì cũng phải công bằng mà kể lại chuyện chính tôi làm cho các bạn cười chứ ha.
Sau một vài buổi chơi với nhau, tôi nhận thấy các bạn nhỏ của mình thường giao tiếp với nhau bằng tiếng Swahili. Tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ phụ. Chỉ những bạn đã có cơ hội đến trường thì mới có thể nói tiếng Anh cách tự nhiên hơn. Vậy là tôi nảy ra ý muốn học tiếng Swahili từ các bạn, khởi đầu từ những câu những chữ đơn giản. Muốn nói câu gì tôi chỉ cần hỏi bằng tiếng Anh, các bạn dịch sang tiếng Swahili, rồi cứ thế tôi bắt chước các bạn mà lặp lại rồi nói theo thôi. Tôi vốn tự tin mình có khiếu bắt chước mà, nên học ngôn ngữ này chắc sẽ nhanh thôi…
Một lần, sau khi lăn lê bò lết với các bạn đủ mệt, tôi bèn đem vốn liếng tiếng Swahili của mình ra thực tập. Đứng trước mặt tất cả các bạn, tôi dõng dạc nói thật to:
– Nataka kunya (na-ta-ka ku-nha)
Tôi cố gắng phát âm thật to thật rõ, thế mà cả nhóm bỗng phá lên cười như vỡ chợ. Có nhóc còn ôm bụng cười lăn lộn cả trên thảm cỏ. Sau khi đã cười thoả thuê, nhóc Ben mới đến kề miệng tai tôi nói nhỏ:
– Ông Cha nói sai rồi á. Kunywa (ku-nhu-a) chứ không phải là kunya (ku-nha).
– Ủa, vậy hả? Mà hai chữ đó khác nhau chỗ nào ta?
– Khác lắm – Ben gải thích – Kunywa có nghĩa là “uống nước”, còn kunya có nghĩa là… “đi ị” á ông Cha. Ông Cha mệt thì ông Cha muốn uống nước, chứ đâu phải là ông Cha muốn đi ấy ấy đâu, phải không?
Ôi trời đất ơi, cái tiếng chi mà hay thế. Tôi phát âm chỉ thiếu có một nguyên âm “u” ở giữa thôi, mà cái nghĩa tạo ra lại đưa tôi đi xa quá là xa như thế sao. Mà cũng may là tôi chỉ sai trước mặt nhóm bạn nhóc nhóc dễ thương này, chứ đứng giảng trước mặt cộng đoàn mà sai kiểu này thì sao ha?…
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s bog