Chương 7: Giữa những người tị nạn
46. Công chính như một người bình thường
Gần hết một tháng ở Êthiopia, tôi phải đi xin gia hạn visa để có thể ở lại trong trại tị nạn được trọn 40 ngày như dự định. Một cậu nhân viên tốt bụng trong trại nói:
– Ông Cha cứ ở yên ở đây đi, để con chạy giấy tờ dịch vụ cho nhanh.
Tôi ngạc nhiên vì hình như lâu lắm rồi mới nghe lại cái cụm từ “chạy giấy tờ dịch vụ”. Tưởng rằng mình đã thoát khỏi cái kiếp nạn này rồi chứ, ai ngờ kiếp nạn dịch vụ giấy tờ ấy lại theo chân mình sang tới tận Châu Phi luôn!
Tôi hỏi lại cậu nhân viên tốt bụng:
– Chạy dịch vụ là chạy thế nào? Chạy thế nào thì mới có thể “cho nhanh”?
Cậu nhân viên nhìn tôi, nheo nheo mắt vừa cười cười như thể cái “dịch vụ” mà cậu đề cập đến là cái gì đó bí hiểm lắm. Nhưng cũng có thể đơn giản hơn, cậu cười vì cái câu hỏi bốc mùi ngây thơ của tôi. Chẳng hiểu sao cái kiểu cười ấy làm tôi có cảm giác nhột nhạt và rất khó chịu. Tôi nói:
– Cám ơn cậu nhé, nhưng mà chắc không cần dịch vụ đâu. Cho tôi có cơ hội làm một người bình thường giữa những người bình thường nhé! Tôi sẽ tự mình đến văn phòng ấy để gia hạn visa. Chắc cũng sẽ là một kinh nghiệm hay đó…
Cậu nhân viên nhìn tôi ngơ ngác. Tôi cũng nhìn cậu nhân viên ngơ ngác. Có lẽ cậu ấy ngạc nhiên vì thấy cái mong muốn làm một người bình thường của tôi thật là kỳ cục khác thường. Còn tôi thì ngạc nhiên vì không hiểu tại sao cái mong muốn làm một người bình thường lại có thể trở nên kỳ cục khác thường ở chốn này.
Hành trình làm một người bình thường của tôi bắt đầu từ 6 giờ sáng. Tôi dậy sớm, đến văn phòng xếp hàng giữa những người nhập cư. Rất nhiều người nhập cư đến từ nhiều nước khác nhau. Nhìn xuyên suốt trong một hàng đợi rất dài, chỉ có tôi là lạ nhất vì không phải là người da đen. Có lẽ cái lạ ấy khiến nhiều người chú ý. Xếp hàng chỉ mới được hơn 10 phút thì có một anh nhân viên bảo vệ đến, sau khi chào hỏi rất lịch sự, anh nhân viên bảo vệ vừa mỉm cười vừa hỏi tôi:
– Quý ông đến đây chắc là bận rộn và nhiều việc lắm phải không? Chắc là thời gian của quý ông ở đây quý lắm phải không? Quý ông có muốn đi với tôi vào thẳng văn phòng không. Đâu cần phải đợi…
Anh ta vừa nói vừa đôi tay về phía tôi. Ngón tay phải và ngón tay trỏ của bàn tay phải anh ta cứ trượt lên nhau liên tục. Cái chuyển động ấy của hai ngón tay dễ khiến người ta ngay lập tức liên tưởng đến động tác của một người đang đếm tiền. Tôi nhìn vào bàn tay của anh ta, rồi nhìn vào mắt anh ta, rồi mỉm cười rất lịch sự:
– Cám ơn anh, không sao, tôi đợi được…
Hình như anh nhân viên bảo vệ bị chưng hửng. Nhìn tôi một hồi từ trên xuống dưới rồi anh ta lại tiếp tục:
– Để tôi nói cho quý ông nghe nè. Quý ông có thể chọn trở thành người được ưu tiên mà. Tại sao phải đợi chung với những người này?
Anh ta vừa nói vừa nhìn tôi, nhưng tới chữ “người được ưu tiên” thì hay ngón tay của anh ta lại hoạt động tích cực hết công suất. Tôi nhìn anh ta, lại mỉm cười lịch sự lặp lại câu nói của mình:
– Cám ơn anh, không sao, tôi đợi được.
Thấy đã múa tay chán chê mà thấy tôi vẫn không hiểu hoặc không chịu hiểu, anh nhân viên bảo vệ chán quá đành lắc đầu bỏ đi, lầm bầm trong miệng câu gì đó bằng tiếng Amharic mà tôi nghe không hiểu. Chắc anh ta đang chửi thầm rằng tôi là người nước ngoài mà keo. Chắc anh ta nghĩ rằng tôi tiếc tiền. Anh ta không biết rằng thật ra tôi chỉ muốn làm một người bình thường, một người bình thường được sống một cách bình thường theo lẽ công chính.
Cụm từ “người được ưu tiên” mà anh bảo vệ dùng khiến tôi nhớ đến một kinh nghiệm khác trên đường đi ở Mombasa. Lần ấy nhóm chúng tôi đi xe từ đảo Mombasa trở về Likoni. Con đường hôm ấy chật kín người và xe cộ xếp hàng để chờ lên phà. Sau một vài phút chờ đợi, có một anh cảnh sát trẻ đến gõ cửa xe chúng tôi và hỏi xem chúng tôi có muốn đi vào làn đường ưu tiên không? Anh tài xế lái xe của chúng tôi mừng quá, ngay lập tức gật đầu. Thế là hai chiếc xe chở nhóm chúng tôi tách hàng, bước vào làn ưu tiên và được xuống phà trước tất cả những xe khác. Anh tài xế hí hửng khoe:
– May quá, họ thấy trên xe mình có người nước ngoài nên cho mình đi vào làn đường ưu tiên…
Tôi thấy có gì đó sai sai, nên hỏi lại anh tài xế:
– Đi vào làn đường ưu tiên thì phải trả cho họ bao nhiêu?
Anh tài xế hí hửng như bắt được cơ hội để khai sáng cho tôi:
– Đi làn đường bình thường thì phải trả mỗi xe 400 Shiling. Hai xe là 800. Còn đi làn xe ưu tiên thì chỉ phải trả tổng cộng hai xe là 500 Shiling thôi. Đã được ưu tiên mà còn trả ít tiền hơn nữa, quá ngon lành phải không?
Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao khi nhận tiền xe của chúng tôi thì anh cảnh sát trẻ lại vội đút ngay vào túi, rất nhanh và rất gọn. Cái khác biệt nằm ở chỗ nếu đi đường xe bình thường thì tiền vé sẽ vào công quỹ và có biên lai một cách bình thường. Còn đi đường ưu tiên thì tiền vé sẽ vào thẳng túi riêng của một ai đó và chẳng cần đến biên lai biên nhận gì cả. Làn đường ưu tiên ấy do chính những người thực thi công vụ mở ra và thu phí cho riêng mình. Họ gọi đó là dịch vụ mà cả người trả tiền lẫn người nhận tiền đều vui. Hình như họ không nghĩ được xa hơn rằng đó thật ra chỉ là một dạng tham nhũng, một trong những nguyên nhân khiến cho người dân Châu Phi của họ vẫn mãi trong tình trạng hỗn loạn và nghèo đói…
Sáng hôm nay, tôi hạnh phúc với kinh nghiệm được làm một người bình thường đứng xếp hàng giữa dòng người nhập cư xin gia hạn visa tại một văn phòng của đất nước Êthiopia. Tôi bình an khi bị người ta cố tình làm khó bằng cách gởi đi từ lầu 2 xuống lầu 1 rồi lên lầu 3 rồi quay trở về lầu 2. Mỗi lần đổi chỗ như vậy là một lần phải xếp hàng lại từ đầu và mất hơn cả tiếng đồng hồ. Tôi chấp nhận mất cả gần một ngày chỉ để làm một người bình thường giữa những người bình thường. Tôi mặt kệ những ánh mắt người khác nhìn mình theo kiểu đang nhìn một kẻ ngu ngơ và lập dị.
Trong thời gian xếp hàng chờ đợi, tôi mở sách Sáng Thế và đọc lại câu chuyện ông Ápraham kỳ kèo với Thiên Chúa để cứu rỗi cho dân thành Sodoma. Chúa bảo với Ápraham rằng chỉ cần trong thành phố ấy có sự hiện diện của một số ít những người công chính thôi thì cả thành phố sẽ được cứu sống khỏi cơn giận và sự trừng phạt của Thiên Chúa. Tôi không biết sự công chính của những người công chính liệu có thể trì kéo và xoay ngược bánh xe của một xã hội quá nhiều tham nhũng và lũng đoạn bằng cách nào. Tôi không biết liệu giữa xã hội hiện đại có còn chỗ cho những người công chính được sống công chính một cách bình thường không? Nhưng tôi tin vào giá trị cứu độ mà những người công chính có thể mang lại cho xã hội của mình. Tôi tin rằng, nếu muốn, ai cũng có khả năng sống công chính như một người bình thường theo tiếng nói mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong lương tâm mình thôi.
Nhưng liệu tôi có quá lạc quan và lập dị khi dám tin rằng người ta có thể sống bình thường như một người công chính không ha?
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gian An’s blog