Chương 7: Giữa những người tị nạn
45. Dòng sông & con nước
Nếu có một chủ đề nào đó có thể trở thành đề tài tranh luận không hồi kết giữa các bạn người Châu Phi, đặc biệt là vùng Đông và Đông Bắc Phi, thì đó chính là chủ đề về sông và nước. Dù là người tị nạn, bậc trí thức, hay thậm chí là các tu sĩ… chỉ cần đến từ những nước khác nhau, thì người ta rất dễ sẵn sàng bước vào tranh luận, thậm chí là tranh cãi gay gắt và không hề nhượng bộ về chủ đề này. Có lần tôi vô tình đặt câu hỏi cho các bạn mình thế này: đâu là nguồn của sông Nile? Họ liền cãi nhau đến quên trời quên đất. Nhóm bạn ấy có nhiều người đến từ Uganda, Tanzania, Kenya, Êthiopia, Burundi, Ruwanda, Congo, Sudan, Aicập… Tất cả đều sống ở những quốc gia có dòng sông Nile chảy qua.
Trong nhóm bạn của tôi, cãi hăng nhất chính là anh bạn người Êthiopia. Các thế hệ người Êthiopia được giáo dục để tin rằng đất nước của họ chính là cội nguồn của sông Nile. Họ là những kẻ quảng đại trao ban nguồn nước cho tất cả các nước láng giềng. Sau một thời gian dài được giáo dục dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa, có những niềm tin về chính mình dần trở nên như một ý thức hệ khó lay chuyển, chẳng cần màng tới lý lẽ hay những dữ liệu khách quan gì cả.
Trong cuộc tranh luận của các bạn, tôi thường là người ngoài cuộc và cố gắng sử dụng những dữ liệu khách quan nhất có thể. Tôi hỏi anh bạn người Êthiopia:
– Có căn cứ gì để anh bảo rằng Êthiopia là cội nguồn của sông Nile không?
– Có chứ – Anh ta trả lời ngay – Nước của sông Nile đều chảy ra từ hồ Tana. Đó là niềm tin của chúng tôi từ bao đời nay mà…
Cách trả lời ngang phè của anh ta khiến cả nhóm bạn phải bật cười. Tôi đành hỏi tiếp:
– Okey anh bạn. Tin vào điều gì thì đó là việc của anh bạn. Ở đây, điều tôi quan tâm là dữ kiện thực tế. Bạn nghĩ sao về những điều mà kiến thức địa lý cơ bản có thể cho chúng ta biết?
– Dữ kiện thực tế gì? Kiến thức địa lý cơ bản gì?
– Là thế này đây: Anh hãy xem bản đồ đi, nước sông Nile không chỉ chảy ra từ hồ Tana, mà còn có hồ Victoria và nhiều hồ khác nữa. Hồ Tana có diện tích 3.500 km2 với chiều sâu tối đa là 15m. Trong khi đó, hồ Victoria có diện tích gần 170.000 km2, với chiều sâu tối đa là 83m. Như thế, so về chiều sâu, hồ Victoria gấp hơn 5 lần, và so về diện tích hồ Victoria gấp hơn 50 lần so với hồ Tana của anh. Đó là chưa kể dữ kiện này: Hồ Victoria đổ vào nhánh sông Nile Trắng, có chiều dài 3.700km. Còn hồ Tana thì đổ vào nhánh sông Nile Xanh, chỉ có tổng chiều dài là 1.450 km. Hai nhánh sông này hợp nhau ở Khartum, là thủ đô của Sudan, trước khi đổ về Aicập. Với tất cả các số liệu rõ ràng như thế, làm sao anh có thể kiên quyết cho rằng Tana là nguồn cung cấp nước chính cho sông Nile?
– Dữ kiện ấy anh lấy ở đâu? – Ông bạn Êthiopia trợn mắt ngạc nhiên.
– Trên mạng, từ Wikipedia và Britanica. Những nguồn số liệu như thế muốn tìm thì ở đâu mà chẳng có, phải không?
– Đó là thông tin xạo thôi, không đáng tin cậy – Ông bạn Êthiopoia liền ngắt lời – Mà kệ… các ông muốn nói gì thì nói. Còn chúng tôi, chúng tôi vẫn tin rằng Êthiopia chính là nguồn nước chính của sông Nile.
Tranh luận đến đây thì coi như hết cách. Tôi nhìn thấy sự bất mãn hiện rõ trên gương mặt của tất cả những người khác. Họ không nói nhiều và hăng như anh bạn người Êthiopia, nhưng có lẽ ai cũng đang bận rộn với lý thuyết mà họ đã và đang cưu mang trong đầu mình. Người Rwanda thì cho rằng sông Nile bắt nguồn từ cánh rừng già Nyungwe ở Rwanda. Người Burundi thì cho rằng nguồn của sông Nile bắt đầu từ dưới đáy của ngọn núi Kibimbi thuộc Burundi, nơi được mệnh danh là Caput Nili Meridianissimum. Người Uganda, Tanzania, và Kenya thì luôn tự hào rằng hồ Victoria mới là ngọn nguồn và làm cho sông Nile trở thành con sông dài nhất ở Phi Châu. Người Congo thì tin rằng hồ Albert trong nước của họ mới là ngọn nguồn thật sự của sông Nile… Ai cũng muốn tự ve vuốt mình trong cái niềm hãnh tiến rằng dân tộc mình là những kẻ trao ban vĩ đại, rằng mình là thuỷ tổ và ngọn nguồn của những dân tộc khác, rằng mình cao quý và dân tộc của mình thật đáng tự hào. Trong khi đó, người Aicập thì chả thèm quan tâm tới chuyện ngọn nguồn làm gì. Họ chỉ đơn giản tuyên bố chủ quyền và làm ngơ với việc quốc gia của mình thật ra nằm hoàn toàn ở hạ nguồn của con sông.
Tôi bỗng nhận ra rằng rất khó để có thể đối thoại và hướng đến một sự thật khách quan với những người mà niềm tin của họ đã trở nên như một ý thức hệ. Họ tự biến mình thành trung tâm, và loại trừ mọi thứ khác xung quanh mình. Tôi mường tượng nhận ra rằng chính sự bảo thủ đến độ cực đoan như thế mới thật sự là gốc rễ sâu xa của những xung đột và chiến tranh hỗn loạn trên lục địa này.
Và bạn biết không, trong khi người ta mãi bận rộn tranh luận về dòng sông và con nước, thì dòng sông vẫn trôi và con nước vẫn chảy đấy thôi. Phù sa vẫn cứ âm thầm mà bồi đắp đôi bờ. Nước vẫn là nước và sông vẫn là sông đấy thôi. Đâu có phải bận lòng ranh giới bên này hay bên kia, thuộc chủ quyền lãnh thổ nước này hay nước kia… Nghĩ kỹ mới thấy cái đầu óc cục bộ và bảo thủ đã làm cho con người trở nên nhỏ nhặt và hẹp hòi biết bao. Nghĩ kỹ mới thấy tội nghiệp cho những con người sống mà cứ tự biến mình thành nạn nhân của sự bảo thủ đến độ cực đoan của mình.
…Một buổi chiều, có một chị phụ nữ đến gặp tôi khi tôi vừa bước ra khỏi căn phòng hoà giải. Chị mời tôi cùng đi với nhóm của chị đến thăm gia đình của một người tị nạn Êritrea. Gia đình ấy trước đây đã ở trong trại, nhưng nhờ con cái biết học hành và chịu khó làm ăn nên đã mua được một miếng đất nhỏ và xây được cho mình một căn nhà nhỏ ở bên cạnh khu trại tị nạn. Gia đình ấy đã từng có một người mẹ, bốn người con trai và một người con gái. Giờ thì chỉ còn người mẹ già và người con gái làm nhân viên phục vụ trong trại tị nạn. Ba đứa con trai lớn đã chết trận trong những năm trước đây. Giờ thì tới lượt đứa con trai cuối cùng cũng tử trận. Bà mới nhận được tin báo tử tối hôm qua…
Chúng tôi bước vào căn nhà xập xệ. Mọi người thinh lặng ngồi xuống trên những chiếc ghế gỗ để dọc theo bức tường. Ở giữa nhà là một lò than vừa được đốt lên, được dùng để rang cà phê đãi khách.
Người mẹ đến ngồi bệch xuống đất bên cạnh tôi. Bà nắm lấy bàn tay tôi, rồi gục đầu vào đôi bàn tay tôi mà khóc.
– Ông Cha ơi, tại sao con tôi phải chết hả ông Cha?
Tiếng của bà nấc lên giữa căn phòng thơm nồng nàn mùi cà phê vừa rang chín. Đó là mùi của gia đình, của tổ ấm. Những đụm khói cà phê chín giòn bốc lên, bay bảng lảng giữa căn phòng. Chị phụ nữ đã mời tôi đến đây đến nói nhỏ vào tai tôi:
– Ông Cha cứ ngồi yên để an ủi bà nhé! Nhìn thấy ông Cha, bà nhớ con mình đó…
Tôi nhìn quanh căn phòng chỉ toàn là phụ nữ. Đa số họ đều là những người tị nạn Êritrea trên xứ Êthiopia. Những người đàn ông của họ đã đi đâu? Có bao nhiêu người trong số đàn ông của họ đã cam tâm tình nguyện làm những người lính chiến, lên đường vì lý tưởng chống lại chính những người anh em đồng bào đồng tộc của mình ở bên kia chiến tuyến?
Sau một hồi khóc rấm rức, người mẹ già lấy lại được bình tĩnh. Bà vừa lấy khăn chặm nước mắt, vừa bắt đầu tâm sự:
– Cám ơn ông Cha đã đến thăm gia đình tôi. Tôi đau quá nên muốn khóc cho nhẹ lòng thôi ông Cha à. Chứ thật ra kết quả ngày hôm nay là điều tôi đã lường trước được khi con của mình cứ nằng nặc đòi tòng quân để lên chiến tuyến phía Bắc. Trên đó là quê hương của tôi, ông Cha à. Chúng tôi đều là sắc dân Tigray, luôn bị kể là những kẻ phản loạn. Tôi đã mang bốn đứa con tháo chạy khỏi quê hương mình khi chồng tôi bị bắt đi cải tạo và chết rũ tù. Nhưng những đứa con của tôi không cam tâm kiếp sống lưu vong. Hai đứa lớn tìm cách quay trở về, tham gia nổi dậy với người Tigray của chúng tôi để chống lại những người Êritrea. Hai đứa nó muốn báo thù cho cha mình. Rồi sau đó thì đến lượt đứa em nhỏ cũng lên đường, vì muốn báo thù cho hai thằng anh. Tôi có cản cách nào cũng không được… Ông Cha ơi, tôi đâu có muốn báo thù. Tôi đâu có muốn con mình sống với thù hận. Nhưng mà thù hận lại cứ như một thứ cỏ độc đã len lỏi bám vào trong tâm hồn của những đứa con tôi. Thù hận đẩy chúng nó đến chọn lựa bạo lực và tự huỷ chính mình như vậy đó…
Im lặng một hồi, rồi bà lại tiếp:
– Tôi đã phải vô cùng vất vả để dạy chúng nó rằng Êritrea hay Êthiopia, Amhara, Tigray, hay Oromo gì đi nữa thì cũng là anh em với nhau thôi mà. Đánh đấm cho lắm vào thì cũng chỉ là huynh đệ tương tàn, chứ làm gì có cuộc chiến anh hùng nào ở đây! Chúng tôi đã từng là một dân tộc, nói cùng một ngôn ngữ, ăn cùng một loại thức ăn, uống cùng một loại nước uống. Chúng tôi đã từng cùng chia nhau bao là gian khổ trong suốt thời gian nghèo đói. Tại sao bây giờ phải phân biệt bên này bên kia? Tại sao phải ghét phải thù những người cùng sắc tộc với mình chứ? Thù hận nào cũng đẩy con người đi đến chiến tranh ông Cha à. Nếu không phải là chiến tranh với người khác, thì cũng là những đốm lửa chiến tranh âm ỉ trong lòng mình và huỷ hoại chính mình mà thôi, phải không ông Cha?
Tôi ngồi lặng nghe những lời tâm sự và nhắn nhủ của bà. Bà đã cố gắng nói với tôi bằng một giọng rất điềm tĩnh, với một thứ tiếng Anh rất rõ ràng và rành mạch. Nhưng trên gương mặt của bà là những giọt nước mắt vẫn chảy dài. Những giọt nước mắt của một người mẹ khóc cho bao xương máu đổ ra từ chính những đứa con của mình. Những giọt nước mắt của một người mẹ khóc cho bao xương máu đổ ra chỉ vì hận thù và bạo lực cách vô nghĩa.
Những giọt nước mắt chảy dài
Như những dòng sông…
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog