Tin mừng: Mc 1, 40-45
40 Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!”42 Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay,44 và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
NGƯỜI BỊ HỦI VÀ CÁI CHẠM CỦA TÌNH YÊU
Bộ phim “Bí mật dưới đáy hồ” của Mỹ kể lại hành trình đi tìm công lý của Megan, một người mẹ trẻ. Megan vốn dĩ có một gia đình rất hạnh phúc cùng chồng và hai người con. Một tối nọ, khi chồng cô đang lái xe đưa cả gia đình về nhà, đã bị chiếc xe do nhóm thanh thiếu niên đi ngược chiều gây tai nạn và bỏ chạy. Megan được cứu thoát, nhưng chồng và cả hai người con của cô qua đời. Sau vài tháng điều trị trong bệnh viện, Megan đã hồi phục và bắt đầu hành trình tìm kiếm người lái xe đã gây cái chết cho gia đình cô. Trong lúc đau khổ vì không còn người thân yêu bên mình, cô lại bị bạn bè và thậm chí người bạn thân của cô bỏ rơi, vì họ cho rằng cô có vấn đề về tâm lý và họ sợ bị liên lụy khi ở gần cô. Mong muốn tìm lại công lý cho chồng và con đã giúp cô vượt qua sự xa lánh của người khác. Cuối cùng, cô may mắn gặp được Laura, người thuê nhà của cô. Laura cũng vừa trải qua nỗi đau mất chồng do bị ung thư, cô thấu hiểu hoàn cảnh của Megan. Nhờ sự quan tâm và chia sẻ của Laura, Megan đã dần dần vượt qua sự cô đơn và hội nhập lại với cuộc sống bình thường.
Câu chuyện của Megan chắc chắn vẫn đang xảy ra trong cuộc sống thực tế xung quanh chúng ta. Thật vậy, trong xã hội ngày hôm nay, có những con người không mắc chứng bệnh hủi thể lý, nhưng họ lại đang phải đối diện với thái độ hắt hủi, lạnh nhạt, vô cảm của người khác trong xã hội, thậm chí trong gia đình và cộng đoàn. Tình trạng bị hắt hủi ấy còn tệ hại hơn tình trạng những người mắc bệnh phong hủi phải cách ly khỏi xã hội về mặt thể lý. Chính vì thế, các bài đọc phụng vụ của Chúa Nhật VI Thường Niên năm B hôm nay mời gọi mỗi ki-tô hữu: hãy nhìn ra xung quanh xem ai là người đang bị chúng ta hắt hủi; để rồi hãy học nơi Chúa Giê-su, mặc lấy trái tim thương cảm, xoa dịu nỗi đau nơi họ và đem họ trở về với cộng đoàn và xã hội.
Thời Chúa Giê-su, những người mắc bệnh phong cùi phải sống biệt lập với gia đình và xã hội, họ “phải ở riêng một mình ngoài trại,” “mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế” khi họ gặp một ai đó để người đó tránh xa (Lv 13, 45). Vì thế, không ai được tiếp xúc trực tiếp với người phong hủi; nếu có ai chẳng may lỡ chạm vào họ thì người đó cũng phải cách ly khỏi cộng đoàn cho tới khi được thanh tẩy và được công nhận là không nhiễm bệnh. Kinh nghiệm sống trong thời gian đại dịch Covid19 vừa qua đã cho chúng ta hiểu được phần nào lý do những người phong cùi thời Chúa Giê-su phải sống cách ly để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Cũng giống bao người Do thái khác bị áp chế bởi luật Mô-sê, Chúa Giê-su cũng không được tiếp xúc với người phong hủi. Tuy nhiên, khi thấy một người bệnh cùi đến quỳ xuống và van xin, “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch,” Chúa Giê-su đã chẳng chút do dự và chần chừ, “lòng thương” đã thúc giục Người đặt tay trên người ấy và chữa anh khỏi ngay lập tức.
Là Con Thiên Chúa, Chúa Giê-su chỉ cần phán một lời là người bệnh có thể được khỏi, nhưng Chúa Giê-su lại chọn cách đặt tay trên người phong hủi để chữa anh ta. Có lẽ, việc chữa lành của Chúa Giê-su không nhằm nhấn mạnh quyền năng của Thiên Chúa, nhưng Người muốn đề cao luật tình yêu lên trên các tiêu chuẩn lề luật của con người và cho thấy sức mạnh chữa lành nội tại trong quan hệ yêu thương giữa người với người. Bằng việc “giơ tay đặt trên người ấy” cùng với “động lòng thương,” Chúa Giê-su không chỉ chữa lành thể lý cho người phong hủi, mà Người còn xóa bỏ rào cản trong cộng đoàn và làm nổi bật sức mạnh biến đổi của tinh thần tiếp nhận người khác. Nhờ được Chúa Giê-su chạm tay vào, người phong hủi được gia nhập lại với gia đình, với cộng đoàn, và ngay lập tức anh ta “liền cao rao và loan truyền tin ‘vui anh ta đã được đón nhận’.”
Khi lựa chọn đặt tay trên người phong hủi, Chúa Giê-su cũng sẵn sàng chấp nhận sẽ bị “lây lan” từ anh ta thái độ hắt hủi nơi người khác. Vì thế, sau khi chữa lành cho người phong hủi, “Chúa Giê-su không thể công khai vào thành nào được,” nhưng Người vẫn vui vẻ tiếp tục rao giảng và chữa lành cho nhiều người từ vị trí của mình. Nhìn vào vị trí hoán đổi của Chúa Giê-su với người phong hủi, chúng ta có thể thấy tình yêu của Thiên Chúa có sức đưa người bên lề xã hội vào trong lòng xã hội. Và để rồi, chính trong thân phận của người “ngoài thành,” Chúa Giê-su lại qui tụ con người từ khắp nơi đến với mình.
Là những người tin theo Chúa Giê-su, chúng ta đã và đang đối xử thế nào với anh chị em ốm đau, bệnh tật, cô đơn, thấp kém trong xã hội và trong cộng đoàn? Chúng ta có sẵn sàng “giơ tay đặt trên họ” để cảm thông, chia sẻ và chữa lành họ, hay là chúng ta lại đang nhẫn tâm hắt hủi, tránh xa, và mặc kệ họ? Theo lẽ tự nhiên, không ai muốn mình bị gánh nặng bởi người khác, nhưng trong niềm tin của Ki-tô giáo, tất cả chúng ta là một chi thể trong Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô, vì thế, chẳng ai lại hắt hủi chính mình. Chính vì thế, Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô đã hướng dẫn chúng ta cách thức để sống đúng tinh thần của người môn đệ Chúa Giê-su, “dầu anh em ăn, dầu anh em uống, dầu anh em làm việc gì khác, anh em hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa. Anh em đừng nên cớ cho người Do-thái, dân ngoại hay Hội thánh của Thiên Chúa phải vấp phạm. Như tôi đây, tôi cố làm hài lòng mọi người trong mọi sự, không tìm điều gì lợi ích cho tôi, nhưng tìm điều lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi. Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Ðức Kitô” (1 Cr 10, 31-11,1).
Chúa Giê-su đã tiếp nhận tất cả, kể cả những tội nhân như chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy học nơi Chúa, hãy có lòng thương cảm và trái tim quảng đại để tiếp nhận và nâng đỡ mọi người, cho dù người đó là ai. Bằng tình yêu và hành động của mình, Chúa Giê-su đã giải phóng người phong hủi khỏi sự ruồng bỏ của xã hội và làm cho anh ta nên sạch, không chỉ sạch về bệnh thể lý nhưng sạch khỏi những u sầu do bị cách ly khỏi cộng đoàn. Vì thế, trong những ngày tết này, là dịp thuận tiện để chúng ta nhìn lại mình, “cố làm hài lòng mọi người trong mọi sự,” và hàn gắn lại những mối dây rạn rứt do sự lạnh nhạt và sự ích kỷ của mình. Chúng ta cũng được mời gọi dùng những nghĩa cử nhỏ bé của mình, cho dù chỉ là lời thăm hỏi hoặc cái bắt tay thân thiện, nhưng nếu chúng ta làm “cho sáng danh Chúa,” Thiên Chúa sẽ chúc lành, để rồi ngang qua những việc làm của chúng ta, nhiều anh chị em có thêm động lực để sống vui trở lại trong niềm vui của cộng đoàn. Năm Mới sẽ ý nghĩa biết bao nếu chúng ta biết mang lại niềm vui của Chúa cho người khác ngay từ những ngày đầu của Năm Mới. Và lời cầu chúc Năm Mới của chúng ta sẽ có sức mạnh phi thường nếu chúng ta biết hiện thực hóa ngay trong chính đời sống của mỗi người trong tương quan với anh chị em xung quanh.
Nt. Agnes Lien Do, OP