Chương 6: Êthiopia
31. Ơ hay, tại sao ta sống chốn này?
Vào một sáng đẹp trời, tôi giật mình thức giấc và nhận ra mình đang ở tại Addis Ababa, thủ đô của đất nước Êthiopia. Tại sao lại là Êthiopia? Thật lòng tôi cũng không biết nữa.
Sau hơn 4 tháng được sống ở các nước Đông Phi, tự chuẩn bị cho mình một vốn liếng tiếng Swahili tàm tạm đủ để có thể vừa múa máy tay chân vừa giao tiếp cơ bản, tự dưng một ngày đẹp trời tôi thấy tôi đang lạc giữa vùng văn hoá của những người nói tiếng Ge’ez và Amharic. Ngôn ngữ của họ được ký hiệu bằng thứ mẫu tự mà tôi chẳng thể nào đọc được. Tôi tự giễu mình: à ha, thế là bạn lại thêm một lần nữa phải rơi vào tình trạng mù chữ! Rồi sau đó lại tự an ủi mình: cũng tốt chứ sao, thế là bạn lại có cơ hội để học thêm ngôn ngữ mới nữa rồi đó. Học được bao nhiêu thì học thôi!
Biết là tôi ước muốn được làm việc trong các trại tị nạn, một hôm một linh mục bạn giới thiệu với tôi rằng có một trại tị nạn đang rất cần linh mục. Trại tị nạn ấy đón nhận nhiều người tháo chạy từ Eritrea, Somalia, Djibouti, và Nam Sudan… tôi có sẵn sàng đến ở với họ không? Không cần suy nghĩ và lưỡng lự, tôi gật đầu ngay. Gật đầu xong, về kiểm tra lại, tôi mới nhận ra rằng trại tị nạn ấy nằm ở tận Êthiopia, trên vùng đồi núi cao gần 2500m trên mực nước biển.
Thế là vừa tạm quen với cái nóng cháy da của vùng Đông Phi, giờ thì ta lại bắt tay làm bạn với cái lạnh teo của vùng đồi núi Êthiopia vậy! Vừa tạm hài lòng với mình trong cái ơn vừa nói năng vừa vung tay loạn xạ, thì Chúa lại cho mình cơ hội để luyện tập ơn khiêm tốn lắng nghe và phải chịu khó học thêm ngôn ngữ mới. Chúa thiệt hay quá là hay!
Một sớm co ro trong chiếc áo lạnh trên đường phố Addis Ababa xa lạ, tôi một mình lẩm nhẩm câu hát của Vũ Thành An: ơ hay, tại sao ta sống chốn này? Quay cuồng mãi hoài, có gì vui?…
Tại sao tôi đến chốn này thì đã có câu trả lời rồi. Quay cuồng chốn này này có gì vui không? Có chứ. Nhiều lắm! Giờ tôi lại có thể bắt đầu kể cho các bạn nghe về một Châu Phi rất khác đây!
Êthiopia là đất nước đông dân thứ 2 của Châu Phi, chỉ sau Nigeria. Đất nước Êthiopia nằm ngay dưới chân Biển Đỏ và vịnh Aden, trên vùng đất được gọi là Sừng Châu Phi. Đây là đất nước có nhiều điều lạ lùng lắm.
Nơi đây, mỗi năm đều có 365 hoặc 366 ngày, nhưng lại được chia thành 13 tháng. Từ tháng 1 đến tháng 12, mỗi tháng đều có 30 ngày, vị chi là 360 ngày. 5 ngày còn lại được gọi là tháng 13. Nếu vào năm nhuần thì tháng 13 sẽ có 6 ngày. Trong truyền thống, tháng 13 thường được dành cho lễ lạc hội hè, vì người dân Êthiopia xem những ngày dôi ra này là quà tặng bonus được Thượng Đế thưởng thêm trong quỹ thời gian của họ.
Thêm nữa, người Êthiopia vẫn còn sử dụng lịch Julian thay vì lịch Gregorian như thế giới Phương Tây. Khi vừa hạ cánh máy bay, chiếc điện thoại của tôi hiện lên lúc 21 giờ tối ngày 03 tháng 05 năm 2024. Nhưng theo lịch của Ethiopia, lúc ấy là 3 giờ tối ngày 25 tháng 08 năm 2016, bởi vì ngày đầu năm mới của lịch Êthiopia rơi vào ngày 11 hoặc 12 tháng 9 theo Tây Lịch. Thế là chỉ sau một quảng đường di chuyển từ Kenya đến Êthiopia tôi lại đi ngược thời gian đến 2808 ngày. Chỉ sau một chuyến bay, tự nhiên cái thấy mình trẻ ra 7 năm 8 tháng 9 ngày luôn!
Bạn đừng ngạc nhiên khi tôi nói 9 giờ tối theo lối tính giờ thông thường của chúng ta sẽ trùng vào 3 giờ tối theo cách tính của người Êthiopia. Cả nước Êthiopia vẫn theo cách tính giờ truyền thống rất tự nhiên và đơn giản. Vì đất nước của họ nằm ngay trên đường xích đạo, nên mặt trời thường mọc vào một khung giờ nhất định, là vào lúc 6 giờ sáng theo giờ của Phương Tây. Họ có 12 giờ cho ban ngày và 12 giờ cho ban đêm. Ban ngày, lúc mặt trời mọc được tính là giờ thứ nhất buổi sáng, và lúc mặt trời lặn được tính là giờ thứ mười hai. Ban đêm, lúc mặt trời lặn lại được tính là giờ thứ nhất buổi tối, kéo dài cho đến giờ thứ 12 vào sáng sớm hôm sau. Người Êthiopia không hiểu tại sao người Châu Âu và các nơi khác hay có cách nói 1 giờ sáng, hay 2 giờ sáng, hay 3 giờ sáng. Họ nói: lúc đó trời còn tối om mà kêu sáng là sáng cái gì. Chỉ khi nào mặt trời bắt đầu mọc, thì lúc đó mới bắt đầu được tính là buổi sáng. Nghe rất có lý và khoa học nữa, phải không?
Người dân Êthiopian tự hào rằng họ là đất nước duy nhất ở Châu Phi chưa phải nếm mùi thuộc địa hoá. Chỉ có một thời gian ngắn chính quyền Phátxít Ý của Mussolini đã đem quân xâm lược Êthiopia. Người Ý bắt đầu xây dựng một hệ thống đường ray xe lửa hiện đại trên khắp đất nước Êthiopia. Nhưng chưa đầy 6 năm sau, người dân Êthiopia nổi dậy và đánh đuổi những kẻ xâm lược ra khỏi đất nước mình. Người Êthiopia vẫn hay tự hào kiểu hài hước thế này: thật ra chúng tôi biết rõ những kẻ mang tham vọng xâm lược lắm chứ. Chúng tôi chỉ giả vờ mở cửa cho họ đến đây, cho họ được phép dùng tiền bạc của họ mà ra công gắng sức xây dựng hệ thống đường ray xe lửa cho chúng tôi thôi. Sau khi họ đã làm xong hết mọi sự thì chúng tôi đá đít đuổi họ đi. Đơn giản vậy thôi!
Trong thời cổ đại, Êthiopia là quê hương của nữ hoàng Saba. Kinh Thánh kể lại rằng vị nữ hoàng này đã tìm đến tận Giêrusalem để thử thách sự khôn ngoan của vua Salomon. Hai vị thủ lãnh ấy là biểu tượng đại diện cho hai dân tộc vẫn thường xuyên ngấm ngầm so kè với nhau về sự giàu có và mức độ khôn ngoan của họ qua bao đời. Kinh Thánh kể rằng Salomon đã hoàn toàn chinh phục được nữ hoàng Saba bằng sự giàu có và khôn ngoan tột bậc của mình, đến độ vị nữ hoàng người Êthiopia phải nói lời tán dương và khâm phục: “Tôi đã từng nghe nói về sự thông thái của ngài tại đất nước tôi. Tôi đã không tin, cho đến khi tôi đến đây và đã được tận mắt chứng kiến” (1V 10,6-7).
Thế nhưng người Êthiopia đâu có dễ gì chịu lép vế và khuất phục như thế. Giữa họ có truyền thuyết kể rằng sau cuộc gặp gỡ với vua Salomon, nữ hoàng Saba đã không hề về không. Trên đường trở lại quê hương Saba, bà mang theo một mầm sống vừa được thành hình trong lòng mình, là kết quả của cuộc gặp gỡ đầy thân tình và đầy hương vị với vị vua Salomon vừa khôn ngoan tài giỏi lại vừa phóng khoáng đào hoa. Và mầm sống trong bụng nữ hoàng Saba hôm ấy chính là thuỷ tổ của sắc dân Êthiopia ngày nay.
Vậy nên người Êthiopia vẫn hay tự hào: thật ra họ mới là những người chính gốc mang trong mình dòng máu thuộc về dân được Thiên Chúa chọn đó nhé!
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog