Chương 6: Êthiopia
35. Những đoá hoa chớm nở trên đường phố
Trước đây, tôi đọc thấy trên sách báo rằng Êthiopia thường được kể vào số những nước nghèo nhất trên thế giới. Các cuộc xung đột và nội chiến liên miên đẩy đất nước này vào tình trạng kiệt quệ. Những năm 1984-1985, cả đất nước Êthiopia Xã Hội Chủ Nghĩa trải qua một nạn đói khủng khiếp khiến hơn một triệu người phải chết. Từ đó trở đi, hình như chưa có năm nào trên đất nước này không có người phải chết đói… Mãi cho đến ngày nay, vẫn còn rất nhiều bộ lạc của Êthiopia còn sống đời du mục và bán du mục. Họ chăn nuôi gia súc trên các thảo nguyên, trồng trọt trên những vùng đồi núi gần các hồ nước, và sống trong những khu lều trại đơn sơ nghèo khổ.
Từ khi Addis Ababa trở thành thủ đô và trung tâm phát triển kinh tế của cả đất nước, rất nhiều người đã chọn rời bỏ làng quê để lên phố lập nghiệp. Nhưng rồi chừng như chẳng có nghề nào khác khả dĩ hơn cho những người bỏ quê lên phố ngoài việc ăn xin trên đường.
Đi một vòng quanh những khu phố của Addis Ababa, người ta sẽ gặp rất nhiều người ăn xin ở mọi ngóc ngách trên hè phố. Có rất nhiều ăn xin là trẻ con. Có những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ngay trên hè phố. Đường phố là nhà, là nơi kiếm ăn, là chốn ngả lưng cho những giấc ngủ vật vờ, là trường nuôi dạy những kiếp đời bấp bênh và vô định.
Cảnh trẻ con ăn xin khắp nơi trên đường phố Addis Ababa để lại trong tôi nhiều đau lòng và trăn trở.
Những đứa trẻ lớn lên từ đường phố bao giờ cũng học được cách láo cá của đường phố. Những cặp mắt tròn đen lay láy chỉ chực thấy bóng dáng của một người nước ngoài thì đã ngay lập tức sáng lên theo cách của một loài thú săn mồi. Rất khó để tìm thấy một chút gì đó là ngây thơ và chân thật còn vương sót lại trong những ánh mắt ấy. Bọn trẻ chừng như chỉ được dạy đúng một câu tiếng Anh duy nhất: money, money, give me money! Câu nói ấy được lặp đi lặp lại với giọng điệu mỗi lúc một cay cú và gắt gỏng hơn. Thái độ của bọn trẻ mỗi lúc một trở nên đe doạ và mất lịch sự hơn một khi đã thấy chẳng kiếm chác được gì từ những người khách lạ.
Đằng sau bọ trẻ, có rất nhiều người lớn chống lưng. Họ có thể là bố mẹ, thậm chí là ông bà. Họ vừa hành nghề hành khất vừa huấn luyện bọn trẻ con trở nên những người hành khất và thậm chí là móc túi chuyên nghiệp. Nhiều gia đình chọn việc hành khất như một cái nghề truyền kiếp.
Buổi chiều ngày Lễ Phục Sinh, tôi ra khỏi khu trại tị nạn để đi dạo một vòng quanh thành phố. Vừa đi được một lúc thì tôi đã bị một đám trẻ con bám theo. Có những lúc tôi bị bọn nhóc đùn đẩy về phía nhau. Có vài chú nhóc cho cả tay vào túi áo khoác của tôi. Hôm ấy tôi không mang theo trong túi bất cứ thứ gì khi đi ra ngoài. Sau một hồi bám theo tôi với cái điệp khúc money, money, give me money mà không thu hoạch được gì, bọn trẻ bắt đầu vung tay múa chân loạn xạ và hét lên bằng thứ ngôn ngữ mà tôi chẳng thể nào hiểu nỗi. Một cậu nhóc chừng mười tuổi có vẻ thực sự muốn giằng mặt tôi, nên vừa vung tay vừa lớn tiếng hét lên bằng một thứ tiếng Anh pha đặc sệt giọng Amharic: Here, Addis Ababa. Here Ethiopia. No China. No China.
Tôi thật sự không biết phải phản ứng lại thế nào, nên phản ứng thế nào với bọn nhóc. Trong ánh mắt của bọn nhóc ẩn đầy vẽ giễu cợt và cả bạo lực. Dù không hiểu bọn trẻ nói gì, nhưng qua cung giọng, ánh mắt, và cử chỉ múa máy tay chân đầy hung hăng và bực bội của bọn nhóc, tôi mường tượng được rằng những lời lẽ ấy thật ra chẳng tốt đẹp gì.
Tự nhiên tôi thấy thật may vì mình không hiểu được ngôn ngữ của bọn nhóc. Tôi thật sự không muốn hiểu bọn nhóc đang nói gì, để khỏi phải suy nghĩ thêm và nặng lòng thêm.
Hình như dốt đúng chỗ đúng lúc cũng là một cái hay…
Buổi chiều ngày Phục Sinh, không khí lễ hội vẫn còn vương vất trên đường phố. Để chuẩn bị mừng Lễ, người ta đã sát tế rất nhiều chiên và dê ngay trên đường phố. Da cùng lông của chiên và dê được lột ra, chất thành đống cao nghều nghệu ngay bên vệ đường để bán cho những ai muốn mua về làm thuộc da. Thùng rác thì đầy những đầu và móng chân của các con vật bị giết. Vỉa hè còn vương đầy vết máu. Từ những ống thoát nước bốc lên cái mùi tanh nồng hoà với đủ thứ hương vị trên đường phố.
Tự nhiên tôi thấy thương đến nhói lòng những đứa trẻ phải lớn lên trong chính cái không gian đường phố thế này. Những người có gia đình và nhà cửa đàng hoàng thì đang an hưởng cái ấm cúng của bầu khí Lễ hội, trong mùi cỏ và hương trầm thơm ngát. Còn những đứa trẻ hành khất, cứ sau một mùa lễ hội là lại phải hít thêm cái không khí đầy mùi tanh nồng thế này sao?
Những đoá hoa chỉ vừa chớm nở trên đường phố Addis Ababa, hoặc thậm chí là chưa kịp chớm nở, đã đầy gai góc và đắng đót như vậy rồi sao?
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog