Có lẽ không bao giờ chúng tôi, những tình nguyện viên, lại có thể nghĩ mình được gặp nhau và cùng làm việc với nhau trong hoàn cảnh của đại dịch Covid như thế này. Với tôi đó chỉ có thể là vì một “Tiếng Gọi” trong tim mỗi người. Tiếng gọi của lương tâm tình người mà bất cứ ai khi đã nghe được cũng không thể cưỡng lại. Là một tu sĩ chuẩn bị dọn khấn trọn đời, lẽ ra giờ này hay nói đúng hơn trước đây hơn 4 tháng tôi đã phải có mặt tại Nhà Mẹ của Hội dòng để cùng với các chị em trong lớp bước vào giai đoạn hồi tâm. Tôi đã ước ao ngày đó và đã chuẩn bị mọi thứ để trở về, nhưng tất cả đã thay đổi, và tôi nghĩ chỉ có Thiên Chúa mới thay đổi được kế hoạch của Hội dòng, và của tôi, để thực thi kế hoạch của Ngài cho tôi. Cơn dịch đến và nó đã làm xáo trộn tất cả, đã gây ra bao đau khổ mất mát cho quê hương xứ sở, đặc biệt là thành phố Sài Gòn này. Là một tu sĩ, tôi nghĩ rằng mình không thể đứng ngoài nề của cuộc chiến đấu này khi mà ngoài kia có biết bao anh em đang đau khổ, biết bao bác sĩ nhân viên y tế phải lao lực để cứu chữa các bệnh nhân. Tôi đã bị Lời của Chúa chất vấn trong những Thánh Lễ, giờ cầu nguyện, qua những bài giảng và đặc biệt sự hi sinh quả cảm của các bác sĩ, các nhân viên y tế, và thế là…..tôi đã lên đường.
Trong thời gian chờ đợi để được gọi đi, tôi cũng sợ hãi lắm, không ít lần tôi muốn rút lui vì sợ bị nhiễm bệnh, sợ rằng mình không thể trụ nổi cho đến hết thời hạn, nhưng rồi cuối cùng tôi cũng đã đặt chân đến tuyến đầu như có một sức mạnh lớn thôi thúc tôi. Mặc dù vậy, đến ngày vào việc rồi tôi vẫn sợ, sợ mặc đồ bảo hộ, sợ không thở nổi trong bộ đồ kín mít ấy. Khi một Linh mục của nhóm trước hướng dẫn công việc cho chúng tôi, tôi hiểu được sự nguy hiểm của bệnh nhân nếu như mình làm sai quy tắc không kịp thay bình oxy, hay chểnh mảng việc theo dõi bệnh nhân…. tôi lại sợ…. nhưng rồi tôi vẫn cứ đưa chân vào.
Những ngày đầu, tôi thấy thật khó khăn trong việc điều tiết hơi thở với chiếc khẩu trang vừa cứng lại vừa kín. Lần nào khi ra ca, ai nấy trong chúng tôi cũng ướt nhem như tắm vậy. Ngày đầu tiên làm việc của chúng tôi lại là một ngày oi bức, nên người tôi như bơi trong nước, chiếc túi bảo hộ bọc dưới chân tôi bõng nước, đi đến đâu là ướt nền đến đó vì mồ hôi ra quá nhiều, tôi bắt đầu khát, tôi khát đến nỗi thèm một miếng nước của bệnh nhân một cách kinh khủng. Tôi không thích cà phê nhưng trong lúc đó nhìn người nhà bệnh nhân cầm ly cà phê mà tôi thấy thèm. Chiếc khẩu trang của chúng tôi có những ngày đựng toàn mồ hôi, mỗi hơi thở ra là như thể chúng tôi đang thổi nước trong đó. Sau những lần như vậy, tôi bị ám ảnh bởi bộ đồ bảo hộ, nhưng dần dần khi có thêm kinh nghiệm, tôi có thể ra ca nghỉ một chút rồi vào làm tiếp khi quá mệt mỏi.
Đúng là cứ đứng ngoài thì sẽ không thể hiểu hết được sự vất vả của đội ngũ y bác sĩ cũng như nỗi đau của các bệnh nhân đang phải gánh chịu căn bệnh hiểm nghèo này. Ở đây chúng tôi chủ yếu chăm sóc những bệnh nhân nặng và những người không có người thân. Những bệnh nhân này không những phải đối diện với nỗi đau thể xác, mà họ còn phải chịu đựng nỗi đau tinh thần vì không có người thân ở bên. Đa phần họ đều thất vọng buông xuôi và sự chăm sóc của chúng tôi có bao nhiêu cũng khó có thể bù đắp được cho họ. Nhưng tất cả chúng tôi vẫn cố gắng hết sức bằng sự ủi an, chăm sóc, động viên, tạo ra những niềm vui nho nhỏ để mong có thể gieo một chút mầm của hy vọng dù nhỏ thôi giúp họ sớm vượt qua.
Bây giờ bệnh nhân trở thành nỗi bận tâm và chủ đề chính trong những câu chuyện và lời cầu nguyện hằng ngày của chúng tôi: “hôm nay cô Huệ được chuyển sang khu B (bệnh nhân nhẹ) rồi, vui quá!”; “chị Hạnh hôm nay có anh chồng vào chăm rồi, mừng quá! Chắc chị ấy sẽ nhanh phục hồi thôi”; “hôm sau khi vào ca đem thêm ít bịch khăn ướt, tã, giấy vệ sinh vào vì có thêm nhiều bệnh nhân nặng không có người thân”; “bà Rùm mới vô hôm trước mà hôm sau đã đi rồi lại chẳng có người thân nữa, tội bà quá đi!” Nỗi đau và những bận tâm cho bệnh nhân đi vào trong cả giấc mơ của chúng tôi. Ở đây, niềm vui nỗi buồn đan xen, vui chưa được mấy phút thì nỗi buồn lại ập đến, ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh. Những bệnh nhân đã ra viện hay chuyển viện chúng tôi vẫn tiếp tục hỏi thăm vì muốn biết họ đã thực sự qua nguy hiểm chưa, nghe được tin tốt hay không tốt về họ chúng tôi đều chia sẻ lên nhóm cho nhau để cùng vui và cùng cầu nguyện cho họ.
Tôi thầm cảm ơn Chúa đã cho tôi cơ hội, đã đưa dẫn tôi đến đây để được đồng hành với các bác sĩ và anh em tu sĩ nhóm C20 tại bệnh viện dã chiến Quận 7 số 1 để cùng làm việc và san sẻ gánh nặng cho nhau. Chưa bao giờ tôi thấy một sự chung sức chung lòng cùng nhau vì một lý tưởng phục vụ con người không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng, địa vị như ở đây. Nhóm tôi có một Linh mục Dòng Ngôi Lời, nhỏ nhắn thôi những rất nhiệt tâm nhiệt tình và vui vẻ hết mình, có một thầy Phó tế sắp được dang tay, 2 Thầy và 16 Nữ tu. Chúng tôi đến từ 11 Hội dòng khác nhau nhưng gắn kết và vô cùng vui vẻ, nhiệt huyết, và sáng tạo.
Trước nay, chúng ta vô tình đóng khung Thiên Chúa trong nhà thờ, nơi thờ tự, trong những sinh hoạt của cộng đoàn, giáo xứ nhưng nay tôi đã nhìn thấy một Hội Thánh đang đi ra đến với muôn dân để cùng ưu sầu, lo lắng, vui mừng và hy vọng với họ, như trong lời mở đầu của Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay của Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II đã nói: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Gaudium Et Spes, 1). Đó là một Hội Thánh đang sống, một Hội Thánh mà Đức Giêsu mong đợi. Mỗi người môn đệ Chúa Kitô khi thi hành điều đó là lúc họ đang tiếp thêm oxy để Hội Thánh sống mạnh mẽ hơn và đúng bản chất hơn.
Hành trình đã trải qua tôi sẽ không bao giờ quên, đó thực sự là quãng thời gian hồi tâm đúng nghĩa cho đời tu của tôi mà có lẽ sẽ không bao giờ được lặp lại nữa. Đó cũng là những kỉ niệm đẹp với gia đình C20 yêu dấu, với những bệnh nhân và những người tôi đã gặp như những bác sĩ và anh chị điều dưỡng tận tình, những bác tài xế chăm chỉ chở chúng tôi đi làm, anh chị chủ khách sạn và những cô chú nhân viên hiếu khách, các anh em bộ đội dân quân dễ mến, v.v.. Cảm ơn tất cả đã cho tôi một miền kí ức tuyệt vời, một hành trang mới cho một giai đoạn mới trong cuộc đời dâng hiến của tôi. Khi tôi vừa trở về cộng đoàn, một người em của tôi đã hỏi, “Chị còn muốn đi nữa không?” Tôi mỉm cười và nói, “Nếu chị muốn và Chúa cũng muốn thì cưỡng lại sao được.” Hãy lắng nghe tiếng con tim và đi đến tất cả những nơi mà Thiên Chúa muốn, bạn sẽ khám phá ra những món quà bất ngờ thú vị mà Ngài dành tặng cho riêng bạn.
Thy Ân